Italo Calvino – Tại sao đọc tác phẩm kinh điển?

 

Italo Calvino

Tại sao đọc tác phẩm kinh điển?

Duy Đoàn chuyển ngữ từ bản tiếng Anh của Patrick Creagh (có tham khảo thêm bản dịch Anh ngữ khác của Martin McLaughlin)

 

Ta hãy bắt đầu bằng một vài định nghĩa được đề xuất.

1) Tác phẩm kinh điển là những cuốn sách mà ta thường nghe người khác nói: “Tôi đang đọc lại…” và chưa bao giờ nói “Tôi đang đọc…”

Chí ít điều này xảy ra ở những người tự xem mình là “đọc nhiều”. Nó không đúng cho những người trẻ ở độ tuổi mà lần đầu tiên chạm trán cõi sống này, và những tác phẩm kinh điển vốn là một phần của cõi sống đó.

Cái chữ “lại” nằm kế động từ “đọc” có thể là một thói đạo đức giả nho nhỏ của những người thấy xấu hổ khi thừa nhận họ chưa đọc một cuốn sách nổi tiếng nào đó. Để trấn an họ, chúng ta chỉ cần nhận định rằng, dẫu cho mức đọc căn bản của bất kì ai có rộng lớn đến đâu, thì vẫn còn đó một lượng khổng lồ các tác phẩm nền tảng mà họ chưa đọc.

Giơ tay lên nào, ai đã đọc toàn tập Herodotus và toàn tập Thucydides! Và Saint-Simon? Và Hồng y de Retz? Nhưng ngay cả những bộ tiểu thuyết vĩ đại của thế kỉ mười chín cũng thường được nói đến nhiều hơn là được đọc. Ở Pháp họ bắt đầu đọc Balzac ở nhà trường, và khi đánh giá theo số lượng bản in lưu hành, ta có thể cho rằng họ tiếp tục đọc ông ấy thậm chí sau khi ra trường, nhưng nếu một cuộc bỏ phiếu Gallup được thực hiện tại Ý, tôi e rằng Balzac sẽ xuất hiện gần cuối danh sách. Người hâm mộ Dickens tại Ý hình thành một tầng lớp ưu tú bé nhỏ; ngay khi các thành viên gặp nhau, họ bắt đầu tán gẫu về các nhân vật và các tập sách như thể họ đang bàn luận về những người hay những thứ mà họ có quen biết. Nhiều năm trước, khi dạy ở Mĩ, Michel Butor chán ngán việc bị người ta hỏi về Emile Zola, người mà ông chưa bao giờ đọc trước đó, thế là ông quyết định đọc tất cả bộ Rougon-Macquart. Ông thấy nó hoàn toàn khác với những gì mình đã nghĩ: một gia phả tuyệt diệu mang chất thần thoại và nguồn gốc vũ trụ, mà sau đó ông miêu tả nó trong một bài luận tuyệt vời. Continue reading

Italo Calvino – Từ ngữ thành văn và bất thành văn

 

Italo Calvino

Từ ngữ thành văn và bất thành văn

Duy Đoàn chuyển ngữ từ bản tiếng Anh của William Weaver

Bài nói chuyện này được trình bày tại New York Institute for the Humanities, trong chương trình James Lecture, vào ngày 30/3/1983.

Khi người ta yêu cầu tôi thực hiện một bài nói chuyện, không về một chủ đề đặc biệt nào, mà để tôi tự do chọn lựa chủ đề để nói, tôi cảm thấy phần nào lúng túng.

Thường khi tôi viết tôi cảm thấy bản thân mình được bảo vệ đằng sau cái đối tượng cứng cáp được gọi là văn bản viết, nó sẽ tuỳ thuộc công chúng khi đọc nó, hoặc nếu họ thấy không hài lòng, cứ buông nó ra bất kì lúc nào. Còn một bài nói chuyện thì ngược lại, tôi phải đối diện không chỉ với cử toạ mà còn với vấn đề bên trong tôi: Cử toạ này sẽ kì vọng điều gì từ những lời của tôi? Khi tôi phải diễn thuyết bằng một ngôn ngữ không phải ngôn ngữ của chính mình, một vấn đề khác trỗi dậy: Liệu những ngôn từ tôi đang nghĩ có giống với những cái tôi đang nói và với những cái thính giả sẽ tiếp nhận không?

Để khắc phục những khó khăn này, tôi bắt đầu để xung quanh mình mấy cuốn từ điển, như thể từ chúng mà giải pháp sẽ xuất hiện ra. Chẳng hạn, tôi có thể tìm từ “lecture” và xem thử từ đó gợi ra cho tôi điều gì.

“Lecture” theo từ điển Webster nghĩa là: “a) một bài nói chuyện truyền tải kiến thức được thực hiện trước cử toạ và thường được chuẩn bị trước; b) văn bản của một bài nói chuyện như vậy.” Do đó, tôi ở đây, đang chuẩn bị bài nói chuyện của mình cho tử tế, và những trang giấy tôi đang giữ trong tay mình là cái văn bản tôi đã viết ra. Không thể ứng biến, tôi buộc phải đọc, cảm thấy dễ chịu bởi từ nguyên Latin của từ “lecture”, cũng do Webster đưa ra. Ở bất kì trường hợp nào, tôi không bao giờ có thể thoát khỏi số phận của mình: ở ngoài công chúng cũng như trong đời sống riêng tư tôi luôn giữ trang viết cách mũi mình mấy cm. Trong suốt chuyến đi để gia nhập các vị đây, trên phi cơ băng ngang đại dương, và sau đó khi ngồi trên xe taxi băng qua Manhattan, tôi đọc lại văn bản của mình, cũng để thực hành phần phát âm; và thi thoảng tôi ngước mắt lên khỏi trang giấy, nhìn quanh quất, khám phá ra một thế giới khác hoàn toàn so với thế giới bên trong trang viết; mỗi lần tôi bắt đầu đọc lại, tôi càng thấy khốn hoặc, và cứ mỗi lần thì văn bản đó lại trông khác trước. Tình trạng gián đoạn này giữa trang viết, vốn bất động và ổn định, với cái thế giới phong phú di động bên ngoài trang giấy chưa bao giờ thất bại trong việc làm tôi sửng sốt: thậm chí giờ đây, ở hội trường này, mỗi lần tôi ngước mắt lên nhìn cử toạ, tôi nghe mình có một cảm giác bối rối quen thuộc, và tôi tự hỏi: Tại sao tôi lại viết những thứ tôi đã viết? Continue reading

Michael Wood – Những bức thư của Italo Calvino

 

Michael Wood

Những bức thư của Italo Calvino

Duy Đoàn chuyển ngữ

 

Italo Calvino là người dè dặt khi nói về cuộc đời mình và cuộc đời người khác, và hoài nghi về cái dụng của tiểu sử. Ông hiểu rằng  phần nhiều cõi sống mà ta đang ngự trị được cấu thành từ những kí hiệu, và hiểu rằng các kí hiệu có thể cất tiếng nói hùng hồn hơn những sự kiện. Ông sinh ra tại San Remo ở Liguria chăng? Không đâu, ông sinh ra tại Santiago de las Vegas ở Cuba, nhưng bởi vì “chỉ mỗi một nơi sinh dị thường thì không cung cấp thông tin về bất kì điều gì cả”, nên ông cho phép cụm “sinh ra tại San Remo” xuất hiện liên tục ở những ghi chú tiểu sử về mình. Không giống sự thật, ông cho rằng sự sai lệch này nói được một điều gì đó về con người ông xét như một nhà văn, về “thế giới sáng tạo” của ông (lá thư ngày 21 tháng Mười một, 1967), “phong cảnh và môi trường … vốn định hình cuộc đời ông” (ngày 5 tháng Tư, 1967).

Tức là bản tiểu sử tốt nhất có thể là một tác phẩm văn chương thận trọng, và Calvino cũng có xu hướng nghĩ rằng tác phẩm của nhà văn là tất cả phần tiểu sử mà bất kì ai cũng thực sự cần đến. Trong những lá thư ông cứ trở đi trở lại về nhu cầu cần chú tâm đến đối tượng văn chương thực thụ thay vì chú tâm đến tác giả tưởng tượng. “Đối với nhà phê bình, tác giả không hiện hữu, chỉ có một lượng tác phẩm nhất định hiện hữu thôi” (ngày 24 tháng Mười một, 1967). “Một văn bản phải là thứ có thể được đọc và được đánh giá mà không cần tham chiếu đến sự hiện hữu hay bất kì thứ gì khác của một người có tên họ xuất hiện trên bìa sách” (ngày 9 tháng Bảy, 1971). “Hình tượng công chúng của nhà văn, nhân vật nhà văn, sự ‘sùng bái cá nhân” về tác giả, tất cả những thứ đó đối với tôi đang trở nên càng lúc càng không thể chịu được ở kẻ khác, và do đó ở chính bản thân tôi” (ngày 16 tháng Chín, 1968).

Những khẳng định như vậy bắt đầu gợi lên điều được gọi là cái chết của tác giả, mặc dù nó hãy còn được xem là một viễn cảnh hoặc một nguyên tắc thôi, và trong một bài nói chuyện có nhan đề “Điều khiển học và những bóng ma”, Calvino triển khai khái niệm này bằng lối hành văn táo bạo mang tính lí thuyết và đầy tính luận chiến. Bài nói chuyện ấy là vào năm 1967, một năm trước khi Roland Barthes làm cho chủ đề ấy trở nên khét tiếng tại Pháp và cộng đồng Anh ngữ. Ông cũng dùng cái ẩn dụ đặc biệt về cái chết tác giả trong một bức thư cùng năm đó (ngày 24 tháng Mười một, 1967), và trong vài bức thư khác. “Và thế là tác giả biến mất”, Calvino nói trong bài nói chuyện của mình, “- đứa con hư hỏng ấy của sự vô tri –  nhằm nhường chỗ cho một con người sâu sắc hơn, đó là một người biết được rằng tác giả là một cỗ máy, và biết được cách thức hoạt động của cỗ máy này”. Chúng ta chú ý rằng một cỗ máy thay thế cho một huyền thoại, nhưng một người thật (và sâu sắc) thì thay thế cho một ảo tưởng thiếu suy nghĩ, và Calvino thêm vào rằng chúng ta sẽ có được “kết quả thi vị… chỉ khi cỗ máy viết lách ấy được bao quanh bởi các bóng ma ẩn mình của cá nhân và của xã hội người đó”.  Continue reading

The Paris Review – Nghệ thuật hư cấu, số 130: Italo Calvino (phần 2, hết)

Calvino, Italo 02

 

Những suy nghĩ trước giờ phỏng vấn

Mỗi sáng tôi tự nhủ, Hôm nay phải viết lách cho ra trò đấy – thế rồi lại có thứ gì đó xảy đến ngăn tôi không viết được. Hôm nay… có gì mà tôi phải làm trong hôm nay nhỉ? À đúng rồi, bọn họ muốn đến phỏng vấn mình. Tôi e là cuốn tiểu thuyết của mình sẽ không nhích tới được bước nào. Luôn có thứ gì đó xảy đến. Mỗi sáng tôi biết luôn là mình sẽ lãng phí cả ngày hôm ấy. Lúc nào cũng có chuyện làm: đến ngân hàng, đến bưu điện, trả tiền cước phí này nọ… luôn có mớ hành chính bùi nhùi nào đó để tôi xử lí. Trong khi ra ngoài thì tôi cũng làm mấy việc vặt như đi chợ cho ngày hôm đó: mua bánh mì, mua thịt hay mua rau quả gì đó. Chuyện đầu tiên là tôi mua báo. Một khi người ta đã mua báo thì họ sẽ bắt đầu đọc nó ngay khi về đến nhà – hoặc ít nhất cũng nhìn vào mấy dòng tít để thuyết phục bản thân là chả có thứ gì đáng đọc. Mỗi ngày, tôi tự nhủ rằng đọc báo là chuyện lãng phí thời giờ, nhưng rồi… tôi không thể làm gì nếu không đọc báo. Chúng như thuốc kích thích vậy. Nói ngắn gọn là chỉ khi chiều về thì tôi mới ngồi trước bàn làm việc được, và bàn làm việc lúc nào cũng chất đống thư từ này nọ đang đợi tôi trả lời mà tôi thậm chí còn không biết đám thư từ đó đã chờ tôi bao lâu rồi, đó đúng là một chướng ngại vật khác cần vượt qua.

Rốt cuộc thì tôi cũng đặt bút viết, rồi những vấn đề thực sự mới bắt đầu xuất hiện. Nếu tôi bắt đầu viết từ con số không, thì đó là thời điểm gian khổ nhất, nhưng cho dù tôi phải viết tiếp thứ đã viết hôm kia, thì bao giờ tôi cũng lâm vào ngõ cụt, nơi đó nảy sinh một chướng ngại mới cần phải vượt qua. Và chỉ khi chiều tà thì tôi mới bắt đầu viết dứt khoát các câu chữ, chỉnh sửa chúng, bôi xoá chúng, rồi viết đè lên những câu này sinh bất chợt, rồi viết lại. Ngay lúc này đây thì thường có chuông điện thoại hay chuông cửa vang lên, tiếp theo là một người bạn nào đó, một vị dịch giả nào đó hoặc một tay phỏng vấn nào đó xuất hiện. Nói đến vụ đó… chiều nay… những tay phỏng vấn… tôi không biết liệu mình có thời gian chuẩn bị không nữa. Tôi có thể rán tuỳ cơ ứng biến nhưng tôi nghĩ một cuộc phỏng vấn cần được chuẩn bị trước để trông có vẻ tự nhiên. Hiếm có lúc nào mà người phỏng vấn hỏi bạn những câu nằm ngoài mong đợi. Tôi đã thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn và kết luận rằng mấy câu hỏi lúc nào cũng y chang nhau. Tôi lúc nào cũng có thể đưa ra những câu trả lời giống nhau. Nhưng tôi nghĩ là mình phải thay đổi câu tả lời thôi, bởi với mỗi cuộc phỏng vấn thì có gì đó thay đổi trong tôi hay ở ngoài cõi sống này. Một câu trả lời đúng cho lần đầu có thể không còn đúng nữa cho lần thứ nhì. Điều này có thể làm cơ sở cho một cuốn sách. Tôi được người ta đưa cho danh sách các câu hỏi, bao giờ cũng giống nhau; mỗi chương sẽ chứa đựng những câu trả lời của tôi đưa ra vào những thời điểm khác nhau. Những thay đổi sẽ chứa những câu trả lời tôi đưa ra vào những thời điểm khác nhau. Những thay đổi khi đó sẽ thành cuộc hành trình, thành câu chuyện nơi trú ngụ của nhân vật chính. Có lẽ theo cách này thì tôi có thể khám phá được những sự thật nào đó về bản thân mình.

Nhưng tôi phải về nhà – sắp tới giờ phỏng vấn rồi.

Xin Chúa giúp tôi!

– Italo Calvino  Continue reading

The Paris Review – Nghệ thuật hư cấu, số 130: Italo Calvino (phần 1)

 

Khi nghe tin Italo Calvino qua đời hồi tháng Chín năm 1985, John Updike nhận xét, “Calvino là nhà văn thiên tài và thông minh. Ông mang tác phẩm hư cấu đến những nơi chốn mới mẻ nào giờ chưa ai từng thấy, và đem nó quay trở về với lối dẫn chuyện từ những nguồn suối cổ tích và cổ xưa.” Ở thời điểm ấy, Calvino là nhà văn Ý xuất chúng, ảnh hưởng từ những tiểu thuyết và mấy câu chuyện huyễn tưởng của ông đã vượt hẳn ra ngoài Địa-trung-hải.

Hai năm trước đó, tờ The Paris Review đã yêu cầu thực hiện phỏng vấn Italo Calvino cho chuyên mục Writers at Work, và uỷ thác nhiệm vụ đó cho William Weaver, dịch giả gắn bó lâu năm với Calvino. Nhiệm vụ đó không bao giờ hoàn thành được, dẫu cho sau này Weaver có viết lại phần giới thiệu như hành động tưởng nhớ. Tuy nhiên sau đó, The Paris Review đã mua lại bản ghi chép từ cuộn băng phỏng vấn Calvino (do Damien Pettigrew và Gaspard Di Caro đạo diễn và sản xuất) và mua cả hồi kí của Pietro Citati, một nhà phê bình người Ý. Ba phần chọn lọc này cùng với đoạn ghi chép những suy nghĩ của Calvino trước lúc phỏng vấn, những thứ đó hợp lại tạo ra một bức tranh ghép, một bức chân dung gián tiếp về nhà văn này.

– Rowan Gaither, 1992  Continue reading

Italo Calvino – Nhà văn và thành phố

Italo Calvino

Nhà văn và thành phố

Duy Đoàn chuyển ngữ từ bản tiếng Anh của Martin McLaughlin

Nếu ta thừa nhận rằng tác phẩm của một nhà văn chịu sự ảnh hưởng từ môi trường sống nơi nó được sản sinh ra, từ các yếu tố của cảnh vật xung quanh, thì khi đó ta phải thừa nhận Torino là thành phố lí tưởng để làm công chuyện viết lách. Tôi không hiểu người ta làm sao mà xoay xở viết lách này nọ được ở những chốn đô thành tại đó những hình ảnh của hiện tại quá ư tràn ngập và mãnh liệt đến nỗi chúng chẳng cho nhà văn chút khoảng trống hay khoảng tĩnh lặng nào bên lề. Ở thành phố Torino này, bạn có thể viết lách bởi vì quá khứ và tương lai nổi bật hơn hẳn so với hiện tại, lực đẩy của lịch sử quá khứ và dự liệu của tương lai đã đem lại tính cụ thể và cảm quan đối với những hình ảnh rời rạc, có trật tự của ngày nay. Torino là thành phố lôi cuốn nhà văn hướng đến cái tinh lực, theo một lối thẳng tiến, hướng đến một phong cách. Nó cổ xuý tính luận lí, và thông qua luận lí nó mở lối vào chốn cuồng điên.  Continue reading

Italo Calvino – Chỉ cần vậy thôi

 

Italo Calvino

Chỉ cần vậy thôi

Duy Đoàn chuyển ngữ từ bản tiếng Anh của Tim Parks

 

Tại một ngôi làng nọ mọi thứ đều bị cấm đoán.

Duy có một thứ không bị cấm là trò đánh trỏng, thế là người dân ở đó cứ hay tụ lại trên cánh đồng phía sau ngôi làng và chơi trò đó cả ngày trời.

Khi bộ luật ban lệnh cấm thì mỗi lần cấm một món và lúc nào cũng kèm theo lí do rất ổn, nên không ai tìm ra được lí do nào để than phiền, mà họ cũng chẳng gặp chút vấn đề gì để quen dần với điều đó.

Nhiều năm trôi qua. Một ngày kia, mấy vị quan chức thấy là không còn nguyên cớ nào để cấm đoán mọi thứ nữa, thế là họ cho người đi đưa tin là người dân có thể làm bất kì điều gì họ muốn.

Người đưa tin đến những nơi mà dân làng thường hay tụ tập.

‘Này này, các vị,’ họ lên tiếng thông báo, ‘bây giờ mọi thứ không còn bị cấm đoán nữa rồi.’

Bà con vẫn cứ chơi đánh trỏng.

‘Quí vị hiểu chớ?’ người đưa tin khẳng định lại. ‘Quí vị hoàn toàn tự do muốn làm gì thì làm.’

‘Ờ, tốt,’ bà con đáp lại. ‘Bọn tui đang chơi đánh trỏng.’

Thế là người đưa tin ra sức nhắc cho họ nhớ về những trò tuyệt diệu và hữu ích mà ngày xưa họ đã làm và giờ có thể làm lại lần nữa. Nhưng người dân không ai nghe cả và cứ tiếp tục chơi, đánh hết cú này đến cú khác, thậm chí không thèm nghỉ xả hơi nữa.

Sau khi thấy mọi nỗ lực đều vô ích, người đưa tin trở về báo cáo với mấy vị quan chức.

‘Dễ thôi,’ mấy vị quan chức nói. ‘Ta hãy cấm trò đánh trỏng này.’

Khi ban hành lệnh cấm đó, thì bà con nổi dậy giết sạch bọn quan chức ấy.

Sau đó ngay tức thì, không một chút chậm trễ, bà con quay trở lại tiếp tục chơi trò đánh trỏng.  Continue reading

Italo Calvino – Tia sáng

 

Italo Calvino

Tia sáng

Duy Đoàn chuyển ngữ từ bản tiếng Anh của Tim Parks

 

Nó xuất hiện vào một ngày nọ, ở ngã tư đường, ngay giữa đám đông, với dòng người qua lại.

Tôi dừng lại, chớp mắt: tôi không hiểu gì cả. Không có gì, không một thứ gì về bất kì điều gì: tôi không hiểu nguyên cớ nào cho các sự vật hoặc cho con người ta, toàn bộ đều vô nghĩa và lố bịch. Và tôi bắt đầu cười phá lên.

Cái tôi thấy lạ lúc đó là trước đây tôi chưa bao giờ nhận ra điều này. Cho đến lúc ấy tôi đã chấp nhận mọi thứ rồi: đèn tín hiệu giao thông, mấy tấm áp-phích, những bộ đồng phục, những tượng đài, những thứ hoàn toàn tách biệt khỏi bất kì ý nghĩa nào trong cõi sống này, chấp nhận chúng như thể có một nhu cầu nào đó, một chuỗi nhân quả nào đó buộc chúng lại với nhau.

Rồi tiếng cười chết lặng trong cổ họng, tôi đỏ bừng mặt, xấu hổ. Tôi vẫy tay để thu hút sự chú ý của người ta và nói ‘Dừng lại một lát đi mấy vị!’ Tôi gào lên, ‘có điều gì đó không ổn! Mọi thứ đều không ổn! Chúng ta đang làm những chuyện lố bịch nhất trần đời! Đây không thể là lối đi đúng đắn được! Đâu sẽ là điểm dừng?’  Continue reading

Italo Calvino – Người gào tên Teresa

Italo Calvino

Người gào tên Teresa

Duy Đoàn chuyển ngữ từ bản tiếng Anh của Tim Parks

Tôi bước ra khỏi vỉa hè, lùi lại vài bước, ngước nhìn lên trời, và đứng ở giữa đường đưa tay lên miệng bắc thành cái loa rồi gào về phía tầng cao nhất của toà nhà: ‘Teresa!’

Cái bóng của tôi sợ hãi ánh trăng và quấn lấy đôi chân tôi.

Một ai đó đi ngang qua. Tôi lại gào lên: ‘Teresa!’ Người đàn ông đó tới nói với tôi: ‘Nếu anh không gào lớn hơn thì cô ta không nghe thấy đâu. Hai ta cùng thử nào. Vậy nhé: đếm đến ba, tới ba thì ta cùng gào lên nhé.’ Và anh ta đếm: ‘Một, hai, ba.’ Rồi cả hai chúng tôi cùng gào, ‘Tereeeeesaa!’

Có một nhóm bè bạn mới đi coi hát hoặc mới cà-phê về, đi ngang thấy chúng tôi đang kêu gào. Họ bảo: ‘Nào nào, bọn tôi sẽ cùng gào với các anh.’ Và họ tham gia cùng chúng tôi đứng ngay giữa đường, người đầu tiên đếm một hai ba, rồi mọi người đồng thanh gào lên, ‘Te-reee-saaa!’

Có một người khác đi ngang qua và tham gia cùng chúng tôi; mười lăm phút sau thì đã có một đám bọn tôi ở đó, khoảng hai mươi người. Và cứ một chốc lại có người khác xuất hiện.  Continue reading

Gallery

Đọc bộ “Tổ tiên của chúng ta” của Italo Calvino

This gallery contains 4 photos.

Đầu tháng chín, Hiệp sĩ không hiện hữu , tác phẩm cuối cùng trong bộ ba Tổ tiên của chúng ta của Italo Calvino, đã được Nhã Nam phát hành.  Đối với những người đọc say mê văn của Italo Calvino, … Continue reading

Rate this: