Jorge Luis Borges – Thư viện Babel

Jorge Luis Borges

Thư viện Babel

Duy Đoàn chuyển ngữ từ bản tiếng Anh của Andrew Hurley

Bằng hình thức nghệ thuật này, bạn có thể chiêm nghiệm về biến thể của 23 kí tự…
Anatomy of Melancholy, Pt. 2, Sec II, Mem. IV


Cõi vũ trụ (cái mà người khác gọi là Thư viện) bao gồm một lượng vô hạn định, và có lẽ là bất tận các gian phòng hình lục giác. Ở trung tâm của mỗi gian phòng là một ống thông hơi, bao quanh bởi thanh rào ở tầm thấp. Từ bất kì hình lục giác nào người ta có thể thấy tầng trên và tầng dưới – cái này tiếp theo sau cái nọ, đến vô tận. Sự sắp đặt các gian phòng luôn là như nhau: Hai mươi kệ sách, năm cái mỗi bên, phủ đầy bốn trong số sáu cạnh của hình lục giác; chiều cao các kệ sách, từ sàn nhà đến trần nhà, khó có thể nào hơn chiều cao của một người thủ thư bình thường. Một trong số hai cạnh tự do của hình lục giác mở ra một cái dạng như một hành lang hẹp, cái hành lang này đến phiên nó mở vào một gian phòng khác, tương tự như cái đầu tiên – thực tế là tất cả các gian phòng đều tương tự nhau. Về phía trái hay phải của hành lang là hai cái hốc nhỏ. Một dành cho việc ngủ, ở tư thế thẳng đứng; cái kia, dành cho việc thoả mãn những nhu cầu thể chất của người ta. Cũng thông qua vùng không gian, có một cái cầu thang xoắn ốc đi ngang qua, những cầu thang này xoắn xuýt lên phía trên và xuống phía dưới tiến vào một điểm xa xăm. Trong hành lang có một cái gương, nó sẽ nhân đôi một cách chân thật các hình trạng. Con người thường suy ra từ chiếc gương này rằng Thư viện không phải vô hạn – nếu nó vô hạn, thì cần gì phải có sự sao chép tạo ảo ảnh? Tôi thích mơ ước đến chuyện các bề mặt bóng loáng kia tượng trưng và hứa hẹn cho cái vô hạn… Ánh sáng được mang đến từ những quả cầu mang tên “bóng đèn”. Có hai trong số những bóng đèn ở mỗi gian phòng lục giác, được lắp chéo nhau. Ánh sáng phát ra từ các bóng đèn này không đủ, và không ngừng toả ra.

Như toàn bộ mọi người của Thư viện, vào những ngày trai trẻ của mình tôi cũng đi chu du đây đó; tôi làm một chuyến đi nhằm truy tìm một cuốn sách, có lẽ là một cuốn danh bạ về những danh bạ. Giờ đây thì đôi mắt của tôi khó có thể nhận ra được những gì mình đã viết, tôi đang sẵn sàng chết, cách cái gian phòng nơi tôi sinh ra chừng vài dặm. Khi tôi chết đi, những đôi tay từ bi sẽ ném tôi qua thanh rào; phần mộ của tôi sẽ là bầu không khí huyền bí, cơ thể của tôi sẽ chìm trôi xuống suốt quãng thời gian dài, và sẽ thối rữa và hoà tan vào gió được sinh ra bởi cú ngã của tôi, chuyện này cũng sẽ kéo dài vô hạn. Tôi tuyên bố rằng Thư viện là vô tận. Những người duy tâm biện luận rằng những căn phòng lục giác là hình dạng cần thiết cho một vùng không gian tuyệt đối vẹn toàn, hay ít nhất là cho cảm thức về không gian của chúng ta. Họ biện luận rằng căn phòng hình tam giác hay ngũ giác thì bất khả hình dung. (Phái huyền học cho rằng những sự hưng phấn tột đỉnh đó hé lộ cho họ biết về một căn phòng hình tròn chứa đựng vô số những cuốn sách hình tròn với cái gáy kéo dài liên tục đi trọn vẹn vòng quanh các bức tường. Nhưng lời chứng nhận của họ thì khả nghi, lời nói của họ thì mập mờ. Cuốn sách tuần hoàn đó chính là Chúa trời.) Chỉ lúc ấy thôi cũng đủ để tôi lặp lại câu châm ngôn cổ điển này: Thư viện là một quả cầu mà vị trí trung tâm đích xác của nó là bất kì hình lục giác nào và các đường tròn của nó là thứ không thể vươn tới được.

Ở mỗi bức tường của mỗi phòng lục giác kê năm cái kệ sách; mỗi kệ sách chứa ba mươi hai cuốn sách có khổ tương tự nhau; mỗi cuốn sách chứa trong đó bốn trăm mười trang; mỗi trang, bốn mươi dòng; mỗi dòng; khoảng tám kí tự màu đen. Cũng có những kí tự nằm trên bìa trước của mỗi cuốn sách; những kí tự này không chỉ ra cũng như không cho biết những trang bên trong nói gì. Tôi nhận thức được rằng việc thiếu sự tương ứng đó đã từng tạo ra cảm giác bí ẩn đối với con người. Trước khi tóm tắt giải pháp cho bí ẩn này (mà việc khám phá ra nó, mặc dù có những hệ luỵ bi thương, nhưng có lẽ là sự kiện quan trọng nhất trong toàn bộ lịch sử), tôi muốn hồi tưởng lại một số tiên đề.

Đầu tiên: Thư viện hiện hữu ab aeternitate [từ thuở vô định]. Chân lí đó, mà hệ quả của nó chính là tương lai vĩnh hằng của nhân gian, không một đầu óc duy lí nào có thể nghi ngờ. Con người, một thủ thư bất toàn, có thể là sản phẩm của một sự may rủi hoặc là của một hoá công có tà tâm; vũ trụ, với những món đồ đạc tao nhã – những kệ sách, những cuốn sách huyền bí, những cầu thang không hề dứt dành cho du khách, và những phòng vệ sinh cho người thủ thư – chỉ có thể là tạo tác thủ công của một vị thần. Để nắm được cái khoảng cách ngăn giữa loài người và thần linh, ta chỉ phải so sánh những biểu tượng thô thiển run rẩy này mà bàn tay lỗi lầm của tôi đã viết tháo trên bìa của một cuốn sách bằng những kí tự nền tảng ở trong sách – gọn gàng, mỏng manh, đen thẳm, và có tính đối xứng không thể bắt chước được.

Thứ nhì: Có hai mươi lăm kí hiệu chính tả [1]. Khám phá này cho phép nhân loại, vào ba trăm năm trước, trình bày rõ ràng một lí thuyết tổng quát về Thư viện và từ đó giải quyết thoả mãn được câu đố mà không sự phỏng đoán nào có thể giải ra – cái bản chất vô hình dạng và hỗn độn của hầu hết mọi cuốn sách. Một cuốn sách, mà cha tôi đã từng một lần thấy trong một phòng lục giác ở vòng 15-94, bao gồm các kí tự M C V được lặp lại một cách ngang ngạnh từ dòng đầu tiên đến dòng cuối cùng. Một cuốn khác (được tra cứu rất nhiều trong khu vực này) chỉ là một mê cung của những kí tự mà trang kế cuối của nó chứa đựng cụm O Time thy pyramids. Điều sắp nói đây ai cũng biết: Đối với mọi dòng chữ có lí hay mọi lời phát biểu thẳng thắn thì có cả hàng dặm những âm thanh chói tai vô nghĩa, những câu nói buồn cười , và những câu rời rạc. (Tôi biết đến một trong số những khu vực bán khai có những người thủ thư từ chối “tập tục vô dụng và mê tín” trong việc cố gắng tìm ra ý nghĩa trong những cuốn sách, đánh đồng việc tìm kiếm thế này với nỗ lực đi tìm ý nghĩa của những giấc mơ hay những đường nét hỗn loạn trong lòng bàn tay một kẻ nào đó… Họ sẽ thừa nhận rằng những tay phát minh ra chữ viết đã bắt chước hai mươi lăm kí hiệu tự nhiên đó, nhưng tiếp tục khẳng định rằng việc thực hiện đó là do ngẫu nhiên, trùng họp thôi, và rằng những cuốn sách tự chúng chẳng có ý nghĩa gì cả. Luận điểm đó, như ta sẽ thấy, không hoàn toàn sai lầm.)

Trong nhiều năm, người ta tin rằng những cuốn sách khó hiểu này thuộc về thời cổ đại hoặc bằng những ngôn ngữ ở những vùng xa xôi hẻo lánh. Đúng là hầu hết người cổ đại, những thủ thư đầu tiên, đã tạo ra một ngôn ngữ khá khác biệt với thứ ngôn ngữ mà chúng ta nói ngày nay; đúng là ở một vài dặm về hướng bên phải, ngôn ngữ của ta biến thành phương ngữ và ở chín mươi tầng phía trên thì nó trở thành ngôn ngữ không thể hiểu nổi. Toàn bộ điều đó, tôi lặp lại, là thật – nhưng bốn trăm mười trang của những kí tự M C V bất biến thì không thể thuộc về bất kì ngôn ngữ nào, cho dù có là một phương ngữ hay một ngôn ngữ cổ xưa. Một số người có ý rằng mỗi kí tự ảnh hưởng đến kí tự tiếp theo, rằng giá trị của M C V ở trang 71, dòng 3 không phải là giá trị của chính dãy đó ở một dòng khác trong một trang khác, nhưng cái luận thuyết mơ hồ kia không gặp được bất kì sự đồng tình nào. Những người khác đề cập khả năng của một loại mật mã; sự phỏng đoán đó được chấp nhận khắp nơi, mặc dù không theo cái ý nghĩa do những người khởi tạo đã hình thành nên.

Khoảng năm trăm năm về trước, vị lãnh đạo của một trong những phòng lục giác phía trên [2] đã vô tình gặp một cuốn sách cũng rối rắm như bao cuốn khác, nhưng trong đó gần như có hai trang với những dòng chữ y như nhau. Ông ta đưa phát hiện đó của mình cho một nhà giải mã đang chu du và người này bảo ông ta rằng những dòng đó được viết bằng tiếng Bồ-đào-nha; những người khác thì nói nó là tiếng Yiddish. Trong vòng một thế kỉ, các chuyên gia đã xác định được ngôn ngữ đó: một thứ phương ngữ của Lithuania trộn với Samoyedic thuộc ngôn ngữ Guaraní, với những biến thể từ tiếng Ả-rập cổ. Nội dung bên trong cũng được người ta xác định: những nguyên lí cơ bản của phân tích tổ hợp, được minh hoạ với những ví dụ về những biến thiên được lặp lại vô tận. Những ví dụ đó cho phép người thủ thư thiên tài khám phá ra được quy luật cơ bản của Thư viện. Vị triết gia này nhận thấy rằng toàn bộ những cuốn sách, cho dù chúng có thể khác nhau thế nào đi nữa thì cũng chứa đựng những thành tố tương tự nhau: khoảng trắng, dấu chấm, dấu phẩy, và hai mươi hai kí tự trong bảng chữ cái. Ông cũng đưa ra một sự việc mà toàn bộ những kẻ du hành từ nào giờ đều xác nhận: Trong toàn bộ Thư viện, không có hai cuốn sách tương tự nào với nhau. Từ những giả thuyết không thể bàn cãi này, người thủ thư suy diễn ra rằng Thư viện là “toàn vẹn” – hoàn hảo, đầy đủ, và nguyên vẹn – và suy diễn rằng những kệ sách chứa đựng toàn bộ những tổ hợp khả dĩ của hai mươi hai biểu tượng dùng làm chính tả kia (một con số không phải bất tận cho dù nó lớn không thể tưởng nổi) – tức là, mọi thứ đều có thể được diễn trình ra, bằng mọi ngôn ngữ. Toàn bộ – lịch sử chi tiết của tương lai, nhưng hồi kí của các tổng thiên thần, cái danh mục chân thật của Thư viện, hàng ngàn và hàng ngàn những danh mục sai lệch, bằng chứng về sự sai lệch của những danh mục sai lệch này, bằng chứng về sự sai lệch của danh mục đúng đắn, sách phúc âm của phái ngộ giáo của Basilides, phần nhận xét về sách phúc âm đó, phần nhận xét về nhận xét của sách phúc âm đó, câu chuyện thật về cái chết của bạn, phần dịch thuật của mọi cuốn sách sang mọi ngôn ngữ, phần thêm vào của mọi cuốn sách vào tất cả các cuốn sách, bản khảo luận mà Bede có lẽ viết (nhưng không viết) dựa trên huyền thoại về dân tộc Saxon, những cuốn sách bị thất lạc của Tacitus.

Khi mọi người được thông báo rằng Thư viện chứa tất cả các sách, phản ứng đầu tiên là một niềm vui vô bờ bến. Mọi người tự mình cảm thấy rằng họ là chủ nhân sở hữu của một kho báu còn nguyên vẹn và bí ẩn. Không có một vấn đề cá nhân nào, không có vấn đề của thế gian, mà giải pháp mang tính hùng biện của nó vốn không tồn tại ở một chỗ nào đó trong một gian phòng lục giác nào đó. Cõi vũ trụ đã được thanh minh; cõi vũ trụ bất chợt trở nên đồng dạng với những kích thước vô hạn của niềm hi vọng. Vào thời điểm đó người ta nói nhiều về những cuốn Lời xác minh – là những cuốn sách của lời cáo lỗi và những điều tiên tri vốn sẽ luôn luôn xác minh cho những hành động của mọi con người trong cõi vũ trụ và giữ điều thần bí kì ảo dành cho tương lai của con người. Hàng ngàn những con người tham lam đã bỏ những gian phòng lục giác ngọt ngào của họ và hối hả đi xuống, đi lên cầu thang, được thúc đẩy bởi một sự khao khát hão huyền để tìm ra được Lời xác minh cho riêng họ. Những kẻ hành hương này cãi nhau trong những lối đi hẹp, thốt ra những lời tục tĩu ngu dốt, bóp cổ lẫn nhau trên những bậc thang thần thánh, ném những bản sách giả xuống dưới những ống thông hơi, chính họ bị kéo lê tới cái chết của mình bởi những con người đến từ những vùng đất xa xôi. Số khác thì phát điên… Những cuốn Lời xác minh thực là tồn tại (tôi đã từng thấy hai cuốn trong số chúng, bàn về những con người trong tương lai, những con người có lẽ không phải là sản phẩm tưởng tượng), nhưng những người đang truy tìm chúng không nhớ rằng cơ hội của việc tìm kiếm cuốn Lời xác minh dành cho riêng anh ta, hay là một phiên bản dối trá nào đó, được coi như là con số không

Vào cùng thời kì đó, cũng có hi vọng rằng những bí ẩn nền tảng của nhân loại – nguồn gốc của Thư viện và của thời gian – có thể sẽ được hé lộ. Trong toàn bộ những khả dĩ thì những bí ẩn quan trọng đó thật sự có thể được giải thích bằng ngôn từ; nếu ngôn ngữ của các vị triết gia không đủ, thì Thư viện muôn hình ắt hẳn sẽ tạo ra một thứ ngôn ngữ phi thường mà người ta cần đến, cùng với những từ ngữ và ngữ pháp của ngôn ngữ đó. Trong suốt bốn thế kỉ, con người đã lùng sục những gian phòng lục giác… Có những kẻ tìm kiếm chính thức, “những kẻ dò hỏi”. Tôi đã từng thấy họ làm nhiệm vụ của mình: họ đến một gian phòng nào đó, người mệt lả đi, họ nói về cái cầu thang mà gần như giết chết họ – vì thiếu đi một vài bậc thang – họ nói với người thủ thư về những gian phòng và những cái cầu thang, và đôi lúc, họ lấy cuốn sách gần nhất, lướt nhanh các trang sách, đi tìm những ngôn từ ô nhục và hèn hạ. Rõ ràng là không ai mong đợi sẽ khám phá ra bất kì điều gì.

Theo lẽ tự nhiên thì tinh thần lạc quan thái quá được tiếp theo sau bởi sự suy sụp tinh thần quá mức. Điều chắc chắn rằng một kệ sách nào đó tại một gian phòng lục giác nào đó có chứa những cuốn sách giá trị, tuy vậy những cuốn sách quí giá đó mãi mãi nằm ngoài tầm với, và gần như là không thể kham nổi. Một nhóm người báng bổ thần linh đề nghị rằng việc tìm kiếm bị gián đoạn  và rằng  những cuốn sách chuẩn mực đã được tạo ra, nhờ vào một dịp may bất ngờ không thể tưởng được. Những người có thẩm quyền bị buộc phải ban hành những điều lệnh nghiêm khắc. Nhóm người kia biến mất, nhưng vào thời thơ ấu của mình thì tôi đã từng thấy một ông già trong suốt quãng thời gian dài giấu trong nhà vệ sinh những chiếc đĩa tròn kim loại và một chiếc hũ xí ngầu đang bị cấm, bắt chước một cách thiếu sức sống cái vô trật tự của thần linh.

Những người khác, tiếp tục giải quyết việc tìm kiếm theo cách ngược lại, thì nghĩ rằng điều đầu tiên phải làm là loại trừ đi toàn bộ những cuốn sách vô giá trị. Họ sẽ xộc vào những gian phòng lục giác, đưa ra những chứng nhận mà không phải lúc nào cũng sai, lật nhanh các trang sách một cách ghê tởm và kết tội toàn bộ những dãy tường đầy sách. Cơn thịnh nộ vô hại đầy kham khổ đã làm cho hàng triệu quyển sách mất đi một cách vô nghĩa. Tên của họ ngày nay bị người ta ghét vô cùng, nhưng những ai đau buồn về “những báu vật” bị tiêu huỷ trong cơn hoảng loạn đó đã bỏ sót hai sự kiện vốn được thừa nhận rộng rãi: Một, rằng Thư viện rộng mênh mông đến nỗi bất kì sự cắt giảm nào thực hiện bởi bàn tay con người ắt hẳn đều ở mức cực nhỏ. Và điều hai, rằng mỗi cuốn sách là độc nhất và không thể thay thế, nhưng (bởi vì Thư viện là toàn vẹn) luôn có hàng trăm ngàn những bản sao chưa hoàn hảo – những cuốn khác biệt không hơn một kí tự, hay một dấu phẩy. Mặc cho ý kiến chung thế nào, tôi dám đoan chắc rằng hậu quả từ những tổn thất do người Thanh giáo gây nên đã được thổi phồng bởi nỗi khiếp sợ được tạo ra bởi cũng những kẻ cuồng tín kia. Họ bị thúc đẩy bởi sự sốt sắng hướng về thần thánh, để vươn tới được – một ngày nào đó, nhờ nỗ lực không ngừng – những cuốn sách của Gian phòng Đỏ thẫm – những cuốn nhỏ hơn những cuốn sách tự nhiên, những cuốn với quyền năng tối thượng, được minh hoạ tranh ảnh, và đầy ma lực.

Chúng tôi cũng có biết về một sự mê tín khác từ thời kì đó: niềm tin về cái có tên gọi là Người-của-Sách. Trên một kệ sách nào đó ở một gian phòng nào đó, người ta lí giải rằng phải tồn tại một cuốn sách làm công thức và là một cuốn tập hợp toàn bộ những cuốn khác, và một người thủ thư nào đó ắt hẳn đã xem xét cuốn sách đó; người thủ thư này có vai trò tương tự như chúa trời. Trong ngôn ngữ của khu vực này vẫn còn có những dấu vết của nhóm người tôn thờ người thủ thư của thời xa vắng. Nhiều người đã thực hiện việc tìm kiếm Ngài. Trong suốt hàng trăm năm qua, con người khai thông mọi con đường khả dĩ – và mọi con đường đều vô ích. Làm thế nào mà người ta sẽ định ra được vị trí của gian phòng bí mật được tôn thờ mà Ngài trú ẩn? Ai đó đưa ra ý tìm kiếm bằng cách hồi qui lại: Để xác định vị trí cuốn sách A, đầu tiên tham khảo cuốn B vốn sẽ cho biết cuốn A có thể được tìm thấy ở nơi đâu; để xác định vị trí cuốn B, đầu tiên tham khảo cuốn C, và cứ thế, cho đến vô tận… Trong những việc mạo hiểm như thế này tôi đã hoang phí và tiêu tốn những năm tháng đời mình. Tôi không thể nghĩ là không thể xảy ra chuyện có một cuốn sách toàn vẹn [3] như thế ở trên một cái kệ nào đó trong cõi vũ trụ. Tôi cầu nguyện đến những vị chúa trời bí ẩn mà một người nào đó – thậm chí chỉ một người đơn lẻ, trong hàng chục thế kỉ trước – đã nghiên cứu và đọc cuốn sách đó. Nếu danh dự và sự thông tuệ và niềm vui của việc đọc như thế không phải là của chính tôi, thì cứ để chúng dành cho những người khác. Cứ để thiên đàng tồn tại, dù cho có để chỗ của chính tôi ở địa ngục. Hãy để tôi bị tra tấn và bị đánh đập và bị tiêu huỷ đi, nhưng hãy để ở kia một khoảnh khắc, một sinh vật, mà tại đó Thư viện rộng lớn của các người có thể tìm thấy cách chứng tỏ tính đúng đắn của nó.

Những kẻ nghịch đạo thì cho rằng qui luật trong Thư viện không phải là “điều có ý nghĩa”, mà là “điều vô nghĩa” và rằng “tính duy lí” (thậm chí cả sự khiêm nhường, tính mạch lạc thuần tuý) gần như là một ngoại lệ huyền diệu. Tôi biết họ nói đến “một Thư viện sôi nổi, có những cuốn sách ngẫu nhiên thường xuyên đe doạ sẽ biến hoá thành những cuốn khác, để chúng khẳng định mọi thứ, phủ nhận mọi điều, làm mọi người lúng túng, kinh ngạc và làm mọi thứ rối rắm lên, như một vị thần điên cuồng và ảo mộng nào đó.” Những ngôn từ đó, không chỉ tuyên bố mà còn minh hoạ cho sự vô trật tự, chứng tỏ, như ai cũng thấy, sở thích tởm lợm và sự ngu dốt cùng cực của những kẻ nghịch đạo. Vì trong khi Thư viện chứa toàn bộ những cấu trúc ngôn từ, toàn bộ các biến thể đuợc hình thành từ hai mươi lăm biểu tượng dùng làm chính tả, nó bao hàm không phải chỉ một phần vô nghĩa tuyệt đối nằm đơn lẻ. Sẽ là vô ích khi nhận thấy rằng cuốn sách tinh tế nhất trong tất cả các gian phòng lục giác do chính tôi điều hành có nhan đề Combed Thunder, trong khi cuốn khác có tựa là The Plaster Cramp, và cuốn khác là Axaxaxas mlö. Những cụm từ đó, đầu tiên rõ ràng là không liền lạc nhau, không nghi ngờ gì nữa rằng chúng nhạy cảm với “cách đọc” theo lối mật mã hay theo lối trùng ngôn; cách đọc đó, cách biện minh cho trật tự và sự tồn tại của những ngôn từ kia, bản thân nó là ngôn từ và, theo giả thuyết, đã được chứa ở đâu đó trong Thư viện rồi. Không có sự kết hợp các kí tự nào mà người ta có thể tạo ra – dhcmrlchtdj, ví dụ vậy – những kí tự như thế thì Thư viện thần thánh không tiên tri được và những kí tự như thế trong một hay nhiều hơn những ngôn ngữ bí mật của nó không che giấu được một ý nghĩa tệ hại. Không một âm tiết nào người ta có thể phát ngôn ra mà không bị lấp đầy bởi tính mềm yếu và nỗi kinh hoàng, và âm tiết đó, bằng một trong những ngôn ngữ kia, không phải là cái tên gọi quyền năng của chúa trời. Phát ngôn chính là rơi vào sự trùng ngôn. Lá thư dông dài, vô dụng này đã tồn tại ở một trong ba mươi quyển của năm kệ sách tại một trong vô số những gian phòng lục giác – lời phản bác của nó cũng tồn tại kiểu y như vậy. (Một lượng n các ngôn ngữ khả dĩ vận dụng cùng một kho ngữ vựng; theo một số ngôn ngữ trong số chúng, thì biểu tượng “thư viện” sở hữu một định nghĩa đúng “một hệ thống các gian phòng lục giác có tính vĩnh hằng, tồn tại muôn nơi,” trong khi một thư viện – một vật – là một ổ bánh mì hay một kim tự tháp hay một thứ gì đó khác, và sáu từ ngữ vốn để định nghĩa thư viện bản thân chúng cũng có những định nghĩa khác. Bạn là người đọc tôi – bạn có chắc là bạn hiểu ngôn ngữ của tôi?)

Cách hình thành ngôn từ có phương pháp làm tôi xao lãng khỏi hoàn cảnh thực tại của nhân loại. Điều chắc chắn rằng mọi thứ đều được viết ra cả rồi đã phủ nhận chúng tôi hoặc khiến chúng tôi thành những bóng ma. Tôi biết những khu vực ở đó những thanh niên nằm phủ phục trước sách vở và giống như những kẻ hoang dã họ hôn lên những trang sách, mặc dù họ không thể đọc được một kí tự nào. Những nạn dịch, những xung đột dị giáo, những chuyến hành hương vốn không thể tránh khỏi việc bị suy đồi trở thành những vụ cướp bóc, đã làm tổn hại đến dân số. Tôi tin tôi đã đề cập đến những vụ tự tử, vốn càng lúc càng thường xuyên xảy ra hơn theo năm tháng. Tôi có lẽ bị cái tuổi già và nỗi sợ của chính mình làm mê muội đi, nhưng tôi ngờ rằng chủng người – những chủng loài duy nhất – đang đứng mấp mé sự tuyệt chủng, tuy vậy với Thư viện – được khai minh, đơn độc, bất tận, bất động tuyệt đối, được trang bị bởi những cuốn sách quí giá, vô nghĩa, liêm khiết, và bí ẩn – sẽ tồn tại tiếp được.

Tôi vừa mới viết ra từ “bất tận”. Tôi đã không bao gồm tính từ đó chỉ vì thói quen hùng biện; tôi nói rõ rằng thật không phải là vô lí khi nghĩ rằng thế giới là bất tận. Những ai tin nó có những giới hạn sẽ lí thuyết hoá rằng ở một nơi hay ở những nơi xa xôi nào đó những hành lang và những cầu thang và những gian phòng lục giác có thể kết thúc mà không ai có thể hiểu được – vốn là điều lố bịch. Và dù vậy những ai hình dung ra thế giới như là bất tận thì lại quên rằng số lượng sách khả dĩ không ở mức như vậy. Tôi sẽ đủ can đảm để đề nghị giải pháp này cho vấn đề cổ xưa: Thư viện là vô hạn nhưng có chu kì. Nếu một kẻ lữ hành bất diệt nên làm chuyến hành trình theo bất kì hướng nào, anh ta sẽ tìm thấy sau những thế kỉ dài đăng đẵng rằng những quyển sách như nhau được lặp lại theo cùng một sự vô trật tự – mà sẽ trở thành trật tự: đấng Trật tự. Nỗi cô đơn của tôi được an ủi nhờ vào niềm hi vọng tao nhã kia. [4]

Mar del Plata, 1941

Chú thích: (của dịch giả tiếng Anh và của tác giả)

[1] Bản thảo nguyên gốc không có những con số lẫn những chữ cái viết hoa; dấu câu chỉ giới hạn ở dấu phẩy và dấu chấm. Hai dấu này, với khoảng trắng, và với hai mươi hai chữ cái làm thành hai mươi lăm biểu tượng vừa đủ mà người tác giả vô danh của chúng ta đang đề cập tới [Ghi chú của dịch giả tiếng Anh]

[2] Vào thời xưa, có một người đàn ông cho mỗi ba gian phòng lục giác. Tự tử và bệnh phổi đã tàn phá tỉ lệ này. Một kí ức đau buồn không thể cất thành lời: Tôi thỉnh thoảng đi du hành suốt mấy đêm, dọc theo các hành lang và những cầu thang bóng lưỡng, mà không gặp phải một người thủ thư nào. [Nguyên chú của tác giả]

[3] Tôi lặp lại: Để một cuốn sách tồn tại, thì nó cần phải là một cuốn sách có thể có được. Chỉ mỗi sự bất khả bị loại trừ ra. Ví dụ, không một cuốn sách nào cũng là một cầu thang, mặc dù không nghi ngờ được những cuốn sách bàn luận và phủ nhận và chứng minh sự khả dĩ đó, và những cuốn khác có cấu trúc tương ứng với cấu trúc của một chiếc cầu thang.

[4] Letizia Alvarez xứ Toledo nhận thấy rằng Thư viện rộng lớn kia là thứ vô dụng; nói một cách khắt khe, toàn bộ những thứ cần thiết là một quyển đơn lẻ, với kích cỡ thông thường, được in theo cỡ chữ chín hoặc mười, quyển sách này sẽ bao gồm một lượng vô tận những trang giấy mỏng manh vô tận. (Vào đầu thế kỉ 19, Cavalieri nói rõ rằng mọi cơ thể cứng cáp là sự chồng chất của một lượng vô tận các mặt phẳng.) Việc dùng cuốn sổ tay bọc lụa sẽ không dễ dàng: mỗi trang giấy hiển hiện rõ ràng sẽ mở ra những trang tương tự khác; trang chính giữa vốn không thể hình dung ra sẽ không có chiều ngược lại.

Chuyển ngữ tại Sài-gòn.
Có tham khảo thêm bản Anh ngữ của James E. Irby.
20111114.



Nguồn:

Borges, Jorge Luis. “The Library of Babel.” Jorge Luis Borges: Collected Fictions. Trans. Andrew Hurley. New York: Penguin, 1999.

2 comments on “Jorge Luis Borges – Thư viện Babel

  1. Với kiệt tác này, thì Borges đã xoá nhoà ranh giới giữa fiction và non-fiction. Đây khó có thể cho là một truyện ngắn, một tác phẩm hư cấu thuần tuý được, tác phẩm hư cấu này Borges viết như một tiểu luận. Có lẽ từ thích hợp nhất dành cho thể loại như thế này là tác phẩm hư cấu mang tính luận (essay-ish fiction), hoặc là một tiểu luận hư cấu (fictional essay).

    Like

  2. Pingback: Thư viện Babel-JORGE LOUIS BORGES, DUY ĐOÀN chuyển ngữ – TRANG NGẫU NHIêN

Leave a comment