Rieko Okuhara – Diễn giải tâm lí học về bộ phim My Neighbor Totoro


Rieko Okuhara

Diễn giải tâm lí học về bộ phim My Neighbor Totoro

Duy Doan dịch

My Neighbor Totoro (Tonari no Totoro)
, một trong những phim hoạt hình được yêu thích nhất tại Nhật-bản, là phim ưa thích của mẹ tôi. Vì lí do nào đó mà nhiều người lớn, đặc biệt là những bà mẹ, rất thích phim này, mặc dù bộ phim cũng lôi cuốn đến đối tượng ban đầu là trẻ con. Người ta nói rằng bộ phim chỉ hấp dẫn đối với sự hoài niệm của người lớn về một thời đã qua. Số khác nói rằng sự phổ biến của phim có liên quan đến những vấn đề môi trường, bởi vì phim cho thấy vẻ đẹp của tự nhiên và kêu gọi sự quan tâm của mọi người đến Bà mẹ Tự nhiên (Mother Nature). Khi phim My Neighbor Totoro, do Miyazaki Hayao đạo diễn, ra mắt vào năm 1988, công chúng đã xem phim này chỉ là một “thứ làm cho trẻ con” [1]. Tuy nhiên người Nhật sớm nhận ra rằng My Neighbor Totoro còn có một điều gì khác nữa; nó thật sự là một phim gợi nhiều suy nghĩ. Hiện nay thì bộ phim được xem như là một trong những phim được hoan nghênh nhất dành cho trẻ con và người lớn. Nhân vật Totoro thậm chí còn xuất hiện trên logo của Studio Ghibli, một hãng phim hoạt hình sản xuất hầu hết những phim của Miyazaki.  

Tại sao My Neighbor Totoro chiếm được trái tim của người Nhật, bao gồm cả mẹ tôi, một cách mạnh mẽ như thế? My Neighbor Totoro nổi tiếng ở Nhật đến nỗi người ta nói rằng mọi gia đình Nhật đều sở hữu một bản phim và mọi trẻ con Nhật đều biết Totoro. Xét ở bề mặt thì câu chuyện khá đơn giản và dễ theo dõi. Những nhân vật dễ thương dường như có tính thu hút đối với nhiều người. Người lớn có thể sống lại được những kí ức mến yêu thời thơ ấu của mình, vì bộ phim diễn ra tại một ngôi làng ở Nhật và mô tả chi tiết cảnh miền quê thời hậu thế chiến thứ hai. Nhưng có phải cái thu hút người lớn chỉ là sự hoài niệm về những ngày tháng bị lãng quên của hồi xa xưa ấy?

Trong bài viết này, tôi cố gắng diễn giải bộ phim My Neighbor Totoro theo tâm lí học để độc giả có thể thông hiểu rõ ràng hơn về xã hội Nhật-bản đương thời và để giải thích sự hấp dẫn có phạm vi rộng khắp của bộ phim. Khi được xem xét kĩ càng từ khía cạnh tâm lí học, My Neighbor Totoro không chỉ mang tính giải trí và nói về sự hoài niệm, mà còn về những ước mơ, niềm tin, những câu chuyện dân gian, và về những nguyên mẫu vốn là trọng tâm của văn hoá Nhật đương thời. Shinichi Tanaka, nhà tâm lí học và là giáo sư môn tâm lí học, đã tìm hiểu về tính biểu tượng của Totoro, vị thần của tự nhiên, từ khía cạnh tâm lí học, tập trung vào chức năng làm mẹ và sự tổn thất đối tượng (object loss) và so sánh Totoro với những con quái vật trong phim Where the Wild Things Are, trong bài viết “My Neighbor Totoro and Children’s Fantasy” (Tonari no Totoro to Kodomo no Fantasy). Tanaka lập luận rằng Totoro thu hút bọn trẻ bởi vì phim cho thấy những thử thách về tâm lí mà bọn trẻ phải đối mặt khi lớn lên. Kết luận của Tanaka rằng Totoro đóng vai trò một người mẹ – cả người mẹ tốt lẫn xấu – trong suốt thời gian vắng mặt của người mẹ kia, điều này đã khéo léo giải thích lí do tại sao bộ phim lại nổi tiếng đến vậy. Tuy nhiên bài tiểu luận của Tanaka chỉ đi về Totoro; còn có một nhân vật khác cần được xem xét, đó là Mei, cô bé nhân vật chính  của phim. Nhìn vào bộ phim từ góc nhìn của Mei, người ta sẽ hiểu được một Nhật-bản “thật sự”, và tìm ra được những chỉ dẫn giúp cho việc thông hiểu con người và xã hội Nhật-bản.

Thoạt nhìn, câu chuyện của My Neighbor Totoro dường như chỉ là sự tưởng tượng của trẻ con. Một Satsuki mười một tuổi và một Mei bốn tuổi đi vào trong một căn nhà cũ kĩ ở một miền quê nằm ở ngoại thành Tokyo [2]. Những đứa trẻ hàng xóm gọi căn nhà này là “căn nhà bị ma ám” (Haunted House; Obake Yashiki) bởi vì nó quá già cỗi và trông như có vài con ma hay vài con quái vật đang sống trong đó [3]. Cha của các cô bé, Giáo sư Kusakabe, mặc dù bận bịu với công việc, nhưng vẫn yêu thương các con mình và chăm lo chúng thay cho người mẹ đang nằm nhà thương để bình phục sức khoẻ. Một ngày nọ, Mei gặp những vị thần của tự nhiên, và quyết định đặt tên cho con vật lớn nhất, có vẻ như là ông chủ của khu rừng gần đó, là “Totoro” – phát âm sai của từ “troll”. Satsuki đầu tiên nghi ngờ về sự hiện hữu của Totoro và những người bạn, nhưng rồi cô bé tin em mình và gặp được những con vật thần linh này. Khi mà Satsuki và Mei có nhiều thời gian hơn để ở cạnh cùng Totoro và những người bạn, thì tất cả trở thành bạn của nhau. Vài tháng sau, Satsuki biết được rằng mẹ của chúng đang không ổn, và Mei, khi thấy chị mình khóc, đã quyết định lấy một trái bắp tươi đến cho mẹ mình với niềm tin rau củ tươi sẽ giúp mẹ cô bé khoẻ mạnh. Mei đi bộ một mình tới nhà thương , và nhanh chóng bị lạc đường. Satsuki nhờ Totoro giúp đỡ, và tìm thấy Mei nhờ sự giúp đỡ của Totoro và một người bạn nữa, Catbus (xe bus con mèo). Mei và Satsuki chấp nhận đề nghị của Catbus để giúp chúng thêm nữa, và hai cô bé đã đưa trái bắp đến được nhà thương và về nhà an toàn.

Những đặc điểm đáng yêu của các nhân vật là lí do chính cho sự nổi tiếng của phim. Totoro và những người bạn thì đầy lông và trông như những con thú nhồi bông. Totoro, hay còn gọi là Totoro Bự (Oh Totoro), là biểu tượng quảng cáo chính cho Studio Ghibli, và những sản phẩm về Totoro trở nên thịnh hành cho cả trẻ con lẫn người lớn. Totoro Trung bình (Chu Totoro), Totoro Nhỏ (Chibi Totoro), Catbus (Neko Basu), và Mei cũng là những nhân vật ưa thích của những người hâm mộ My Neighbor Totoro. Catbus bản thân nó không thật sự “dễ thương”, con vật này làm nhớ đến Con mèo Cheshire trong Alice in Wonderland với mặt cười nhe răng. Tanaka so sánh Catbus với một con quái vật mèo Nhật-bản (bake neko) bởi đôi mắt to có thể nhìn xuyên thấu màn đêm và cái miệng lớn phát ra tiếng ồn ghê sợ. Tuy vậy những người hâm mộ thấy Catbus đáng yêu và thích thú cái cách nó chạy trên những dây điện mỏng manh và nhảy lên mấy cái cây. Thế giới tưởng tượng của Totoro và những người bạn xuất hiện gần như là một giấc mơ, Mei và Satsuki mấy lần tự hỏi là liệu Totoro và những người bạn đó có phải đang sống trong thế giới giấc mơ của chúng hay không. Những đặc điểm lông lá thân thiện của các sinh vật này khiến bọn trẻ tự hỏi thêm rằng liệu tất cả những vị thần linh này có phải là những nhân vật đến từ giấc mơ của chúng. Trong một cảnh phim, hai chị em mô tả cái đêm chúng trải qua cùng với những con vật thần linh này như là “một giấc mơ, nhưng không phải là mơ”, đó chính xác là cách mà bọn trẻ trải qua một khoảng thời gian cùng với những vị thần của tự nhiên. Mei dường như có điều gì đó đặc biệt thu hút cả người lớn lẫn trẻ con, một điều gì đó vốn không rõ ràng khi thoạt nhìn lúc ban đầu.

Có một cách để nhìn vào My Neighbor Totoro, đó là việc Miyazaki dùng bộ phim để đưa vào lòng hoài niệm về thời thơ ấu của ông. Bộ phim dường như diễn ra tại Tokorozawa, Saitama, vào khoảng năm 1955 [4]. Miyazaki, người sống tại Tokorozawa, lúc ấy nảy ra được ý tưởng về “Totoro”, một vị thần của “Tokoro”-zawa. Miyazaki sinh ra tại Tokyo năm 1941 và trải qua một phần thời thơ ấu tại Saitama, ông nắm bắt được rất tốt cảnh vật và văn hoá của Nhật vào khoảng năm 1955. Cảnh thiên nhiên được phác hoạ chính xác đến độ phong cảnh trông gần như là một bức ảnh. Cậu bé Kanta trong phim là hàng xóm và là bạn học của Satsuki, và Satsuki là mối tình đầu của cậu bé này. Thật dễ hình dung Kanta là phản chiếu của chính Miyazaki, người gần như không phải là một thiếu niên vào năm 1955. Mẹ tôi, lúc đó lên năm, và cha tôi thì khoảng mười lăm, cho rằng bộ phim hợp lí; một cách tự nhiên, mẹ tôi cảm thông với Mei, cha tôi thì với Kanta. Là một đứa trẻ lớn lên trong suốt thời thế chiến thứ hai, nên không phải tất cả những kí ức thời thơ ấu của Miyazaki đều tốt đẹp. Có thể Miyazaki đã lí tưởng hoá những kí ức thời thơ ấu không thể nào quên được của mình thông qua bộ phim. Do vậy, nhiều người thuộc thế hệ cha mẹ tôi đã tìm thấy được lòng hoài niệm từ bộ phim và cảm thông với những nhân vật trong phim. Cô bé Mei đặc biệt là biểu tượng cho vẻ đẹp của những kí ức thời thơ ấu và cho sự ngây thơ.

Mặc dù vậy, dường như không hợp lí khi mà lòng hoài niệm của một người đàn ông lại có thể thu hút được một lượng lớn người xem đến thế, cho dù phim đã có những mô tả chính xác về thời thơ ấu ở thập niên 1950. Miyazaki thật sự muốn người xem diễn giải bộ phim không chỉ là về sự hoài niệm. Thời đại mà bộ phim gợi nhớ là một khoảng thời gian có thực; Miyazaki chỉ đơn giản mô tả cuộc sống vào thập niên 50 và không hề phóng đại nó lên. Trong My Neighbor Totoro, trẻ con phải phụ giúp cha mẹ chúng cả ngày và có rất ít thời gian chơi đùa. Những căn nhà thì tồi tàn và đồ ăn thì bình dân. Bộ phim thật sự cho thấy một đời sống khiêm tốn mà người ta đã sống trong thời hậu chiến. Tuy vậy bộ phim gợi cho người Nhật nhớ về những thứ họ đã đánh mất. Khi Mei mất tích, toàn bộ những người hàng xóm tụ tập lại để tìm cô bé, lo lắng về cô bé và nóng lòng muốn tìm ra cô bé. Ngày nay, trong những khu vực nội thành của Nhật-bản, nhìn chung người ta thậm chí còn không biết hàng xóm của họ, và còn ít quan tâm lẫn nhau hơn nữa. Sự mô tả đẹp đẽ về tự nhiên cũng gợi cho người Nhật nhớ về cái mà họ đã đánh mất giữa làn sóng hiện đại hoá đang tràn vào ngày nay. My Neighbor Totoro không lí tưởng hoá thời thập niên 1950; nó chỉ nhấn mạnh sự chuyển giao trong những giá trị Nhật-bản.

Khi diễn giải My Neighbor Totoro theo cách thức nghiêm ngặt kiểu Jung như một sản phẩm của hoạt động tưởng tượng trong vô thức, thì việc đó hé lộ ra được một điều gì đó giúp thấu hiểu con người Nhật. Trong bài viết “The Psychology of the Child Archetype” trong cuốn Essays on a Science of Mythology: The Myth of the Divine Child and the Mysteries of Eleusis – cuốn sách mà Jung xuất bản cùng với Karl Kerényi, một trong những nhà sáng lập ngành nghiên cứu hiện đại về thần thoại Hi-lạp – Carl G. Jung giải thích rằng sản phẩm của hoạt-động-tưởng tượng trong vô thức có thể được diễn giải “như là một bức tự hoạ của những gì đang diễn ra trong vô thức, hoặc như những lời bày tỏ của cái tâm thần vô thức về chính nó”. Jung tiếp tục cho biết rằng những câu chuyện tưởng tượng rơi vào hai hạng mục: “những câu chuyện tưởng tượng… của tính cách cá nhân” mà “có thể đi về lại chính những kinh nghiệm cá nhân, những thứ bị lãng quên hoặc bị đè nén”, và “những câu chuyện tưởng tượng… của một tính cách phi cá nhân” vốn “không thể bị quy giản thành những kinh nghiệm xảy ra trong quá khứ của một cá nhân”, đây là cái mà ông ta gọi là vô thức tập thể (collective unconscious). My Neighbor Totoro là câu chuyện tưởng tượng của một tính cách phi cá nhân như thế. Bộ phim bao hàm những yếu tố cấu trúc tập thể nhất định của văn hoá Nhật, như những câu chuyện dân gian, vốn có đầy đủ những tính chất của người Nhật.

My Neighbor Totoro trở thành một phim kinh điển Nhật bởi vì Mei là một đứa trẻ Nhật bình thường mà trẻ con Nhật có thể thấu hiểu được, tuy nhiên cô bé cũng là biểu tượng cho sự ngây thơ của thời thơ ấu và cho nguyên mẫu trẻ con (child archetype) như Jung mô tả (nguyên mẫu là từ Jung đặt tên cho những loại cơ bản chung trong những biểu hiện của vô thức tập thể của con người). Các nguyên mẫu bộc lộ chính bản thân chúng thông qua những ẩn dụ, mà người ta có thể tìm thấy trong văn chương, đặc biệt là trong những câu chuyện dân gian và trong văn học thiếu nhi. Những câu chuyện dân gian dùng các nguyên mẫu có phần phức tạp hơn chút, đây là lí do tại sao người ta tìm thấy đầy đủ ý nghĩa trong những câu chuyện ngắn và đơn giản. Mei giống như những nhân vật của Jack and Hans từ những câu chuyện dân gian Âu châu, là những nhân vật mà bất kì ai cũng có thể thấu hiểu, bất kể giới tính, quốc tịch, hay tuổi tác.

Còn được biết như là một Đứa trẻ Thần thánh (the Divine Child), nguyên mẫu trẻ con là một phần của hình mẫu có liên hệ đến hi vọng và triển vọng của những sự bắt đầu mới. Trong một bài viết từ cuốn Essays on a Science of Mythology, bài viết “The Primordial Child in Primordial Time” (Đứa trẻ sơ khai trong thời đại sơ khai), Kerényl giải thích rằng trong thần thoại những vị thần trẻ con cũng quan trọng y như những vị thần người lớn và chúng biểu trưng cho sự xuất hiện của một khả năng mới. Jung hiểu được sự hiện diện của Đứa trẻ Thần thánh trong tâm thần thông qua những huyền thoại về những vị thần trẻ con. Nghiên cứu của Jung làm ông tin rằng nguyên mẫu trẻ con ảnh hưởng quan trọng đến quá trình cá nhân hoá (individuation). Đứa trẻ Thần thánh biểu trưng cho sự phát triển tinh thần: cái bản ngã tinh thần đích thực vốn có thể thực hiện những chuyển hoá lớn lao. Trong bài viết “The Psychology of the Child Archetype”, Jung liệt kê tính tương lai như là một đặc điểm thiết yếu của chủ đề trẻ con. Đứa trẻ là một tương lai tiềm năng và là một biểu tượng thống nhất lại những điều đối nghịch. Ví dụ như “Chúa Hài đồng” (Christ-child) là một biểu lộ của nguyên mẫu trẻ con và biểu trưng cho tương lai, sự tái sinh và sự cứu rỗi. Đứa trẻ biểu trưng cho cái toàn thể, cái mà Jung gọi là “bản ngã” (self), và sự hoà hợp của bản ngã trở thành mục tiêu của quá trình cá nhân hoá.

Hiện tượng học riêng biệt của nguyên mẫu trẻ con, cái mà Jung liệt kê trong cùng bài tiểu luận trên, tương ứng với tình huống và những đặc tính của Mei: sự bỏ rơi, tính bất khả xâm hại, tình trạng lưỡng tính, sự bắt đầu, và sự kết thúc. Giống như đứa trẻ bị cắt đứt khỏi sự chăm sóc của người mẹ, bị bỏ rơi và mồ côi, Mei phải sống cách xa người mẹ đang bệnh. Tanaka diễn giải tình trạng cô bé bị tách rời khỏi người mẹ này như là sự tổn thất đối tượng (object loss). Bị tách rời, thậm chí bị cô lập khỏi gia đình, Mei bắt đầu tiến triển về hướng tự lập trong suốt bộ phim, và Bà mẹ Tự nhiên chào đón cô bé. Mei, người đã đi theo cô chị đến cả trường học, trở nên độc lập hơn sau khi gặp Totoro, vị thần tự nhiên. Tính độc lập của Mei biểu trưng cho sự cá nhân hoá; giờ cô bé có thể tự mình làm mọi chuyện mà không cần bắt chước theo cô chị của mình. Sự trưởng thành của Mei làm cho sự tách rời khỏi mẹ và chị cô bé trở nên cần thiết. Chỉ nhờ vào tình trạng bị bỏ rơi thì đứa trẻ mới có thể bộc lộ ra như một hình tượng biểu trưng. Sự cá nhân hoá của Mei cho thấy triển vọng và hi vọng cho tương lai.

Mei xuất hiện như là một đứa trẻ của tự nhiên ngay trước khi câu chuyện bắt đầu. Ở ngay đầu phim, người xem thấy Mei đi băng qua lại màn hình, bao quanh bởi tự nhiên, với bài hát có nhan đề “A Walk” (Sanpo) làm nhạc nền. Bài hát ca ngợi tự nhiên và chào mừng những hình thức của sự sống tự nhiên như là những người bạn. Rõ ràng bài hát này thuộc về Mei, và cô bé là người ca ngợi vẻ kì vĩ của tự nhiên và chào mừng những hình thức của sự sống tự nhiên như là những người bạn. Căn nhà cũ kĩ nơi gia đình Kusakabe sống không chỉ là căn nhà khác thuờng gây ấn tượng cho người lớn, mà còn là căn nhà được tự nhiên ôm lấy. Căn nhà nằm bên cạnh một khu rừng nhỏ, ở giữa khu rừng đó là một cây long não to lớn đứng như thể canh giữ căn nhà cũ kĩ đó và những cư dân ngụ trong ngôi nhà. Người cha hình dung rằng Totoro là vị thần của khu rừng bảo vệ cho ngôi nhà, nhưng diễn giải của Tanaka đã mang lại cho Totoro một tính cách rộng hơn và cho thấy những yếu tố ở vai trò một vị thần của tự nhiên. Trong câu chuyện, Mei thường chỉ có một mình tự chơi đùa, nhưng cô bé luôn vui vẻ chơi cùng với tự nhiên. Bà mẹ Tự nhiên bảo vệ và chăm lo cho Mei như đứa con của mình. Tanaka hiểu rằng Totoro, như một người mẹ, chăm lo cho Mei và Satsuki. Như Tanaka chỉ ra, Totoro, trong vai trò người mẹ và vị thần hiện hữu của tự nhiên, đã mang lại cho các cô bé sự an toàn mà chúng cần nhất.

Đặc điểm thứ nhì của nguyên mẫu trẻ con là cậu bé hay cô bé đó cùng lúc có được tính bất khả xâm hại lẫn tính dễ bị tổn hại. Khi đứa trẻ đó đang cận kề cái chết, nó có thể đạt được năng lực siêu việt vượt ra khỏi tầm hiểu biết của con người. Nói cách khác, đứa trẻ đồng thời không thể bị tổn hại và dễ bị tổn thương. Trong bài viết “The Psychology of the Child Archetype”, Jung có đề cập đến “Chúa Hài đồng”, mà trong truyền thuyết của Thánh Christopher, là người “nhỏ hơn cái nhỏ và lớn hơn cái lớn”. Mei tương tự Chúa Hài đồng sau khi cô bé gặp Totoro.

Totoro, cư dân của khu rừng và là vị thần tự nhiên, là một hình tượng biểu trưng và phức tạp, với nhiều vai trò khác nhau. Trong mắt Mei, Totoro xuất hiện như là một người bạn kì diệu, một quái vật, và một nhân vật bí ẩn. Totoro lớn gấp mười lần so với Mei, nhưng cô bé chưa bao giờ e ngại con vật này. Tanaka, trong bài tiểu luận của mình, đã chỉ ra sự tương đồng của Totoro với những con quái vật trong truyện Where the Wild Things Are, cả về ngoại hình lẫn tính cách. Theo Tanaka, cũng như việc chinh phục những con quái vật mang đến tính độc lập cho Max, thì việc chinh phục Totoro mang đến tính độc lập cho Mei và Satsuki. Lần đầu tiên Mei gặp Totoro, cô bé trèo lên bụng con vật và tự giới thiệu mình. Danh xưng là điều quan trọng trong những câu chuyện tưởng tượng và câu chuyện dân gian, và Mei dường như hiểu được quy luật này. Sau khi Mei tự giới thiệu, cô bé hỏi tên của Totoro. Vị thần của tự nhiên dường như hưởng ứng cô bé, người  biết được tầm quan trọng của việc đặt tên, và quyết định tin tưởng cô bé: con vật này không hề ngần ngại cho cô bé biết tên. Mei và vị thần tự nhiên giao tiếp với nhau bình đẳng. Cuối cùng thì Mei thiếp ngủ đi trên bụng Totoro. Một mình cùng với một sinh vật to lớn, Mei lại có thể thư giãn và sử dụng năng lực của mình kiểm soát mọi chuyện. Rõ ràng là Mei xuất hiện như là một Đứa trẻ Thần thánh, ngang bằng với những vị thần tự nhiên và sở hữu được năng lực liên kết thế giới thực với thế giới tưởng tượng.

Đối lại, Mei dễ bị tổn thương trong thế giới thực, không thể tự bảo vệ mình trước những nguy hiểm. Mei hoàn toàn vô vọng khi bị lạc đường trong lúc đi tới nhà thương; tất cả những gì cô bé có thể làm là khóc đòi chị. Tuy vậy Mei chưa bao giờ làm mất món quà quý giá là trái bắp để dành cho mẹ. Cuộc đối thoại giữa Mei và Satsuki diễn ra vài ngày trước khi nhà thương huỷ bỏ việc đưa mẹ chúng về, và điều này thúc đẩy cho hành động của Mei. Hai chị em có nói chuyện với một bà cụ, người hàng xóm và là người chăm lo cho bọn trẻ. Bà cụ giải thích rằng những rau củ bà trồng đã đón lấy những phúc lành của ông trời nhiều đến nỗi chúng tốt cho cả cơ thể lẫn tâm hồn. Mẹ của hai cô bé được mong đợi sẽ về nhà vào cuối tuần và hai cô bé đã lên kế hoạch “vỗ béo mẹ” bằng rau củ của bà cụ. Rồi sau đó bức điện tín đến thông báo gia đình biết rằng nhà thương không cho người mẹ đó về nhà. Mei có thể biết nhiều hơn bất kì ai khác rằng cô bé và những rau củ có năng lực chữa lành bệnh tật và cô bé biết khi nào dùng nó; cô bé không cần ai bảo tại sao và như thế nào, bởi vì cô bé đã biết rồi. Khi tình cờ nghe được tình trạng nguy hiểm của mẹ mình, Mei quyết định liều mạng để cứu mẹ. Quyết định của Mei khiến cho cô bé dễ bị tổn thương.

Jung chỉ ra rằng đa số các vị thần khởi nguyên của vũ trụ đều mang bản chất lưỡng tính. Không như Mei, người hoàn toàn hưởng được thời thơ ấu của mình, thì cô chị sắp sửa bước vào giai đoạn đàn bà. Satsuki tương tự như Wendy trong Peter Pan, người phải nỗ lực để tin vào Peter, trong khi mấy đứa em trai thì tin vào Neverland ngay tức khắc. Về Mei, cô bé này chưa bao giờ đặt câu hỏi cho sự tồn tại của Totoro, như Lucy trong Chronicles of Narnia, và không như Satsuki, người có vị trí tương tự với vị trí của Peter và Susan, những người rốt cuộc trở nên quá già nên không thể bước vào thế giới của Narnia trong khi những đứa em thì vẫn có thể vào đó. Chính cái tuổi của Mei làm cho cô bé trở nên lưỡng tính.

Mei đứng giữa thế giới thực và thế giới tưởng tượng và đóng một vai trò quan trọng trong việc bắc cầu giữa hai thế giới này. Ở phần đầu câu chuyện, Mei là người duy nhất có thể thấy Totoro và những người bạn. Người cha – gần như là một Cụ già Thông thái, một nhân vật nguyên mẫu khác – có vẻ hiểu được quy luật của thế giới các vị thần và giải thích những điều đó cho hai đứa con. Không có người mẹ, gia đình Kusakable bị tách ra: Satsuki đến trường; người cha còn ở nhà nhưng bận bịu với công việc; và Mei thì bị bỏ một mình để chơi đùa. Mei lần đầu bước vào thế giới tưởng tượng của Totoro trong khoảng thời gian cô độc khi đang chơi một mình ở sân sau. Mei gặp Totoro Trung bình và Totoro Nhỏ, và trong khi theo dõi chúng, thì bị rơi vào một cái lỗ nằm bên dưới cây long não to lớn, giống như Alice khi cô này theo dõi con thỏ và bước vào Wonderland. Mei lăn xuống ngay trước mặt Totoro Bự đang nằm ngủ ngon lành. Cứ như ai đó – có thể là chính Totoro Bự – đã mời Mei vào thế giới tưởng tượng này. Bị đánh thức bởi một cô gái nhỏ bé, Totoro dường như kinh ngạc không phải bởi sự hiện diện của cô bé mà bởi sự bạo dạn. Tình trạng tách biệt của Mei đã dẫn đến lời mời của Totoro đến với thế giới này; nguyên mẫu trẻ con cần phải có sự bảo vệ của tự nhiên, tách rời khỏi sự chăm lo của người mẹ. Việc Mei đi vào thế giới tưởng tượng gợi nhắc cho người xem vẻ đẹp và vẻ tráng lệ của tự nhiên, cái mà thế hệ ngày nay dường như đã quên lãng.

Chỉ Mei mới có thể kết hợp được những điều đối nghịch: thế giới thực và thế giới tưởng tượng, thành thị và làng quê, tính nam và tính nữ, con người và tự nhiên, ý thức và vô thức. Nói cách khác, nguyên mẫu trẻ con dung hoà được sự mâu thuẫn của những điều đối nghịch và tạo ra yếu tố mới. Do vậy Mei trở thành biểu tượng của sự thống nhất, và sự thống nhất của tính cách chính là cái toàn thể, cái bản ngã. Jung giải thích rằng “Cái toàn thể bao gồm sự kết hợp giữa tính cách ý thức và vô thức”. Sự trưởng thành của Mei tượng trưng không chỉ cho sự trưởng thành cá nhân mà còn cho sự tiến triển của con người.

Đứa trẻ đến từ ngay giai đoạn bắt đầu sự sống. Tuy thế đứa trẻ cũng biểu trưng cho sự tái sinh của một đứa trẻ mới; trước khi tái sinh, cái chết phải đến. Nguyên mẫu trẻ con là một sinh vật của sự khởi tạo và của sự chấm dứt, và tượng trưng cho quá trình chết và tái sinh. Khi Mei bắt đầu đi đến nhà thương để chữa lành bệnh cho mẹ, gia đình cô bé đã đánh mất cô bé trong một khoảng thời gian. Việc đi tìm đứa trẻ bị thất lạc biểu trưng cho sự tái sinh của Mei. Đối với Satsuki, đi tìm Mei cũng có nghĩa là khám phá lại thời thơ ấu của chính mình. Trong vòng tay của Satsuki và Mei, người ta chứng kiến đuợc kết quả của sự chết và sự tái sinh của Mei. Đứa trẻ đã kết hợp được những điều đối nghịch, và những vị thần là những chứng nhân cho sự kiện đó. Bộ phim kết thúc với những nụ cười rạng rỡ của mọi người ôm lấy Mei và những vị thần của tự nhiên nhìn vào khung cảnh vui vẻ đó từ trên đỉnh cây long não to lớn kia. Việc Mei trở về nhà đã hoàn tất một giai đoạn trong quá trình tiến triển của con người.

Những cảnh phim hiện ra ở cuối phim, trong lúc chiếu danh sách thực hiện bộ phim, là rất quan trọng và mang tính gợi mở. Đầu tiên là cảnh mà trong đó Mei và Satsuki chào mừng mẹ trở về nhà. Người ta có thể dễ dàng hình dung được trái bắp mà Mei mang đến cho mẹ mình cuối cùng đã chữa lành được bệnh. Trong nhiều cảnh tiếp theo, người xem thấy Mei chơi cùng với chị mình với những đứa trẻ khác. Vì lí do nào đó mà Mei đã thay đổi; cô bé là một trong những người bạn, chứ không còn đi theo và bắt chước theo chị mình nữa. Trong một cảnh, Mei phụ trách cả sân chơi và chỉ huy những đứa trẻ nhỏ hơn. Mei đã trưởng thành sau cuộc phiêu lưu vĩ đại của mình. Mei vẫn còn là đứa trẻ, nhưng cô bé tượng trưng cho một khởi đầu mới của gia đình Kusakabe, ngôi làng, và của cả thế giới loài người khi mà cô bé đã dạy cho người xem cách sống cùng nhau với tự nhiên và cộng đồng.

Do vậy, Mei, một đứa trẻ nguyên mẫu, đã hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Mei dẫn đường cho cả gia đình Kusakabe, ngôi làng, và thế giới loài người đến một khởi đầu mới. Mei, với vai trò là một nguyên mẫu trẻ con, biểu trưng cho tương lai, cho sự tái sinh và sự cứu rỗi. Thông qua Mei, người xem chứng kiến được sự trưởng thành về mặt tinh thần và sự cá nhân hoá của con người. Bộ phim đơn giản dành cho trẻ con này chứa đựng một thông điệp cho tất cả mọi người; ta cần phải tồn tại song hành cùng với tự nhiên. Chủ đề chính trong phim của Miyazaki là câu hỏi của tự nhiên so với công nghiệp. Bộ phim chính thức đầu tiên của Miyazaki, phim Nausicaa of the Valley of Wind (Kaze no Tani no Naushika), và bộ phim nổi tiếng Princess Mononoke (Mononoke Hime) cùng đề cập vấn đề quấy nhiễu tự nhiên. Laputa: The Castle in the Sky (Tenkuu no Shiro Rapyuta), phim ra mắt giữa hai phim Nausicaa of the Valley of WindMy Neighbor Totoro, cũng nói về mối nguy của việc công nghiệp hoá và tầm quan trọng của việc sống hoà hợp cùng tự nhiên. Mei với vai trò đứa trẻ nguyên mẫu là người đưa đường dẫn lối đến với thế giới tự nhiên. Thông qua Mei thì người xem hiểu được rằng con người ngày nay đang thiếu vắng tình yêu thương và tự nhiên.

Vẫn còn nhiều yếu tố, chủ đề và môtíp để bàn luận, chẳng hạn như cuộc phiêu lưu của Satsuki, tính dục, và những chủ thể về tôn giáo xuất hiện xuyên suốt phim. Tuy vậy Mei với vai trò là kiểu mẫu trẻ con đã cho người xem những chỉ dẫn để hiểu được thế giới Nhật-bản. “Chúng tôi đã mang đến những gì các bạn bỏ lại phía sau” (“wasuremono wo todokenikimashita”) là câu khẩu hiệu của bộ phim khi nó lần đầu tiên ra mắt. Mei mang lại những gì mà con người, đặc biệt là những người Nhật, đã bỏ lại phía sau. Mei gợi nhắc cho người xem rằng con người đã từng yêu thương và chăm lo lẫn nhau như một đại gia đình, và con người đã từng tồn tại song hành cùng với tự nhiên cũng như với những người hàng xóm của mình.

Nguyên trẻ con cũng cất tiếng nói cho “đứa trẻ nội tại” – một phần của con người không bao giờ trưởng thành và luôn cần tình yêu thương, sự yên bình và sự yên tâm. Mei là cái phần đó của bản ngã mà con người đã bỏ lại phía sau hoặc đã lãng quên đi; cô bé mang lại cho người lớn cái phần trẻ con đã mất của mình. Những đứa trẻ cũng cảm thấy rằng Mei nói lên cho đứa trẻ nội tại của chúng. Ngày nay, ở Nhật-bản, người ta mong đợi trẻ con lớn nhanh. Bạo lực với trẻ con không còn hiếm có hoặc chưa-từng-nghe-đến nữa. Xã hội đã thay đổi, nhưng trẻ con bản thân chúng vẫn không thay đổi. Mei mang lại thời thơ ấu cho những đứa trẻ đã bị đánh cắp đi tuổi thơ của mình quá sớm. Miyazaki đã phát biểu trong một buổi phỏng vấn rằng ông ta muốn để trẻ con biết rằng vẫn còn nhiều điều thú vị – những điều tốt đẹp – ở ngoài đó, không chỉ là ở trong những phim của ông, mà còn vượt ra bên ngoài nữa. Thế giới của My Neighbor Totoro bộc lộ ra cái mà cả trẻ con lẫn người lớn đều thật sự khao khát.

Dịch tại Sài-gòn,
20110418.

Chú thích của tác giả:

[1] Miyazakia, đạo diễn nổi tiếng của phim Princess Mononoke (Mononoke Hime) và Spirited Away (Sen to Chihiro no Kamikakushi), là một trong những đạo diễn phim hoạt hình được ca ngợi nhiều nhất trên thế giới. Bên của Miyazaki trở nên nổi tiếng ở Nhật khi bộ phim Nausicaa of the Valley of Wind (Kaze no Tani no Naushika) tạo ra những làn sóng tại phòng bán vé vào năm 1984, mười ba năm trước khi giới phê bình và những nhà làm phim quốc tế công nhận phim Princess Mononoke. Miyazaki đã giành được giải Gấu Vàng tại Liên hoan Phim Quốc tế Berlin năm 2002, và một giải Oscar năm 2003 cho hạng mục phim hoạt hình hay nhất với phim Spirtited Away, và giải Sư tử Vàng Danh dự cho những thành tựu trong sự nghiệp mình tại Liên hoan Phim Quốc tế Venice năm 2005.

[2] Tên của các cô bé, Mei – phát âm là “May” – và Satsuki, đều mang nghĩa là tháng Năm (May). Từ quần áo của bọn trẻ và từ phong cảnh, có thể cho rằng câu chuyện bắt đầu trong khoảng tháng Năm hoặc Sáu và kết thúc vào tháng Tám.

[3] “Obake” nghĩa là một thứ gì đó được chuyển hoá, thường là đề cập đến cả quái vật lẫn hồn ma. Khi con người chuyển sang thứ gì đó không-còn-là-người, như là quái vật hay hồn ma, thì họ được gọi là “obake” Khi đề cập cụ thể đến các hồn mai, người ta dùng từ “yurei” nhưng khi đề cập đến mọi dạng quái vật và hồn mại, người ta dùng từ “obake”. Trong My Neighbor Totoro, bọn trẻ chọc ghẹo Mei và Satsuki bởi vì căn nhà cũ kĩ của hai cô bé trong như thể có thứ gì đó không phải người đang sống bên trong.

[4] Theo như những cư dân của Tokorozawa, những cái tên của những khu vực trong phim là nhại lại những tên của những vùng có thật tại Tokorozawa. Tuy nhiên Miyazaki cũng mong đợi phim có được cảm giác Nhật chung nhất đối với khung cảnh.

Nguồn:

Okuhara Rieko. “Walking along with Nature: A Psychological Interpretation of My Neighbor Totoro.” The Looking Glass: New Perspective on Children’s Literature, vol. 10, no. 2 (2006).

http://www.lib.latrobe.edu.au/ojs/index.php/tlg/article/view/104/100

8 comments on “Rieko Okuhara – Diễn giải tâm lí học về bộ phim My Neighbor Totoro

  1. Đây là film mình rất yêu thích mặc dù mình đã 25t rồi, hhehe, sự sáng tạo và lãng mạn là cái mà mỗi con người cần phải có để cuộc sống này tươi đẹp hơn :)
    Xin cảm ơn người dịch đã mang bài phân tích này đến ban đọc Việt Nam, cám ơn bạn rất nhiều

    Like

  2. Pingback: My Neighbor Totoro -Review – p1 – | ¤۩¤ thông thái đi học ¤۩¤

  3. chẳng hiểu gì về phim này nhưng mình cực thích phim của Ghibli nhất là spirited away, mộ đom đóm, Arriety, Howl’s moving castle

    Like

    • À, xin bổ sung tí nhé, bạn Duy Doan, tiến trình Individuation mà Jung nói đến ấy có thể được dịch là tiến trình Thành toàn tự ngã, hơn là Cá nhân hoá.

      Like

    • Rất cảm ơn bạn đã góp ý về cách dịch chữ Individuation. Nhưng tui vẫn bảo lưu cách dịch “cá nhân hoá” (hoặc “cá tính hoá”) của mình, vì như thế ngắn gọn mà không sai lệch nghĩa của Jung.

      Liked by 1 person

  4. Thỉnh thoảng rảnh mình vẫn coi lại My Neighbor Totoro, mỗi lần đều thấy có điều mới lạ, cũng tạo cảm hứng cho cuộc sống của mình nữa.

    Cảm ơn tác giả đã dành thời gian viết bài này!

    Like

Leave a comment