Jorge Luis Borges – Simurgh

Simurgh là một con chim bất tử làm tổ trong những cành nhánh của Cây Tri thức; Richard Burton so sánh nó với đại bàng vốn, theo Edda Văn xuôi, hiểu biết về nhiều thứ và làm tổ trong những cành nhánh của Cây Thế giới, Yggdrasil.

Cả Thalaba (1801) của Southey và Temptation of Saint Anthony [Sự cám dỗ của Thánh Anthony] (1874) của Flaubert đều nhắc đến Simorg Anka; Flaubert giáng cấp nó thành một kẻ hầu hạ cho Hoàng hậu xứ Sheba, và mô tả nó như thể có bộ lông màu cam như vảy kim loại, một cái đầu nhỏ óng bạc với khuôn mặt người, bốn cánh, một bộ vuốt của kền kền, và một cái đuôi dài, thật dài của chim công. Continue reading

Jorge Luis Borges – Akutagawa Ryūnosuke, Hà Đồng

Thales đã đo bóng của một kim tự tháp để xác định chiều cao của nó; Pythagoras và Plato đã giảng về sự đầu thai của những linh hồn; bảy mươi người sao chép bản thảo, tách li trên hòn đảo của Pharos, trong bảy mươi ngày đã cho ra đời bảy mươi bản dịch Pentateuch tương đồng; Virgil, trong sách thứ hai của Georgics, đã suy ngẫm về những thứ tơ lụa tinh nhã được dệt bởi những người Trung-hoa; và ngày xưa, những người cưỡi ngựa ở ngoại thành Buenos Aires hẳn đã cùng tranh tài trong một trận polo, trò chơi của người Ba-tư. Dù giả hay thật, những truyện này (mà người ta nên thêm vào, giữa nhiều truyện khác, sự có mặt của Attila trong những khổ thơ của Elder Edda) đánh dấu những giai đoạn liên tục trong một tiến trình phức tạp và muôn thuở vẫn đang tiếp diễn: sự khám phá phương Đông của những xứ sở phương Tây. Tiến trình này, có thể nói, có chiều ngược lại của nó: phương Tây bị khám phá bởi phương Đông. Chiều khác này thuộc về những người truyền đạo trong những chiếc áo choàng màu vàng nghệ mà một vị hoàng đế theo đạo Phật đã phái tới Alexandria, cuộc chinh phục Tây-ban-nha Kitô-giáo của Islam-giáo, và những cuốn sách mê hoặc và đôi khi rất đáng sợ của Akutagawa.

Continue reading

Jorge Luis Borges – Thú một sừng của Trung-hoa

Thú một sừng Trung-hoa, kì lân, là một trong bốn sinh vật của điềm lành; những loài kia là rồng, phượng hoàng, và rùa cạn. Thú một sừng đứng đầu tất cả 360 loài sinh vật sống trên cạn. Nó có phần thân của một con nai, đuôi của một con bò, các móng guốc của một con ngựa. Chiếc sừng ngắn của nó, mọc từ trán, bằng da thịt; lớp giáp của nó, trên lưng, gồm năm màu pha trộn, còn bụng thì màu nâu hay vàng. Nó hiền hoà đến nỗi khi bước đi nó cẩn thận không giẫm lên những sinh vật nhỏ bé nhất và thậm chí không ăn cỏ sống mà chỉ ăn cỏ khô. Sự xuất hiện của nó báo trước sự ra đời của một vị thủ lĩnh chính trực. Làm tổn thương Thú một sừng Trung-hoa hay tình cờ nhìn thấy xác của nó là điều không may. Tuổi thọ tự nhiên của loài vật này là một ngàn năm.

Continue reading

Jorge Luis Borges – Thú một sừng

Lời kể đầu tiên về Thú một sừng cũng gần tương đồng với lời kể mới đây nhất. Bốn trăm năm trước Công nguyên, nhà sử học và thầy thuốc người Hi-lạp Ctesias kể rằng giữa các vương quốc ở Ấn-độ có những con lừa hoang rất nhanh nhẹn với lớp giáp trắng, đầu tím, mắt xanh dương, và giữa trán chúng là một chiếc sừng nhọn có gốc màu trắng, chóp màu đỏ, và phần giữa màu đen. Pliny đã viết tỉ mỉ hơn (VIII, 31):

loài thú dữ tợn nhất là thú một sừng, toàn thân giống như một con ngựa, nhưng đầu thì giống một con nai đực, chân giống một con voi, và đuôi giống một con lợn lòi, và có tiếng rống trầm, và một chiếc sừng đen dài 3 feet (0,9144 mét) nhô ra giữa trán. Người ta nói không thể bắt sống được loài thú này.

Continue reading

Susan Sontag – Một bức thư gửi Borges

Susan Sontag

Một bức thư gửi Borges

Duy Đoàn chuyển ngữ

13/6/1996, New York

Borges thân mến,

Bởi vì văn tài của ông luôn được đặt bên dưới cung vĩnh hằng, nên dường như không quá kì quặc khi thảo một bức thư gửi cho ông. (Borges, mười năm rồi đó!) Nếu có một nhân vật đương thời nào dường như được số mệnh an bài là bất tử trong văn chương, thì đó là ông. Ông quả thật là một sản phẩm của thời đại ông, của văn hoá ông, và tuy vậy ông biết cách vượt thoát thời đại ông, văn hoá ông, theo những phương cách dường như rất đỗi huyền ảo. Điều này liên quan đến sự cởi mở và rộng lượng ở sự chú tâm ông có được. Ông là nhà văn ít hướng về mình nhất, minh bạch nhất trong số các nhà văn, cũng như là nhà văn tinh vi nhất. Điều này cũng liên quan đến tính thuần khiết tự nhiên của tinh thần. Mặc dù ông đã sống giữa chúng tôi suốt một thời gian tương đối dài, nhưng ông đã hoàn thiện những cách thực hành về độ tinh tế và về độ phân li, những điều làm ông trở thành một lữ khách lão luyện trong tâm tưởng đến những thời đại khác nữa. Ông có cảm nhận về thời gian khác với những người khác. Những ý tưởng bình thường về quá khứ, hiện tại, và tương lai dường như tầm thường dưới cái nhìn của ông. Ông thích nói rằng mỗi khoảnh khắc thời gian đều chứa đựng quá khứ lẫn tương lai, trích (theo như tôi nhớ) lời thi sĩ Browning, người từng viết đại loại như “hiện tại là cái chốc lát mà ở đó tương lai tan vụn ra thành quá khứ.” Tất nhiên đó là một phần của lòng khiêm tốn nơi ông: sở thích tìm kiếm ý tưởng của mình trong những ý tưởng của các cây bút khác. Continue reading

The Paris Review – Nghệ thuật Hư cấu số 39: Jorge Luis Borges

 Phỏng vấn do Ronald Christ thực hiện

Buổi phỏng vấn này thực hiện vào tháng Bảy năm 1966, trong buổi chuyện trò với Borges tại văn phòng của ông ở Biblioteca Nacional (Thư viện Quốc gia Argentina), nơi ông làm giám đốc. Căn phòng, làm nhớ lại một Buenos Aires xưa cũ, thực sự không phải là văn phòng gì cả, mà nó là một gian phòng rộng lớn, trang hoàng lộng lẫy với trần nhà cao, ngụ trong một thư viện vừa mới sửa sang lại. Treo trên tường là những tờ giấy chứng nhận và các trích dẫn văn chương – nhưng lại được treo quá cao khó mà đọc được, như thể không muốn ai nhìn thấy. Cũng có vài bản khắc acid của Piranesi, làm nhớ lại tàn tích như cơn mộng dữ của Piranesi trong truyện “Kẻ bất tử” của Borges. Phía trên lò sưởi là tấm chân dung lớn; khi tôi hỏi cô thư kí của Borges, cô Susana Quinteros, về bức chân dung ấy, thì cô đáp lại bằng cung cách rất phù hợp, dù là tiếng vang vọng vô tình, theo kiểu Borges đơn giản: “Không quan trọng gì đâu. Nó là bức tái chế lại một bức hoạ khác thôi.”

Ở góc chéo đối diện trong căn phòng là hai kệ sách lớn, có thể xoay vòng, và cô Quinteros cho biết chúng chứa những cuốn sách mà Borges thường xuyên tra cứu, tất cả đều được sắp xếp theo trật tự nhất định và không bao giờ thay đổi để Borges, vốn gần như mù loà, có thể tìm thấy chúng theo vị trí và kích cỡ cuốn sách. Chẳng hạn, mấy cuốn từ điển được sắp cạnh nhau, trong đó có cuốn Webster’s Encyclopedic Dictionary of the English Language đã cũ sờn, được đóng gáy chắc chắn và một cuốn từ điển Anglo-Saxon cũng sờn cũ y như thế. Những cuốn khác, từ mấy cuốn bằng Đức ngữ và Anh ngữ về thần học và triết học cho đến văn chương và lịch sử, trong số đó có cuốn Pelican Guide to English Literature hoàn chỉnh, cuốn Selected Writings của Francis Bacon ấn bản nhà Modern Library, cuốn Poetic Edda của Hollander, cuốn The Poems of Catullus, cuốn Geometry of Four Dimensions của Forsyth, vài cuốn trong bộ English Classics (Kinh điển Anh ngữ) của Harrap, cuốn The Conspiracy of Pontiac của Parkman, và ấn bản Beowulf của nhà Chambers. Cô Quinteros cho biết, gần đây Borges đang đọc cuốn The American Heritage Picture History of the Civil War, mà mới đêm trước thì ông đã mang cuốn The Life of Mahomet của Washington Iriving về nhà mình, và ở đó mẹ ông, nay đã chín mươi, đọc cuốn đó cho ông nghe. Continue reading

William Egginton – Về Borges, vật lí hạt và nghịch lí của cái được tri giác

William Egginton

Về Borges, vật lí hạt và nghịch lí của cái được tri giác

Duy Đoàn chuyển ngữ

 

Năm 1927, một nhà vật lí trẻ người Đức công bố bài viết làm đảo lộn thế giới khoa học. Trước thời điểm đó, vật lí cổ điển đã cho rằng khi biết được vị trí và vận tốc hạt, thì có thể tính toán được quĩ đạo của nó trong tương lai. Werner Heisenberg chứng tỏ được hoàn cảnh đó thật sự không thể xảy ra: chúng ta không thể biết chính xác cả vị trí lẫn vận tốc hạt, và chúng ta biết cái này chính xác bao nhiêu thì lại mù mờ về cái kia bấy nhiêu. Năm năm sau, ông được trao giải Nobel Vật lí cho việc đặt ra nền tảng của vật lí lượng tử.

Khám phá này có tất cả những dấu hiệu của một cú đột phá khoa học; do đó nó có thể làm người ta ngạc nhiên khi biết rằng nguyên lí bất định đó đã được một người đồng thời với Heisenberg trực giác ra, đó là nhà thơ và nhà văn người Argentina Jorge Luis Borges, và nó đã được các triết gia tiên đoán ra từ hàng bao thế kỉ trước, thậm chí hàng thiên niên kỉ trước.

Dù Borges không bình luận gì về cuộc cách mạng trong lĩnh vực vật lí học vốn đang diễn ra trong quãng đời ông, nhưng ông quan tâm đến các nghịch lí tới mức ám ảnh, đặc biệt là những nghịch lí của triết gia Hi-lạp Zenon. Như lời ông viết trong một bài luận: “Ta hãy thừa nhận điều mà tất thảy các nhà duy tâm đều thừa nhận: đặc tính ảo giác của cõi nhân gian này. Ta hãy làm điều mà không nhà duy tâm nào từng làm: ta hãy tìm kiếm những cái phi thực, những cái xác nhận đặc tính đó. Ta sẽ tìm ra chúng, tôi tin thế, trong những bội luận của Kant và trong biện chứng của Zenon.”  Continue reading

Jorge Luis Borges – Về tính chính xác trong khoa học

 

Jorge Luis Borges

Về tính chính xác trong khoa học

Duy Đoàn chuyển ngữ từ bản tiếng Anh của Andrew Hurley

 

…Ở Đế-chế đó, Nghệ thuật Hoạ-đồ-pháp (cartography) đã đạt được Hoàn-mĩ đến mức bản đồ của một  Tỉnh choán hết cả một Thành-phố, và bản đồ một Đế-chế thì choán hết cả một Tỉnh. Rốt cuộc rồi những Tấm-bản-đồ Quá-mức-chấp-nhận ấy không còn thoả mãn người ta được nữa, và Hội Hoạ-đồ-pháp tạo ra Tấm-bản-đồ của Đế-chế mà kích cỡ của nó bằng kích cỡ của Đế-chế đó, mỗi điểm trên bản đồ trùng khớp với từng điểm thuộc Đế chế. Những Thế-hệ sau vốn là những kẻ không còn thích Môn Hoạ-đồ-pháp như các bậc Tiền-bối, họ thấy rằng Tấm-bản-đồ rộng lớn ấy thật Vô-dụng, và bằng thái độ không phải không có sự nhẫn tâm, họ đem bỏ nó cho sự Khắc-nghiệt của Mặt-trời và các Mùa-đông. Ở những vùng Sa-mạc Tây-phương, ngày nay vẫn còn đó những Tàn-tích Tả-tơi của Tấm-bản-đồ đó, là nơi cư ngụ cho Loài-vật và những Kẻ-hành-khất; trên toàn bộ Vùng-đất này hiện không còn Di-chỉ nào khác thuộc những Môn-học Địa-lí.  Continue reading

Jorge Luis Borges – Những tấm gương bị che phủ

Đạo Islam cho chúng ta biết vào Ngày Phán xét không thể kháng cự, tất cả những ai đã xâm phạm hình tượng của các sinh thể sẽ một lần nữa bị đánh thức cùng những tác phẩm của mình, và được yêu cầu thổi sự sống vào chúng, và họ sẽ thất bại, rồi cùng với những công trình của mình, họ sẽ bị ném vào ngọn lửa của sự trừng phạt. Như một đứa trẻ, tôi cảm nhận được điều khủng khiếp trong sự nhân đôi hoặc tăng bội một cách ma quái của thực tại, nhưng nỗi sợ chỉ ập đến mỗi khi tôi đứng trước những tấm gương lớn. Khi trời bên ngoài vừa sập tối, chức năng bất biến không thể nhầm lẫn của gương, cách chúng đeo bám từng động thái của tôi, thứ kịch câm mang tính vũ trụ của chúng, đối với tôi dường như thật kì quái. Một trong những điều khẩn cầu Thượng đế và thiên thần hộ mệnh của tôi là mong sao mình không nằm mơ thấy những tấm gương; tôi còn nhớ rất rõ mình đã vật vờ ra sao chỉ để ngó chừng chúng trong nỗi bất an. Thỉnh thoảng tôi còn lo sợ chúng sẽ xoay xở tìm cách tách khỏi thực tại; những lúc khác, tôi lo sợ sẽ nhìn thấy khuôn mặt chính mình đang bị biến dạng bởi những tai ương kì dị trong đó. Tôi nhận ra nỗi kinh hoàng này đang lan tràn khắp thế giới một lần nữa. Câu chuyện khá đơn giản mà khó chịu vô cùng.

Năm 1927, tôi gặp một phụ nữ trẻ nghiêm nghị, ban đầu qua điện thoại (vì ban đầu Julia chỉ như một giọng nói không tên tuổi hay mặt mũi) và sau đó tại một góc phố vào ban đêm. Đôi mắt của cô to một cách đáng báo động, tóc thẳng đen huyền, dáng người mộc mạc. Cô là cháu chắt của những người Liên bang, còn tôi là hậu duệ của những người Thống nhất (1), nhưng mối bất hoà giữa hai dòng dõi, đối với chúng tôi, là một sự ràng buộc, một thuộc tính tròn đầy hơn của quê hương chúng tôi. Cô sống cùng gia đình trong một ngôi nhà có trần cao đang xuống cấp, trong sự phẫn uất và vô vị của cảnh bần hàn thanh cao. Những buổi ban trưa – rất hiếm khi vào ban đêm – chúng tôi ra ngoài đi dạo, ngang qua khu phố Balvanera (2) gần nhà cô. Chúng tôi tản bộ dọc theo bức tường cao màu trắng của sở đường sắt; có lần chúng tôi xuống tận Sarmiento, nơi sẽ dẫn đến những bãi đất trống của Parque Centenario (3). Giữa chúng tôi không phải tình yêu cũng không phải một viễn tưởng về tình yêu; tôi cảm nhận ở cô loại cảm xúc hoàn toàn không giống với những xúc cảm mang dục tính, và tôi sợ hãi điều đó. Để tạo dựng mối quan hệ thân mật với phụ nữ, người ta thường kể với họ những trải nghiệm thực tế hoặc các giai thoại đã xảy ra trong thời trai trẻ của mình; thỉnh thoảng tôi có kể cho cô ấy nghe nỗi kinh hoàng của mình về những tấm gương, và do vậy, vào năm 1928, tôi đã vun trồng những ảo tưởng sẽ kết thúc vào năm 1931. Hiện tại, tôi vừa được biết rằng cô đã điên loạn, và trong phòng cô, mọi tấm gương đều được che phủ, bởi cô nhìn thấy hình ảnh phản chiếu của tôi trong đó – chúng chiếm đoạt cô – cô run rẩy không nói nên lời, cho rằng tôi đang bám theo cô bằng ma thuật, dòm ngó cô, rình mò cô.

Sự trói buộc đáng ghê sợ, sự trói buộc của khuôn mặt – hoặc một trong những khuôn mặt xưa cũ của tôi. Số mệnh ghê tởm của nó khiến tôi ghê tởm theo, nhưng tôi đã không còn bận tâm nữa.

*

Ghi chú của Andrew Hurley:

(1) Những người Liên bang (Federalists) / Những người Thống nhất (Unitarians): Những người Liên bang là những người bảo thủ thuộc thế kỉ 19 ủng hộ một chính phủ liên bang (tức phi tập trung) ở Argentina, với những địa phận có quyền tự quyết cao và có tiếng nói bình đẳng trong chính phủ. Những người Liên bang cũng là “những người Argentina”, để đối lại những người theo chủ nghĩa quốc tế, những người Thống nhất giống như người Âu, và những nhà lãnh đạo của họ có khuynh hướng trở thành những lãnh tụ dân kiểm, chiến sĩ của họ trong các cuộc nội chiến có khuynh hướng trở thành những gã giang hồ (gaucho). Những người Thống nhất, mặt khác, là một tổ chức đóng tại Buenos Aires, ủng hộ sự tập trung, một nhà nước tự do; họ có khuynh hướng trở thành “những nhà tư tưởng tự do”, chứ không phải những tín đồ Công giáo áo xanh xám, những nhà trí thức, những người theo chủ nghĩa quốc tế, và những người sùng tín châu Âu trong dáng vẻ những người Thống nhất lên án sự lỗ mãng của tính cách giang hồ, và đặc biệt trở nên đa cảm bởi lối sống ấy; họ mang chất thành thị như một sự khiếm khuyết. “Mối bất hoà giữa hai dòng dõi” lâu đời này, như Borges đã đưa vào trong truyện, chính là mối bất hoà của Argentina, sự xung khắc chưa bao giờ được giải toả ở đất nước Argentina, nơi Jorge Luis Borges sinh sống.

(2) Balvanera: Có thể đoán vào thời điểm “Borges” trải nghiệm sự việc này, Balvanera là khu vực lân cận khu “bần hàn thanh cao” hơn là hình ảnh được mường tượng từ những mô tả của “Julia”, nhưng trong truyện Người chết in trong tập Aleph, Balvanera là khu vực lân cận, nơi xuất thân của “gã lưu manh buồn bã” Benjamín Otálora, và được mô tả như vùng ngoại thành Buenos Aires năm 1891 (rõ ràng không có nghĩa nó phải thuộc về khu ngoại thành Buenos Aires vào năm 1927, thời điểm bắt đầu của truyện Những tấm gương bị che phủ), khu vực của “những gã cưỡi xe thồ đeo đai da”. Vì vậy Balvanera không gắn bó nhiều với giới giang hồ và những kẻ cục súc (dù sự gắn bó của những người Liên bang ám chỉ một mối gắn kết như vậy), cũng như với những bãi hàng và công việc làm ăn của họ, vòng quay phụ (và kém lãng mạn hơn) của cuộc sống hoang liêu. Balvanera ở đây, như chính gia đình Julia, là bóng tối rệu rã của chính mình và của cuộc sống mà nó từng đại diện.

(3) Bức tường cao màu trắng của sở đường sắt… Parque Centenario: Tuyến đường sắt từng (và vẫn đang) chạy xuyên qua Balvanera từ ga Plaza del Once về phía tây, hướng về vùng ngoại thành Buenos Aires. Sarmiento cũng chạy về phía tây, nhưng hơi lệch về phía bắc tuyến đường sắt, chạy theo hướng chếch một chút về phía tây bắc. Cách nhà ga khoảng một dặm rưỡi, tuyến đường sắt sẽ gặp Parque Centenario.

K.H. dịch

Nguồn:
Borges, Jorge Luis. “Covered Mirrors” Jorge Luis Borges: Collected Fictions. Andrew Hurley dịch sang tiếng Anh. New York: Penguin, 1998.

jorge-luis-borges-collected-fictions

Jorge Luis Borges – Gương và mặt nạ

 

Khi những đạo quân đang xông trận trên chiến trường Clontarf, giữa lúc người Na-uy đã suy yếu, nhà vua triệu vời nhà thơ của mình đến và nói:

“Những chiến công sáng chói sẽ mất đi vẻ vinh quang nếu không được khắc tạc thành lời. Ta ra lệnh cho ngươi hãy thay ta cất lên bài ca tán dương chiến thắng. Ta sẽ là Aeneas; ngươi là Virgil của ta. Ngươi có tin mình sẽ nhận được phần thưởng xứng đáng với nhiệm vụ mà ta yêu cầu, điều sẽ giúp hai ta trở nên bất diệt này không?”

“Thần tuân lệnh, thưa đức vua,” nhà thơ trả lời. “Thần là Olan. Thần mài giũa tài khéo của mình theo niêm luật đã mười hai mùa đông. Thần khắc cốt ghi tâm ba trăm sáu mươi câu chuyện cổ là cội nguồn của mọi hình thức thơ ca chân chính. Vòng Ulster và vòng Munster ẩn trong những sợi dây đàn hạc của thần. Thần được lề luật cho phép sử dụng những ngôn từ cổ xưa nhất và những ẩn dụ phức tạp nhất về chúng. Thần tinh thông bản thảo bí mật đã che chở nền nghệ thuật của chúng ta khỏi cặp mắt tò mò của những kẻ phàm phu. Thần có thể hát về tình yêu, về vụ bắt trộm gia súc, về những con thuyền đang căng buồm ra khơi, về chiến trận. Thần biết rõ dòng dõi thần thoại của tất cả các hoàng tộc Ái-nhĩ-lan. Thần nắm giữ tri thức tuyệt mật về dược thảo, thuật chiêm tinh, toán pháp và pháp điển. Thần từng hạ gục nhiều đối thủ trong những cuộc tranh tài trước công chúng. Thần tự trui rèn trong sự giễu cợt, vốn là căn nguyên của các chứng bệnh ngoài da, gồm cả bệnh hủi. Và thần cũng biết vung kiếm, như đã chứng tỏ trong trận chiến của ngài. Nhưng có một điều thần không biết: là phải làm sao để bày tỏ lòng biết ơn của mình vì món quà mà ngài ban tặng.” Continue reading