Tiểu thuyết đương đại Nhật Bản – Stephen Snyder

Cuối những năm 1970s, sau thời kì kinh tế tương đối hỗn loạn bởi Cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973, nước Nhật quay lại với sự phát triển nhanh, hướng đến xuất khẩu. Điều này tiêu biểu cho phần  lớn kinh nghiệm thời hậu chiến của  Nhật Bản. Giai đoạn đầu của thời kì này được biết đến trong hồi tưởng như là Nền kinh tế bong bóng, được đánh dấu bởi thị trường chứng khoán và bất động sạn sôi động, vốn đầu tư lớn từ nước ngoài và sự tiêu dùng nội địa tăng mạnh. Sự sung túc vừa phải nhưng đang  gia tăng trong những năm 1960s, vì sự phục hồi thời hậu chiến vẫn được giữ vững,  được thay thế bằng cảm giác  về sức mạnh của nền kinh tế đang tăng trưởng, được phản chiếu trong lòng ngưỡng mộ của nước ngoài dành cho các sản phẩm và thực tiễn quản lí của  Nhật Bản cùng nỗi sợ đối với sức mạnh cuả nền kinh tế Nhật Bản. Sự đối khang chính trị cuối những năm 1960s là một kỉ niệm nhạt nhòa hoặc chỉ là đối tượng của lòng hoài cổ, những hạt giống  dẫn đến những điều đó rút cục  được  gán với “Nước Nhật Tươi Mát” đã được gieo trên mảnh đất nội địa và sẵn sàng để xuất khẩu. Kết thúc những năm 1970s, Nhật Bản trong lối nhìn của chính mình cũng như của thế giới vẫn đang trong quá trình tự tái sinh , văn chương thời kì này phản ánh cảm giác đổ vỡ, thứ định hình lại bối cảnh văn hóa.

Một số nhà văn có uy tín  từ thời tiền chiến tiếp tục hoạt động năng nổ cho đến những năm 1980s mang đến cái cảm  giác liên tục cho bối cảnh văn chương. Abe Kōbō (1924–93)  và  Endō Shūsaku (1923–96) là những nhân vật nổi tiếng ở tầm quốc tế thường được đề cử làm ứng viên cho giải Nobel và Ōe Kenzaburō (sinh năm 1935) , nhà văn giành giải Nobel văn học năm 1994, đã chuyển mình từ một kẻ nổi loạn trong văn chương thành nhân vật hàng đầu trong bundan (văn đàn). Các nhà văn hậu chiến khác xuất bản những tác phẩm chính bao gồm  Kaikō Takeshi  (1930–89), Kōno Taeko (1926–2015), và Ōba Minako (1930–2007).

Tuy nhiên, vào năm 1975, sự việc thường được coi là bước ngoặc trong lịch sử văn học đương thời là khi Nakagami Kenji (1946–92) trở thành nhà văn đầu tiên sinh sau Chiến Tranh Thái Bình Dương giành giải Akutagawa. Nakagami mô tả bạo lực và nỗi tuyệt vọng cũng như vẻ đẹp trữ tình đã ám ảnh lên những khu nhà  ổ chuột của burakumin [bộ lạc dân ] của vùng Shingū quê hương ông (quận Wakayama) trong một loạt những tiểu thuyết đầy uy lực , bao gồm Misaki (Mũi đất, 1976, dịch năm 1999), Karekinada (Eo biển Kareki, 1977) và Sennen no yuraku (Ngàn năm vui thú, 1982).Những chủ đề dính dáng tới luân lý  và lối văn xuôi đầy sức mạnh của Nakagami được ngưỡng mộ trên khắp cả phạm vi chính trị. Ōe Kenzaburō ca tụng nỗi ngờ vực sâu sắc đối với trật tự có sẵn và quyền lực tập trung trong khi nhà phê bình có tư tưởng tương đối bảo thủ như Jun Etō (1932–99) lại nhận thấy nhạc tính trong ngôn ngữ của Nakagami và thấy rằng nhà văn đã tạo ra những tiểu thuyết hư cấu “ mà không cần tới tính hiện đại và làm sống lại không gian của yếu tính Nhật Bản đã mất do sự phát triển tính tự sự trong truyện.” (1) Nakagami nằm trong số những nhà văn tài năng   thuộc thế hệ của ông,  nhưng văn nghiệp đó và có lẽ cả sự thôi thúc mà tiểu thuyết ông viết biểu hiện, đã bị cái chết do căn bệnh ung thư gan  cắt đứt vào năm 1992.

Cũng vẫn là những nhà phê bình  ngưỡng mộ Nakagami bắt đầu xác định “cơn khủng hoảng trong Văn học thuần túy” (junbungaku no kiki) khởi phát trong khoảng thời gian này. Ví dụ như việc  Etō , xem tiểu thuyết Kagirinaku Tōmei ni Chikai Burū (Màu xanh trong suốt, 1976, dịch năm 1977) của nhà văn Murakami Ryū (sinh năm 1952) là “tào lao”. Ông thấy rằng   sự mô tả sinh động của Murakami về những trải nghiệm của mình với ma túy và tình dục trong những khu vực xung quanh căn cứ không lực Hoa Kỳ cho đến phía tây Tokyo chỉ là sản phẩm của thứ tiểu văn hóa yểu mệnh hơn là nỗ lực nhằm “diễn tả nền văn hóa đại thể.” (2) Những nhận xét của ông phần nào vang vọng lại trong sự mô tả của Ōe Kenzaburō về các tác phẩm thuộc thế hệ mới : “chỉ là những ánh xạ của văn hóa tiêu dùng Tokyo”. (3) . Bất chấp những khác biệt về chính trị nhưng cả Etō  và Ōe  đều có chung giả định rằng “văn chương “nghiêm túc” và “thuần túy” cần hướng đến việc biểu thị và thu dụng văn hóa quốc gia , và rằng kiểu tiểu thuyết hư cấu mới có những tham vọng khác hoặc là chả có tham vọng nào cả. Vào năm 1990, Ōe  lo rằng văn chương nghiêm túc và giới độc giả văn chương  đã rơi vào cơn suy giảm kinh niên trong khi một khuynh hướng mới đã nổi lên trong vài năm qua. Hiện tượng kì lạ này phần lớn là hiện tượng kinh tế, phản ánh trong thực tế  rằng mỗi một tiểu thuyết của những nhà văn trẻ nào đó như Haruki Murakami và  Banana Yoshimoto đều bán được vài trăm ngàn bản.

“Sự suy giảm trong văn chương nghiêm túc” phản ánh thực tế rằng những khác biệt giữa junbungaku và  taishū bungaku  (văn học đại chúng) đang dần trở nên không dính dáng gì tới nhau.Vào thời kì văn học đại chúng truyền thống phần lớn phát triển thành những thể loại như – tiểu thuyết  khoa học viễn tưởng, tiểu thuyết bí ẩn và lịch sử phổ thông, tiểu thuyết tình cảm – và  sắp xếp lại trong  một thể loại mới xuất hiện được gọi là Văn học giải trí. Nhưng về mức độ quan trọng như nhau thì các nhà văn mới càng lúc càng lờ đi ranh giới giữa tiểu thuyết nghiêm túc và tiểu thuyết phổ thông, thường di chuyển tự do từ junbungaku (văn học thuần túy) sang các thể loại phổ thông hoặc kết hợp các yếu tố của nhiều thể loại trong một tiểu thuyết. Sau khi giành giải Akutagawa cho tiểu thuyết Màu xanh trong suốt, thuộc thể loại kết hợp cùng junbungaku  , Murakami Ryū xuất bản tiếp Koinrokkā Beibīzu (Những đứa trẻ bị bỏ rơi trong tủ gửi đồ, 1980, dịch năm 1995), cuốn tiểu thuyết kết hợp những quy tắc từ tiểu thuyết hư cấu thần bí, khoa học và thể loại kinh dị. Tương tự, tiểu thuyết Sekai no owari to Hādo-Boirudo Wandārando  (Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới, 1985, dịch năm 1991) của  Murakami Haruki  (sinh năm 1949)  là đứa con lai của tiểu thuyết trinh thám, tiểu thuyết khoa học viễn tưởng và tiểu thuyết giả tưởng. Những lối viết này trở nên phổ biến trong những thế hệ kế tiếp và trong khi sự khác biệt giữa junbungaku  (văn học thuần túy ) và tiểu thuyết phổ thông vẫn là chủ đề gây tranh cãi, sự khác biệt hầu như còn giá trị trong việc xếp sách ở các tiệm sách, trong các giải thưởng văn chương và trong các tập san văn chương có hàm lượng văn hóa cao có vốn đầu từ còn sót lại khi bị đồng nhất với văn học nghiêm túc.

Khi chọn việc phê bình các cuốn sách của  Murakami Haruki và Yoshimoto Banana (sinh năm  1964) , Ōe đã đồng hóa các yếu tố thẩm mỹ và kinh tế thúc đẩy sự phát triển trong tiểu thuyết hư cấu từ năm 1980. Sau những khởi đầu ấn tượng,  Murakami và Yoshimoto cùng với những nhà văn khác như  Murakami Ryū, Yamada Eimi (sinh năm  1959), và Shimada Masahiko (sinh năm 1961), gây dựng sự nghiệp với việc vượt qua những thể loại văn chương truyền thống và mở đầu cho ý niệm về bungaku aidoru ( thần tượng văn học) định hình lề lối xuất bản và giới độc giả trong 3 thập niên vừa qua.

Murakami Haruki là nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất trong thời của ong cũng như là nhà văn Nhật Bản có sách bán chạy cả ở trong nước và ngoại quốc. Sự nghiệp của ông mở rộng ra nhiều thể loại và truyền thông cũng như đã đặt ra những chuẩn mực mới cho việc thương phẩm hóa các tác phẩm văn chương. Bắt đầu bằng một loạt các tiểu thuyết – Kaze no uta o kike (Lắng nghe gió hát, 1971), 1973-nen no pinbōru (Pinball, 1973 -1980) và Hitsuji o meguru bōken (Cuộc săn cừu hoang,1982) – trong những tiểu thuyết này ông ra công trau chuốt lối viết tự sự khách quan, châm biếm cùng những yếu tố truyện quái dị, điều này đặc trưng cho thời kì tiểu thuyết sau này của ông. Sau Noruwei no mori (Rừng Na Uy, 1987, dịch năm 2000), tiểu thuyết tình cảm không điển hình cho hiện thực , xác lập tài năng của  Murakami như là nhà văn có sách bán chạy nhất, ông viết ra một loạt những tiểu thuyết chính yếu kì lạ (Biên niên ký chim vặn dây cót, 1995, dịch năm 1997; Kafka bên bờ biển, 2002, dịch năm 2005; 1Q84, 2009, dịch năm 2011) , những tiểu thuyết đoản thiên (Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời, 1992, dịch năm  2000; Người tình Sputnik, 1999, dịch năm 2001; Sau nửa đêm, 2004, dịch năm 2007), tác phẩm phi hư cấu (Ngầm, 1997-8, dịch năm 2000; Tôi nói gì khi nói về chạy bộ, 2007, dịch năm 2008) , tuyển tập truyện ngắn ( thường cộng tác với các họa sĩ vẽ minh họa  có tiếng) và nhiều cuốn sách mỏng, đó là  chưa đề cập tới hơn 50 tập bản dịch Nhật ngữ các tiểu thuyết hư cấu của Mỹ. Sự nghiệp của Murakami được điều hành như một nền công nghiệp thành công và nó đã trở thành  kiểu mẫu (không tài nào bắt chước được) đối với sự nổi tiếng về văn chương ở Nhật Bản. Tiểu thuyết hư cấu của ông , bắt được cái cảm giác  bất mãn của đô thị cùng nỗi âu lo, đã ăn nhập với tầng lớp độc giả trên  toàn thế giới, lối văn xuôi giản dị cùng sự thờ ơ của Murakami  gây cảm hứng cho nhiều tín đồ và những kẻ bắt chước theo.

Sự nghiệp thời kì đầu của Yoshimoto Banana và Yamada Eimi cũng có tầm ảnh hưởng gần sánh ngang với của Murakami trong việc xác lập  những mẫu hình của người thành danh về văn chương. Tiểu thuyết đầu tay Kitchin (Kitchen, 1987, dịch năm 1993)  của Yoshimoto phô bày nhiều chủ đề tương đối nghiêm túc mà bà tiếp tục khảo sát suốt cả sự nghiệp của mình – tình yêu, sự mơ hồ về tính dục và sự mong manh đời người – nhưng giọng văn giống như- shōjo [ND: shōjo hay shōjo  manga – Thiếu nữ mạn họa]  trong tác phẩm của bà giúp bà gặt hái thành công tức thì và kéo dài cùng với một thế hệ độc giả mới trong khi cũng lại thách thức các quan niệm truyền thống về sự nghiêm túc trong văn chương.

Tác phẩm của Yamada thời kì đầu sự nghiệp có lẽ không khác lắm so với của Yoshimoto khi  đề cập tới  các mối quan hệ ác-thống dâm giữa phụ nữ Nhật với đàn ông Mỹ  đen trong những tác phẩm như Beddo taimu aizu ( Đôi mắt ấy vẫn ở trên giường , 1985, dịch năm 2006) và Torasshu(Kẻ vô dụng, 1991, dịch năm 1995). Nhưng bà có chung với  Yoshimoto cũng như  Murakami Haruki và Murakami Ryū một tác phẩm văn chương đầu tay ấn tượng và  mau chóng trở thành người nổi tiếng, xác định lại kiểu hình của nền công nghiệp xuất bản và sáng tạo ra chính những mẫu hình đó.

Việc phân loại các nhà văn thành những thế hệ, trường phái và trào lưu, từng thuộc về các chức năng trung tâm của phê  bình Nhật Bản, trở nên ngày càng khó khăn khi những khác biệt giữa văn chương cao cấp và bình dân tan rã và những nhà văn bắt  đầu di chuyển tự do giữa các thể loại và các phương tiện truyền thông khác nhau.  Tuy nhiên những đặc điểm của sự  phát triển đó có thể truy nguyên được, khởi nguồn từ những nhân vật văn chương quan yếu trong những năm đầu của thời kì này.

Ảnh hưởng Murakami Haruki  dễ nhận thấy nhất và có thể cảm nhận trong một thế hệ những nhà văn viết các tác phẩm của mình theo kiểu văn xuôi giản dị của  Murakami và có cùng thái độ với ông đối với tầm quan trọng của lối kể chuyện và niềm yêu thích đối với các loài động vật biết nói và sự sáng tạo ra những thế giới giả tưởng có chút ít tương đồng với nước Nhật đương đại. Trong khi  sự mô phỏng không phải cứu cánh của nhà văn, nhiều nhà văn thoải mái thừa nhận ảnh hưởng của Murakami.

Yōko Ogawa (sinh năm 1962) giành giải Akutagawa cho cuốn tiểu thuyết Ninshin karendā (Nhật ký mang thai, 1991, dịch năm 2008) vào năm 1991. Giống như nhiều tác phẩm sau này, Nhật ký mang thai được kể bằng giọng một người phụ nữ trẻ với cảm xúc rời rạc có liên hệ tinh thần với người kể chuyện ở ngôi thứ nhất đặc trưng kiểu Murakami, đồng thời đặt cạnh những mô tả chi tiết đời sống hàng ngày – thức ăn hay hoạt động trong nhà – với những yếu tố truyện nhiễu loạn và kì lạ. Ogawa từng nói rằng tiểu thuyết của bà không có bối cảnh ở Nhật mà ở những thế giới do tự bà tạo ra.

Các tác phẩm của Kawakami Hiromi (sinh năm 1958) đi từ tiểu thuyết khoa học viễn tưởng đến tiểu thuyết tình cảm nhưng thiên hướng đối với truyện giả tưởng là đặc trưng của xu thế chi phối trong tiểu thuyết hư cấu Nhật sau Murakami. Nhân vật chính trong tiểu thuyết giành giải Akutagawa Hebi o fumu  (Giẫm lên rắn, 1996) giết chết con rắn biết nói , chỉ để biến nó trở lại thành một người phụ nữ trung niên. Trong  “Hokusai” (2002),   người kể chuyện gặp một người đán ông trên bãi biển hóa thành mực ống  trong bức tranh mộc bản sắc tình nổi tiếng.

Các nhà văn khác chịu ảnh hưởng từ Murakami Haruki bao gồm: Shūichi Yoshida (sinh năm 1968) với  Pāku raifu (Đời công viên, 2002) , với văn phong tự chủ và nhân vật chính bất mãn, điển hình cho tiểu thuyết hư cấu thành thị Nhật BảnEkuni Kaori (sinh năm 1964), đưa ra những mô tả quanh co về đời thường và mối quan hệ trong các tác phẩm như Tōkyō tawā (Tháp Tokyo, 2001) và Kira kira hikaru   (Lấp lánh, 1992dịch năm  2003) ; những tiểu thuyết của Ishii Shinji (sinh năm 1966) phát triển khuynh hướng giả tưởng trong văn học Nhật trong những tiểu thuyết giống như ngụ ngôn như Puranetariumu no futago  (Cặp sinh đôi cung thiên văn, 2003) và  Mizuumi (Hồ, 2007).

Ảnh hưởng của Murakami Ryū có thể thấy trong nhóm những nhà văn có chủ đề và hình ảh mượn từ sự bạo dạn và  cường độ trong tác phẩm của ông. Murakami Ryū đã kinh qua tiểu thuyết khoa học viễn tưởng và giả tưởng trong các tác phẩm như Những đứa trẻ bị bỏ rơi trong tủ gửi đồ  Gofun go no sekai ( Thế giới năm phút sau đó, 1994) và với một thể loại lai ghép giữa thần bí-kinh dị trong In za Misosūpu (Trong nồi súp miso, 1997, dịch năm 2003) và Piashingu (Xuyên thấu, 1994, dịch năm 2007). Murakami Ryū cũng là đại diện của khuynh hướng đang hình thành của các nhà văn muốn thu rút ảnh hưởng từ phương tiện truyền thông đại chúng phi văn chương và làm việc thông qua phương tiện truyền thông cùng các phạm trù nghề nghiệp. Ảnh hưởng của ông   bao gồm manga, anime và trò chơi điện tử, ông làm việc như phát thanh viên truyền hình và nhà bình luận kinh tế và đạo diễn phim trong khi tiếp tục viết tiểu thuyết với tiến độ mau chóng.

Nhiều tiểu thuyết gần đây đề cập tới những khía cạnh đáng lo ngại trong văn hóa Nhật đương đại như vấn nạn hikikomori  trong tiểu thuyết Kyōsei Chū (Kẻ ăn bám, 2000) và Enjo-kōsai [Viện trợ giao tế] trong Rabu & poppu (Tình yêu và nhạc Pop, 1996).

Ảnh hưởng của Murakami Ryū lên Văn chương giải trí thời kì hậu kinh tế bong bóng có thể thấy trong các tác phẩm của những nhà văn như Kirino Natsuo (sinh năm 1951), Kanehara Hitomi (sinh năm 1983), và Ishida Ira (b. 1960), họ tập trung viết về bạo lực và thái độ phản xã hội ở ngoài lề của xã hội Nhật, thường được gợi hứng từ những phân tích các tin tức về những tội ác ấn tượng và những  xu hướng xã hội nhiễu loạn. Tiểu thuyết  OUT (1997, dịch năm 2003) của Kirino đề cấp tới hàng loạt những vấn nạn xã hội gồm sự biên duyên hóa công việc cuả nữ giới,  bạo hành gia đình, và mại dâm giới thanh thiếu niên trong khi Ikebukuro Uesuto gēto pāku (Công viên cổng phía tây Ikebukuro, 1997) của Ishida mô tả những đứa trẻ bỏ học chẳng gì làm ngoài việc la cà trong công viênSự phổ biến của cả hai tác phẩm được nâng cao, thường là ngày càng tăng,  bởi phim ảnh  và việc chuyển thể truyền hình, và trong trường hợp của Ishida thậm chí còn có cả một phiên bản manga. Vào năm 2003, ở tuổi 21, Kanehara trở thành nhà văn trẻ nhất (cùng với Wataya Risa, sinh năm 1984, người đồng giải thưởng ) giành giải Akutagawa. Hebi ni piasu (Rắn và khuyên lưỡi, 2004, dịch năm 2005), mô tả trải nghiệm của một phụ nữ trẻ bị ám ảnh bởi nghệ thuật xỏ khuyên và bạo dâm, mắc nợ tiểu thuyết thời kì đầu của Murakami Ryū rất nhiều trong giọng điệu cũng như nội dung và mắc nợ cả những tác phẩm thời kì đầu của Yamada Eimi.

Ảnh hưởng của tính hậu hiện đại toàn cầu có thể thấy trong tiểu thuyết Nhật mở màn với tác phẩm của  Shimada Masahiko. Ví dụ, tiểu thuyết Higan sensei (Bỉ ngạn tiên sinh, 1992), là sự giễu nhại rộng lớn và đầy sáng tạo tác phẩm Kokoro của Natsume Sōseki, tác phẩm quan trọng của tiểu thuyết kinh điển hiện đại. Các nhà văn khác có cùng sở thích với Shimada về tác phẩm mô phỏng, sự giễu nhại, và sự thử nghiệm về văn phong gồm có Takahashi Gen’ichirō (sinh năm 1951), Abe Kazushige (sinh năm 1968), Machida Kō  (sinh năm 1962), Matsuura Rieko (sinh năm 1958), và Shōno Yoriko (sinh năm 1956). Ura Bajon (Phiên bản phản diện, 2000)  của Matsuura là thử nghiệm mở rộng trong kĩ thuật siêu tiểu thuyết trong khi  Taimu surippu konbinaato (Phức hợp bến thời gian, 1994), nhờ nó bà giành giải Akutagawa, là chuyến du hành tựa như mơ xuyên qua một Tokyo thời kì hậu kinh tế bong bóng cùng những sự  phô bày điển hình về trình độ điêu luyện của ngôn ngữ và hình ảnh.

Nakagami Kenji lại mô tả thế giới chìm khuất to lớn của những  khu ổ chuột của burakumin [bộ lạc dân] trong thời kì đầu này nhưng từ những năm 1980s những nhóm người bị tước quyền công dân ở Nhật Bản ngày càng nhận được chú ý từ giới phê bình và giành được sự yêu mến của độc giả. Tiểu thuyết và truyện phản ánh căn cước cùng những vấn đề về sự kì thị đã trở nên một phần chính yếu của tiến trình văn học.

Mặc dù có một lịch sử dài , tuy vậy mãi tới những năm 1970, văn chương của những người Hàn cư trú tại Nhật [zainichi hoặc Zainichi Kankokujin ; Hán Việt: Tại Nhật Hàn Quốc Nhân]  bắt đầu nhập vào dòng chính thống, những nhà văn Hàn cư trú tại Nhật nhận được sự chú ý trên  văn đàn vì những mô tả của họ về tình trạng đứng bên lề ở xã hội Nhật Bản. Ri Kaisei (sinh năm 1935) giành giải Akutagawa năm 1972 cho tác phẩm “Kinuta o utsu onna” (Người đàn bà chuội  vải, 1972) mở đầu cho một loạt các nhà văn Hàn cư trú tại Nhật thắng giải này, gồm có Yi Yangji (1955–92) (Yuhi, 1988), Yu Miri (sinh năm 1968) (Rạp chiếu bóng gia đình, 1996), Gengetsu (sinh năm 1965) (Nơi bóng tối trú mình, 1999). Vào năm 2008, nhà văn Trung Quốc Yang Yi (sinh năm 1964) trở thành nhà văn đầu tiên không  nói Nhật ngữ như tiếng mẹ đẻ thắng giải thưởng này cho  tiểu thuyết Toki ga nijimu asa (Buổi sáng khi thời gian đổ máu), mô tả về nỗi đau của những người thanh niên tham gia vào phong trào ủng hộ dân chủ tại Trung Quốc cuối những năm 1980s, nhà văn sanh tại Mỹ Levy Hideo (sinh năm 1950) tạo ra một cơn xúc động mạnh khi cuốn Seijōki no Kikoenai Heya ( Căn phòng nơi người ta không biết đến Lá cờ lấp lánh ánh sao, 1992, bản dịch 2011) giành giải Văn chương Noma cho Những nhà văn mới.

Văn chương đồng tính nữ và đồng tính nam cũng trở nên nổi bật sau năm 1980 khi nhà thơ và tiểu thuyết gia Takahashi Mutsuo (sinh năm 1937) nổi lên như một phát ngôn nhân đối với các vấn đềvề đồng tính nam trong xã hội Nhật. Yes, Yes, Yes (1990) của Hiruma Hisao (sinh năm 1960) có lẽ là tiểu thuyết được đọc nhiều nhất tại Nhật Bản khi đưa ra một chân dung tích cực về đời sống đồng tính nam trong khi Shiroi bara no fuchi made (Nơi sâu thẳm của hoa hồng trắng, 2001) lại đem đến một mô tả bộc trực về mối quan hệ đồng tính nữ.

 

Khuynh hướng  vượt ra phạm vi quốc gia có chiều hướng tăng dần trong tiểu thuyết Nhật Bản có thể thấy trong các tác phẩm của những nhà văn như Tawada Yōko (sinh năm 1960), khi trưởng thành, bà chủ yếu sống tại Đức và xuất bản sách cả bằng tiếng Đức lẫn tiếng Nhật. Ảnh hưởng  của Kafka và Murakami Haruki là quá rõ trong các tác phẩm như Inu mukoiri (Chú rể là một con chó, 1993, dịch năm 1998), giành giải Akutagawa năm 1993 và lối mô tả đa thế hệ dạo gần đây trong khi nói về gấu bắc cực,  Yuki no  renshū (Thực tập sinh trên tuyết, 2011) .Mizumura Minae (sinh năm 1951), mặt khác , trở về Nhật sau khi được nuôi dưỡng và giáo dục ở Mỹ. Bà mở màn cho sự nghiệp bằng cách viết tiếp tiểu thuyết chưa hoàn thành Meian [Minh ám, Ánh sáng và bóng tối ] ( bà viết Zoku Meian /Tục minh ám, 1990 ) của Natsume Sōseki. Trong tác phẩm văn chương đầu tay đầu tay táo bạo này và trong những tác phẩm như Watakushi shōsetsu from left to right  (Tư tiểu thuyết từ trái sang phải, 1995) và trong tiểu thuyết gợi hứng bởi Đỉnh gió hú là Honkaku shōsetsu (Tiểu thuyết đích thực, 2002, dịch năm 2013) ,  Mizumura cho thấy kiến thức sâu dày của bà về truyền thống văn chương Nhật khi nó phải đối diện với bối cảnh lịch sử và văn hóa phức tạp đồng thời gợi ý rằng tầng lớp độc giả sành sỏi vẫn tồn tại trong thời kì thương mại hóa. Tiểu thuyết gần đây của bà Haha no isan (Gia tài của mẹ tôi, 2012) đề cập tới khó khăn trong việc chăm sóc người mẹ giá, gợi ra những chủ đề mà tiểu thuyết Nhật sẽ phải đối diện trong những năm sắp tới.

 

Mặc dù Ōe Kenzaburo thương xót vì sự suy giảm văn chương nghiêm túc và quá trình thương mại hóa đang gia tăng trong những năm 1990s thì một thập kỉ sau đó, giới văn chương trở nên bối rối khi thấy rằng phân nửa trong mười cuốn sách bán chạy nhất năm 2007 là những cuốn tiểu thuyết bắt nguồn với tư cách là Keitai shōsetsu  (cellphone novels/thủ cơ tiểu thuyết) [Tiểu thuyết viết trên điện thoại di động] . Tiểu thuyết viết trên điện thoại di động, nhìn chung các tiểu thuyết tình cảm tối tăm viết bằng những câu ngắn, trên màn hình nhỏ thần thiện và gửi tới điện thoại từng theo từng kì ngắn, hầu hết là  do những phụ nữ trẻ viết, họ bảo vệ cẩn thận nhân dạng của mình bằng bút danh như Mika hay Rin. Koizora (Bầu trời tình yêu, 2005) của Mika có hơn 12 triệu lượt xem trực tuyến và bán được hơn 2 triệu bản sách in. Lượng sách bán ra – cả tiểu thuyết nghiêm túc lẫn phổ thông – mặt khác đang giảm trong những năm gần đây. Tiểu thuyết in thành sách đang dần tranh giành – thường thì với thành công hạn chế- sự chú ý không chỉ với manga , tiểu thuyết viết trên điện thoại mà còn với game vi tính,  tiểu thuyết siêu văn bản và  những hình thức giải trí có tính tự sự khác,  và các nhà xuất bản Nhật , giống những đồng  nghiệp trên khắp thế giới gắng sức thích nghi với môi trường mới. Nhưng đồng thời nhiều nhà văn cũng tiếp tục xuất bản với  nhịp độ phi thường, những tiểu thuyết trường thiên, chứa nhiều tham vọng như Shinsemia (Sinsemilla, 2003) của Kazushige , với không khí đậm chất Faulkneresque  gợi nhớ tới  thị trấn nhỏ Nhật Bản và Hachigatsu no hate (Cuối thu, 2004) của Yu Miri  đã tiểu thuyết hóa cuộc đời của người ông nhà văn, một vận động viên chạy marathon nổi tiếng, tiếp tục tìm tới độc giả. Và trong cuối thập kỉ đầu tiên của thế kỉ 21 này, tiểu thuyết 1Q84 (2009–10, dịch năm 2011), dày ba tập với 1500 trang của Murakami Haruki, một chuyện tình ra mắt cùng lúc trên toàn cầu, tạo nên một cơn xúc động mạnh chưa từng thấy  ở trong nước và cuối cùng là quốc tế về xuất bản. Trong khi di sản của thế hệ Murakami vẫn được xác quyết thì dường như  chắc chắn  rằng văn chương Nhật Bản sẽ tiếp tục tìm thấy độc giả và dự vào nền văn hóa mà nó biểu thị.

Trịnh Ngọc Thìn dịch

Bình Phước, 4/10/2017

*Bản dịch này được người dịch đăng song song trên hai trang:  https://toiditimchanly.wordpress.com/ và  https://chiecnon.wordpress.com/

Nguồn: Stephen Snyder, “Contemporary Japanese fiction,” The Cambridge History of Japanese Literature, Cambridge University Press , 2016

Chú thích của tác giả:

(1): Alan Tansman, “History, Repetition, and Freedom in the Narratives of

Nakagami Kenji,”  Journal of Japanese Studies 24, no. 2 (1988): 254.

(2): Etō  Jun, “Murakami Ryū, Akutagawa-shō jushō no nansensu,” Sandei Mainichi, July 25, 1976, 136–8.

(3): Kenzaburō Ōe  , Japan, the Ambiguous, and Myself: The Nobel Prize Speech and Other Lectures (Tokyo: Kodansha International, 1995), 121–2.

 

*Những chỗ có ngoặc [  ] là của người dịch

Leave a comment