Scott Soames – Ngôi nhà đích thực của triết học

Nicole Bengiveno/The New York Times

Nicole Bengiveno/The New York Times

Scott Soames

Ngôi nhà đích thực của triết học

Duy Đoàn chuyển ngữ

Tất cả chúng ta đều nghe nói đến lập luận cho rằng triết học đã bị cô lập, một lĩnh vực “tháp ngà” bị cắt lìa hoàn toàn khỏi mọi hình thức còn lại trong việc truy cầu tri thức vốn có nhiệm vụ thúc đẩy tiến bộ, trong đó có toán và các ngành khoa học, cũng như khỏi những mối quan tâm thực sự thường nhật. Có nhiều lí do cho chuyện này. Trong bài tiểu luận thu hút nhiều độc giả trong mục [The Stone của New York Times] này, “Khi triết học lạc lối”, Robert Frodeman và Adam Briggle cam quyết rằng lí do nằm ở sự cơ cấu hoá của triết học trong trường đại học vào cuối thế kỉ 19 vốn tách li nó ra khỏi lĩnh vực nghiên cứu nhân văn và tự nhiên, nay là phạm vi của khoa học xã hội và khoa học tự nhiên.

Việc cơ cấu hoá này, theo cam quyết của hai tác giả, đã dẫn triết học đến chỗ phụ bạc mục đích trọng tâm trong việc minh giải tri thức cần thiết để sống cuộc đời cao hạnh và xứng đáng. Tôi có quan điểm khác: Triết học không bị tách li khỏi khoa học xã hội, tự nhiên hay toán học, nó cũng chẳng bỏ mặc việc nghiên cứu về cái tốt, công chính và đức hạnh, những thứ vốn chưa bao giờ là mục đích trọng tâm của triết học.

Các tác giả đó cam quyết rằng triết học đã từ bỏ mối quan hệ của mình với những lĩnh vực khác bằng cách tạo nên địa hạt được tịnh hoá của riêng mình, mà chỉ những chuyên gia được cấp chứng nhận mới có thể tiếp cận được. Thực sự là từ khoảng 1930 đến 1950, một số triết gia – đặc biệt các nhà duy nghiệm logic – đã cất tiếng cho rằng triết học có chủ đề dành riêng cho mình. Nhưng bởi lẽ vấn đề này là việc phân tích logic vốn có mục đích thống nhất tất cả khoa học, nên tính liên ngành là điều trước tiên và trọng tâm. Continue reading

Robert Frodeman & Adam Briggle – Khi triết học lạc lối

Sinh viên tại trường University of California tại Berkeley. Jim Wilson/The New York Times

Sinh viên tại trường University of California tại Berkeley. Jim Wilson/The New York Times

Robert Frodeman & Adam Briggle

Khi triết học lạc lối

Duy Đoàn chuyển ngữ

 Lịch sử triết học Tây phương có thể được trình bày theo nhiều cách. Nó có thể được kể theo thời kì – cổ đại, trung đại và hiện đại. Ta có thể chia nó thành những truyền thống đối địch (duy nghiệm đối với duy lí, phân tích đối với lục địa), hoặc thành nhiều khu vực cốt lõi khác nhau (siêu hình học, nhận thức luận, đạo đức học). Tất nhiên nó cũng có thể được nhìn qua ống kính phê phán của sự loại trừ giới tính hay chủng tộc, như một lĩnh vực gần như hoàn toàn được định hình cho và bởi đàn ông Âu châu da trắng.

Tuy thế, mặc dù các mô tả phong phú và đa dạng, tất cả chúng đều phải qua một điểm ngoặt trọng yếu: việc định vị triết học bên trong một cơ cấu hiện đại (trường đại học nghiên cứu) vào cuối thế kỉ 19. Việc cơ cấu hoá triết học đã đưa nó vào một lĩnh vực mà chỉ có thể được theo đuổi nghiêm túc trong một khung cảnh hàn lâm. Thực tế này tương ứng với một trong những thất bại trường kì của triết học đương đại.

Hãy xem thử chi tiết đơn giản này: Trước khi chuyển vào trường đại học, triết học chưa bao giờ có một chỗ ở trọng tâm. Người ta có thể tìm thấy triết gia ở mọi nơi – phụng sự ở vai trò nhà ngoại giao, sống nhờ lương hưu, cắt kính thuốc, cũng như trong một trường đại học. Sau đó, nếu họ là những nhà tư tưởng “nghiêm túc”, người ta kì vọng rằng các triết gia sẽ ngụ trong trường đại học nghiên cứu. Đi ngược lại các ý hướng của Sokrates, các triết gia trở thành chuyên gia giống như các chuyên gia trong từng ngành. Việc này xảy ra cho dù họ dạy sinh viên những phẩm tính của sự thông tuệ kiểu Sokrates, vốn nêu bật vai trò của triết gia như một người không phải chuyên gia, như một người tra vấn, một kẻ quấy rầy.

Khi đó, như nhà tư tưởng Pháp Bruno Latour hẳn sẽ nêu ra, triết học đã được “tịnh hoá” (purified) – tách biệt khỏi xã hội trong quá trình hiện đại hoá. Việc tịnh hoá này xảy ra nhằm phản ứng với ít nhất hai sự kiện. Đầu tiên là sự phát triển của khoa học tự nhiên, như một lĩnh vực nghiên cứu rõ ràng khác biệt với triết học, vào khoảng năm 1870, và sự xuất hiện của các ngành khoa học xã hội trong thập niên sau đó. Trước lúc này, giới khoa học thoải mái nghĩ mình là “triết gia tự nhiên” – những người nghiên cứu tự nhiên; và các tiền bối của giới khoa học xã hội đã nghĩ bản thân là “triết gia luân lí”. Continue reading

Hope Reese – Tại sao học triết? ‘Để thách thức quan điểm của bạn’

 

Hope Reese

Tại sao học triết? ‘Để thách thức quan điểm của bạn’

Phỏng vấn Rebecca Newberger Goldstein, tác giả cuốn Plato at the Googleplex: Why Philosophy Won’t Go Away

Duy Đoàn chuyển ngữ

Vào thời điểm mà những tiến bộ trong khoa học và công nghệ đã làm thay đổi nhận thức của chúng ta về bản thân con người mình xét về mặt tinh thần lẫn thế chất, thì thật dễ dàng gạt bỏ lĩnh vực triết học và cho nó là thứ quá xưa cũ. Stephen Hawking còn cả tiếng bảo rằng triết học đã chết.

Nhưng Rebecca Newberger Goldstein không cho là vậy. Goldstein, một triết gia và tiểu thuyết gia, học triết học tại trường Barnard và sau đó lấy bằng Ph.D về triết ở trường Princeton University. Bà đã viết nhiều cuốn sách, đoạt được giải MacArthur “Genius Award” vào năm 1996, và đi dạy ở nhiều trường đại học, trong đó có Barnard, Columbia, Rutgers, và Brandeis.

Cuốn sách mới vừa ra mắt của bà, Plato at the Googleplex: Why Philosophy Won’t Go Away, cung cấp cho người đọc cái nhìn sâu vào bên trong tiến trình đầy ý nghĩa – và thường vô hình – mà triết học đã tạo nên. Tôi nói chuyện với Goldstein về ý kiến của bà trong cuộc tranh luận khoa học với triết học, làm thế nào chúng ta có thể đo lường được những tiến bộ của triết học, và tại sao sự hiểu biết về triết học vẫn là điều quan trọng đối với cuộc sống chúng ta ngày nay.

Hồi còn nhỏ, bà đã bắt gặp cuốn The Story of Philosophy của Will Durant. Thế những suy nghĩ ban đầu khi đó của bà là gì?

Tôi lớn lên ở một hộ gia đình Do-thái giáo Chính thống (Orthodox Jewish) rất sùng đạo và dường như mọi người đều có quan điểm vững chắc về hết thảy những loại vấn đề lớn lao. Tôi hứng thú với chuyện làm thế nào họ biết những điều mà dường như họ có biết, hoặc họ khẳng định có biết. Đó là cái mà giờ tôi gọi là vấn đề nhận thức luận (epistemology). Tôi được phép đọc rất nhiều loại sách, và tôi chọn lấy cuốn The Story of Philosophy. Khi ấy hẳn là tôi được 11 hay 12 tuổi. Và chương về Platon… đó là trải nghiệm đầu tiên của tôi về một dạng cảm giác đê mê mang tính trí tuệ. Tôi bị lôi hẳn ra bên ngoài bản thân mình. Có nhiều thứ khi đó tôi không hiểu, nhưng có điều gì đó trừu tượng và vĩnh hằng nằm bên dưới tất thảy những hiện tượng luôn biến đổi của cõi sống này. Ông ta dùng từ “ảo ảnh” (phantasmagoria), vốn là một trong những từ tôi phải tra từ điển, và có thể đó là một trong rất ít lần tôi tiếp cận từ đó. Tôi có thể chẳng hiểu gì về những điều mình đang đọc, nhưng tôi lại bị hút vào cuốn đó. Continue reading

[Từ điển triết học Cambridge] apeiron

Duy Đoàn chuyển ngữ

Apeiron, thuật ngữ Hi-lạp nghĩa là ‘cái vô hạn’ hoặc ‘cái bất tận’, sau tiến triển thêm để biểu thị ‘cái bất định’. Anaximandros trình làng thuật ngữ này cho triết học bằng cách nói rằng nguồn của vạn vật là apeiron. Có một mối bất đồng ý kiến về việc ông ta dùng thuật ngữ này ý chỉ cái vô tận về mặt không gian, vô tận về mặt thời gian, hay bất định lượng. Có vẻ ông ta có ý dùng thuật ngữ này để chuyển tải ý nghĩa đầu tiên, nhưng hai nghĩa còn lại cùng tình cờ áp dụng được vào cái vô tận về mặt không gian. Sau Anaximandros, Anaximenēs tuyên bố không khí vô hạn chính là nguyên lí đầu tiên của mình, và Xenophanēs làm cho mặt đất phẳng mở rộng xuống dưới không có ranh giới nào, và có thể hướng ra ngoài theo bề ngang cũng không có giới hạn nào. Parmenidēs lập luận rằng “cái-tồn-tại” phải được giữ bên trong những ranh giới xác định. Nhưng môn đệ của ông Melissos một lần nữa lập luận rằng cái-tồn-tại phải vô tận – về thời gian lẫn không gian – bởi vì nó có thể vô thuỷ vô chung. Một môn đệ khác của Parmenidēs, Zenon xứ Elea, lập luận rằng nếu có nhiều bản thể, thì các nghịch lí sẽ trỗi dậy, bao gồm những hệ quả rằng các bản thể vừa hữu hạn vừa vô hạn (apeira) về mặt con số, và chúng quá nhỏ đến mức không có được kích thước và quá lớn đến mức có kích thước vô hạn. Phản bác nhất nguyên luận, Anaxagóras lập luận ủng hộ lượng bất định các nguyên tố vốn có kích thước vô hạn ở mỗi nguyên tố, và Philolaos, triết gia theo phái Pythagoras, đã lập những cái hữu hạn (perainonta) và những cái vô hạn (apeira) là những nguyên lí từ đó vạn vật được cấu thành. Các nhà nguyên tử luận Leukippos và Dēmokritos hình dung về một vũ trụ vô tận, một phần đầy (một lượng vô hạn các nguyên tử) và một phần rỗng; và trong vũ trụ này có hằng hà sa số (apeiroi) các cõi sống. Cuối cùng Aristotelēs đi đến một nhận thức trừu tượng về apeiron như là ‘cái vô hạn’, ông tuyên bố giải quyết được những nghịch lí về cái vô tận bằng cách cấp phát những lượng thực sự có thể được phân chia vô hạn về mặt tiềm năng, nhưng không về mặt hiện thực (Physics III. 4-8). Sự phát triển khái niệm apeiron đã chứng tỏ làm thế nào mà các triết gia Hi-lạp mở rộng thành những ý niệm triết học trừu tượng hơn bao giờ hết từ những quan niệm tương đối cụ thể.  Continue reading

William Egginton – Về Borges, vật lí hạt và nghịch lí của cái được tri giác

William Egginton

Về Borges, vật lí hạt và nghịch lí của cái được tri giác

Duy Đoàn chuyển ngữ

 

Năm 1927, một nhà vật lí trẻ người Đức công bố bài viết làm đảo lộn thế giới khoa học. Trước thời điểm đó, vật lí cổ điển đã cho rằng khi biết được vị trí và vận tốc hạt, thì có thể tính toán được quĩ đạo của nó trong tương lai. Werner Heisenberg chứng tỏ được hoàn cảnh đó thật sự không thể xảy ra: chúng ta không thể biết chính xác cả vị trí lẫn vận tốc hạt, và chúng ta biết cái này chính xác bao nhiêu thì lại mù mờ về cái kia bấy nhiêu. Năm năm sau, ông được trao giải Nobel Vật lí cho việc đặt ra nền tảng của vật lí lượng tử.

Khám phá này có tất cả những dấu hiệu của một cú đột phá khoa học; do đó nó có thể làm người ta ngạc nhiên khi biết rằng nguyên lí bất định đó đã được một người đồng thời với Heisenberg trực giác ra, đó là nhà thơ và nhà văn người Argentina Jorge Luis Borges, và nó đã được các triết gia tiên đoán ra từ hàng bao thế kỉ trước, thậm chí hàng thiên niên kỉ trước.

Dù Borges không bình luận gì về cuộc cách mạng trong lĩnh vực vật lí học vốn đang diễn ra trong quãng đời ông, nhưng ông quan tâm đến các nghịch lí tới mức ám ảnh, đặc biệt là những nghịch lí của triết gia Hi-lạp Zenon. Như lời ông viết trong một bài luận: “Ta hãy thừa nhận điều mà tất thảy các nhà duy tâm đều thừa nhận: đặc tính ảo giác của cõi nhân gian này. Ta hãy làm điều mà không nhà duy tâm nào từng làm: ta hãy tìm kiếm những cái phi thực, những cái xác nhận đặc tính đó. Ta sẽ tìm ra chúng, tôi tin thế, trong những bội luận của Kant và trong biện chứng của Zenon.”  Continue reading

Anthony Kenny – Lịch sử triết học Tây phương: Từ Hume đến Hegel (1)

Anthony Kenny

Lịch sử triết học Tây phương: Từ Hume đến Hegel (1)

Duy Đoàn chuyển ngữ

Hume

Chỉ một thời gian ngắn sau khi tại Dublin Berkeley đưa ra cho nhân loại biết về siêu hình học thường nghiệm của mình, thì tại Edinburgh một triết gia khác ra đời, ông này là người đẩy những nguyên lí thường nghiệm đến một cực điểm phản siêu hình học, đó là David Hume. Hume sinh năm 1711 trong một gia đình thuộc dòng dõi quí tộc Scotland. Khi còn là đứa bé con của một người mẹ sớm ở goá thì ông đã phải sống tự lập. Từ mười hai đến mười lăm tuổi ông theo học văn chương và triết học tại trường đại học Edinburgh, và như ta được biết thì lúc ấy ông đã phải lòng cả hai môn học này. Sau đó ông bắt đầu tự mình chuẩn bị mọi thứ để đi theo nghề luật, nhưng rồi sớm bỏ cuộc bởi lẽ nói như ông thì ông thấy mình có “một nỗi ác cảm không tài nào vượt qua được với bất kì mảng nào ngoại trừ việc theo đuổi lĩnh vực triết học và nền học vấn tổng quát.”

Dù vậy, ông cũng đã thử dấn thân vào sự nghiệp thương mại với một hãng sản xuất đường ở Bristol, nhưng bốn tháng làm công chức ở đó đã cho ông biết cuộc sống kinh doanh không dành cho mình. Ông quyết định sống dè sẻn bằng số tài sản thừa kế nhỏ nhoi, và đi khắp nước Pháp do cuộc sống ở vùng đô thị nơi đây không đắt đỏ. Từ năm 1734 đến 1737 ông sống ở La Flèche vùng Anjou, là nơi Descartes tiếp thu nền giáo dục ở trường đại học dòng Tên. Bằng cách tận dụng thư viện ở trường đại học, Hume đã viết tác phẩm đầu tiên, vô cùng trọng yếu, đó là cuốn Treatise of Human Nature (Khảo luận về Bản tính Con người).  Continue reading