[Điểm phim] Le gamin au vélo (2011) của anh em nhà Dardenne

Le gamin au vélo (2011)

Nhan đề tiếng Anh: The Kid with a Bike

Đạo diễn: Jean-Pierre Dardenne, Luc Dardenne

IMDb: http://www.imdb.com/title/tt1827512

Rotten Tomatoes: http://www.rottentomatoes.com/m/the_kid_with_a_bike/

—–

“Chúng ta chắc chắn, rằng đồng cảm là một nguyên lí rất mạnh mẽ trong bản tính con người.”

– David Hume, A Treatise of Human Nature (Luận văn về bản tính con người)

Đây là phim đoạt được giải Grand Prix ở Liên hoan phim Cannes năm 2011. Với phim này, anh em nhà Dardenne đã góp vào thêm một bộ phim tuyệt vời nữa cho danh sách những phim Pháp ngữ về đề tài trẻ em, bên cạnh những tuyệt tác như Les quatre cents coups (1959) của François Truffaut , L’enfance nue (1968) của Maurice Pialat, Au revoir les enfants (1987) của Louis Malle, v.v..

Phim có cốt truyện đơn giản với lối dẫn chuyện cũng đơn giản không kém, nhưng đó là một phong cách đơn giản đến tuyệt vời của anh em nhà Dardenne. Nội dung phim dễ làm người xem liên tưởng ngay đến tuyệt tác Les quatre cents coups (1959) của François Truffaut: nhân vật chính là một cậu bé tầm 11-12 tuổi, cũng gặp rắc rối với gia đình mình, cũng bơ vơ lạc lõng để rồi tự mình dấn vào cuộc hành trình đi tìm nơi nương náu cho tâm hồn, rồi cũng phạm tội, v.v.. Không rõ anh em nhà Dardene có ý làm phim này để tỏ lòng tưởng nhớ đến Truffaut hay không mà có một sự nối kết thú vị giữa phần kết phim Les quatre cents coups với phần mở đầu ở phim Le gamin au vélo này: cậu bé trong Les quatre cents coups ở cuối phim bị đưa vào trại giáo dưỡng dành cho trẻ vị thành niên phạm tội, còn phim này mở màn bằng cảnh cậu bé Cyril đang cố trốn khỏi viện cô nhi.  Continue reading

David Foster Wallace – Đây là nước

 

David Foster Wallace

Đây là nước

Duy Đoàn trích chọn và chuyển ngữ

 

Có hai con cá con đang bơi cùng nhau, và chúng nó tình cờ gặp một con cá già hơn đang bơi theo hướng khác, con cá này gật đầu chào tụi nó và nói, “Chào buổi sáng các chàng trai, nước thế nào rồi?” Và hai chàng cá bơi tiếp một đoạn, sau đó rốt cuộc một con nhìn con kia rồi nói, “Nước là cái quái gì nhỉ?”

Nếu các bạn lo là tôi dự định tự trình hiện mình ra đây như một con cá già thông thái sắp giải thích nước là gì cho những con cá trẻ như các bạn, thì xin đừng lo. Tôi chẳng phải con cá già gì đâu. Cái ý của câu chuyện cá này đơn thuần là vầy, những thực tại hiển nhiên nhất, thường gặp nhất, quan trọng nhất lại thường là những cái khó thấy nhất và khó nói đến nhất. Khi phát biểu thành một câu tiếng Anh, tất nhiên đây chỉ là một lời vô vị tầm thường, nhưng sự thật là khi lối sống của người trưởng thành suốt ngày cứ lặn ngụp trong công việc thì những lời vô vị tầm thường có thể có tầm quan trọng sống-chết.

Phần lớn những thứ mà tôi thường tự động đoan chắc về nó, hoá ra hoàn toàn sai và ảo tưởng. Đây là một ví dụ về cái sai thậm tệ về một điều mà tôi thường tự động quả quyết chắc chắn: Mọi thứ theo kinh nghiệm trực tiếp của bản thân đều hậu thuẫn cho điều tôi tin tưởng trong lòng rằng tôi là cái rốn tuyệt đối của vũ trụ, là kẻ thực nhất, sống động và quan trọng nhất đang tồn tại. Chúng ta hiếm khi nói về kiểu tự đặt mình vào trung tâm một cách tự nhiên và căn bản thế này, bởi vì cả xã hội ghê tởm nó. Nhưng tất cả chúng ta hầu hết đều vậy. Nó là thiết lập mặc định (default-setting) của chúng ta, được gắn cứng vào bảng thần kinh của ta ngay từ mới sinh ra. Hãy nghĩ về điều đó: Không có trải nghiệm nào các bạn có mà các bạn không ở vào vị trí trung tâm tuyệt đối. Cõi sống như các bạn trải nghiệm nó nằm ngay đó trước mặt bạn, hoặc đằng sau bạn, bên trái hoặc bên phải bạn, trên TV của bạn, hoặc trên màn hình của bạn, hoặc bất kì thứ gì đi nữa. Những ý nghĩ và cảm giác của người khác bằng cách chi đó phải được truyền đạt tới bạn, nhưng cái của bạn thì ngay tức thì, rất khẩn cấp, rất thực. 

Xin đừng lo, tôi chẳng có giảng đạo cho các bạn nghe về lòng từ bi hoặc phải hướng đến kẻ khác hoặc về những cái gọi là đức tính đâu. Đây đâu phải vấn đề về đức tính. Nó là vấn đề về chuyện tôi chọn làm cái việc mà phần nào sẽ biến đổi hoặc sẽ giúp tôi thoát khỏi thiết lập mặc định tự nhiên dính cứng trong tôi, vốn sẽ đặt nặng cái tôi ở trung tâm đúng nghĩa của nó, và sẽ thấy và diễn giải mọi thứ thông qua thấu kính của cái tôi. Những ai có thể điều chỉnh cái thiết lập mặc định của mình theo cách này thường được xem là người “thích nghi tốt”, điều mà tôi đề nghị với các bạn đây không phải là một từ ngẫu nhiên đâu. Continue reading

Rocco Capozzi – Những tiếng nói mới trong nền văn học hiện đại Ý

Rocco Capozzi

Những tiếng nói mới trong nền văn học hiện đại Ý

Duy Đoàn chuyển ngữ

Ở Ý kể từ thập niên 1980 đã bắt đầu phổ biến hiện tượng văn chương đề cập đến khái niệm hậu hiện đại về chuyện làm lại hoặc trở lại những lối kể chuyện kinh điển. Ở đây chỉ nhắc đến một vài ví dụ, như Sogni di sogni của Tabucchi (Những giấc mơ của những giấc mơ, 1992) trình hiện một tác phẩm hư cấu siêu văn chương (metaliterary) mang chất khôi hài dựa trên những giấc mơ mà những người nổi tiếng có lẽ kinh qua, trong khi Itaca per semptre (Mãi mãi Itaca, 1998) của Luigi Malerba (1927-?), một câu chuyện kể lại tác phẩm Odyssey của Homer, cho người đọc thấy Penelope ở vai trò trung tâm cuốn tiểu thuyết khi cô nàng tranh chấp về mặt tâm lí với người chồng của mình. Nàng buộc Ulysses giải thích lí do tại sao chàng đi biền biệt suốt thời gian dài mới về nhà và tại sao nàng lại là người cuối cùng được cho biết nhân dạng đích thực của kẻ hành khất già đã hạ sát nhiều người theo đuổi nàng. Malerba đặt câu hỏi, liệu có phải Ulysses không tin cậy Penelope bằng con trai chàng và bà vú già của chàng? Liệu Ulysses giờ đây đã sẵn sàng rời quê hương một lần nữa, đi theo lời tiên tri vốn buộc anh phải sống một cuộc đời lang thang đây đó? Những đoạn đối thoại xúc cảm của Malerba và sự trao đổi qua lại được Malerba dàn dựng tuyệt đẹp giữa Penelope, Ulysses, và con trai họ Telemacus đã khiến Itaca per sempre thành một dạng văn học siêu hư cấu cực kì thú vị. Continue reading

Joyce Carol Oates tự phỏng vấn bản thân

Duy Đoàn chuyển ngữ

Được rồi, ta hãy đi thẳng đến vấn đề – người đọc của chúng ta, với sự tò mò ngày càng được khuấy động từ truyền thông xã hội, đang háo hức muốn biết: Điều gây lúng túng nhất xảy đến cho bà gần đây là gì?

Ý bà nói với tư cách một “nhà văn” – hay chỉ nói chung chung thôi?

Đừng có thận trọng thế chứ! Mối lưu tâm trong lòng bà, ít nhất cũng là mối lưu tâm tối thiểu, bắt nguồn từ chuyện bà là một “nhà văn”.

À – hôm bữa lúc tôi đi tới tiệm tạp hoá, ở gian hàng bơ sữa, có người phụ nữ nhìn tôi chằm chằm và hỏi với vẻ thăm dò, “Có phải cô là nhà văn nào đó không nhỉ?” Tôi khẽ lắc đầu ra ý bảo không phải, như thể tôi không nghe câu hỏi đó, và từ từ đi chỗ khác mà không ngoái nhìn lại…

Rồi sau đó?

Rồi sau đó có người biết tôi tiến lại nói thật lớn, “Chào Joyce!” – và người phụ nữ kia hẳn có nghe thấy…

Chuyện đó thật ngượng nhỉ! Việc bà phủ nhận chính cái tôi nhà văn của mình, và ngay khi vừa thốt ra thì có người tới làm lộ tẩy bà! Liệu đây có phải là một loại khiêm nhường lố bịch không?

Tôi không thể giải thích cho người phụ nữ kia rằng: “Tôi ngay bây giờ không phải ‘Joyce Carol Oates’, mà chỉ là người đi mua đồ ở tiệm tạp hoá thôi. Và gian bơ sữa này thật rét mướt.” Continue reading

Scientific American Mind – Giúp trẻ yêu thích toán học

 

Giúp trẻ yêu thích toán học

Tác giả: John Mighton

Hình minh hoạ của Celia Johnson

Duy Đoàn chuyển ngữ

Với kế hoạch giảng dạy thích hợp, giáo viên có thể biến những em học sinh chật vật trở thành những nhà toán học tiềm năng. Bí mật ở đây là việc hướng dẫn kĩ lưỡng các em trong chuyến phiêu lưu vào thế giới những con số.

Tôi vẫn còn nhớ rõ cái ngày cách đây 14 năm, khi đó tôi gặp được một cô bé lớp sáu cao ráo và rất chi là nhút nhát tên là Lisa, cô bé ngồi ở bàn để chuẩn bị buổi học toán đầu tiên với tôi. Hiệu trưởng của Lisa đã khuyến nghị cô bé nên tham gia chương trinh phụ đạo miễn phí sau giờ học mà tôi đã khởi xướng ở căn hộ của mình cùng với mấy người bạn nữa. Mặc dù tôi đã yêu cầu vị hiệu trưởng kiếm giúp mình những em học sinh đang chật vật với môn toán, nhưng tôi thật sự chưa sẵn sàng để gặp Lisa.

Tôi đã lên kế hoạch tăng cường sự tự tin ở Lisa bằng cách dạy cô bé phép cộng các phân số. Theo kinh nghiệm làm gia sư trước đây, tôi biết trẻ con thường hình thành những nỗi âu lo về môn toán khi lần đầu tiên tiếp cận các phân số. Bởi vì bài học của tôi liên quan đến phép tính nhân, nên tôi hỏi Lisa liệu em ấy có gặp vấn đề gì trong việc ghi nhớ bất kì bảng cửu chương nào hay không, nhưng cô bé cứ ngây ra nhìn tôi chằm chằm. Cô bé không biết phép nhân nghĩa là gì. Ngay cả khái niệm đếm cách quãng hơn một cũng là điều lạ lẫm đối với em. Em ấy sợ hãi khi tôi đặt câu hỏi và lúc tôi đế cập đến những khái niệm đơn giản nhất thì em ấy cứ luôn miệng bảo, “Em không hiểu.”

Tôi không biết phải làm gì với Lisa, thế là tôi quyết định thử xem liệu cô bé có học được cách đếm cách quãng hai con số hay không để cuối cùng cô bé có thể làm được phép nhân hai. Để làm dịu nỗi sợ của cô bé, tôi bảo rằng tôi chăc chắn em ấy đủ thông minh để học phép nhân. Tôi sợ có thể mình đưa ra lời khen giả tạo, nhưng lời khuyến khích của tôi dường như giúp em ấy tập trung được, và em ấy tiến bộ nhiều hơn tôi mong đợi. Continue reading

Scientific American Mind – Nghiên cứu khoa học về sự viết tay

 

Nghiên cứu khoa học về sự viết tay

Tác giả: Brandon Keim

Hình minh hoạ của Celia Johnson

Duy Đoàn chuyển ngữ

Tôi đang viết bài báo này bằng kiểu táo bạo, thử nghiệm ngược ngạo, dùng một kĩ thuật hiếm khi được thấy trong giới xuất bản hiện đại: viết tay, dùng bút và giấy, những dụng cụ xuất xứ từ cây cối này vốn chỉ được coi là những vật lạ kì mang tính lịch sử trong mắt giới mê công nghệ, giống như mấy tấm bản đất sét hay máy đánh chữ Remington.

Tại sao tôi lại làm điều như vậy trong thời đại bấm phím này? Một phần tôi làm vậy vì viết tay đang trở thành một hoạt động bên lề, ở ngoài xã hội và trong đời tôi. Chúng ta gõ chữ nhiều hơn bao giờ hết, và không phải điều gì bất thường khi ta gặp những người hoàn toàn ngưng dùng tay để viết, chữ viết của họ khô quắt như những chi cụt còn để lại vết tích.

Tôi luôn có cảm giác rằng suy nghĩ của tôi sẽ khác – cân nhắc hơn, phong phú hơn – khi thông qua bàn tay thay vì cỗ máy. Mấy người tôi gặp thường kể những câu chuyện giống vậy. Họ vẫn dùng bàn phím để chuyển tải phần lớn chữ nghĩa, nhưng vẫn dùng tay lập danh sách, ghi chú, phác thảo các đoạn văn hay sắp xếp ý nghĩa. Họ cũng cảm thấy viết tay liên quan đến trí óc theo một cách khác.

Chỉ cảm giác thôi chắc chắn thiếu tính khoa học. Nó có thể là ảo tưởng hoặc bị nhiều nhân tố làm xáo trộn, chẳng hạn khó khăn khi kiểm tra e-mail trên giấy, vốn không có liên quan gì đến những thuộc tính tri nhận của viết tay. Các nhà hoài nghi có thể khẳng định rằng trẻ em thời hiện đại, khi trải nghiệm bàn phím và màn hình, sẽ vận dụng được các thiết bị đó để có được kết quả tương đương. Chừng nào mà ta còn viết, thì chuyện đó ảnh hưởng ra sao có quan trọng gì?

Minh triết theo truyền thống cũng theo hướng vậy. Mọi cuộc chuyển dời công nghệ quan trọng ngàn năm có một đều gây ra mối bận tâm đau đầu: chúng ta lo lắng về chứng nghiện Internet, tình bạn trở nên tầm thường hơn do các phương tiện truyền thông xã hội, máy đọc sách điện tử thay thế sách giấy, màn hình điện tử sẽ biến bọn trẻ thành những kẻ nghiện ngập thế giới mô phỏng. Tuy vậy ngoại trừ cuốn The Missing Ink đáng yêu của Philip Hensher có đi dò xét phần lịch sử văn hoá của lối viết tay, thì chuyện kĩ thuật này mất dần, trọng tâm cho sự trỗi dậy của nền văn minh, phần lớn không được người đời lưu ý đến. Continue reading

Scientific American Mind – Đánh giá các phương pháp học tập

Scientific American Mind

Đánh giá các phương pháp học tập

Các tác giả: John Dunlosky, Katherine A. Rawson, Elizabeth J. Marsh, Mitchell J. Nathan & Daniel T. Willingham

Hình minh hoạ của Celia Johnson

Duy Đoàn chuyển ngữ

Nhìn chung giáo dục thường tập trung vào nội dung học tập, chẳng hạn đại số, các nguyên tố trong bảng tuần hoàn hay cách chia động từ. Nhưng tìm hiểu cách học cũng là điều quan trọng không kém, đi kèm nhiều lợi ích lâu dài. Điều đó có thể dạy bạn cách thu thập kiến thức nhanh và hiệu quả hơn cũng như cho phép bạn giữ được thông tin suốt nhiều năm thay vì trong nhiều ngày.

Hơn 100 năm nay, những nhà tâm lí học tri nhận và giáo dục đã phát triển và đánh giá vô số kĩ thuật, từ việc đọc lại tài liệu cho đến tóm tắt lại để tự kiểm tra bản thân. Một số chiến lược phổ biến rõ ràng có cải thiện thành tích của học viên, trong khi số khác lại tốn thời gian và không hiệu quả. Tuy vậy những thông tin này thường không được đưa vào áp dụng ở lớp học. Các giáo viên ngày nay không được cho biết những kĩ thuật học tập nào được các chứng cứ thực nghiệm hậu thuẫn, còn học viên thì không được dạy cách dùng những kĩ thuật đó sao cho hiệu quả. Thực tế, hai cách trợ giúp học tập mà các học viên đang dựa vào nhiều nhất lại không hiệu quả. Một trong hai cách này thậm chí còn làm suy giảm thành tích học tập.

Một nguyên do tiềm tàng chính là việc có quá nhiều nghiên cứu khiến chúng ta choáng ngợp, làm cho các nhà giáo dục và các học viên khó xác định những phương cách học tập thực tiễn và ích lợi nhất. Để đáp ứng thách thức này, chúng tôi điểm lại hơn 700 bài báo khoa học bàn về 10 kĩ thuật học tập thường được sử dụng nhất. Chúng tôi tập trung vào những chiến lược trông có vẻ dễ sử dụng và đạt mức hiệu quả rộng khắp. Chúng tôi cũng có cái nhìn sát sao hơn về một số phương pháp các học viên thường dùng.

Để được chúng tôi đưa ra giới thiệu ở đây, kĩ thuật đó phải hữu ích ở nhiều hoàn cảnh học tập khác nhau, chẳng hạn lúc học viên học một mình hay học chung nhóm. Nó phải trợ giúp học viên ở nhiều lứa tuổi khác nhau, có những năng lực khác nhau và những cấp độ hiểu biết ban đầu khác nhau – và nó phải được kiểm tra trong lớp học hoặc trong tình huống ngoài thế giới thực. Các học viên có thể dùng phương pháp đó để tinh thông nhiều môn khác nhau, và việc học tập của họ phải được hưởng lợi từ phương pháp đó bất kể trải qua loại hình kiểm tra gì. Những cách tiếp cận tốt nhất cũng phải dẫn đến những cải thiện dài lâu về mặt kiến thức và khả năng lĩnh hội.

Bằng cách dùng những tiêu chuẩn này, chúng tôi định ra hai phương pháp tối ưu rõ ràng. Chúng tạo ra những kết quả vững chắc, ổn định và thích hợp cho nhiều tình huống. Chúng tôi cũng đưa ra ba phương pháp khác để dự phòng những tình huống khác, và năm phương pháp – trong đó có hai cách trợ giúp học tập phổ biến – không được chúng tôi khuyến nghị, vì chúng chỉ hữu ích trong một số hoàn cảnh hạn chế nhất định hoặc vì chưa đủ chứng cứ để có thể đánh giá chúng cao hơn. Chúng tôi khuyến khích các nhà nghiên cứu khảo sát sâu thêm một số kĩ thuật chưa được kiểm nghiệm, nhưng học viên và giáo viên nên cẩn trọng khi dựa vào những kĩ thuật đó.

Những kĩ thuật vàng

1. Tự kiểm tra (self-testing)

Ra bài kiểm tra chính bản thân mình sẽ giúp đạt điểm cao  Continue reading

Roger Ebert – Về bộ phim Tōkyō Monogatari (1953) của Ozu Yasujirō

Tokyo Story

Gần như không có cốt truyện nào có thể đơn giản hơn. Một cặp vợ chồng già lên thành phố thăm con cháu. Những đứa con đều bận rộn, và cặp vợ chồng già làm đảo lộn sinh hoạt hằng ngày của họ. Theo một cách lặng lẽ mà không ai kịp nhận ra, chuyến đi trở nên tồi tệ. Cặp vợ chồng trở về quê. Vài ngày sau, bà mẹ chết. Lúc này đến lượt những người con phải lên đường.

Từ những yếu tố ít ỏi như vậy, Ozu Yasujirō đã làm nên một trong những bộ phim vĩ đại nhất mọi thời đại. “Câu chuyện Tokyo” (1953) không có những giật gân và cảm xúc được sắp đặt; nó lờ đi những khoảnh khắc mà một bộ phim kém cạnh hơn sẽ khai thác. Nó không cố gắng trói buộc những xúc cảm của chúng ta mà muốn chia sẻ sự đồng cảm của mình. Bộ phim làm điều này tuyệt đến nỗi tôi gần như rơi nước mắt trong khoảng 30 phút cuối phim. Nó làm điện ảnh trở nên cao quý. Nó muốn nói rằng một bộ phim có thể đưa chúng ta tiến thêm một bước chống lại những khiếm khuyết của bản thân.

Bộ phim làm được điều này với những nhân vật quen thuộc đến nỗi chúng ta có thể nhận ra họ ngay lập tức — đôi khi là ở ngay trong gương. Bộ phim được làm khoảng 50 năm trước ở Nhật, bởi một người đàn ông được sinh ra 100 năm trước, và nó nói về gia đình của chúng ta, bản tính của chúng ta, những khiếm khuyết và sự vụng về của ta trong cuộc kiếm tìm tình yêu và ý nghĩa. Không phải cuộc sống làm cho chúng ta bận rộn đối với gia đình. Chính chúng ta đã sắp xếp chúng như vậy để phòng cho chúng ta không phải đối mặt với những câu hỏi lớn về tình yêu, sự nghiệp và cái chết. Chúng ta trốn vào những thứ hiển nhiên, những câu chuyện vụn vặt và những thứ phiền toái. Khi có cơ hội sum họp gia đình để chia sẻ những mong muốn và điều lo âu, chúng ta lại nói về thời tiết và xem TV. Continue reading

Larry Rohter – George Orwell: Cuộc đời qua những bức thư

 

Larry Rohter

George Orwell: Cuộc đời qua những bức thư

Duy Đoàn chuyển ngữ

 

George Orwell đã có một cuộc đời tuy ngắn ngủi nhưng vô cùng năng động, ông làm rất nhiều việc, từ sĩ quan cảnh sát tại Miến-điện, làm rửa chén tại Pháp, sống lang thang tại Anh, tham gia chiến đấu tại Tây-ban-nha, phóng viên chiến trường ở Đức và làm nông tại Hebrides. Giống như nhiều người ở thời đại mình – ông sinh năm 1903 và mất năm 1950 – ông viết thư rất nhiều, và đặc biệt những bức thư của ông có khả năng thu hút và sâu sắc, một phần nhờ vào vốn sống dồi dào mà ông có được từ cuộc đời mình.

“George Orwell: A Life in Letters” (George Orwell: Cuộc đời trong những bức thư) là một tuyển tập được chọn lựa kĩ càng những bản văn thường ngày đáng lưu ý nhất của ông, được viết trong giai đoạn 20 năm từ thời Đại Suy thoái đến Thế chiến II. Peter Davison là người tuyển lựa và chú giải những bức thư này, đồng thời cũng là chủ biên cho bộ “Toàn tập các tác phẩm” của George Orwell gồm 20 quyển, và ở đây ông đã chắt lọc lại những gì tinh tuý của Orwell, với tư cách một nhà tư tưởng, để thành một cuốn sách có định dạng và kích cỡ vừa phải.

Những bức thư này xuất hiện một năm sau ấn bản những nhật kí của Orwell vốn tập trung vào các chi tiết cụ thể mà thường là dư thừa về đời sống thường nhật của ông, trong đó nêu cả số lượng trứng do gà nhà ông đẻ ra. Cuốn sách này cũng có chút giống vậy, nhưng thường được dùng làm nền để Orwell trình bày chi tiết những chủ đề nặng kí hơn, thường là bằng những thuật ngữ vẫn còn vang vọng tới ngày nay. Continue reading

Phỏng vấn Orhan Pamuk trên tờ New Republic

Pankaj Mishra thực hiện

Orhan Pamuk bàn về vụ Quảng trường Taksim, những tác động của phim truyền hình, và lí do tại sao tương lai tiểu thuyết nằm ở phương Đông.

Duy Đoàn chuyển ngữ

Hồi cuối tháng Năm [2013], xảy ra vụ phản đối ôn hoà chống lại kế hoạch phá huỷ một công viên ở Quảng trường Taksim tại Istanbul, và nó bùng phát trở thành những cuộc biểu tình chống lại vị thủ tướng ngày càng độc tài của Thổ-nhĩ-kì, ông Recep Tayyip Erdoğan. Khi tôi tới Istanbul vào buổi chiều cuối tháng Sáu thì những người chống đối đã bắt đầu rút về. Nhưng các lực lượng an ninh đã trở nên tàn bạo hơn; tôi có thể ngửi thấy mùi hơi cay chiều hôm đó khi cảnh sát đuổi theo những người chống đối sang những con phố nhỏ. Rồi chiều hôm sau tôi rời khỏi Istanbul đầy náo loạn, đi bằng phà tới một hòn đảo nơi không cho phép dùng xe hơi, rồi leo lên xe ngựa từ bến phà để đến căn hộ ven biển của Orhan Pamuk, đó là một chuyến đi chậm rãi sang một cõi sống khác – một nơi điền viên tĩnh mịch mùa hè của giới tư sản Istanbul mà giờ đây phần lớn bị bỏ hoang.

Pamuk dường như tràn đầy sinh lực ở quang cảnh biển cả nơi có những chiếc du thuyền bạc màu và những bến tàu mục nát. Vốn là một tay bơi cừ khôi, ông đắm mình trong làn nước dập dềnh của Biển Marmara trước và sau giờ làm việc mỗi ngày. Vào bữa ăn tối, ông thả bộ đến một trong những nhà hàng nằm kế cạnh bến phà, một sự tự do ấp ủ lâu nay sau những lời doạ giết nhận được hồi năm 2005 từ những kẻ thế tục dân tộc chủ nghĩa thích dùng nắm đấm vốn khinh bỉ những ám chỉ rõ ràng của Pamuk về những hành động tàn ác chống lại các sắc tộc thiểu số. Continue reading