Italo Calvino – Nhà văn và thành phố

Italo Calvino

Nhà văn và thành phố

Duy Đoàn chuyển ngữ từ bản tiếng Anh của Martin McLaughlin

Nếu ta thừa nhận rằng tác phẩm của một nhà văn chịu sự ảnh hưởng từ môi trường sống nơi nó được sản sinh ra, từ các yếu tố của cảnh vật xung quanh, thì khi đó ta phải thừa nhận Torino là thành phố lí tưởng để làm công chuyện viết lách. Tôi không hiểu người ta làm sao mà xoay xở viết lách này nọ được ở những chốn đô thành tại đó những hình ảnh của hiện tại quá ư tràn ngập và mãnh liệt đến nỗi chúng chẳng cho nhà văn chút khoảng trống hay khoảng tĩnh lặng nào bên lề. Ở thành phố Torino này, bạn có thể viết lách bởi vì quá khứ và tương lai nổi bật hơn hẳn so với hiện tại, lực đẩy của lịch sử quá khứ và dự liệu của tương lai đã đem lại tính cụ thể và cảm quan đối với những hình ảnh rời rạc, có trật tự của ngày nay. Torino là thành phố lôi cuốn nhà văn hướng đến cái tinh lực, theo một lối thẳng tiến, hướng đến một phong cách. Nó cổ xuý tính luận lí, và thông qua luận lí nó mở lối vào chốn cuồng điên.  Continue reading

Italo Calvino – New York, thành phố trong lòng tôi

Italo Calvino

New York, thành phố trong lòng tôi

Duy Đoàn chuyển ngữ từ bản tiếng Anh của Martin McLaughlin

[Bài phỏng vấn do Ugo Rubeo thực hiện, ghi âm tại Palermo vào tháng chín năm 1984; sau đó được in trong cuốn Mal d’America – da mito a realtà (The American Malaise – from Myth to Reality) (Rome: Editori Riuniti, 1987). Nhan đề bài viết này không phải của Calvino.]

Những cuộc tiếp xúc đầu tiên của ông với nền văn hoá Mĩ được phát triển theo cách nào, và cụ thể là những cuộc tiếp xúc với nền văn chương Mĩ, từ tiểu thuyết của Hemingway đến Faulkner?

Xét về sự phát triển của riêng tôi, hình thành từ những năm 1940, ban đầu tôi chỉ là người đọc bình thường thì chợt khám phá ra văn học Mĩ, khi ấy đang mở ra một chân trời rộng lớn cho người Ý. Vì lẽ đó mà khi tôi còn trai trẻ, văn chương Mĩ là mảng rất quan trọng và dĩ nhiên là tôi đã đọc hết toàn bộ những cuốn tiểu thuyết Mĩ đến được nước Ý trong khoảng thời gian đó. Tuy nhiên, phải nói trước tiên tôi từng là một con người có đầu óc tỉnh lẻ: tôi lúc trước sống ở San Remo và không hề có kiến thức nền tảng về văn chương bởi tôi theo học ngành nông nghiệp. Sau đó thì tôi kết bạn với Pavese và Vittorini; tôi chưa từng biết đến Pintòr khi ông ta tử nạn trong chiến tranh. Tôi là một homo novus [một gã mới ra đời]: tôi chỉ bắt đầu đi đây đó sau khi kết thúc chiến tranh mà thôi.

Hemingway đúng là một trong những mẫu người tôi học theo, có lẽ vì xét theo cách hành văn thì ông dễ hiểu hơn so với Faulkner vốn phức tạp hơn nhiều. Và nói về những tác phẩm đầu tay thì tôi chắc chắn là bị ảnh hưởng từ Hemingway; thực tế thì tôi còn tới gặp ông ta ở một khách sạn tại Stresa vào năm 1948, tôi nhớ thế, và chúng tôi đi câu cá trên một chiếc thuyền ở một cái hồ nọ.  Continue reading

Italo Calvino – Ẩn sĩ tại Paris

Italo Calvino

Ẩn sĩ tại Paris

Duy Đoàn chuyển ngữ từ bản tiếng Anh của Martin McLaughlin

Trong mấy năm gần đây, tôi có một căn nhà ở Paris và mỗi năm tôi lại ở đó một khoảng thời gian, nhưng cho đến giờ thì thành phố này chưa từng xuất hiện trên những trang viết của tôi. Có lẽ để viết về Paris, tôi phải rời khỏi đây, tách biệt mình ra xa khỏi nó, nếu quả thật toàn bộ chuyện viết lách bắt đầu được là nhờ một nỗi thiếu vắng hay một nỗi trống trải nào đó. Còn không thì hãy thâm nhập vào sâu bên trong nó hơn nữa, nhưng để được vậy thì tôi cần phải sống ở đó từ lúc còn nhỏ, nếu quả thật chính những năm tháng đầu tiên ta hiện hữu trên cõi đời này, chứ không phải là nơi chốn ta trưởng thành lên, mới là thứ định hình nên cõi sống trong trí tưởng tượng của ta. Hay nói đúng hơn: một nơi chốn phải trở thành một cảnh quan trong cõi lòng ta, để cho trí tưởng tượng bắt đầu trú ngụ trong đó, và biến cảnh quan ấy thành một rạp hát của riêng mình. Lâu nay Paris vốn đã trở thành một quan cảnh trong cõi lòng biết bao người trong giới văn nghệ sĩ khắp chốn địa cầu này rồi, nó đã thành cảnh quan nằm trong vô số cuốn sách mà tất cả chúng ta đều đã đọc, và hiện diện trong những cuốn sách quan trọng của đời mình. Trước khi trở thành một thành phố của thế giới thực, Paris đối với tôi, cũng như đối với hàng triệu người khác ở những đất nước khác, là một thành phố mà tôi đã tưởng tượng ra thông qua sách vở, một thành phố mà bạn chiếm lấy làm của riêng mình mỗi khi đọc về nó. Bạn bắt đầu từ thuở ấu thơ, với Ba chàng ngự lâm pháo thủ, rồi tới Những người khốn khổ; cũng lúc đó, hay chỉ ngay sau đó thôi, thì Paris trở thành một thành phố của Lịch sử, của Cuộc cách mạng Pháp; sau đó, khi việc đọc sách sung mãn của bạn dần tiến lên, thì nó trở thành nơi chốn có Baudelaire, một nơi có nền thi ca tuyệt diệu của thời kì hơn trăm năm về trước, một thành phố của hội hoạ, của những nhóm người tuyệt vời chuyên về tiểu thuyết, Balzac, Zola, Proust…  Continue reading