Graham Allison – Làm thế nào một cuộc thế chiến nữa có thể xảy ra?

 

Graham Allison

Làm thế nào một cuộc thế chiến nữa có thể xảy ra?

Duy Đoàn chuyển ngữ

 

Đánh giá những tương đồng và những khác biệt giữa năm 1914 và 2014.

Tháng [Bảy] này vào một thế kỉ trước, châu Âu đứng trước nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tàn khốc khiến cho các sử gia phải tạo ra một hạng mục mới: “Thế chiến”. Không nhà lãnh đạo nào ở thời điểm đó có thể hình dung vùng đất hoang tàn mà họ sẽ sống tại đó bốn năm sau. Tới năm 1918, mỗi nhà lãnh đạo đều đã mất đi thứ họ yêu dấu nhất: kaiser (hoàng đế Đức) bị truất bỏ, Đế chế Áo-Hung bị giải thể, tsar (Nga hoàng) bị giới Bolshevik lật đổ, nước Pháp chịu khổ cả một thế hệ, và nước Anh bị tước đi thời thanh xuân và của cải của mình. Một thiên niên kỉ làm chủ địa cầu của các nhà lãnh đạo Âu châu đã khựng lại lúc đó.

Điều gì gây nên tai ương này? Tổng thống John F. Kennedy thích châm chọc các vị đồng sự của mình bằng câu hỏi ấy. Khi đó ông ta sẽ nhắc cho họ nhớ câu trả lời ưa thích của mình, trích lại lời Thủ tướng Đức Theobald von Bethmann Hollweg:  “À, giá như chúng ta biết được.” Lúc xảy ra Cuộc khủng hoảng Tên lửa Cuba năm 1962, Kennedy tự thấy mình “mặt đối mặt” với nhà lãnh đạo Soviet Nikita Khrushchev, và đưa ra những quyết định mà ông biết có thể làm cả trăm triệu người chết ngay, khi đó ông chiêm nghiệm về những bài học năm 1914. Ở vài thời điểm quyết định, ông điều chỉnh những điều ông có khuynh hướng sẽ thực hiện để nỗ lực tránh lặp lại những sai lầm đó của các nhà lãnh đạo.

Khi họ chọn cách đáp ứng những cam kết, hay không, điều động quân đội trong sớm muộn, những kẻ tham gia vào Thế chiến thứ nhất đồng loạt tìm cách định hình khung nhận thức của công chúng về cuộc khủng hoảng này. Mỗi bên tìm cách trách cứ kẻ thù của mình. Sau cuộc thảm hoạ đó, những kẻ chiến thắng tự cho mình cái quyền đáng kể với các dữ kiện nhằm biện minh cho việc trừng phạt kẻ chiến bại. Hiệp ước Versailles áp đặt những hình phạt hà khắc đến mức tạo điều kiện nổ ra Thế chiến thứ nhì chỉ hai thập niên sau đó. Cũng dễ hiểu khi màn kịch lớn này đã định hình những giải thích của sử gia về các nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến. Nhưng như kết luận thẳng thừng từ cuốn sách xuất sắc nhất trong những cuốn sách mới về cuộc xung đột này, cuốn The Sleepwalkers, thì ta có thể tập hợp những bằng chứng có được nhằm ủng hộ cho một loạt những khẳng định gây thách thức. “Việc bùng nổ cuộc chiến năm 1914 không phải là một kịch bản kiểu Agatha Christie mà kết cuộc ta sẽ khám phá ra kẻ phạm tội đứng trên một xác chết nào đó trong phòng bảo quản với khẩu súng lục bốc khói,” Clark viết như thế. “Trong câu chuyện này không có khẩu súng bốc khói nào cả; hoặc, thay vào đó, là có một khẩu nằm trong tay của mọi nhân vật chính.” Continue reading

Hồ Tài Huệ Tâm (Giáo sư Đại học Harvard) – Gái nước Nam

Hồ Liễu dịch

Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh
Tục ngữ Việt nam

Trích trong cuốn Thuyết cấp tiến và cội nguồn của Cách mạng Việt nam / Radicalism and the Origins of the Vietnamese Revolution, Hue-Tam Ho Tai, Ấn quán Đại học Harvard, 1992, trang 88–113.

 

Vào năm 1925, ngoại tôi cho chụp một bức ảnh chụp hai cô con gái đầu, dì và mẹ. Nhìn lúng túng trong áo dài và kiểu tóc chải chuốt, hai thiếu nữ, ở độ tuổi 17 và 12, dường như e lệ và chưa chạm với đời. Còn tồn tại một bức ảnh khác của Nguyễn Trung Nguyệt, dì hai, chụp chỉ bốn năm sau đó. Trong bức ảnh ấy, dì không còn mặc lễ phục nhiều màu diêm dúa của một cô con gái nhà Nho, nhưng mặc áo bà ba của phụ nữ nông dân. Dì ngó đăm đăm vào máy ảnh với đôi mắt thách thức: đó là một hình phạm nhân của công an. Tôi đã tìm thấy nó trong văn khố của Sở An ninh Pháp.

Vào lúc bị bắt, dì Nguyệt phụ trách việc tuyển mộ phụ nữ vào Việt nam Thanh niên Đồng chí hội, một tổ chức chống thực dân mà Nguyễn Ái Quốc đã thành lập trong những người Việt lưu vong ở Trung quốc năm 1925. Dì trải qua tám năm kế tiếp của đời mình trong nhà tù sau khi qua một phiên toà gây chấn động, trong suốt phiên toà thanh danh của dì bị nát tan và dì bị đóng dấu là một phần tử cách mạng nguy hiểm. Câu chuyện về sự can dự ngắn ngủi và bi đát của dì Nguyệt vào chính trị cách mạng là đáng quan tâm không bởi những khía cạnh lâm li của nó, nhưng bởi dì quá là một sản phẩm của thời mình. Tuy vậy, trong khi hầu hết những người đương thời dì trong cuộc Cách mạng Việt nam thường tiến cấp từ sự nổi dậy nhân thân tới việc dấn thân chính trị, bản thân dì Nguyệt làm một hành trình khác. Chính chữ hiếu đã dẫn dì tới chủ nghĩa ái quốc và tới nữ quyền.

Như Nguyễn An Ninh, Nguyễn Trung Nguyệt cũng xuất thân từ một gia đình mật thiết thiên về học thuật và những tình tự chống thực dân. Và như ông ấy, dưới ảnh hưởng của những người thân quyến ái quốc, dì trở thành một người nổi dậy đầy bổn phận, một người nhiệt liệt bài trừ thánh tượng. Nguyễn An Ninh kêu gọi một giới trẻ dường như trung lập về giới tính nhưng thực sự là phái nam để kết hợp sự tìm kiếm của giới này về tự do nhân thân với sự độc lập quốc gia. Nguyễn Trung Nguyệt đại diện cho cuộc hôn nhân của nữ quyền với chủ nghĩa chống thực dân bên trong Cách mạng Việt nam. Mãi tới khi dì dời nhà sau những cuộc bãi trường của học sinh năm 1926, dì Nguyệt đã không lộ ra những dấu hiệu muốn nêu lên lí tưởng về giải phóng phụ nữ. Nhưng trong lúc dì trưởng thành, vai trò của phụ nữ ở Việt nam đã trở thành một điểm chủ chốt của sự đối đầu giữa những người tiến bộ và những người bảo thủ về văn hoá. Hơn nữa, vì những tranh chấp về văn hoá và đạo đức thường có một tầng ngầm chính trị, vấn đề của phụ nữ vận hành như một thuyết ngôn về tự do, trong đó những khác biệt giữa những mối quan tâm về nhân thân và quốc gia trở nên mơ hồ và hoà lẫn với nhau.  Continue reading

Những vấn đề lịch sử trong cuốn “Súng, vi trùng và thép” của Jared Diamond


Cuốn sách “Súng, vi trùng và thép” là nỗ lực của Jared Diamond nhằm đi tìm câu trả lời tối hậu cho một thắc mắc dường như quá hiển nhiên, như chính tác giả đã đề cập ngay phần đầu sách: “Tại sao lịch sử đã diễn ra trên mỗi châu lục một khác?” Vì e rằng sẽ có nhiều người ngay lập tức nghĩ đến việc cuốn sách sẽ xoay quanh vấn đề về chủng tộc, nên ngay sau khi nêu câu hỏi như thế thì ông Jared Diamond liền đính chính lại ngay: “Nếu như câu hỏi này lập tức khiến bạn nhún vai cho rằng bạn sắp phải đọc một luận văn phân biệt chủng tộc thì xin thưa, không phải vậy đâu: như bạn sẽ thấy, những lời đáp cho câu trả lời này tuyệt không bao hàm những sự khác biệt về chủng tộc.”

Đúng như vậy, nếu xem xét cho rốt ráo và kĩ càng câu hỏi mà ông Jared Diamond đưa ra, thì quả thật việc đưa ra nguyên do vì mỗi chủng tộc phát triển khác nhau là một câu trả lời hoàn toàn dở dang, nửa vời và thậm chí là một câu trả lời thiếu trách nhiệm. John Locke, triết gia người Anh ở thời kì Ánh sáng bên châu Âu, đã từng phát biểu cụm từ tabula rasa (blank sheet, tức “tờ giấy trắng”) để ý chỉ rằng tâm thức con người ta khi vừa mới sinh ra giống như một tờ giấy trắng vậy, và phải qua thời gian thì “tờ giấy trắng” đó mới được tô điểm thêm bởi kinh nghiệm, được hình thành thông qua cảm nhận và phản hồi từ thế giới bên ngoài, để từ đó tạo nên tri thức của chính bản thân [1]. Khái niệm tabula rasa này nói về tâm thức con người, mà cũng có thể hiểu rộng hơn về tâm thức của cả nhân loại, tức là từ thuở ban đầu, cả nhân loại đều có cùng một xuất phát điểm là từ châu Phi, và tâm thức nhân loại lúc bấy giờ cũng tựa như tabula rasa vậy, thế nhưng qua thời gian, vì nguyên do nào đó mà hình thành nên những chủng tộc khác nhau. Lịch sử diễn ra ở mỗi nơi một khác là do chủng tộc ở những nơi đó khác nhau, vậy thì tại sao những chủng tộc đó lại khác nhau, khi loài người đều có cùng xuất phát điểm như nhau? Continue reading

Các tháng trong năm, các ngày trong tuần: Nguồn gốc tên gọi & những ý nghĩa


Các tháng trong năm

Từ thời cổ đại, con người quan sát sự chuyển dời của thời gian bằng cách ghi nhận sự xoay vòng của mặt trăng, hay còn gọi là tuần trăng, với một tuần trăng tương đương với 29.530588 ngày (tức là 29 ngày 12 giờ 44 phút và 3 giây). Do vậy nếu dò theo ngữ nguyên thì chữ moon và month đều xuất phát từ cùng một gốc ngữ hệ Ấn-Âu menes (từ này chỉ cả hai nghĩa moon và month). Trong một năm có mười hai tháng, với tên tiếng Anh lần lượt là January, February, March, April, May, June, July, August, September, October, November, và December. Nếu để ý thấy thì chữ September có tiếp đầu ngữ sept- mang nghĩa là thứ bảy, tức đây là tháng thứ bảy, trong khi September hiện nay được mang nghĩa là tháng chín. Nguyên do là từ thời La-mã cổ đại, ban đầu người ta làm lịch chỉ có mười tháng, từ March đến December, không có January và February. Tên gọi mười tháng đó vào thời La-mã cổ đại là: Martius, Aprilis, Maius, Juniius, Quintilis, Sextilis, September, October, November, và December; với sáu tháng cuối là các từ Latin để chỉ các con số từ 5 đến 10. Sau đó Numa Pompilius đã thêm vào hai tháng January vào đầu năm và February vào cuối năm, tới năm 452 trước Công nguyên thì February được di chuyển nằm giữa January và March.
Continue reading

Mật mã: Từ cổ điển đến lượng tử (The Code Book) – Simon Singh


THE CODE BOOK
Tác giả: SIMON SINGH

Bản dịch tiếng Việt của Phạm Văn Thiều & Phạm Thu Hằng
Nhà xuất bản: Trẻ
Năm: 2008

Trong lịch sử nhân loại đã xảy ra những cuộc chiến tranh tàn khốc, như hai cuộc thế chiến đầu thế kỉ 20. Tuy nhiên, bên cạnh những cuộc chiến bên ngoài chiến trường, thì ẩn bên trong nó lại là một cuộc chiến khác: cuộc chiến về thông tin. Đã có truyền tin thì tất nhiên cần phải có yêu cầu giữ bí mật. Thế là ngành khoa học mật mã (cryptography) ra đời để phục vụ cho yêu cầu đó.

Cuốn sách “Mật mã” (The Code Book) sẽ dẫn dắt chúng ta nhìn lại lịch sử dưới góc nhìn của mật mã học. Cuốn sách bắt đầu bằng những dạng mật mã  đơn giản nhất ra đời từ cuối thế kỉ 16 và kết thúc ở cuối thế kỉ 20 bằng việc giới thiệu về ý tưởng mật mã lượng tử, một loại mật mã được cho là bất khả chiến bại dựa trên lí thuyết lượng tử.


Continue reading