Heinrich Böll – Chúng ta hành động thôi

Heinrich Böll

Chúng ta hành động thôi

Duy Đoàn chuyển ngữ từ bản tiếng Anh của Leila Vennewitz

Có thể một trong những quãng thời gian lạ lùng nhất đời tôi là cái lúc tôi làm việc cho nhà máy Alfred Wunsiedel. Theo bản tính thì tôi có khuynh hướng trầm ngâm và thụ động hơn là muốn làm việc, nhưng tình trạng khốn đốn về tài chính kéo dài giờ đây lại buộc tôi phải nhận lấy một thứ được gọi là công việc – bởi lẽ trầm ngâm cũng không sinh lợi nhiều hơn tình trạng thụ động. Tôi một lần nữa tự thấy chuyện này làm mình ở trong tình trạng tồi tệ, nên đã tự trao mình vào tay của bọn văn phòng tuyển dụng và người ta gửi tôi cùng với bảy gã chịu trận khác đến nhà máy Wunsiedel, là nơi mà chúng tôi phải trải qua bài kiểm tra năng lực.

Vẻ ngoài nhà máy đủ để khơi dậy tính đa nghi của tôi: nhà máy này được xây bằng loại gạch thuỷ tinh, và mối ác cảm của tôi dành cho những toà nhà đầy đủ ánh sáng và những căn phòng ánh sáng đầy đủ cũng ngang ngửa với ác cảm dành cho công việc. Tôi còn thấy nghi ngờ nhiều hơn khi ngay lập tức người ta phục vụ bữa sáng cho bọn tôi trong một quán ăn tươi tắn, đầy đủ ánh sáng: một cô hầu bàn xinh xắn mang cho bọn tôi trứng, cà-phê và bánh mì, nước cam được rót ra từ mấy cái bình có thiết kế trang nhã, bọn cá vàng ấn cái mặt buồn tẻ của chúng lên mặt bên của những cái bể nước màu xanh lục nhạt. Mấy cô hầu bàn tươi vui đến độ họ có vẻ như lúc nào cũng hân hoan ra mặt như vậy. Do vậy theo tôi thấy, dường như chỉ có cách phải nỗ lực ý chí mạnh mẽ lắm thì mới kiềm chế họ không phải hát hò suốt cả ngày dài thế này. Họ chất đống trong người mấy bài ca chưa kịp cất thành lời, giống như bọn gà với mớ trứng chưa đẻ ra vậy.  Continue reading

Heinrich Böll – Nghệ sĩ cười

Heinrich Böll

Nghệ sĩ cười

Duy Đoàn chuyển ngữ từ bản tiếng Anh của Leila Vennewitz


Khi có ai đó hỏi tôi về công ăn chuyện làm của mình thì tôi bị nỗi ngượng ngập tóm lấy: tôi đỏ mặt và nói lắp bắp, dù tôi là người được cho là tự tin nếu ở trong hoàn cảnh khác đó chứ. Tôi ghen tị với ai có thể nói: tôi là thợ nề. Tôi ghen tị với những người thợ cắt tóc, nhân viên kế toán và nhà văn, về sự đơn giản trong cách nói của họ, ghen tị với nhất thiết những nghề nghiệp có thể tự mô tả mình mà không cần giải thích dông dài, trong khi đó tôi lại bị buộc phải trả lời cho những câu hỏi dạng vậy: tôi là nghệ sĩ cười. Thừa nhận như vậy sẽ dẫn đến một đòi hỏi khác, bởi vì tôi phải trả lời câu hỏi thứ nhì: “Đó là cách anh kiếm sống ư?” bằng câu trả lời đầy chân thành “Vâng.” Tôi thật sự kiếm sống bằng việc cười, và cũng là một người làm tốt việc đó, vì tiếng cười của tôi – nói theo nghĩa thương mại- thì có nhiều nhu cầu lắm. Tôi là một tay cười có hạng, đầy kinh nghiệm, không ai khác có thể cười tốt như tôi, không ai khác có thể làm chủ được những chi tiết lắt léo của món nghệ thuật này. Trong suốt một quãng thời gian dài, để tránh những lời giải thích mệt mỏi, tôi đã tự gọi mình là một diễn viên, nhưng tài năng của tôi về kịch câm và diễn thuyết quá xoàng đến nỗi tôi cảm thấy danh hiệu này nó xa sự thật quá: tôi yêu sự thật, và sự thật là: tôi là một nghệ sĩ cười. Tôi không phải anh hề cũng chẳng phải tay diễn hài, tôi không làm cho người ta cảm thấy hoan hỉ, mà tôi khắc hoạ nên sự hoan hỉ: tôi cười như vị hoàng đế La-mã, hoặc như một cậu học trò nhạy cảm, tôi cảm thấy thoải mái khi thực hiện tiếng cười vào thế kỉ mười bảy cũng như tiếng cười thế kỉ mười chín, mà khi có nhu cầu tôi có thể thực hiện tiếng cười của nhiều thế kỉ, của nhiều tầng lớp xã hội, của nhiều độ tuổi: đơn giản nó là một kĩ năng mà tôi thụ đắc được, giống như kĩ năng sửa giày vậy. Trong lồng ngực của mình, tôi neo giữ ở đó tiếng cười của người Mĩ, của người châu Phi, của dân da trắng, da đỏ, da vàng – và với mức thù lao đúng mức thì tôi để cho tiếng cười làm một tràng dài theo yêu cầu của tay đạo diễn. Continue reading

Heinrich Böll – Ở cây cầu đó

Heinrich Böll

Ở cây cầu đó

Duy Đoàn chuyển ngữ từ bản tiếng Anh của Leila Vennewitz


Bọn họ đã chắp vá lại đôi chân của tôi và cho tôi một công việc mà tôi có thể ngồi làm: tôi làm việc đếm số người băng qua cây cầu mới. Họ lấy làm thích thú việc này, ghi nhận tính hiệu quả bằng những con số; họ nhét vào đầu mình cái sự hư không vô nghĩa hình thành từ mấy con số, và suốt cả ngày dài, cả một ngày dài, miệng tôi cứ nhẩm đếm theo từng thời khắc cứ như cái đồng hồ, chồng con số này lên con số kia, từ đó tôi có thể trình cho họ vào mỗi buổi chiều thành quả của việc đếm số.

Bọn họ cười hân hoan khi tôi giao nộp kết quả từ một ngày lao động của mình, con số càng cao thì họ càng cười toe toét ra, và họ có mọi lí do ôm chầm lấy nhau khi leo lên giường, vì hàng ngày có hàng ngàn khách bộ hành đã đi qua cây cầu mới của họ… Continue reading