Jorge Luis Borges – Aleph

(K.H. dịch từ bản Anh ngữ “The Aleph” của Norman Thomas di Giovanni)

Hỡi Thượng đế! Ta có thể bị giới hạn trong một cái vỏ hạt, mà vẫn coi mình như vì Vua của Khoảng không vô tận…
HAMLET, II, 2

Nhưng họ sẽ dạy ta rằng Vĩnh hằng là trạng thái Tĩnh tại của Hiện thời, một Nunc-stans (theo cách gọi của các Học trường); điều mà họ cũng như bất kì ai khác đều không hiểu, không hơn việc họ có thể là một Hic-stans cho cái Vô tận kì vĩ của Trú xứ.
LEVIATHAN, IV, 46

Buổi sáng tháng Hai đổ lửa Beatriz Viterbo qua đời sau khi vật lộn với cơn bi thống không một khắc khoan nhượng cho sự tự thương hại hay sợ hãi, tôi để ý thấy những tấm bảng trên vỉa hè quanh quảng trường Constitution đang quảng bá vài nhãn hiệu thuốc lá mới khác của Mĩ. Sự thật khiến tôi đau lòng, tôi nhận ra vũ trụ thênh thang và không ngừng rộng mở đã trôi tuột khỏi cô ấy, và sự thay đổi mong manh này là khởi đầu của một chuỗi vô tận. Vũ trụ có thể thay đổi nhưng mình thì không, tôi thầm nghĩ trong thoáng hư ảo ưu sầu. Tôi cảm nhận được điều đó mỗi khi lòng tận tuỵ vô ích của mình gây muộn phiền cho cô; giờ cô đã chết, tôi có thể dâng trọn cả bản thân mình cho kí ức về cô, tuy vô vọng nhưng cũng không bẽ bàng. Tôi còn nhớ ngày thứ ba mươi của tháng Tư là sinh nhật cô; hôm ấy việc ghé thăm nhà cô trên phố Garay và gửi lời thăm hỏi đến cha cô và Carlos Argentino Daneri, anh họ của cô, xem ra là một hành động không thể trách cứ và có lẽ cũng là điều không thể tránh khỏi của phép lịch sự. Một lần nữa tôi lại có thể được chờ đợi trong ánh sáng chập choạng của căn phòng nhỏ ngổn ngang những bản vẽ, một lần nữa tôi lại có thể chú tâm vào những chi tiết trong nhiều tấm ảnh của cô: Beatriz Viterbo sơ lược và trong đủ sắc thái; Beatriz đeo một chiếc mặt nạ, trong lễ hội Carnival năm 1921; Beatriz trong Giáo đoàn đầu tiên của mình; Beatriz trong ngày cưới của cô với Roberto Alessandri; Beatriz sau khi li hôn không lâu, trong một bữa tiệc trưa tại Turf Club; Beatriz tại một khu nghỉ dưỡng ven biển ở Quilmes cùng với Delia San Marco Porcel và Carlos Argentino; Beatriz với chú chó Bắc-kinh được Villegas Haedo tặng; Beatriz, nhìn thẳng và chếch ba phần tư, đang mỉm cười, một tay đặt lên cằm… Tôi có thể không bị buộc phải biện bạch cho sự hiện diện của mình như ngày xưa bằng việc khiêm tốn gửi tặng những cuốn sách – những cuốn sách với những trang mà rốt cuộc tôi đã tìm cách loại bỏ từ sớm, cũng như không hề phát hiện ra rằng, mấy tháng sau đó, chúng vẫn cứ chỏng chơ chưa từng được lật mở. Continue reading

Abdeslam Boulaich – Hèn nhát

Abdeslam Boulaich

Hèn nhát

Duy Đoàn chuyển ngữ từ bản tiếng Anh của Paul Bowles

Một người Hồi giáo, một Do-thái giáo và một Thiên-chúa giáo đang ở một quán cà-phê nọ ngồi nói chuyện về Thiên đàng. Họ đều đồng tình là nơi đó quả thật khó vào, nhưng ai cũng nghĩ là anh ta sẽ có cơ hội vào đó hơn hai người kia.

Các anh phải ăn bận đúng cách mới được, anh chàng Thiên-chúa giáo bảo họ. Tôi lúc nào cũng mặc áo vét thắt cà-vạt.

Hai người kia bèn nói, vậy ta hãy tới đó thử xem nào.

Họ bắt đầu đi, và khi tới gần Thiên đàng, hai anh chàng Hồi-giáo và Do-thái giáo dừng bước, còn người Thiên-chúa giáo vẫn tiếp tục đi đến cánh cổng Thiên đàng.

Người gác cổng là Vua Solomon, ngài nói với anh ta: Nhà ngươi đi đâu đó?

Vào bên trong, hỡi Nazarene, anh ta trả lời.

Ngươi là ai?

Ta tên là John.

Vua Solomon nói, đứng lùi lại đi.

Thế là hai anh chàng Do-thái giáo và Hồi giáo quay sang nói với nhau. Anh chàng Hồi giáo bảo: Hắn không vào trong được. Nhưng chúng ta sẽ được.

Tôi sẽ đi trước, anh chàng Do-thái giáo nói.

Được thôi. Anh đi đi, anh chàng Hồi-giáo đáp lại.

Thế là anh chàng Do-thái giáo đi tới cổng Thiên đàng. Và Vua Solomon hỏi anh ấy: Nhà ngươi đi đâu đó?

Vào bên trong.

Ngươi là ai?

Yaqoub, anh chàng Do-thái giáo đáp.

Đứng lùi lại đi!

Anh chàng Hồi giáo thấy thế và tự nhủ. Vậy đó. Hai tên đó chẳng ai vào được. Giờ thì ta thử xem.

Anh ta bước tới cổng Thiên đàng. Rồi anh ta kéo mũ trùm đầu xuống che phủ mặt. Và Vua Solomon hỏi anh: Nhà người đi đâu đó?

Vào bên trong.

Ngươi là ai? Vua Solomon hỏi tiếp.

Ta là nhà tiên tri Mohammed đây, anh ta bảo. Rồi đi vào trong. Anh chàng Do-thái giáo lúc ấy đang quan sát sự tình. Anh ta tự nhủ: Nếu hắn vào trong đó được, thì ta cũng thế.

Và anh ta lấy một cái bao bố, chất đầy củi trong đó, quẩy trên vai. Rồi anh ta bước tới cánh cổng.

Nhà người đi đâu đó? Vua Solomon hỏi.

Anh chàng Do-thái giáo thò chân vào cánh cổng.

Ngươi là ai?

Là kẻ đầy tớ của nhà tiên tri Mohammed, anh ta đáp. Và anh chàng Do-thái giáo bước vào trong.

Anh chàng Thiên-chúa giáo thấy tất. Anh ta sợ phải nói dối để được vào trong, vậy là anh ta quay trở về quê nhà và bảo với mọi người là không tồn tại Thiên đàng trên cõi đời này.  Continue reading

Heinrich Böll – Chúng ta hành động thôi

Heinrich Böll

Chúng ta hành động thôi

Duy Đoàn chuyển ngữ từ bản tiếng Anh của Leila Vennewitz

Có thể một trong những quãng thời gian lạ lùng nhất đời tôi là cái lúc tôi làm việc cho nhà máy Alfred Wunsiedel. Theo bản tính thì tôi có khuynh hướng trầm ngâm và thụ động hơn là muốn làm việc, nhưng tình trạng khốn đốn về tài chính kéo dài giờ đây lại buộc tôi phải nhận lấy một thứ được gọi là công việc – bởi lẽ trầm ngâm cũng không sinh lợi nhiều hơn tình trạng thụ động. Tôi một lần nữa tự thấy chuyện này làm mình ở trong tình trạng tồi tệ, nên đã tự trao mình vào tay của bọn văn phòng tuyển dụng và người ta gửi tôi cùng với bảy gã chịu trận khác đến nhà máy Wunsiedel, là nơi mà chúng tôi phải trải qua bài kiểm tra năng lực.

Vẻ ngoài nhà máy đủ để khơi dậy tính đa nghi của tôi: nhà máy này được xây bằng loại gạch thuỷ tinh, và mối ác cảm của tôi dành cho những toà nhà đầy đủ ánh sáng và những căn phòng ánh sáng đầy đủ cũng ngang ngửa với ác cảm dành cho công việc. Tôi còn thấy nghi ngờ nhiều hơn khi ngay lập tức người ta phục vụ bữa sáng cho bọn tôi trong một quán ăn tươi tắn, đầy đủ ánh sáng: một cô hầu bàn xinh xắn mang cho bọn tôi trứng, cà-phê và bánh mì, nước cam được rót ra từ mấy cái bình có thiết kế trang nhã, bọn cá vàng ấn cái mặt buồn tẻ của chúng lên mặt bên của những cái bể nước màu xanh lục nhạt. Mấy cô hầu bàn tươi vui đến độ họ có vẻ như lúc nào cũng hân hoan ra mặt như vậy. Do vậy theo tôi thấy, dường như chỉ có cách phải nỗ lực ý chí mạnh mẽ lắm thì mới kiềm chế họ không phải hát hò suốt cả ngày dài thế này. Họ chất đống trong người mấy bài ca chưa kịp cất thành lời, giống như bọn gà với mớ trứng chưa đẻ ra vậy.  Continue reading