Robin Wood – Về bộ phim Ugetsu monogatari (1953) của Mizoguchi Kenji

ugetsu-monogatari-1953

Robin Wood

Về bộ phim Ugetsu monogatari (1953) của Mizoguchi Kenji

Duy Đoàn chuyển ngữ

 

Ugetsu monogatari không phải phim đầu tiên của Mizoguchi Kenji được chiếu ở Tây phương, nhưng đây là phim đầu tiên để trưng ông ra trước Tây phương ở vai trò một nghệ sĩ lớn. Sau khi nhanh chóng tự đặt định mình (đặc biệt ở Pháp) trong nhiều danh sách “tốp 10” của nhiều nhà phê bình, bộ phim đã mở lối đón nhận sự tán thưởng dành cho sự nghiệp cuối đời của Mizoguchi. Đối với một số người, ông trở thành một nhà làm phim đại tài, một Shakespeare trong điện ảnh, một người đã hiện thực hoá tối đa cái tiềm năng của phim ảnh như một hình thức nghệ thuật. Đó là lúc mà “tiềm năng của phim ảnh” được công chúng cảm thấy là đã được nhìn nhận và được giải trình xác đáng nhờ công của André Bazin; và đó là sự đánh giá vẫn còn có thể chấp nhận được nếu ta thêm điều kiện là Bazin chỉ trình bày một trong số nhiều tiềm năng của phim ảnh. Continue reading

Andrew J. Nathan – Kim Jong-un là ai?

Andrew J. Nathan

Kim Jong-un là ai?

Duy Đoàn chuyển ngữ

 

Bài điểm sách cho những cuốn sau:

Tyranny of the Weak: North Korea and the World, 1950–1992

của Charles K. Armstrong

Cornell University Press, 307 tr., 35$; 24,95$ (bản bìa mềm)

Marked for Life: Songbun, North Korea’s Social Classification System

của Robert Collins

Committee for Human Rights in North Korea, 119 tr., có văn bản tại www.hrnk.org

 The Real North Korea: Life and Politics in the Failed Stalinist Utopia

của Andrei Lankov

Oxford University Press, 315 tr., 18,95$ (bản bìa mềm)

Pyongyang Republic: North Korea’s Capital of Human Rights Denial

của Robert Collins

Committee for Human Rights in North Korea, 177 tr., có văn bản tại www.hrnk.org 

The Cleanest Race: How North Koreans See Themselves—And Why It Matters

của B.R. Myers

Melville House, 200 tr., 19,99$

Lãnh tụ Bắc Triều-tiên Kim Jong-un đi thị sát trại thiếu nhi Manyongdae ở Bình-nhưỡng; bức ảnh không rõ ngày tháng, được công bố ngày 4 tháng Sáu năm 2016 bởi Thông tấn xã Trung ương Triều-tiên (조선중앙통신사 - Korean Central News Agency) thuộc chính quyền Bắc Triều-tiên. (Ảnh: KCNA/Reuters)

Lãnh tụ Bắc Triều-tiên Kim Jong-un đi thị sát trại thiếu nhi Manyongdae ở Bình-nhưỡng; bức ảnh không rõ ngày tháng, được công bố ngày 4 tháng Sáu năm 2016 bởi Thông tấn xã Trung ương Triều-tiên (조선중앙통신사 – Korean Central News Agency) thuộc chính quyền Bắc Triều-tiên. (Ảnh: KCNA/Reuters)

Hai má phúng phính và kiểu tóc loe của nhà cai trị trẻ tuổi Kim Jong-un xứ Bắc Triều-tiên, mối giao tình với cựu ngôi sao bóng rổ xăm trổ đầy mình Dennis Rodman, cùng nụ cười toe toét như trẻ vui đùa khi đứng trước những đợt phóng tên lửa, hết thảy kết hợp một cách kì dị với việc chế độ này quyết tâm nhấn chìm kẻ thù trong “biển lửa”. Những điểm đó làm cho phương Tây vừa có mối ác cảm vừa có thái độ giễu cợt đối với đất nước này. Nhiều người tiên đoán rằng Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều-tiên không thể tồn lưu lâu hơn nữa, khi xét đến tình trạng đói nghèo ở khắp nước này, một hệ thống trại tù chuyên giết hại người vốn được khép vào tội ác chống nhân loại theo xác định của một uỷ hội điều tra của Liên hợp quốc,[1] khi xét đến tình trạng tự áp đặt thế cô lập kinh tế, tình trạng đương đầu với hết thảy các nước láng giềng, cùng sự non nớt thiếu kinh nghiệm của lãnh tụ nước này. Chính quyền Obama đã vận dụng lập trường “kiên nhẫn chiến lược”, chờ đợi những lệnh chế tài quốc tế ngày càng dữ dội sẽ buộc Bắc Triều-tiên hoặc phải từ bỏ các loại vũ khí hạt nhân hoặc phải lâm vào tình trạng nội phá (implode) và bị thâu tóm bởi chính phủ Nam Triều-tiên thân Tây phương.

Nhưng kẻ láng giềng thân cận khác của Bắc Triều-tiên, Trung-quốc, chưa bao giờ mong đợi CHDCND Triều-tiên đầu hàng hay sụp đổ, và cho đến nay họ vẫn đúng. Thay vì từ bỏ bom hạt nhân và các chương trình tên lửa, Bình-nhưỡng đến nay được cho là có tầm mười đến hai mươi thiết bị hạt nhân và hơn một nghìn tên lửa tầm ngắn, tầm trung và tầm xa, và đang phát triển một đầu nổ dạng nén vốn có thể công phá nội địa Hoa-kì.

Ở Triều-tiên, chế độ này gần đây đã qua được bài thử thách ngặt nghèo nhất mà các chế độ toàn trị phải đối diện, quá trình kế nghiệp vị trí lãnh tụ. Nước này chịu sự cai trị của Kim Il-sung từ năm 1948, khi kết thúc thời gian chiếm đóng của Xô-viết thời hậu chiến ở Bắc Triều-tiên, cho đến khi ông ta mất vào năm 1994; tiếp theo là sự cai trị của người con trai Kim Jong-il, từ năm 1994 cho đến khi ông này mất năm 2011; và kể từ 2011 là dưới sự cai trị của cháu trai người sáng lập, Kim Jong-un. Jong-un là con trai út trong nhà và là người kế vị bất ngờ; y trỗi lên như người thừa tự rõ ràng chỉ hai năm trước khi cha y mất, ngược lại với cha y, vốn là người thừa tự rành rành trong suốt 20 năm. Người ta tin rằng Kim Jong-il đã điều hành việc khủng bố, làm hàng giả, buôn lậu và các chiến dịch phổ biến vũ khí trong hầu hết thời gian tại vị. Continue reading

Louis Menand – Về dòng sách tự trợ (self-help)

Louis Menand

Về dòng sách tự trợ (self-help)

Duy Đoàn chuyển ngữ

 

Cách thành công trong công việc và trong gia đình.

Liệu việc trở thành một người làm việc năng suất cao hơn có khiến bạn trở thành một con người tốt hơn? (Hình: Richard Mcguire)

Liệu việc trở thành một người làm việc năng suất cao hơn có khiến bạn trở thành một con người tốt hơn?
(Hình: Richard Mcguire)

“Smarter Faster Better: The Secrets of Being Productive in Life and Business” (Random House) là cuốn sách tiếp theo một tác phẩm đắt hàng của ông, “The Power of Habit: Why We Do What We Do in Life and Business”, được xuất bản năm 2012. Cuốn sách mới này, giống cuốn trước, có một định dạng quen thuộc trong lĩnh vực phi hư cấu đương thời: nhiều câu chuyện tiêu biểu được sáp nhập với một chút kiến thức về khoa học xã hội và khoa học nhận thức (cognitive science). Mục đích của những câu chuyện này là để tạo ra những câu chuyện thú vị làm lay động người đọc; mục đích của phần khoa học là để trợ giúp tác giả chọn ra một đặc điểm tái dụng được của những câu chuyện đó để độc giả có thể phỏng theo.

Điều gì khiến cho viên phi công hạ cánh được chiếc phi cơ bị hư hại trầm trọng? Làm thế nào một kẻ bỏ học đại học với chứng rối loạn âu lo (anxiety disorder) lại trở thành quán quân bài poker? Điều gì khiến cho “West Wide Story” và “Frozen” của Disney trở thành thứ hút khách? Hoá ra, toàn bộ điều cần làm chính là thao tác tinh chỉnh then chốt đối với guồng vận hành trí óc thường tình hoặc đối với động lực quần thể (group dynamics). Các “mô hình tinh thần” giúp cho viên phi công hạ cánh chiếc phi cơ ấy. “Lối tư duy kiểu Bayes” làm cho một gã khốn cùng thoát thai thành người thắng cuộc trong môn đánh bài. Một “tay môi giới sáng ý (innovation broker)” đã chỉnh lí “West Side Story”, và “Frozen” trở thành bộ phim hoạt hình có tổng doanh thu cao nhất mọi thời nhờ vào một nguyên lí được biết với tên “can nhiễu trung độ (intermediate disturbance)”. Continue reading

Ian Johnson – Những kẻ thao túng kí ức ở Trung-quốc

Ian Johnson

Những kẻ thao túng kí ức ở Trung-quốc

Duy Đoàn chuyển ngữ

 

Giới cai trị của đất nước này không chỉ bưng bít lịch sử, họ còn tái tạo lịch sử nhằm phục vụ thời hiện tại. Họ biết rằng, trong một nhà nước cộng sản, sự thay đổi thường bắt đầu xảy ra khi quá khứ bị thách thức

 

Khi tôi lần đầu đến Trung-quốc năm 1984, bạn đồng học ngoại quốc và tôi tại trường Đại học Bắc-kinh thường chơi một trò cùng với cuốn sách hướng dẫn cũ. Có nhan đề Nagel’s Encyclopaedia Guide: China (Hướng dẫn toàn thư của Nagel: Trung-quốc), được xuất bản lần đầu năm 1968 tại Thuỵ-sĩ và có nhiều mô tả về các địa điểm văn hoá quan trọng được giới ngoại giao và học giả Pháp ghé thăm. Điều mấu chốt đối với chúng tôi là họ đã tập hợp thông tin hồi thập niên 1950 và đầu thập niên 1960. Nói cách khác, những thông tin này ở thời điểm ngay trước khi Mao phát động cuộc Cách mạng Văn hoá huỷ hoại hàng vạn nơi thờ phụng và địa điểm lịch sử ở khắp Trung-quốc. Chúng tôi tra một nơi ở Bắc-kinh và cưỡi xe đi để xem còn lại những gì.

Tôi nhớ một chuyến đi tìm Ngũ Tháp Tự (五塔寺 – Five Pagoda Temple), được xây dựng cuối thế kỉ 15 và có 5 cái tháp nhỏ nằm trên một bệ đá lớn. Sách của Nagel ghi rằng hầu hết đã bị tiêu huỷ vào thời tao loạn cuối thế kỉ 19 và đầu thế kỉ 20, nhưng vẫn còn đó 5 cái tháp. Mấy tấm bản đồ năm 1980 của chúng tôi cho thấy không có gì, nhưng sách của Nagel làm chúng tôi thấy hiếu kì. Liệu nó còn tồn tại? Continue reading

Italo Calvino – Tại sao đọc tác phẩm kinh điển?

 

Italo Calvino

Tại sao đọc tác phẩm kinh điển?

Duy Đoàn chuyển ngữ từ bản tiếng Anh của Patrick Creagh (có tham khảo thêm bản dịch Anh ngữ khác của Martin McLaughlin)

 

Ta hãy bắt đầu bằng một vài định nghĩa được đề xuất.

1) Tác phẩm kinh điển là những cuốn sách mà ta thường nghe người khác nói: “Tôi đang đọc lại…” và chưa bao giờ nói “Tôi đang đọc…”

Chí ít điều này xảy ra ở những người tự xem mình là “đọc nhiều”. Nó không đúng cho những người trẻ ở độ tuổi mà lần đầu tiên chạm trán cõi sống này, và những tác phẩm kinh điển vốn là một phần của cõi sống đó.

Cái chữ “lại” nằm kế động từ “đọc” có thể là một thói đạo đức giả nho nhỏ của những người thấy xấu hổ khi thừa nhận họ chưa đọc một cuốn sách nổi tiếng nào đó. Để trấn an họ, chúng ta chỉ cần nhận định rằng, dẫu cho mức đọc căn bản của bất kì ai có rộng lớn đến đâu, thì vẫn còn đó một lượng khổng lồ các tác phẩm nền tảng mà họ chưa đọc.

Giơ tay lên nào, ai đã đọc toàn tập Herodotus và toàn tập Thucydides! Và Saint-Simon? Và Hồng y de Retz? Nhưng ngay cả những bộ tiểu thuyết vĩ đại của thế kỉ mười chín cũng thường được nói đến nhiều hơn là được đọc. Ở Pháp họ bắt đầu đọc Balzac ở nhà trường, và khi đánh giá theo số lượng bản in lưu hành, ta có thể cho rằng họ tiếp tục đọc ông ấy thậm chí sau khi ra trường, nhưng nếu một cuộc bỏ phiếu Gallup được thực hiện tại Ý, tôi e rằng Balzac sẽ xuất hiện gần cuối danh sách. Người hâm mộ Dickens tại Ý hình thành một tầng lớp ưu tú bé nhỏ; ngay khi các thành viên gặp nhau, họ bắt đầu tán gẫu về các nhân vật và các tập sách như thể họ đang bàn luận về những người hay những thứ mà họ có quen biết. Nhiều năm trước, khi dạy ở Mĩ, Michel Butor chán ngán việc bị người ta hỏi về Emile Zola, người mà ông chưa bao giờ đọc trước đó, thế là ông quyết định đọc tất cả bộ Rougon-Macquart. Ông thấy nó hoàn toàn khác với những gì mình đã nghĩ: một gia phả tuyệt diệu mang chất thần thoại và nguồn gốc vũ trụ, mà sau đó ông miêu tả nó trong một bài luận tuyệt vời. Continue reading

The Routledge Dictionary of Politics – Dân chủ (democracy)

Dân chủ là khái niệm chính trị được xem trọng nhất và có lẽ cũng mơ hồ nhất trong thế giới hiện đại. Các hệ thống chính trị đa dạng như Mĩ, nhiều nhà nước độc đảng tại châu Phi và các nhà nước cộng sản đều tự miêu tả bản thân như là nền dân chủ. Thực vậy, đây là đặc tính cho sự mơ hồ mà khi hội nghị UNESCO bàn về dân chủ được tổ chức năm 1950, trong hơn 50 quốc gia, đại diện cho một loạt đa dạng các hệ thống chính trị khác nhau, thì mỗi quốc gia đều khẳng định rằng họ (và đôi khi khẳng định chỉ mỗi họ) là nền dân chủ.

Từ ‘democracy’ (dân chủ) thoát thai từ hai từ Hi-lạp cổ: demos (‘người dân’) và kratos (‘sức mạnh’). Tự thân nó thì dân chủ không khác gì so với cái ý rằng, theo ý nghĩa chưa xác định nào đó, quyền lực chính trị kì cùng nằm trong tay của toàn bộ cư dân trưởng thành, và không nhóm nhỏ nào có quyền cai trị. Dân chủ chỉ mang nghĩa hữu dụng hơn khi được bổ nghĩa bằng từ khác mà nó có liên hệ, ví dụ dân chủ tự do (liberal democracy), dân chủ đại diện (representative democracy), dân chủ tham gia (participatory democracy) hoặc dân chủ trực tiếp (direct democracy).

Những ai khi tìm cách biện giải cho danh xưng ‘dân chủ’ dành cho một xã hội mà ở đó quyền lực rõ ràng nằm trong tay một bộ phận cư dân (ví dụ, ở nhiều nước thuộc Thế giới thứ ba hoặc các nước cộng sản), thì họ đều có ý tương đối khác. Khẳng quyết đó không thực sự bảo rằng người dân cai trị, mà bảo rằng dân được cai trị theo những lợi ích của riêng mình. Trước khi xảy ra các biến động do Mikhail Gorbachev khởi xướng tại Liên-xô, những người bảo vệ hệ thống vận hành tại nước này đã khẳng quyết rằng cho đến khi thực hiện được tiến bộ về kinh tế và xã hội, và ‘con người xã hội chủ nghĩa’ đích thực được tạo ra từ giáo dục, tức là cho đến khi đám đông không còn nhận thức sai lầm (false consciousness) của mình, thì các thủ tục dân chủ vẫn là thứ còn hơn cả vô dụng. Lập luận của họ là người dân không thể được cho chọn giới lãnh đạo của chính mình, hoặc có được những lựa chọn chính trị của bản thân, cho đến khi tầm nhìn của họ thực sự thoát khỏi sự xuyên tạc và họ có thể xác định những nhu cầu thực sự mà họ cần đến. Phiên bản dân chủ này có mối nối kết gần gũi với lí thuyết về tự do tích cực (positive liberty). Continue reading

Philip Kennicott – Điểm sách ‘Architecture’s Odd Couple’

(Ảnh: The Washington Post)

(Ảnh: The Washington Post)

Philip Kennicott

Điểm sách ‘Architecture’s Odd Couple’

Duy Đoàn chuyển ngữ

 

“Khi các kiến trúc sư sinh lòng tị nạnh, tức là luôn có điều gì đó đặc biệt đang diễn ra”, theo lời Ulrich Franzen, một kiến trúc sư trường phái thô dã (brutalist), mất năm 2012. Ông ta là một trong số nhiều nhân vật khuấy động cuốn sách tiểu sử kép thú vị về Frank Lloyd Wright và Philip Johnson. “Architecture’s Odd Couple” lần theo sự nghiệp của hai kiến trúc sư trường mệnh một cách phi thường này từ thuở đầu thế kỉ 20 cho đến lúc sắp sửa khép lại thế kỉ đó. Cuốn sách phác nên hoàn cảnh tranh đua – và thi thoảng còn là mối quan hệ cá nhân kịch liệt – như là một vũ khúc thận trọng lúc thì toát vẻ khinh thị lúc thì biểu lộ sự nể vì,, và kì cùng là sự ảnh hưởng cùng sự cạnh tranh, giữa hai người đàn ông đã đưa kiến trúc Mĩ đi từ thời Victoria đến sự hiện xuất của chủ nghĩa hậu hiện đại vào thập niên 1970. Continue reading

[Điểm phim] Good Morning, Vietnam (1987)

Good Morning, Vietnam (1987)

Bối cảnh phim diễn ra vào năm 1965, thời điểm mà Mĩ bắt đầu đưa những toán quân chính quy của mình vào Việt-nam nhằm hỗ trợ chính quyền miền Nam Việt-nam chống lại quân cộng sản Bắc Việt. Câu chuyện chủ yếu xoay quanh đài AFR (Armed Forces Radio) Sài-gòn, nơi mà nhân vật chính Cronauer (Robin Williams) đến đảm nhiệm chương trình buổi sáng và biến mọi thứ tại đây trở nên sống động hơn, vui tươi hơn, và tất nhiên là không còn theo lề thói như trước nữa. Không còn những bản nhạc “nghiêm túc” như của Mantovani hay Percy Faith, mà thay vào đó là những bản nhạc rock-n-roll vốn vừa chớm nở và thịnh hành rộng khắp Âu-Mĩ thời bấy giờ. Hầu hết lính Mĩ đều là những chàng trai trẻ, lòng đầy nhiệt huyết, thế thì cớ chi phải “tra tấn” họ bằng những bản nhạc “nghiêm túc”, cớ chi không để rock-n-roll thổi bùng ngọn lửa trong họ, lắc lư họ như cái cách nó vốn dĩ đang làm với giới trẻ Âu-Mĩ thời đó, hẳn Cronauer đã nghĩ thế khi anh phát loại nhạc này để thay thế loại nhạc “nghiêm túc” kia. Continue reading

Scott Soames – Ngôi nhà đích thực của triết học

Nicole Bengiveno/The New York Times

Nicole Bengiveno/The New York Times

Scott Soames

Ngôi nhà đích thực của triết học

Duy Đoàn chuyển ngữ

Tất cả chúng ta đều nghe nói đến lập luận cho rằng triết học đã bị cô lập, một lĩnh vực “tháp ngà” bị cắt lìa hoàn toàn khỏi mọi hình thức còn lại trong việc truy cầu tri thức vốn có nhiệm vụ thúc đẩy tiến bộ, trong đó có toán và các ngành khoa học, cũng như khỏi những mối quan tâm thực sự thường nhật. Có nhiều lí do cho chuyện này. Trong bài tiểu luận thu hút nhiều độc giả trong mục [The Stone của New York Times] này, “Khi triết học lạc lối”, Robert Frodeman và Adam Briggle cam quyết rằng lí do nằm ở sự cơ cấu hoá của triết học trong trường đại học vào cuối thế kỉ 19 vốn tách li nó ra khỏi lĩnh vực nghiên cứu nhân văn và tự nhiên, nay là phạm vi của khoa học xã hội và khoa học tự nhiên.

Việc cơ cấu hoá này, theo cam quyết của hai tác giả, đã dẫn triết học đến chỗ phụ bạc mục đích trọng tâm trong việc minh giải tri thức cần thiết để sống cuộc đời cao hạnh và xứng đáng. Tôi có quan điểm khác: Triết học không bị tách li khỏi khoa học xã hội, tự nhiên hay toán học, nó cũng chẳng bỏ mặc việc nghiên cứu về cái tốt, công chính và đức hạnh, những thứ vốn chưa bao giờ là mục đích trọng tâm của triết học.

Các tác giả đó cam quyết rằng triết học đã từ bỏ mối quan hệ của mình với những lĩnh vực khác bằng cách tạo nên địa hạt được tịnh hoá của riêng mình, mà chỉ những chuyên gia được cấp chứng nhận mới có thể tiếp cận được. Thực sự là từ khoảng 1930 đến 1950, một số triết gia – đặc biệt các nhà duy nghiệm logic – đã cất tiếng cho rằng triết học có chủ đề dành riêng cho mình. Nhưng bởi lẽ vấn đề này là việc phân tích logic vốn có mục đích thống nhất tất cả khoa học, nên tính liên ngành là điều trước tiên và trọng tâm. Continue reading

Robert Frodeman & Adam Briggle – Khi triết học lạc lối

Sinh viên tại trường University of California tại Berkeley. Jim Wilson/The New York Times

Sinh viên tại trường University of California tại Berkeley. Jim Wilson/The New York Times

Robert Frodeman & Adam Briggle

Khi triết học lạc lối

Duy Đoàn chuyển ngữ

 Lịch sử triết học Tây phương có thể được trình bày theo nhiều cách. Nó có thể được kể theo thời kì – cổ đại, trung đại và hiện đại. Ta có thể chia nó thành những truyền thống đối địch (duy nghiệm đối với duy lí, phân tích đối với lục địa), hoặc thành nhiều khu vực cốt lõi khác nhau (siêu hình học, nhận thức luận, đạo đức học). Tất nhiên nó cũng có thể được nhìn qua ống kính phê phán của sự loại trừ giới tính hay chủng tộc, như một lĩnh vực gần như hoàn toàn được định hình cho và bởi đàn ông Âu châu da trắng.

Tuy thế, mặc dù các mô tả phong phú và đa dạng, tất cả chúng đều phải qua một điểm ngoặt trọng yếu: việc định vị triết học bên trong một cơ cấu hiện đại (trường đại học nghiên cứu) vào cuối thế kỉ 19. Việc cơ cấu hoá triết học đã đưa nó vào một lĩnh vực mà chỉ có thể được theo đuổi nghiêm túc trong một khung cảnh hàn lâm. Thực tế này tương ứng với một trong những thất bại trường kì của triết học đương đại.

Hãy xem thử chi tiết đơn giản này: Trước khi chuyển vào trường đại học, triết học chưa bao giờ có một chỗ ở trọng tâm. Người ta có thể tìm thấy triết gia ở mọi nơi – phụng sự ở vai trò nhà ngoại giao, sống nhờ lương hưu, cắt kính thuốc, cũng như trong một trường đại học. Sau đó, nếu họ là những nhà tư tưởng “nghiêm túc”, người ta kì vọng rằng các triết gia sẽ ngụ trong trường đại học nghiên cứu. Đi ngược lại các ý hướng của Sokrates, các triết gia trở thành chuyên gia giống như các chuyên gia trong từng ngành. Việc này xảy ra cho dù họ dạy sinh viên những phẩm tính của sự thông tuệ kiểu Sokrates, vốn nêu bật vai trò của triết gia như một người không phải chuyên gia, như một người tra vấn, một kẻ quấy rầy.

Khi đó, như nhà tư tưởng Pháp Bruno Latour hẳn sẽ nêu ra, triết học đã được “tịnh hoá” (purified) – tách biệt khỏi xã hội trong quá trình hiện đại hoá. Việc tịnh hoá này xảy ra nhằm phản ứng với ít nhất hai sự kiện. Đầu tiên là sự phát triển của khoa học tự nhiên, như một lĩnh vực nghiên cứu rõ ràng khác biệt với triết học, vào khoảng năm 1870, và sự xuất hiện của các ngành khoa học xã hội trong thập niên sau đó. Trước lúc này, giới khoa học thoải mái nghĩ mình là “triết gia tự nhiên” – những người nghiên cứu tự nhiên; và các tiền bối của giới khoa học xã hội đã nghĩ bản thân là “triết gia luân lí”. Continue reading