Larry Rohter – George Orwell: Cuộc đời qua những bức thư

 

Larry Rohter

George Orwell: Cuộc đời qua những bức thư

Duy Đoàn chuyển ngữ

 

George Orwell đã có một cuộc đời tuy ngắn ngủi nhưng vô cùng năng động, ông làm rất nhiều việc, từ sĩ quan cảnh sát tại Miến-điện, làm rửa chén tại Pháp, sống lang thang tại Anh, tham gia chiến đấu tại Tây-ban-nha, phóng viên chiến trường ở Đức và làm nông tại Hebrides. Giống như nhiều người ở thời đại mình – ông sinh năm 1903 và mất năm 1950 – ông viết thư rất nhiều, và đặc biệt những bức thư của ông có khả năng thu hút và sâu sắc, một phần nhờ vào vốn sống dồi dào mà ông có được từ cuộc đời mình.

“George Orwell: A Life in Letters” (George Orwell: Cuộc đời trong những bức thư) là một tuyển tập được chọn lựa kĩ càng những bản văn thường ngày đáng lưu ý nhất của ông, được viết trong giai đoạn 20 năm từ thời Đại Suy thoái đến Thế chiến II. Peter Davison là người tuyển lựa và chú giải những bức thư này, đồng thời cũng là chủ biên cho bộ “Toàn tập các tác phẩm” của George Orwell gồm 20 quyển, và ở đây ông đã chắt lọc lại những gì tinh tuý của Orwell, với tư cách một nhà tư tưởng, để thành một cuốn sách có định dạng và kích cỡ vừa phải.

Những bức thư này xuất hiện một năm sau ấn bản những nhật kí của Orwell vốn tập trung vào các chi tiết cụ thể mà thường là dư thừa về đời sống thường nhật của ông, trong đó nêu cả số lượng trứng do gà nhà ông đẻ ra. Cuốn sách này cũng có chút giống vậy, nhưng thường được dùng làm nền để Orwell trình bày chi tiết những chủ đề nặng kí hơn, thường là bằng những thuật ngữ vẫn còn vang vọng tới ngày nay. Continue reading

William Egginton – Về Borges, vật lí hạt và nghịch lí của cái được tri giác

William Egginton

Về Borges, vật lí hạt và nghịch lí của cái được tri giác

Duy Đoàn chuyển ngữ

 

Năm 1927, một nhà vật lí trẻ người Đức công bố bài viết làm đảo lộn thế giới khoa học. Trước thời điểm đó, vật lí cổ điển đã cho rằng khi biết được vị trí và vận tốc hạt, thì có thể tính toán được quĩ đạo của nó trong tương lai. Werner Heisenberg chứng tỏ được hoàn cảnh đó thật sự không thể xảy ra: chúng ta không thể biết chính xác cả vị trí lẫn vận tốc hạt, và chúng ta biết cái này chính xác bao nhiêu thì lại mù mờ về cái kia bấy nhiêu. Năm năm sau, ông được trao giải Nobel Vật lí cho việc đặt ra nền tảng của vật lí lượng tử.

Khám phá này có tất cả những dấu hiệu của một cú đột phá khoa học; do đó nó có thể làm người ta ngạc nhiên khi biết rằng nguyên lí bất định đó đã được một người đồng thời với Heisenberg trực giác ra, đó là nhà thơ và nhà văn người Argentina Jorge Luis Borges, và nó đã được các triết gia tiên đoán ra từ hàng bao thế kỉ trước, thậm chí hàng thiên niên kỉ trước.

Dù Borges không bình luận gì về cuộc cách mạng trong lĩnh vực vật lí học vốn đang diễn ra trong quãng đời ông, nhưng ông quan tâm đến các nghịch lí tới mức ám ảnh, đặc biệt là những nghịch lí của triết gia Hi-lạp Zenon. Như lời ông viết trong một bài luận: “Ta hãy thừa nhận điều mà tất thảy các nhà duy tâm đều thừa nhận: đặc tính ảo giác của cõi nhân gian này. Ta hãy làm điều mà không nhà duy tâm nào từng làm: ta hãy tìm kiếm những cái phi thực, những cái xác nhận đặc tính đó. Ta sẽ tìm ra chúng, tôi tin thế, trong những bội luận của Kant và trong biện chứng của Zenon.”  Continue reading