Orhan Pamuk – Khói lửa và điêu tàn

 

Orhan Pamuk

Khói lửa và điêu tàn

Duy Đoàn chuyển ngữ từ bản tiếng Anh của Maureen Freely

 

Trước khi tôi chào đời, ông bà tôi sống trong một căn hộ uy nghi to lớn bằng đá, ở chung với các chú, với cha mẹ tôi và những người khác trong đại gia đình chúng tôi; sau đó một trường tiểu học tư thục thuê căn hộ đó, rồi nó bị phá huỷ. Trường tiểu học của tôi ở trong một căn hộ uy nghi khác, cho đến khi nó cháy rụi. Khi bước vào trung học, chúng tôi chơi đá banh trong sân vườn một căn hộ uy nghi thứ ba; căn này cũng qui hàng ngọn lửa và sau đó bị tiêu huỷ luôn, giống như nhiều cửa hàng và toà nhà thời thơ ấu của tôi.

Lịch sử Istanbul là lịch sử của khói lửa và điêu tàn. Từ giữa thế kỉ mười sáu, khi mấy căn nhà gỗ lần đầu tiên trở nên phổ biến, cho đến một phần tư đầu thế kỉ hai mươi – hơn 350 năm cho đến lúc ấy – thì chính những trận hoả hoạn là thứ đã định hình thành phố này và mở ra những đại lộ cùng mấy con phố (bỏ qua phần xây dựng các thánh đường Hồi giáo). Địa điểm xảy ra hoả hoạn nhà cửa là chủ đề của nhiều cuộc bàn luận suốt thời thơ ấu của tôi và nó đượm mùi vận rủi. Bởi vì những tầng đầu tiên làm bằng đá và gạch, nên vẫn còn vài bức tường bị cháy nhưng chưa sụp đổ, vẫn còn cầu thang ở tầng đầu tiên (với những bậc thang đá hoa cương ắt là đã bị thiêu rụi hoặc đã bị ăn trộm mất), những tấm ngói, tấm gương vỡ và mấy bình hoa; giữa đống đổ nát này, những cây sung nho nhỏ ắt sẽ đâm chồi nảy lộc và trẻ con sẽ được chơi ở chỗ đó.

Tôi không đủ lớn để chứng kiến được cảnh cả khu xóm bốc cháy và bị huỷ hoại; những gì tôi chứng kiến là những trận hoả hoạn tiêu huỷ những căn hộ uy nghi bằng gỗ cuối cùng. Hầu hết đều xảy ra trong hoàn cảnh bí ẩn, lúc nửa đêm. Cho đến khi đội cứu hoả đến, tất cả bọn trẻ con và thanh niên ở khu xóm đã tụ tập trong sân vườn căn nhà trống hoác ấy, nơi chúng từng chơi đùa, rồi thủ thỉ cho nhau nghe khi quan sát những ngọn lửa cuồn cuộn.  Continue reading

Orhan Pamuk – Ý nghĩa

 

Orhan Pamuk

Ý nghĩa

Duy Đoàn chuyển ngữ từ bản tiếng Anh của Maureen Freely

Này, cảm ơn quý vị đã đọc tôi. Tôi có lẽ nên vui mừng khi hiện diện nơi đây, dẫu cho không tránh khỏi cảm giác lúng túng. Tôi thích cách quý vị đưa mắt lướt qua tôi. Bởi tôi ở đây để phục vụ quý vị kia mà. Cho dù tôi không chắc như thế nghĩa là sao. Tôi thậm chí còn không biết vào những ngày này thì mình là thứ gì – như thế không phải là điều đáng tiếc lắm ru? Tôi là hỗn hợp các loại kí hiệu; tôi mong mỏi người ta nhìn thấy mình, nhưng rồi tôi lại mất tinh thần. Phải chăng tốt hơn thì tôi nên giấu mình đi trong bóng tối, thật xa, khuất tầm mắt mọi người? Đó là điều tôi không thể quyết định. Tôi đang nỗ lực hết mình để tồn tại nơi đây, ngay khi tất cả những mối lo âu này vẫn còn đó, thật lạ lùng. Đây là điều tôi muốn quý vị hiểu cho: Kiểu phô bày này đối với tôi là thứ mới mẻ. Tôi thật là chưa bao giờ hiện hữu theo cách thế này. Hồi xa xưa, chúng ta thường ở cùng một phía hơn. Tôi thích thu hút sự chú ý của các vị, nhưng không cần phải suy tư nhiều về chuyện ấy, bởi đó là lúc tôi cảm thấy thư giãn nhất. Do đó cứ giữ tôi ở một góc tâm hồn quý vị và hãy quên đi việc tôi thậm chí vẫn còn đó. Tôi muốn nhắc quý vị – một cách âm thầm, theo cách mà tôi từng làm hồi xa xưa – rằng thật tuyệt khi hiện hữu trước quý vị mà quý vị thậm chí còn không biết đến. Dù thế, tôi không dám chắc điều này thật sự có thể xảy ra lần nữa. Bởi vì vấn đề thật sự là vầy: tôi cứ hay nghĩ mình là hình ảnh, lúc mà thật sự tất cả những gì tôi hiện hữu ra chỉ là từ ngữ. Bởi vì khi tôi là các mẫu tự, tôi nghĩ mình là hình ảnh, và khi tôi là hình ảnh thì tôi lại nghĩ mình là mẫu tự. Nhưng điều này không phát xuất từ mâu thuẫn – đây là cuộc sống của tôi. Để coi quý vị mất bao lâu để làm quen với nó. Nếu quý vị hỏi tôi, thì lí do mà chúng ta không thể thông hiểu lẫn nhau chính là phần bên trong đầu óc quý vị nó khác. Quý vị thấy đó, lí do duy nhất tôi ở đây là để tạo một ý nghĩa nào đó. Nhưng quý vị nhìn tôi như thể tôi chỉ là một vật thể. Vâng, tôi biết – tôi đúng là có một cơ thể. Nhưng cơ thể tôi chỉ ở đây nhằm giúp cho phần ý nghĩa của tôi vỗ cánh bay xa thôi. Từ cách quý vị nhìn tôi thì tôi biết mình có cơ thể này, biết phần bên trái và bên phải của tôi được trang hoàng bằng màu sắc và các dạng hình. Điều này làm tôi hài lòng và nó làm tôi lúng túng. Ngày xưa, khi tôi chỉ là một ý nghĩa, tôi chưa từng nghĩ đến chuyện mình cũng là một vật thể, và tôi còn không có tâm hồn nữa; tôi không khác chi một kí hiệu khiêm nhường băng qua giữa hai tâm hồn đẹp đẽ. Tôi không chú ý đến sự hiện hữu của bản thân, và điều này thật hay. Quý vị có thể nhìn tôi và tôi sẽ không nghĩ gì đến nó. Nhưng giờ đây, khi đôi mắt quý vị chạy lướt qua bọn mẫu tự chúng tôi, tôi cảm thấy như thể mình có một cơ thể – như thể tất cả những gì tôi có chỉ là một cơ thể – và những cơn rùng mình chạy khắp người tôi. Được thôi, tôi sẽ thừa nhận điều đó: tôi thích vậy, chỉ một tẹo thôi, và tôi sẽ đồng hành cùng nó, nhưng tôi cũng cảm thấy có chút ngượng ngùng. Nhưng vào thời điểm nó bắt đầu làm tôi hài lòng, tôi muốn hài lòng hơn nữa và điều đó làm tôi sợ hãi. Kết cuộc tôi đành hỏi bản thân, Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo đây? Tôi bắt đầu lo lắng cơ thể mình sẽ che khuất đi phần linh hồn và lo lắng rằng cái ý nghĩa – ý nghĩa của tôi – sẽ bị đẩy vào tận nơi sâu thẳm trong tôi. Đó là lúc tôi bắt đầu muốn ẩn mình trong bóng tối. Đó là khi quý vị không còn hiểu tôi nữa, quý vị bắt đầu thấy lúng túng, và thậm chí quý vị không thể nhận ra là quý vị đang đọc tôi, hay chỉ đơn thuần nhìn chằm chằm vào tôi. Đó là khi tôi thấy sợ hãi cơ thể mình và ước gì tôi chỉ là một ý nghĩa mà thôi, nhưng tôi cũng biết mình đã để điều này xảy ra quá muộn màng. Giờ đây không còn lối nào quay về những ngày xưa tốt đẹp nữa, quay về những tháng ngày trước khi quý vị xuất hiện; không còn lối quay về thời điểm tôi chỉ là một ý nghĩa mà thôi. Vào quãng thời gian như lúc này tôi không hoàn toàn ở nơi đây cũng chẳng hoàn toàn ở nơi khác; thay vào đó tôi lãng đãng giữa đất trời mông mênh, không biết đi đâu về đâu. Điều này thật đau lòng, và tôi gắng xoa dịu bản thân bằng những lạc thú nơi cơ thể. Tôi thích thu hút sự chú ý của quý vị, nhưng quý vị đừng gửi gắm nó quá nhiều suy tư, bởi đó là lúc tôi cảm thấy thư giãn nhất. Liệu tôi có nên là một ý nghĩa hay nên là một vật thể? Mẫu tự hay hình ảnh? Điều đó nhắc tôi nhớ, tôi – gượm đã, đừng đi vội thế… tôi vẫn chưa thể chịu được ý nghĩ là quý vị lật sang trang… quý vị vẫn không hiểu tôi thế mà lại ruồng bỏ tôi…  Continue reading

Orhan Pamuk – Anh viết cho ai?

 

Orhan Pamuk

Anh viết cho ai?

Duy Đoàn chuyển ngữ từ bản tiếng Anh của Maureen Freely

 

Anh viết cho ai? Hơn ba mươi năm có lẻ vừa qua – kể từ lúc tôi thành nhà văn – đây là câu hỏi tôi được nghe nhiều nhất từ phía độc giả lẫn cánh báo chí. Động cơ tuỳ thuộc vào thời gian và nơi chốn, cũng như còn tuỳ vào mức độ tò mò của mấy người đó, nhưng khi hỏi thế thì tất cả mọi người đều có cùng giọng điệu ngờ vực và khinh khỉnh.

Vào giữa thập niên bảy mươi, lúc tôi quyết định trở thành tiểu thuyết gia, câu hỏi ấy phản ánh quan điểm thường thấy ở mấy kẻ thô thiển cho rằng nghệ thuật và văn chương là những thứ xa xỉ khó lòng đáp ứng được ở một nước nghèo không thuộc phương Tây đang vật lộn để gia nhập được vào thời hiện đại. Cũng có ý cho rằng nếu người nào đó “được giáo dục và có học thức cao giống anh” thì hắn có thể phụng sự quốc gia theo hướng có ích hơn bằng cách trở thành bác sĩ chống dịch bệnh hay kĩ sư cầu đường. (Jean-Paul Sartre tin vào quan điểm này hồi đầu thập niên 1970 khi ông nói ông sẽ không sa vào chuyện viết tiểu thuyết nếu là một trí thức ở Biafra.)

Những năm sau, mấy tay chất vấn đó càng thích thú chuyện tìm hiểu xem ở trong xã hội mà tôi đặt niềm hi vọng vào thì bộ phận nào có thể đọc và ngưỡng mộ tác phẩm của tôi. Tôi biết đây là câu hỏi đầy mưu mẹo, bởi nếu tôi không trả lời, “tôi viết cho những người nghèo nhất và những ai bị áp bức nhất trong xã hội!” thì hẳn là người ta sẽ gán cho tôi cái tội bảo vệ lợi ích mấy tay chủ đất và tư sản ở Thổ-nhĩ-kì – ngay cả khi người ta nhắc tôi rằng bất kì nhà văn hoà nhã và trong sáng nào mà khẳng định rằng mình viết cho nông dân, công nhân và những kẻ bần cùng thì ắt là sẽ viết cho những người ít học thức. Hồi thập niên 1970, khi mẹ hỏi tôi viết văn dành cho ai, giọng điệu buồn rầu và đầy lo lắng của bà cho tôi biết bà thực sự muốn hỏi thế này, Con tính lo cho thân mình ra sao đây? Và khi mấy người bạn hỏi tôi viết dành cho ai, chỉ cần nghe giọng có chút chế giễu là đủ biết ý họ rằng, không ai muốn đọc sách do một người như tôi viết ra. Continue reading

Orhan Pamuk – Lần đầu tiên tôi tiếp cận người Mĩ

Orhan Pamuk

Lần đầu tiên tôi tiếp cận người Mĩ

Duy Đoàn chuyển ngữ từ bản tiếng Anh của Maureen Freely

Năm 1961, chúng tôi chuyển nhà tới Ankara do cha tôi làm việc tại đó, ở trong một căn hộ đắt tiền nằm đối diện với công viên đẹp nhất thành phố, nơi đây có một cái hồ nhân tạo là nơi trú ngụ của hai con thiên nga đang mệt lử ra. Tầng trên cùng có một gia đình người Mĩ, họ có chiếc Chevrolet xanh lam mà thỉnh thoảng chúng tôi cứ nghe tiếng nó nổ lốp bốp khi họ lái nó vào nhà để xe. Chúng tôi hay để ý đến họ.

Niềm thích thú của chúng tôi không phải nằm ở nền văn hoá Mĩ mà nằm ở chính con người Mĩ. Khi chúng tôi ngồi cùng với lũ trẻ ở những buổi chiếu phim giảm giá chiều Chủ nhật tại mấy rạp chiếu phim của Ankara, chúng tôi không biết mình đang coi phim Mĩ hay phim Pháp nữa. Phần phụ đề chỉ cho chúng tôi biết tất cả những gì cần biết: bộ phim mà chúng tôi đang xem đến từ nền văn minh Tây phương.

Bởi lẽ ở thời điểm đó có nhiều người Mĩ sinh sống tại khu phố mới sang trọng này, nên chúng tôi thấy họ khắp nơi, và điều làm chúng tôi thích thú nhất là những thứ họ tiêu thụ và vứt đi. Món đồ thú vị nhất là những lon Coca-Cola, đây là thứ mà chúng tôi thu thập được – một số lấy được từ thùng rác – và sau đó làm dẹp nó ra bằng cách đạp điên cuồng lên mấy cái lon đó. (Có lẽ có một số lon bia; có lẽ lon của nhãn hàng khác.) Lúc đầu chúng tôi lấy chúng làm trò chơi “Đi tìm lon” và đôi lúc cắt chúng ra thành những hình thù khác nhau bằng kim loại, dùng nắp bật lon làm tiền, nhưng trong đời mình chúng tôi chưa bao giờ uống thứ nước cola này hay bất kì thứ gì khác trong những cái lon kiểu thế.  Continue reading

Orhan Pamuk – Chuyện bỏ hút thuốc

Orhan Pamuk

Chuyện bỏ hút thuốc

Duy Đoàn chuyển ngữ từ bản tiếng Anh của Maureen Freely

Tôi bỏ hút thuốc được 272 ngày rồi. Tôi nghĩ là mình đã quen việc bỏ thuốc rồi. Cơn bồn chồn đã thuyên giảm đi, và tôi không còn cảm giác cứ như là mình đã mất đi một phần cơ thể. Không, chỉnh lại cho đúng: tôi không phải là hết cảm giác thiếu thốn, cũng không phải là hết cảm giác bị tách lìa ra khỏi cả con người mình, chỉ là tôi giờ đây đã quen với việc cảm thấy như vậy; nói đúng ra thì tôi đã chấp nhận được thực tại cay đắng này.

Tôi sẽ không bao giờ hút thuốc trở lại, không bao giờ.

Tôi nói ra vậy và rồi vẫn còn mộng mơ rằng mình đang hút thuốc. Nếu tôi nói đây là những mộng mơ bí mật vô cùng, khủng khiếp vô cùng, đến nỗi chúng ta phải giấu chúng đi, thậm chí giấu với chính bản thân ta… bạn hiểu chứ? Dù gì thì chuyện đó sẽ chiếm ngự trong một cơn mộng mơ như thế này, và khi tôi dõi theo một bộ phim tạo nên bởi giấc mơ của chính mình với diễn tiến đang đến chỗ cao trào, thì cho dù tôi có cố làm gì lúc ấy đi chăng nữa, thì tôi cũng cảm thấy lâng lâng như thể vừa mới châm thuốc hút vậy.  Continue reading

Orhan Pamuk – Rüya và chúng tôi

Orhan Pamuk

Rüya và chúng tôi

Duy Đoàn chuyển ngữ từ bản tiếng Anh của Maureen Freely

1. Mỗi buổi sáng chúng tôi cùng nhau đến trường: một mắt ngó đồng hồ, mắt kia ngó balô, cửa ra vào, con đường. Ngồi trong xe chúng tôi lúc nào cũng làm bấy nhiêu chuyện này thôi: (A) vẫy chào mấy chú chó ở công viên; (B) Ngả tới ngả lui khi xe tăng tốc quanh khúc cua; (C) con gái nói, “Quẹo phải xuống dốc nào ông tài xế!” và cha con tôi len lén nhìn nhau rồi cười phá lên; (D) cười ha hả khi chúng tôi nói, “Quẹo phải xuống dốc nào ông tài xế!” bởi vì ông ta biết chính xác chúng tôi sẽ tới đâu, khi mà chúng tôi bao giờ cũng đi taxi tại cùng một chỗ đậu taxi; (E) ra khỏi xe taxi và nắm tay nhau đi bộ.

2. Sau khi tôi đeo balô lên vai con bé, hôn con bé và dẫn con bé vào trường, tôi đứng nhìn con bé từ đằng sau. Tôi đã ghi nhớ vào đầu kiểu đi của Rüya, và tôi thích việc đứng nhìn con bé đi vào trường như vầy. Tôi biết là con bé cũng biết tôi đang quan sát nó. Cái chuyện con bé biết tôi quan sát nó ấy, cứ như thể chuyện đó sẽ khiến cho hai cha con tôi đều cảm thấy an tâm.Trước hết là cõi sống mà con bé dấn bước vào và khám phá từng ngày, và rồi tới cõi sống mà hai cha con tôi cùng nhau san sẻ. Khi tôi quan sát con bé, và con bé quay lại nhìn tôi, đó là lúc chúng tôi giữ cho cõi sống của mình tiếp diễn. Nhưng rồi con bé đột ngột chạy đi và bước vào cuộc sống mới, nơi đó đôi mắt tôi không thể theo được.  Continue reading

Orhan Pamuk – Để được hạnh phúc

Orhan Pamuk

Để được hạnh phúc

Duy Đoàn chuyển ngữ từ bản tiếng Anh của Maureen Freely

Hạnh phúc có phải là điều quá ư tầm thường? Tôi hay băn khoăn về chuyện này. Giờ thì lúc nào tôi cũng nghĩ như thế. Mặc dù tôi thường bảo rằng những ai có thể  hạnh phúc đôi lúc là những kẻ xấu xa và ngốc nghếch, nhưng tôi cũng nghĩ như vầy: Không, hạnh phúc không phải là điều thô thiển, và nó đòi hỏi trí óc của mình.

Khi tôi đi cùng đứa con gái bốn tuổi Rüya ra bờ biển, tôi là người đàn ông hạnh phúc nhất trần gian. Người đàn ông hạnh phúc nhất trần gian thì muốn điều gì nhất? Dĩ nhiên là anh ta muốn tiếp tục làm người đàn ông hạnh phúc nhất trần gian. Đó là lí do tại sao anh ta biết được điều quan trọng là lúc nào cũng làm đi làm lại cùng một chuyện. Và đó là điều chúng tôi làm, lúc nào cũng chỉ có nhiêu đó chuyện. Continue reading

Orhan Pamuk – Tôi sẽ không tới trường đâu

Orhan Pamuk

Tôi sẽ không tới trường đâu

Duy Đoàn chuyển ngữ từ bản tiếng Anh của Maureen Freely

Tôi sẽ không tới trường đâu. Bởi tôi buồn ngủ. Tôi thấy lạnh lẽo. Chẳng ai ở trường thích tôi hết.

Tôi sẽ không tới trường đâu. Bởi ở trường có hai đứa kia. Tụi nó bự con hơn tôi. Tụi nó khoẻ hơn tôi. Khi tôi đi ngang qua thì tụi nó dang tay ra cản đường tôi lại. Tôi sợ lắm.

Tôi sợ. Tôi sẽ không tới trường đâu. Ở trường, thời gian như ngừng trôi vậy. Mọi thứ toàn ở bên ngoài cả thôi. Bên ngoài cánh cửa trường học.

Chẳng hạn như căn phòng của tôi ấy. Cũng như mẹ, cha, mấy món đồ chơi, và lũ chim ngoài ban-công nữa. Khi tôi ở trường và nghĩ về những điều đó, tôi muốn khóc luôn vậy. Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ. Ở khung trời ngoài kia là những đám mây lững lờ.  Continue reading

Orhan Pamuk – Làm thế nào mà tôi tống khứ được mấy cuốn sách của mình

Orhan Pamuk

Làm thế nào mà tôi tống khứ được mấy cuốn sách của mình

Duy Đoàn chuyển ngữ từ bản tiếng Anh của Maureen Freely

Gần đây có hai cơn động đất xảy ra, và lúc diễn ra cơn động đất thứ nhì – cái đánh vào Bolu vào tháng Mười một (năm 1999) – tôi nghe thấy có tiếng va đập từ phía  đầu này hoặc đầu kia trong thư viện của mình; rồi những kệ sách kêu cót két cọt kẹt một hồi lâu. Tôi khi ấy đang nằm trên giường trong căn phòng đằng sau nhà, với cuốn sách trên tay, quan sát cái bóng đèn trần trụi đang lắc lư trên đầu mình. Rằng thư viện của tôi có thể hoà mình nhịp nhàng vào cơn thịnh nộ của động đất, rằng nó xác nhận và đề cao thông điệp của nó – điều này làm tôi sợ hãi, và những điều gợi đến một cảnh điêu tàn làm tôi tức giận. Điều này cũng đã từng diễn ra trong cơn dư chấn hồi mấy tuần trước đó. Tôi quyết định trừng phạt cái thư viện này.  Continue reading

Orhan Pamuk – Châu Âu ở nơi đâu?

Orhan Pamuk

Châu Âu ở nơi đâu?

Duy Đoàn chuyển ngữ từ bản tiếng Anh của Maureen Freely

Tôi đang đi dọc trên con phố ở Beyoğlu, khu phố mang vẻ Âu châu nhất ở bên phía Âu châu ở Istanbul, thì tình cờ bắt gặp một tiệm sách cũ. Tôi biết con đường chật hẹp, khúc khuỷu này, với những cửa hàng sửa chữa khiêm tốn, với những cửa tiệm nho nhỏ bán gương và đồ nội thất, và cả những tiệm ăn khiêm nhường. Chỗ này thì mới biết, thế là tôi đi vào trong.

Những gì tôi thấy không có gì giống với mấy tiệm sách cũ già cỗi ở Istanbul, là những tiệm sách có những bản thảo đầy bụi bặm cũng như bán mấy thứ được in khác; không có những chồng sách bụi bặm ở đây, cũng như không có hàng núi sách đang chờ định giá. Mọi thứ sạch sẽ và sắp xếp gọn gàng, đẹp đẽ như  mấy cửa hàng đồ cổ đang bắt đầu mọc lên khắp vùng này; thậm chí người ta còn phân loại sách nữa. Do vậy đây là một tiệm bán hàng kiểu “sưu tầm đồ cổ,” dạng này bắt đầu thay thế những tay lái thương già ở vùng này. Tôi ngắm nhìn một cách thất vọng vào mấy kệ sách, trên đó mấy cuốn sách đã được đóng bìa đứng nghiêm như những anh lính trong quân ngũ có kỉ luật ở thời hiện đại này. Continue reading