Làm thế nào cộng đồng trừng phạt hành vi chống xã hội một cách hiệu quả

Một nghiên cứu mới đã đưa ra cái nhìn thấu đáo vào chuyện làm thế nào một nhóm người xử lí được các nan đề xã hội và làm sao để trừng phạt những kẻ có hành vi chống xã hội một cách hiệu quả.

Hàng xóm chơi nhạc ồn ào là một ví dụ mà ở đó một nan đề xã hội có thể nảy sinh ra, về chuyện ai sẽ là người xử lí kẻ sai quấy kia nếu hành vi đó tác động đến cả nhóm người. Nếu ai cũng ngồi đó mong đợi người khác xử phạt kẻ sai quấy kia, thì tiếng nhạc ồn ào vẫn cứ kéo dài. Tuy nhiên, theo nghiên cứu do trường University of Oxford và trường ETH Zurich tiến hành, thì các nhà nghiên cứu đã hé lộ cho biết rằng khi một nhóm có thể nhận diện ra thành viên nổi trội nhất trong số họ, thì có thể dẫn đến một thoả thuận ngầm hiểu về người sẽ làm chuyện trừng phạt kẻ sai quấy kia.  Continue reading

The Paris Review – Phỏng vấn Eugène Ionesco (Nghệ thuật sân khấu, số 6)

Vài năm  ít ỏi còn lại thì bận rộn một cách khác thường đối với Eugène Ionesco. Sinh nhật lần thứ 70 của ông được tổ chức vào năm 1982 cùng hàng chuỗi những sự kiện, những công bố cùng với những tác phẩm của ông không chỉ ở  Pháp mà trên qui mô toàn thế giới. Hugoliades, bức họa hài hước của Ionesco về Victor Hugo được ông viết khi tuổi đôi mươi là ấn phẩm mới nhất do nhà xuất bản Gallimard ấn hành. Tại Lyon, Roger Planchon, giám đốc nhà hát Théâtre Nationale Populaire, cho diễn vở Chuyến hành trình giữa những người chết , một nghệ thuật giấc mơ kiểu Ionesco, một tác phẩm tự thuật và được rút từ vở kịch gần đây nhất – Người đàn ông mang va-li. Vở lưu diễn trên nước Pháp được hoan nghênh trên cả phương diện phê bình lẫn  đại chúng là nhờ sự trình diễn tại rạp Comédie Française ( Paris). Gần đây, giới biểu diễn trong 2 vở kịch đầu tay của Ionesco đã tổ chức một buổi tiệc sinh nhật cho nhà soạn kịch cũng đồng thời kỷ niệm 25 năm diễn xuất liên tục của cả 2 vở diễn tại rạp Huchette ( Paris).

Trải qua hơn 30 năm, Ionesco được gắn biệt danh là “ Anh hề bi thảm”, “Shakespeare của sự phi lý”, “ Nhà sáng lập hài kịch siêu hình” –  tên gọi chỉ thời kỳ phát triển từ một nhà viết kịch trẻ khởi nghiệp tại một rạp nhỏ Tả ngạn để trở thành một thành viên của Viện hàn lâm Pháp. Khoảng 40 năm qua, Ionesco lập gia đình với Rodika, một người vợ Rumani.Họ chung sống trong một căn hộ tầng lầu kỳ lạ trên đại lộ  Montparnasse thượng La Coupole xung quanh là những bộ sưu tập sách và  tranh của những người bạn cố tri của Ionesco như Hemingway, Picasso, Sartre và Henry Miller. Cuộc phỏng vấn của chúng tôi diễn ra trong một phòng vẽ nơi nhưng bức chân dung của Miró, bức vẽ của Max Ernst cho vở Con tê giác và tuyển tập các tượng thánh La mã và Hy Lạp được treo trang trọng trên tường. Ionesco, người đàn ông nhỏ thó, hói đầu với đôi mắt hiền lành, u buồn dường như là khá yếu ớt trong cái nhìn ban đầu- một ấn tượng hoàn toàn sai lầm do sự hài hước dí dỏm và cách nói năng say sưa của ông gây ra. Bên cạnh là Rodika mảnh khảnh với đôi mắt đen đăm đăm và nước da màu ngà trông như thể một con búp bê phương Đông điềm tĩnh. Suốt buổi phỏng vấn bà mang cho chúng tôi trà và thường xuyên hỏi chúng tôi có cảm thấy ăn ý hay không. Những trao đổi điềm đạm  đầy sự quí trọng của Ionesco và sự lịch thiệp của họ nhắc tôi nhớ tới một số những cặp uyên ương già lão kỳ lạ do Ionesco phác họa trong nhiều những vở kịch của ông.  Continue reading

Jorge Luis Borges – Về tính chính xác trong khoa học

 

Jorge Luis Borges

Về tính chính xác trong khoa học

Duy Đoàn chuyển ngữ từ bản tiếng Anh của Andrew Hurley

 

…Ở Đế-chế đó, Nghệ thuật Hoạ-đồ-pháp (cartography) đã đạt được Hoàn-mĩ đến mức bản đồ của một  Tỉnh choán hết cả một Thành-phố, và bản đồ một Đế-chế thì choán hết cả một Tỉnh. Rốt cuộc rồi những Tấm-bản-đồ Quá-mức-chấp-nhận ấy không còn thoả mãn người ta được nữa, và Hội Hoạ-đồ-pháp tạo ra Tấm-bản-đồ của Đế-chế mà kích cỡ của nó bằng kích cỡ của Đế-chế đó, mỗi điểm trên bản đồ trùng khớp với từng điểm thuộc Đế chế. Những Thế-hệ sau vốn là những kẻ không còn thích Môn Hoạ-đồ-pháp như các bậc Tiền-bối, họ thấy rằng Tấm-bản-đồ rộng lớn ấy thật Vô-dụng, và bằng thái độ không phải không có sự nhẫn tâm, họ đem bỏ nó cho sự Khắc-nghiệt của Mặt-trời và các Mùa-đông. Ở những vùng Sa-mạc Tây-phương, ngày nay vẫn còn đó những Tàn-tích Tả-tơi của Tấm-bản-đồ đó, là nơi cư ngụ cho Loài-vật và những Kẻ-hành-khất; trên toàn bộ Vùng-đất này hiện không còn Di-chỉ nào khác thuộc những Môn-học Địa-lí.  Continue reading

The Paris Review – Nghệ thuật hư cấu, số 130: Italo Calvino (phần 2, hết)

Calvino, Italo 02

 

Những suy nghĩ trước giờ phỏng vấn

Mỗi sáng tôi tự nhủ, Hôm nay phải viết lách cho ra trò đấy – thế rồi lại có thứ gì đó xảy đến ngăn tôi không viết được. Hôm nay… có gì mà tôi phải làm trong hôm nay nhỉ? À đúng rồi, bọn họ muốn đến phỏng vấn mình. Tôi e là cuốn tiểu thuyết của mình sẽ không nhích tới được bước nào. Luôn có thứ gì đó xảy đến. Mỗi sáng tôi biết luôn là mình sẽ lãng phí cả ngày hôm ấy. Lúc nào cũng có chuyện làm: đến ngân hàng, đến bưu điện, trả tiền cước phí này nọ… luôn có mớ hành chính bùi nhùi nào đó để tôi xử lí. Trong khi ra ngoài thì tôi cũng làm mấy việc vặt như đi chợ cho ngày hôm đó: mua bánh mì, mua thịt hay mua rau quả gì đó. Chuyện đầu tiên là tôi mua báo. Một khi người ta đã mua báo thì họ sẽ bắt đầu đọc nó ngay khi về đến nhà – hoặc ít nhất cũng nhìn vào mấy dòng tít để thuyết phục bản thân là chả có thứ gì đáng đọc. Mỗi ngày, tôi tự nhủ rằng đọc báo là chuyện lãng phí thời giờ, nhưng rồi… tôi không thể làm gì nếu không đọc báo. Chúng như thuốc kích thích vậy. Nói ngắn gọn là chỉ khi chiều về thì tôi mới ngồi trước bàn làm việc được, và bàn làm việc lúc nào cũng chất đống thư từ này nọ đang đợi tôi trả lời mà tôi thậm chí còn không biết đám thư từ đó đã chờ tôi bao lâu rồi, đó đúng là một chướng ngại vật khác cần vượt qua.

Rốt cuộc thì tôi cũng đặt bút viết, rồi những vấn đề thực sự mới bắt đầu xuất hiện. Nếu tôi bắt đầu viết từ con số không, thì đó là thời điểm gian khổ nhất, nhưng cho dù tôi phải viết tiếp thứ đã viết hôm kia, thì bao giờ tôi cũng lâm vào ngõ cụt, nơi đó nảy sinh một chướng ngại mới cần phải vượt qua. Và chỉ khi chiều tà thì tôi mới bắt đầu viết dứt khoát các câu chữ, chỉnh sửa chúng, bôi xoá chúng, rồi viết đè lên những câu này sinh bất chợt, rồi viết lại. Ngay lúc này đây thì thường có chuông điện thoại hay chuông cửa vang lên, tiếp theo là một người bạn nào đó, một vị dịch giả nào đó hoặc một tay phỏng vấn nào đó xuất hiện. Nói đến vụ đó… chiều nay… những tay phỏng vấn… tôi không biết liệu mình có thời gian chuẩn bị không nữa. Tôi có thể rán tuỳ cơ ứng biến nhưng tôi nghĩ một cuộc phỏng vấn cần được chuẩn bị trước để trông có vẻ tự nhiên. Hiếm có lúc nào mà người phỏng vấn hỏi bạn những câu nằm ngoài mong đợi. Tôi đã thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn và kết luận rằng mấy câu hỏi lúc nào cũng y chang nhau. Tôi lúc nào cũng có thể đưa ra những câu trả lời giống nhau. Nhưng tôi nghĩ là mình phải thay đổi câu tả lời thôi, bởi với mỗi cuộc phỏng vấn thì có gì đó thay đổi trong tôi hay ở ngoài cõi sống này. Một câu trả lời đúng cho lần đầu có thể không còn đúng nữa cho lần thứ nhì. Điều này có thể làm cơ sở cho một cuốn sách. Tôi được người ta đưa cho danh sách các câu hỏi, bao giờ cũng giống nhau; mỗi chương sẽ chứa đựng những câu trả lời của tôi đưa ra vào những thời điểm khác nhau. Những thay đổi sẽ chứa những câu trả lời tôi đưa ra vào những thời điểm khác nhau. Những thay đổi khi đó sẽ thành cuộc hành trình, thành câu chuyện nơi trú ngụ của nhân vật chính. Có lẽ theo cách này thì tôi có thể khám phá được những sự thật nào đó về bản thân mình.

Nhưng tôi phải về nhà – sắp tới giờ phỏng vấn rồi.

Xin Chúa giúp tôi!

– Italo Calvino  Continue reading

Jorge Luis Borges – Những tấm gương bị che phủ

Đạo Islam cho chúng ta biết vào Ngày Phán xét không thể kháng cự, tất cả những ai đã xâm phạm hình tượng của các sinh thể sẽ một lần nữa bị đánh thức cùng những tác phẩm của mình, và được yêu cầu thổi sự sống vào chúng, và họ sẽ thất bại, rồi cùng với những công trình của mình, họ sẽ bị ném vào ngọn lửa của sự trừng phạt. Như một đứa trẻ, tôi cảm nhận được điều khủng khiếp trong sự nhân đôi hoặc tăng bội một cách ma quái của thực tại, nhưng nỗi sợ chỉ ập đến mỗi khi tôi đứng trước những tấm gương lớn. Khi trời bên ngoài vừa sập tối, chức năng bất biến không thể nhầm lẫn của gương, cách chúng đeo bám từng động thái của tôi, thứ kịch câm mang tính vũ trụ của chúng, đối với tôi dường như thật kì quái. Một trong những điều khẩn cầu Thượng đế và thiên thần hộ mệnh của tôi là mong sao mình không nằm mơ thấy những tấm gương; tôi còn nhớ rất rõ mình đã vật vờ ra sao chỉ để ngó chừng chúng trong nỗi bất an. Thỉnh thoảng tôi còn lo sợ chúng sẽ xoay xở tìm cách tách khỏi thực tại; những lúc khác, tôi lo sợ sẽ nhìn thấy khuôn mặt chính mình đang bị biến dạng bởi những tai ương kì dị trong đó. Tôi nhận ra nỗi kinh hoàng này đang lan tràn khắp thế giới một lần nữa. Câu chuyện khá đơn giản mà khó chịu vô cùng.

Năm 1927, tôi gặp một phụ nữ trẻ nghiêm nghị, ban đầu qua điện thoại (vì ban đầu Julia chỉ như một giọng nói không tên tuổi hay mặt mũi) và sau đó tại một góc phố vào ban đêm. Đôi mắt của cô to một cách đáng báo động, tóc thẳng đen huyền, dáng người mộc mạc. Cô là cháu chắt của những người Liên bang, còn tôi là hậu duệ của những người Thống nhất (1), nhưng mối bất hoà giữa hai dòng dõi, đối với chúng tôi, là một sự ràng buộc, một thuộc tính tròn đầy hơn của quê hương chúng tôi. Cô sống cùng gia đình trong một ngôi nhà có trần cao đang xuống cấp, trong sự phẫn uất và vô vị của cảnh bần hàn thanh cao. Những buổi ban trưa – rất hiếm khi vào ban đêm – chúng tôi ra ngoài đi dạo, ngang qua khu phố Balvanera (2) gần nhà cô. Chúng tôi tản bộ dọc theo bức tường cao màu trắng của sở đường sắt; có lần chúng tôi xuống tận Sarmiento, nơi sẽ dẫn đến những bãi đất trống của Parque Centenario (3). Giữa chúng tôi không phải tình yêu cũng không phải một viễn tưởng về tình yêu; tôi cảm nhận ở cô loại cảm xúc hoàn toàn không giống với những xúc cảm mang dục tính, và tôi sợ hãi điều đó. Để tạo dựng mối quan hệ thân mật với phụ nữ, người ta thường kể với họ những trải nghiệm thực tế hoặc các giai thoại đã xảy ra trong thời trai trẻ của mình; thỉnh thoảng tôi có kể cho cô ấy nghe nỗi kinh hoàng của mình về những tấm gương, và do vậy, vào năm 1928, tôi đã vun trồng những ảo tưởng sẽ kết thúc vào năm 1931. Hiện tại, tôi vừa được biết rằng cô đã điên loạn, và trong phòng cô, mọi tấm gương đều được che phủ, bởi cô nhìn thấy hình ảnh phản chiếu của tôi trong đó – chúng chiếm đoạt cô – cô run rẩy không nói nên lời, cho rằng tôi đang bám theo cô bằng ma thuật, dòm ngó cô, rình mò cô.

Sự trói buộc đáng ghê sợ, sự trói buộc của khuôn mặt – hoặc một trong những khuôn mặt xưa cũ của tôi. Số mệnh ghê tởm của nó khiến tôi ghê tởm theo, nhưng tôi đã không còn bận tâm nữa.

*

Ghi chú của Andrew Hurley:

(1) Những người Liên bang (Federalists) / Những người Thống nhất (Unitarians): Những người Liên bang là những người bảo thủ thuộc thế kỉ 19 ủng hộ một chính phủ liên bang (tức phi tập trung) ở Argentina, với những địa phận có quyền tự quyết cao và có tiếng nói bình đẳng trong chính phủ. Những người Liên bang cũng là “những người Argentina”, để đối lại những người theo chủ nghĩa quốc tế, những người Thống nhất giống như người Âu, và những nhà lãnh đạo của họ có khuynh hướng trở thành những lãnh tụ dân kiểm, chiến sĩ của họ trong các cuộc nội chiến có khuynh hướng trở thành những gã giang hồ (gaucho). Những người Thống nhất, mặt khác, là một tổ chức đóng tại Buenos Aires, ủng hộ sự tập trung, một nhà nước tự do; họ có khuynh hướng trở thành “những nhà tư tưởng tự do”, chứ không phải những tín đồ Công giáo áo xanh xám, những nhà trí thức, những người theo chủ nghĩa quốc tế, và những người sùng tín châu Âu trong dáng vẻ những người Thống nhất lên án sự lỗ mãng của tính cách giang hồ, và đặc biệt trở nên đa cảm bởi lối sống ấy; họ mang chất thành thị như một sự khiếm khuyết. “Mối bất hoà giữa hai dòng dõi” lâu đời này, như Borges đã đưa vào trong truyện, chính là mối bất hoà của Argentina, sự xung khắc chưa bao giờ được giải toả ở đất nước Argentina, nơi Jorge Luis Borges sinh sống.

(2) Balvanera: Có thể đoán vào thời điểm “Borges” trải nghiệm sự việc này, Balvanera là khu vực lân cận khu “bần hàn thanh cao” hơn là hình ảnh được mường tượng từ những mô tả của “Julia”, nhưng trong truyện Người chết in trong tập Aleph, Balvanera là khu vực lân cận, nơi xuất thân của “gã lưu manh buồn bã” Benjamín Otálora, và được mô tả như vùng ngoại thành Buenos Aires năm 1891 (rõ ràng không có nghĩa nó phải thuộc về khu ngoại thành Buenos Aires vào năm 1927, thời điểm bắt đầu của truyện Những tấm gương bị che phủ), khu vực của “những gã cưỡi xe thồ đeo đai da”. Vì vậy Balvanera không gắn bó nhiều với giới giang hồ và những kẻ cục súc (dù sự gắn bó của những người Liên bang ám chỉ một mối gắn kết như vậy), cũng như với những bãi hàng và công việc làm ăn của họ, vòng quay phụ (và kém lãng mạn hơn) của cuộc sống hoang liêu. Balvanera ở đây, như chính gia đình Julia, là bóng tối rệu rã của chính mình và của cuộc sống mà nó từng đại diện.

(3) Bức tường cao màu trắng của sở đường sắt… Parque Centenario: Tuyến đường sắt từng (và vẫn đang) chạy xuyên qua Balvanera từ ga Plaza del Once về phía tây, hướng về vùng ngoại thành Buenos Aires. Sarmiento cũng chạy về phía tây, nhưng hơi lệch về phía bắc tuyến đường sắt, chạy theo hướng chếch một chút về phía tây bắc. Cách nhà ga khoảng một dặm rưỡi, tuyến đường sắt sẽ gặp Parque Centenario.

K.H. dịch

Nguồn:
Borges, Jorge Luis. “Covered Mirrors” Jorge Luis Borges: Collected Fictions. Andrew Hurley dịch sang tiếng Anh. New York: Penguin, 1998.

jorge-luis-borges-collected-fictions

The Paris Review – Nghệ thuật hư cấu, số 130: Italo Calvino (phần 1)

 

Khi nghe tin Italo Calvino qua đời hồi tháng Chín năm 1985, John Updike nhận xét, “Calvino là nhà văn thiên tài và thông minh. Ông mang tác phẩm hư cấu đến những nơi chốn mới mẻ nào giờ chưa ai từng thấy, và đem nó quay trở về với lối dẫn chuyện từ những nguồn suối cổ tích và cổ xưa.” Ở thời điểm ấy, Calvino là nhà văn Ý xuất chúng, ảnh hưởng từ những tiểu thuyết và mấy câu chuyện huyễn tưởng của ông đã vượt hẳn ra ngoài Địa-trung-hải.

Hai năm trước đó, tờ The Paris Review đã yêu cầu thực hiện phỏng vấn Italo Calvino cho chuyên mục Writers at Work, và uỷ thác nhiệm vụ đó cho William Weaver, dịch giả gắn bó lâu năm với Calvino. Nhiệm vụ đó không bao giờ hoàn thành được, dẫu cho sau này Weaver có viết lại phần giới thiệu như hành động tưởng nhớ. Tuy nhiên sau đó, The Paris Review đã mua lại bản ghi chép từ cuộn băng phỏng vấn Calvino (do Damien Pettigrew và Gaspard Di Caro đạo diễn và sản xuất) và mua cả hồi kí của Pietro Citati, một nhà phê bình người Ý. Ba phần chọn lọc này cùng với đoạn ghi chép những suy nghĩ của Calvino trước lúc phỏng vấn, những thứ đó hợp lại tạo ra một bức tranh ghép, một bức chân dung gián tiếp về nhà văn này.

– Rowan Gaither, 1992  Continue reading

Biểu tượng của cái giếng

Trong biểu tượng của Cơ Đốc giáo, giếng thuộc về nhóm ý tưởng có liên hệ với ý niệm đời người ví như một chuyến hành hương và biểu thị cho sự cứu rỗi linh hồn (4). Giếng chứa nước sạch và tinh khiết là biểu tượng của khát vọng tối thượng hoặc của “Sợi dây bạc” nối kết con người với vai trò Trung tâm. Nữ thần  Demeter và các vị thần khác được thể hiện  đứng bên cạnh một cái giếng (15).Nhưng biểu tượng này không chỉ được tìm thấy trong nền văn hóa cổ đại cấp cao hơn mà còn trong thời kỳ nguyên thủy. Schneider chú thích rằng trong những nghi lễ chữa bệnh của con người ở mức độ duy linh thì trung tâm của  bối cảnh  diễn ra gần một cái hồ hoặc một cái giếng nơi mà người bệnh rửa tay, ngực và đầu bằng nước ở đó.Cạnh rìa bờ nước, sậy sinh trưởng và người ta tìm thấy cả vỏ  sò và cả hai thứ đều là biểu tượng cho nguồn nước cứu rỗi (51).Cụ thể thì hành động kéo nước từ giếng lên -giống như việc câu cá- là biểu tượng của việc thu rút những điều bí ẩn của đại dương (31).Nhìn kỹ  nước trong hồ hoặc giếng tương tự như thái độ thần bí của sự trầm tư mặc tưởng. Cuối cùng giếng cũng là biểu tượng của linh hồn và thuộc tính giống cái (32).

Trịnh Ngọc Thìn dịch

Bình Phước 28/3/2013

Chú thích của tác giả:

(4)  BAYLEY, HAROLD. The Lost Language of Symbolism. London, 1912 (repr. 1951).

(15)  DIEL, Pail. Le Symbolisme dans la mythologie grecque. Paris, 1952.

(51)  La danza de espadas y la tarantela. Barcelona, 1948.

(31)  JUNG, C. G. Symbols of Transformation (Collected Works, 5). London, 1956.

(32)  Psychology and Alchemy (Collected Works, 12). London, 1953.

Nguồn:
Cirlot, J. E. “Well” A Dictionary of Symbols. Trans. Jack Sage. 2nd edition. London: Routledge, 1971

J. E. Cirlot – Tính biểu tượng của chiếc nón

J. E. Cirlot

Tính biểu tượng của chiếc nón

Duy Đoàn chuyển ngữ từ bản tiếng Anh của Jack Sage

Theo Jung, bởi chiếc nón dùng để che phủ đầu, nên nhìn chung nó mang tính tạo nghĩa cho những gì nằm bên trong nó: suy tư. Ông nhớ thành ngữ người Đức nói rằng ‘hãy đặt toàn bộ ý niệm bên dưới một chiếc nón’, và ông còn nhắc đến cuốn tiểu thuyết The Golem của Meyrink, trong đó nhân vật chính thấy được những suy tư và cảm được những trải nghiệm của người khác khi  vô tình đội lên chiếc nón của người đó (32). Jung cũng chỉ ra rằng, bởi vì chiếc nón là ‘phần đỉnh’ và phần chóp  của con người, do vậy có thể nói rằng nó bao phủ cả người ấy, một ý tưởng chứa đựng sự tạo nghĩa biểu trưng đặc biệt. Theo hình dạng thì chiếc nón có thể được trao cho sự tạo nghĩa riêng biệt; ví dụ, sự tạo nghĩa cho quân bài Minstrel trong bộ bài Tarot (56). Thay đổi nón của một người cũng tương đương với chuyện thay đổi cả tâm tư lẫn ý niệm của người ấy. Việc chọn ra một chiếc nón – liên hệ với trật tự xã hội đặc thù – biểu thị lòng ham muốn được phép gia nhập tập hợp đó hoặc có được những đặc tính cố hữu của nó. Có những chiếc nón, như nón Phrygia (Phrygian cap), vốn có ý nghĩa đặc biệt về dương vật, và những chiếc nón khác có thể trao cho khả năng vô hình (biểu trưng cho sự đè nén).  Continue reading

J. E. Cirlot – Âm nhạc

Biểu tượng tính của âm nhạc là biểu tượng tính của sự phức tạp vô cùng và chúng ta không thể làm gì hơn ngoài việc phác hoạ ra đây một số ý niệm tổng quát. Nó bao trùm tất cả những yếu tố cấu thành âm thanh: nhạc khí, nhịp điệu, tông hoặc âm sắc, các nốt trong thang âm thường, làn điệu, công cụ biểu cảm, âm điệu, hoà âm và hình thức. Biểu tượng tính của âm nhạc có thể được tiếp cận từ hai quan điểm cơ bản: có thể coi nó là một phần mô hình có trật tự của vũ trụ theo cách hiểu của người xưa, của những nền văn minh cự thạch và sinh học thiên thể, hoặc chấp nhận nó như một hiện tượng của ‘sự tương ứng’ gắn liền với cung cách biểu đạt và thông tri. Một trong những khía cạnh cơ bản của biểu tượng tính âm nhạc là mối liên hệ của nó với nhịp phách và con số, bắt nguồn từ thuyết Pythagore (27). Ý nghĩa vũ trụ của nhạc cụ – sự gắn bó của nó với một Nguyên tố riêng biệt – được nghiên cứu lần đầu tiên bởi Curt Sachs trong cuốn Geist und Werden der Musikinstrumente (Berlin, 1929). Trong biểu tượng tính này, hình dạng đặc trưng của một loại nhạc cụ phải được phân biệt với âm sắc, và một số ‘mâu thuẫn’ thông thường giữa hai khía cạnh này có thể được coi là sự biểu hiện vai trò trung gian của nhạc cụ và của âm nhạc như một toàn thể (với nhạc cụ như một hình thức liên hệ hoặc thông tri, một động lực cơ bản, như trường hợp của tiếng nói hoặc lời lẽ thốt ra). Ví dụ, cây sáo có hình dương vật mang tính nam về hình dạng, và mang tính nữ ở âm vực réo rắt và tông nhẹ, óng bạc (do đó như ánh trăng), trong khi trống mang tính nữ ở hình dạng như lỗ chứa, và mang tính nam ở tông trầm (50). Mối liên hệ giữa biểu tượng tính của âm nhạc với sự tự biểu đạt (và thậm chí với nghệ thuật hoạ hình) được minh chứng khá rõ trong việc tạo ra âm nhạc vào thời nguyên thuỷ, thường quy về hành động bắt chước theo nghĩa đen những nhịp điệu, cử động, nét đặc trưng và thậm chí là hình dáng của các loài vật. Schneider khi lắng nghe khúc hát ‘Song of the Stork’ của người Senegal đã diễn tả cách ông bắt đầu ‘nhìn thấy như đang nghe’, trong một nhịp điệu tương ứng chính xác với những hành động của loài chim. Khi ông hỏi những người đã hát khúc ca về điều này, câu trả lời của họ đã xác nhận quan sát của ông. Bằng những quy luật tương tự, chúng ta còn có thể phát hiện ra những trường hợp mang hàm ý được chuyển về biểu tượng tính: đó là, sự tiến triển của giai điệu như sự biểu lộ toàn bộ những cảm xúc nhất quán nào đó, và tiến trình này tương ứng với những dạng biểu tượng nhất quán nào đó. Mặt khác, sự xen kẽ giữa tông trầm và âm vực cao thể hiện một ‘bước chuyển’, nỗi thống khổ và sự cần thiết của Mặt trái; Schneider kết luận rằng đây là một biểu hiện của ý tưởng chế ngự vùng không gian giữa thung lũng và núi đồi (tương ứng với mặt đất và bầu trời). Ông lưu ý rằng ở châu Âu, kí hiệu bí hiểm của ‘âm nhạc cao’ (là âm vực cao) và ‘âm nhạc thấp’ (âm vực thấp) vẫn tiếp tục tồn tại mãi đến thời Phục hưng. Câu hỏi về mối liên hệ giữa những nốt nhạc với màu sắc hoặc các hành tinh là xa vời so với những nét tương đồng khác về mặt biểu tượng tính của âm nhạc. Tuy nhiên, chúng ta không thể đi tiếp mà không đưa ra một số ý tưởng về mối liên hệ theo tuần tự sâu xa, tồn tại trên mặt hiện tượng: ví dụ, tương ứng với thang ngũ cung, chúng ta thường thấy những khuôn mẫu được nhóm thành bộ năm; âm nguyên và âm điệu trong thang âm bảy nốt được kết nối với hầu hết những hệ sinh học thiên thể, đó chắc chắn là điều quan trọng nhất trong mọi nhóm; xu thế ngày nay hướng về nhóm mười hai nốt có thể sánh với các dấu hiệu của vòng Hoàng đạo. Nhưng đến nay, chúng ta vẫn chưa tìm được đầy đủ chứng cứ về khía cạnh riêng biệt này trong tính biểu tượng của âm nhạc. Tất cả những gì tương đồng ở đây chính là sự tương ứng như Fabre d’Olivet, một nhà huyền bí người Pháp, đã đề ra: Mi – Mặt trời, fa – Thuỷ tinh, sol – Kim tinh, la – Mặt trăng, ti – Thổ tinh, do – Mộc tinh, re – Hoả tinh (26). Những nhóm có mối liên hệ chính xác hơn, ít nhất về mặt biểu đạt, kết nối những làn điệu Hi-lạp với những hành tinh và các khía cạnh riêng biệt của ethos, như sau: điệu mi (điệu Doria) – Hoả tinh (mãnh liệt hoặc lâm li); điệu re (điệu Phrygia) – Mộc tinh (mê li); điệu do (điệu Lydia) – Thổ tinh (đớn đau và buồn bã); điệu ti – (điệu Hypodoria) – Mặt trời (say mê); điệu la (điệu Hypophrygia) – Thuỷ tinh (linh động); điệu sol (điệu Hypolydia) – Kim tinh (khêu gợi); điệu fa (điệu Mixolydia) – Mặt trăng (sầu muộn) (50). Những nghiên cứu thâm sâu của Schneider về tính biểu tượng của âm nhạc có vẻ xác đáng đối với chúng ta. Bốn hợp âm được tạo thành từ các nốt do, re, mi, fa, mà ông coi là, ví dụ, sự giao hoà giữa thiên đàng và trần gian, bốn nốt nhạc lần lượt tương ứng với sư tử (biểu lộ lòng dũng cảm và sức mạnh), bò đực (sự hiến tế và bổn phận), con người (đức tin và hiện thân) và đại bàng (cao nhã và cầu nguyện). Ngược lại, bốn hợp âm được tạo thành từ các nốt sol, la, ti, do, có thể tượng trưng cho một dạng bản sao thiêng liêng của bốn hợp âm trước. Fa, do, sol, re được coi là các thành tố mang tính nam tương ứng với các Nguyên tố lửa và khí và các nhạc cụ làm từ đá và kim loại, trong khi la, mi, ti, mang tính nữ, gắn liền với các Nguyên tố nước và đất. Quãng fa-ti, mà các nhà nghiên cứu âm nhạc gọi là quãng ba (hoặc được tăng thành quãng bốn), biểu hiện sự bất hoà của nó bằng sự xung đột ‘đau đớn’ của hai Nguyên tố nước và lửa – sự xung đột xảy ra trong bản thân cái chết (50). Chúng ta có thể cho rằng chỉ một vài phác thảo về tính biểu tượng của âm nhạc được Schneider phát triển trong công trình The Musical Origin of Animal-Symbols của ông, song phạm vi ấy rất rộng, như ông đã gợi ý riêng cho chúng ta, ông tin rằng mọi ý nghĩa mang tính biểu tượng đều có nhạc tính nằm trong căn nguyên hoặc ít nhất có dính líu đến âm thanh. Điều này trở nên dễ hiểu hơn nếu chúng ta nhớ lại rằng hành động ca hát, như một sự hoà âm của các yếu tố có giai điệu và trình tự, là hình tượng về sự kết nối mọi thứ một cách tự nhiên, và đồng thời là sự thông giao, mở rộng và tán dương mối liên hệ bên trong đan kết mọi thứ với nhau. Do đó, có một lời chú của Plato cho rằng nhạc tính của một dân tộc không thể bị sửa đổi mà không biến cải phong tục và thể chế Thành bang (26).

K.H. dịch
2013.03.25

 Nguyên chú của tác giả:
(27) GUÉNON, René. L’Esotérisme de Dante. Paris, 1949
(50) SCHNEIDER, Marius. El origen musical de los animales-símbolos en la mitología y la escultura antiguas. Barcelona, 1946
(26) GUÉNON, René. Man and his Becoming according to the Vedanta. London, 1945

Nguồn:
Cirlot, J. E. “Music” A Dictionary of Symbols. Trans. Jack Sage. 2nd edition. London: Routledge, 1971

Orhan Pamuk – Khói lửa và điêu tàn

 

Orhan Pamuk

Khói lửa và điêu tàn

Duy Đoàn chuyển ngữ từ bản tiếng Anh của Maureen Freely

 

Trước khi tôi chào đời, ông bà tôi sống trong một căn hộ uy nghi to lớn bằng đá, ở chung với các chú, với cha mẹ tôi và những người khác trong đại gia đình chúng tôi; sau đó một trường tiểu học tư thục thuê căn hộ đó, rồi nó bị phá huỷ. Trường tiểu học của tôi ở trong một căn hộ uy nghi khác, cho đến khi nó cháy rụi. Khi bước vào trung học, chúng tôi chơi đá banh trong sân vườn một căn hộ uy nghi thứ ba; căn này cũng qui hàng ngọn lửa và sau đó bị tiêu huỷ luôn, giống như nhiều cửa hàng và toà nhà thời thơ ấu của tôi.

Lịch sử Istanbul là lịch sử của khói lửa và điêu tàn. Từ giữa thế kỉ mười sáu, khi mấy căn nhà gỗ lần đầu tiên trở nên phổ biến, cho đến một phần tư đầu thế kỉ hai mươi – hơn 350 năm cho đến lúc ấy – thì chính những trận hoả hoạn là thứ đã định hình thành phố này và mở ra những đại lộ cùng mấy con phố (bỏ qua phần xây dựng các thánh đường Hồi giáo). Địa điểm xảy ra hoả hoạn nhà cửa là chủ đề của nhiều cuộc bàn luận suốt thời thơ ấu của tôi và nó đượm mùi vận rủi. Bởi vì những tầng đầu tiên làm bằng đá và gạch, nên vẫn còn vài bức tường bị cháy nhưng chưa sụp đổ, vẫn còn cầu thang ở tầng đầu tiên (với những bậc thang đá hoa cương ắt là đã bị thiêu rụi hoặc đã bị ăn trộm mất), những tấm ngói, tấm gương vỡ và mấy bình hoa; giữa đống đổ nát này, những cây sung nho nhỏ ắt sẽ đâm chồi nảy lộc và trẻ con sẽ được chơi ở chỗ đó.

Tôi không đủ lớn để chứng kiến được cảnh cả khu xóm bốc cháy và bị huỷ hoại; những gì tôi chứng kiến là những trận hoả hoạn tiêu huỷ những căn hộ uy nghi bằng gỗ cuối cùng. Hầu hết đều xảy ra trong hoàn cảnh bí ẩn, lúc nửa đêm. Cho đến khi đội cứu hoả đến, tất cả bọn trẻ con và thanh niên ở khu xóm đã tụ tập trong sân vườn căn nhà trống hoác ấy, nơi chúng từng chơi đùa, rồi thủ thỉ cho nhau nghe khi quan sát những ngọn lửa cuồn cuộn.  Continue reading