Hope Reese – Tại sao học triết? ‘Để thách thức quan điểm của bạn’

 

Hope Reese

Tại sao học triết? ‘Để thách thức quan điểm của bạn’

Phỏng vấn Rebecca Newberger Goldstein, tác giả cuốn Plato at the Googleplex: Why Philosophy Won’t Go Away

Duy Đoàn chuyển ngữ

Vào thời điểm mà những tiến bộ trong khoa học và công nghệ đã làm thay đổi nhận thức của chúng ta về bản thân con người mình xét về mặt tinh thần lẫn thế chất, thì thật dễ dàng gạt bỏ lĩnh vực triết học và cho nó là thứ quá xưa cũ. Stephen Hawking còn cả tiếng bảo rằng triết học đã chết.

Nhưng Rebecca Newberger Goldstein không cho là vậy. Goldstein, một triết gia và tiểu thuyết gia, học triết học tại trường Barnard và sau đó lấy bằng Ph.D về triết ở trường Princeton University. Bà đã viết nhiều cuốn sách, đoạt được giải MacArthur “Genius Award” vào năm 1996, và đi dạy ở nhiều trường đại học, trong đó có Barnard, Columbia, Rutgers, và Brandeis.

Cuốn sách mới vừa ra mắt của bà, Plato at the Googleplex: Why Philosophy Won’t Go Away, cung cấp cho người đọc cái nhìn sâu vào bên trong tiến trình đầy ý nghĩa – và thường vô hình – mà triết học đã tạo nên. Tôi nói chuyện với Goldstein về ý kiến của bà trong cuộc tranh luận khoa học với triết học, làm thế nào chúng ta có thể đo lường được những tiến bộ của triết học, và tại sao sự hiểu biết về triết học vẫn là điều quan trọng đối với cuộc sống chúng ta ngày nay.

Hồi còn nhỏ, bà đã bắt gặp cuốn The Story of Philosophy của Will Durant. Thế những suy nghĩ ban đầu khi đó của bà là gì?

Tôi lớn lên ở một hộ gia đình Do-thái giáo Chính thống (Orthodox Jewish) rất sùng đạo và dường như mọi người đều có quan điểm vững chắc về hết thảy những loại vấn đề lớn lao. Tôi hứng thú với chuyện làm thế nào họ biết những điều mà dường như họ có biết, hoặc họ khẳng định có biết. Đó là cái mà giờ tôi gọi là vấn đề nhận thức luận (epistemology). Tôi được phép đọc rất nhiều loại sách, và tôi chọn lấy cuốn The Story of Philosophy. Khi ấy hẳn là tôi được 11 hay 12 tuổi. Và chương về Platon… đó là trải nghiệm đầu tiên của tôi về một dạng cảm giác đê mê mang tính trí tuệ. Tôi bị lôi hẳn ra bên ngoài bản thân mình. Có nhiều thứ khi đó tôi không hiểu, nhưng có điều gì đó trừu tượng và vĩnh hằng nằm bên dưới tất thảy những hiện tượng luôn biến đổi của cõi sống này. Ông ta dùng từ “ảo ảnh” (phantasmagoria), vốn là một trong những từ tôi phải tra từ điển, và có thể đó là một trong rất ít lần tôi tiếp cận từ đó. Tôi có thể chẳng hiểu gì về những điều mình đang đọc, nhưng tôi lại bị hút vào cuốn đó. Continue reading

Phỏng vấn Orhan Pamuk trên tờ New Republic

Pankaj Mishra thực hiện

Orhan Pamuk bàn về vụ Quảng trường Taksim, những tác động của phim truyền hình, và lí do tại sao tương lai tiểu thuyết nằm ở phương Đông.

Duy Đoàn chuyển ngữ

Hồi cuối tháng Năm [2013], xảy ra vụ phản đối ôn hoà chống lại kế hoạch phá huỷ một công viên ở Quảng trường Taksim tại Istanbul, và nó bùng phát trở thành những cuộc biểu tình chống lại vị thủ tướng ngày càng độc tài của Thổ-nhĩ-kì, ông Recep Tayyip Erdoğan. Khi tôi tới Istanbul vào buổi chiều cuối tháng Sáu thì những người chống đối đã bắt đầu rút về. Nhưng các lực lượng an ninh đã trở nên tàn bạo hơn; tôi có thể ngửi thấy mùi hơi cay chiều hôm đó khi cảnh sát đuổi theo những người chống đối sang những con phố nhỏ. Rồi chiều hôm sau tôi rời khỏi Istanbul đầy náo loạn, đi bằng phà tới một hòn đảo nơi không cho phép dùng xe hơi, rồi leo lên xe ngựa từ bến phà để đến căn hộ ven biển của Orhan Pamuk, đó là một chuyến đi chậm rãi sang một cõi sống khác – một nơi điền viên tĩnh mịch mùa hè của giới tư sản Istanbul mà giờ đây phần lớn bị bỏ hoang.

Pamuk dường như tràn đầy sinh lực ở quang cảnh biển cả nơi có những chiếc du thuyền bạc màu và những bến tàu mục nát. Vốn là một tay bơi cừ khôi, ông đắm mình trong làn nước dập dềnh của Biển Marmara trước và sau giờ làm việc mỗi ngày. Vào bữa ăn tối, ông thả bộ đến một trong những nhà hàng nằm kế cạnh bến phà, một sự tự do ấp ủ lâu nay sau những lời doạ giết nhận được hồi năm 2005 từ những kẻ thế tục dân tộc chủ nghĩa thích dùng nắm đấm vốn khinh bỉ những ám chỉ rõ ràng của Pamuk về những hành động tàn ác chống lại các sắc tộc thiểu số. Continue reading

The Paris Review – Nghệ thuật Hư cấu số 39: Jorge Luis Borges

 Phỏng vấn do Ronald Christ thực hiện

Buổi phỏng vấn này thực hiện vào tháng Bảy năm 1966, trong buổi chuyện trò với Borges tại văn phòng của ông ở Biblioteca Nacional (Thư viện Quốc gia Argentina), nơi ông làm giám đốc. Căn phòng, làm nhớ lại một Buenos Aires xưa cũ, thực sự không phải là văn phòng gì cả, mà nó là một gian phòng rộng lớn, trang hoàng lộng lẫy với trần nhà cao, ngụ trong một thư viện vừa mới sửa sang lại. Treo trên tường là những tờ giấy chứng nhận và các trích dẫn văn chương – nhưng lại được treo quá cao khó mà đọc được, như thể không muốn ai nhìn thấy. Cũng có vài bản khắc acid của Piranesi, làm nhớ lại tàn tích như cơn mộng dữ của Piranesi trong truyện “Kẻ bất tử” của Borges. Phía trên lò sưởi là tấm chân dung lớn; khi tôi hỏi cô thư kí của Borges, cô Susana Quinteros, về bức chân dung ấy, thì cô đáp lại bằng cung cách rất phù hợp, dù là tiếng vang vọng vô tình, theo kiểu Borges đơn giản: “Không quan trọng gì đâu. Nó là bức tái chế lại một bức hoạ khác thôi.”

Ở góc chéo đối diện trong căn phòng là hai kệ sách lớn, có thể xoay vòng, và cô Quinteros cho biết chúng chứa những cuốn sách mà Borges thường xuyên tra cứu, tất cả đều được sắp xếp theo trật tự nhất định và không bao giờ thay đổi để Borges, vốn gần như mù loà, có thể tìm thấy chúng theo vị trí và kích cỡ cuốn sách. Chẳng hạn, mấy cuốn từ điển được sắp cạnh nhau, trong đó có cuốn Webster’s Encyclopedic Dictionary of the English Language đã cũ sờn, được đóng gáy chắc chắn và một cuốn từ điển Anglo-Saxon cũng sờn cũ y như thế. Những cuốn khác, từ mấy cuốn bằng Đức ngữ và Anh ngữ về thần học và triết học cho đến văn chương và lịch sử, trong số đó có cuốn Pelican Guide to English Literature hoàn chỉnh, cuốn Selected Writings của Francis Bacon ấn bản nhà Modern Library, cuốn Poetic Edda của Hollander, cuốn The Poems of Catullus, cuốn Geometry of Four Dimensions của Forsyth, vài cuốn trong bộ English Classics (Kinh điển Anh ngữ) của Harrap, cuốn The Conspiracy of Pontiac của Parkman, và ấn bản Beowulf của nhà Chambers. Cô Quinteros cho biết, gần đây Borges đang đọc cuốn The American Heritage Picture History of the Civil War, mà mới đêm trước thì ông đã mang cuốn The Life of Mahomet của Washington Iriving về nhà mình, và ở đó mẹ ông, nay đã chín mươi, đọc cuốn đó cho ông nghe. Continue reading

The Paris Review: José Saramago, nghệ thuật hư cấu số 155

Vào ngày 8, tháng 10, năm 1998, sau vài ba năm không được đưa vào danh sách gói gọn chính thức thì José Saramago đã được trao giải Nobel văn học – ông là người Bồ Đào Nha đầu tiên lãnh giải này. Khi được hỏi suy nghĩ của ông khi lên nhận giải, ông trả lời “Tôi sẽ không chịu trách nhiệm cho giải Nobel như những người thắng cuộc trong các cuộc thi sắc đẹp – bị trưng bày khắp nơi. Dĩ nhiên là tôi  cũng không thích loại vinh quang đó”.

José Saramago sinh năm 1922 trong một gia đình lao động nông thôn với thu nhập khiêm tốn tại khu vực trung tâm Ribatejo, Bồ Đào Nha. Khi ông hai tuổi, gia đình chuyển đến Lisbon, nơi cha ông hành nghề cảnh sát. Thời niên thiếu, sự khó khăn về kinh tế khiến Saramago phải chuyển từ một trường phổ thông bình thường sang một trường dạy nghề – sau đó ông làm đủ thứ công việc như thợ máy trước khi chuyển sang viết văn toàn thời gian.

Vào năm 1947, ở tuổi 24, Saramago xuất bản tiểu thuyết đầu tay Mảnh đất tội lỗi. Tựa đề gốc là “Qủa phụ”, rồi nó được đặt tên lại bởi nhà xuất bản với hy vọng cái tựa sách hấp dẫn sẽ giúp bán được nhiều bản hơn. (Saramago sau đó nhận định rằng vào độ tuổi đó ông chẳng biết góa phụ cũng như  tội lỗi là cái gì cả). Trong vòng 19 năm, ông không tái bản trở lại. Năm 1966, tuyển thơ đầu tiên Những bài thơ khả dĩ ra đời; và trong năm 1977 ông xuất bản tiểu thuyết thứ hai Sách dạy vẽ và nghệ thuật viết chữ đẹp. Suốt thập niên 60 và 70, Saramago cũng tích cực làm báo, làm trợ lý giám đốc cho tờ Díario de Notícias một thời gian ngắn, ông tự kiếm sống bằng việc dịch thuật tiếng Pháp. Năm 1969, ông gia nhập Đảng cộng sản Bồ Đào Nha, nơi mà ông luôn là một thành viên tận tụy – các tác phẩm của ông liên hệ phức tạp tới những bài xã luận và chính trị. Continue reading

The Paris Review – Phỏng vấn Eugène Ionesco (Nghệ thuật sân khấu, số 6)

Vài năm  ít ỏi còn lại thì bận rộn một cách khác thường đối với Eugène Ionesco. Sinh nhật lần thứ 70 của ông được tổ chức vào năm 1982 cùng hàng chuỗi những sự kiện, những công bố cùng với những tác phẩm của ông không chỉ ở  Pháp mà trên qui mô toàn thế giới. Hugoliades, bức họa hài hước của Ionesco về Victor Hugo được ông viết khi tuổi đôi mươi là ấn phẩm mới nhất do nhà xuất bản Gallimard ấn hành. Tại Lyon, Roger Planchon, giám đốc nhà hát Théâtre Nationale Populaire, cho diễn vở Chuyến hành trình giữa những người chết , một nghệ thuật giấc mơ kiểu Ionesco, một tác phẩm tự thuật và được rút từ vở kịch gần đây nhất – Người đàn ông mang va-li. Vở lưu diễn trên nước Pháp được hoan nghênh trên cả phương diện phê bình lẫn  đại chúng là nhờ sự trình diễn tại rạp Comédie Française ( Paris). Gần đây, giới biểu diễn trong 2 vở kịch đầu tay của Ionesco đã tổ chức một buổi tiệc sinh nhật cho nhà soạn kịch cũng đồng thời kỷ niệm 25 năm diễn xuất liên tục của cả 2 vở diễn tại rạp Huchette ( Paris).

Trải qua hơn 30 năm, Ionesco được gắn biệt danh là “ Anh hề bi thảm”, “Shakespeare của sự phi lý”, “ Nhà sáng lập hài kịch siêu hình” –  tên gọi chỉ thời kỳ phát triển từ một nhà viết kịch trẻ khởi nghiệp tại một rạp nhỏ Tả ngạn để trở thành một thành viên của Viện hàn lâm Pháp. Khoảng 40 năm qua, Ionesco lập gia đình với Rodika, một người vợ Rumani.Họ chung sống trong một căn hộ tầng lầu kỳ lạ trên đại lộ  Montparnasse thượng La Coupole xung quanh là những bộ sưu tập sách và  tranh của những người bạn cố tri của Ionesco như Hemingway, Picasso, Sartre và Henry Miller. Cuộc phỏng vấn của chúng tôi diễn ra trong một phòng vẽ nơi nhưng bức chân dung của Miró, bức vẽ của Max Ernst cho vở Con tê giác và tuyển tập các tượng thánh La mã và Hy Lạp được treo trang trọng trên tường. Ionesco, người đàn ông nhỏ thó, hói đầu với đôi mắt hiền lành, u buồn dường như là khá yếu ớt trong cái nhìn ban đầu- một ấn tượng hoàn toàn sai lầm do sự hài hước dí dỏm và cách nói năng say sưa của ông gây ra. Bên cạnh là Rodika mảnh khảnh với đôi mắt đen đăm đăm và nước da màu ngà trông như thể một con búp bê phương Đông điềm tĩnh. Suốt buổi phỏng vấn bà mang cho chúng tôi trà và thường xuyên hỏi chúng tôi có cảm thấy ăn ý hay không. Những trao đổi điềm đạm  đầy sự quí trọng của Ionesco và sự lịch thiệp của họ nhắc tôi nhớ tới một số những cặp uyên ương già lão kỳ lạ do Ionesco phác họa trong nhiều những vở kịch của ông.  Continue reading

The Paris Review – Nghệ thuật hư cấu, số 130: Italo Calvino (phần 2, hết)

Calvino, Italo 02

 

Những suy nghĩ trước giờ phỏng vấn

Mỗi sáng tôi tự nhủ, Hôm nay phải viết lách cho ra trò đấy – thế rồi lại có thứ gì đó xảy đến ngăn tôi không viết được. Hôm nay… có gì mà tôi phải làm trong hôm nay nhỉ? À đúng rồi, bọn họ muốn đến phỏng vấn mình. Tôi e là cuốn tiểu thuyết của mình sẽ không nhích tới được bước nào. Luôn có thứ gì đó xảy đến. Mỗi sáng tôi biết luôn là mình sẽ lãng phí cả ngày hôm ấy. Lúc nào cũng có chuyện làm: đến ngân hàng, đến bưu điện, trả tiền cước phí này nọ… luôn có mớ hành chính bùi nhùi nào đó để tôi xử lí. Trong khi ra ngoài thì tôi cũng làm mấy việc vặt như đi chợ cho ngày hôm đó: mua bánh mì, mua thịt hay mua rau quả gì đó. Chuyện đầu tiên là tôi mua báo. Một khi người ta đã mua báo thì họ sẽ bắt đầu đọc nó ngay khi về đến nhà – hoặc ít nhất cũng nhìn vào mấy dòng tít để thuyết phục bản thân là chả có thứ gì đáng đọc. Mỗi ngày, tôi tự nhủ rằng đọc báo là chuyện lãng phí thời giờ, nhưng rồi… tôi không thể làm gì nếu không đọc báo. Chúng như thuốc kích thích vậy. Nói ngắn gọn là chỉ khi chiều về thì tôi mới ngồi trước bàn làm việc được, và bàn làm việc lúc nào cũng chất đống thư từ này nọ đang đợi tôi trả lời mà tôi thậm chí còn không biết đám thư từ đó đã chờ tôi bao lâu rồi, đó đúng là một chướng ngại vật khác cần vượt qua.

Rốt cuộc thì tôi cũng đặt bút viết, rồi những vấn đề thực sự mới bắt đầu xuất hiện. Nếu tôi bắt đầu viết từ con số không, thì đó là thời điểm gian khổ nhất, nhưng cho dù tôi phải viết tiếp thứ đã viết hôm kia, thì bao giờ tôi cũng lâm vào ngõ cụt, nơi đó nảy sinh một chướng ngại mới cần phải vượt qua. Và chỉ khi chiều tà thì tôi mới bắt đầu viết dứt khoát các câu chữ, chỉnh sửa chúng, bôi xoá chúng, rồi viết đè lên những câu này sinh bất chợt, rồi viết lại. Ngay lúc này đây thì thường có chuông điện thoại hay chuông cửa vang lên, tiếp theo là một người bạn nào đó, một vị dịch giả nào đó hoặc một tay phỏng vấn nào đó xuất hiện. Nói đến vụ đó… chiều nay… những tay phỏng vấn… tôi không biết liệu mình có thời gian chuẩn bị không nữa. Tôi có thể rán tuỳ cơ ứng biến nhưng tôi nghĩ một cuộc phỏng vấn cần được chuẩn bị trước để trông có vẻ tự nhiên. Hiếm có lúc nào mà người phỏng vấn hỏi bạn những câu nằm ngoài mong đợi. Tôi đã thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn và kết luận rằng mấy câu hỏi lúc nào cũng y chang nhau. Tôi lúc nào cũng có thể đưa ra những câu trả lời giống nhau. Nhưng tôi nghĩ là mình phải thay đổi câu tả lời thôi, bởi với mỗi cuộc phỏng vấn thì có gì đó thay đổi trong tôi hay ở ngoài cõi sống này. Một câu trả lời đúng cho lần đầu có thể không còn đúng nữa cho lần thứ nhì. Điều này có thể làm cơ sở cho một cuốn sách. Tôi được người ta đưa cho danh sách các câu hỏi, bao giờ cũng giống nhau; mỗi chương sẽ chứa đựng những câu trả lời của tôi đưa ra vào những thời điểm khác nhau. Những thay đổi sẽ chứa những câu trả lời tôi đưa ra vào những thời điểm khác nhau. Những thay đổi khi đó sẽ thành cuộc hành trình, thành câu chuyện nơi trú ngụ của nhân vật chính. Có lẽ theo cách này thì tôi có thể khám phá được những sự thật nào đó về bản thân mình.

Nhưng tôi phải về nhà – sắp tới giờ phỏng vấn rồi.

Xin Chúa giúp tôi!

– Italo Calvino  Continue reading

The Paris Review – Nghệ thuật hư cấu, số 130: Italo Calvino (phần 1)

 

Khi nghe tin Italo Calvino qua đời hồi tháng Chín năm 1985, John Updike nhận xét, “Calvino là nhà văn thiên tài và thông minh. Ông mang tác phẩm hư cấu đến những nơi chốn mới mẻ nào giờ chưa ai từng thấy, và đem nó quay trở về với lối dẫn chuyện từ những nguồn suối cổ tích và cổ xưa.” Ở thời điểm ấy, Calvino là nhà văn Ý xuất chúng, ảnh hưởng từ những tiểu thuyết và mấy câu chuyện huyễn tưởng của ông đã vượt hẳn ra ngoài Địa-trung-hải.

Hai năm trước đó, tờ The Paris Review đã yêu cầu thực hiện phỏng vấn Italo Calvino cho chuyên mục Writers at Work, và uỷ thác nhiệm vụ đó cho William Weaver, dịch giả gắn bó lâu năm với Calvino. Nhiệm vụ đó không bao giờ hoàn thành được, dẫu cho sau này Weaver có viết lại phần giới thiệu như hành động tưởng nhớ. Tuy nhiên sau đó, The Paris Review đã mua lại bản ghi chép từ cuộn băng phỏng vấn Calvino (do Damien Pettigrew và Gaspard Di Caro đạo diễn và sản xuất) và mua cả hồi kí của Pietro Citati, một nhà phê bình người Ý. Ba phần chọn lọc này cùng với đoạn ghi chép những suy nghĩ của Calvino trước lúc phỏng vấn, những thứ đó hợp lại tạo ra một bức tranh ghép, một bức chân dung gián tiếp về nhà văn này.

– Rowan Gaither, 1992  Continue reading

Phỏng vấn David Bohm (F. David Peat và John Briggs)

David Bohm 1917-1992

Bài phỏng vấn David Bohm này, được F. David Peat và John Briggs thực hiện, đăng lần đầu tiên trên tạp chí Omni, tháng 1,  1987

Năm 1950 David Bohm đã viết cái mà nhiều nhà vật lí sau này xem là một quyển sách giáo khoa mẫu mực về cơ học lượng tử. Điều trớ trêu là ông chưa bao giờ chấp nhận lí thuyết vật lí ấy.Trong lịch sử khoa học ông là một người độc hành, một thành viên của nhóm nhỏ các nhà vật lí ấy – gồm có Albert Einstein, Eugene Wigner, Erwin Schrödinger, Alfred Lande, Paul Dirac, và John Wheeler – những người thể hiện sự hoài nghi sâu sắc rằng một lí thuyết đặt cơ sở trên vô-định luận (indeterminism) và tính ngẫu nhiên (chance) có thể cho ta một cái nhìn chân thật về vũ trụ chung quanh ta.

Thế hệ các nhà vật lí ngày nay, bị ấn tượng với những thành quả đáng kinh ngạc của vật lí lượng tử – từ vũ khí hạt nhân đến laser-đều đi theo một con đường khác. Họ bận rộn áp dụng cơ học lượng tử vào các lĩnh vực mà những tác giả nguyên thủy của nó không bao giờ tưởng tượng ra. Chẳng hạn, Stephen Hawking đã sử dụng lí thuyết ấy để mô tả sự hình thành của các hạt cơ bản từ các lỗ đen và lập luận rằng vũ trụ thành hình từ vụ nổ trong một sự kiện cơ học-lượng tử .

Trong hơn 30 năm phản đối xu hướng vật lí hiện đại này, Bohm còn hơn cả một con ruồi trâu trên lưng ngựa. Sự phản đối của ông đối với những nền tảng của cơ học lượng tử đã dần kết hợp lại thành một sự mở rộng cho lí thuyết ấy có tầm ảnh hưởng quan trọng đến nỗi nó tương đương một cách nhìn nhận mới mẻ về thực tại. Với niềm tin rằng bản chất của vật thể không thể quy giản về các mảnh (fragment) hay hạt (particle), ông biện minh cho cách nhìn toàn thể (holistic view) về vũ trụ.  Ông yêu cầu ta cần phải học cách nhìn nhận vật chất và cuộc sống như một toàn thể (whole), lĩnh vực nhất quán mà ông gọi là trật tự ẩn (implicate order).

Hầu hết các nhà vật lí khác đều từ khước logic của Bohm mà không bận tâm dò xét nó. Một phần rắc rối là trật tự ẩn của ông đầy rẫy những nghịch lí. Một vấn đề khác là phạm vi rộng lớn của những ý tưởng của ông, mà cho đến nay chúng bao trùm cả những chủ đề phi vật lí như ý thức, xã hội, chân lí, ngôn ngữ, và sự hình thành lí thuyết khoa học.

Bohm sinh ra ở Wilkes-Barre, Pennsylvania, năm 1917, là con của một nhà buôn đồ trang trí nội thất. Ông theo học vật lí ở Đại học California cùng với J. Robert Oppenheimer. Không bằng lòng làm nhân chứng buộc tội người thầy cũ và những người bạn khác của ông trong phiên tòa McCarthy, Bohm đã rời nước Mĩ và tới giảng dạy ở Đại học Săo Paulo, Brazil.Từ nơi đó ông đến Israel, rồi đến Anh, nơi cuối cùng ông trở thành giáo sư vật lí tại Đại học Birkbeck ở London.

Có lẽ Bohm được biết đến nhiều nhất qua tác phẩm đầu tiên của ông về những tương tác của các electron trong các kim loại. Ông đã chứng minh rằng chuyển động hỗn loạn, đặc thù của electron ẩn chứa một ứng xử được tổ chức chặt chẽ và có tính hợp tác được gọi là rung động plasma (plasma oscillation). Sự gợi ý về một trật tự nằm bên dưới sự hỗn độn biểu kiến này là cốt yếu trong sự phát triển của Bohm.

Năm 1959 Bohm cùng với Yakir Ahronov đã chứng minh rằng một từ trường có thể biến đổi cách ứng xử của các electron mà không chạm đến chúng: nếu hai chùm electron di chuyển trên cả hai chiều của một không gian chứa từ trường, thì từ trường sẽ làm chậm lại các sóng của một chùm thậm chí nó không xuyên qua không gian và thực ra không chạm đến các electron. “Hiệu ứng AB” này được kiểm chứng một năm sau đó.

Continue reading

Italo Calvino – New York, thành phố trong lòng tôi

Italo Calvino

New York, thành phố trong lòng tôi

Duy Đoàn chuyển ngữ từ bản tiếng Anh của Martin McLaughlin

[Bài phỏng vấn do Ugo Rubeo thực hiện, ghi âm tại Palermo vào tháng chín năm 1984; sau đó được in trong cuốn Mal d’America – da mito a realtà (The American Malaise – from Myth to Reality) (Rome: Editori Riuniti, 1987). Nhan đề bài viết này không phải của Calvino.]

Những cuộc tiếp xúc đầu tiên của ông với nền văn hoá Mĩ được phát triển theo cách nào, và cụ thể là những cuộc tiếp xúc với nền văn chương Mĩ, từ tiểu thuyết của Hemingway đến Faulkner?

Xét về sự phát triển của riêng tôi, hình thành từ những năm 1940, ban đầu tôi chỉ là người đọc bình thường thì chợt khám phá ra văn học Mĩ, khi ấy đang mở ra một chân trời rộng lớn cho người Ý. Vì lẽ đó mà khi tôi còn trai trẻ, văn chương Mĩ là mảng rất quan trọng và dĩ nhiên là tôi đã đọc hết toàn bộ những cuốn tiểu thuyết Mĩ đến được nước Ý trong khoảng thời gian đó. Tuy nhiên, phải nói trước tiên tôi từng là một con người có đầu óc tỉnh lẻ: tôi lúc trước sống ở San Remo và không hề có kiến thức nền tảng về văn chương bởi tôi theo học ngành nông nghiệp. Sau đó thì tôi kết bạn với Pavese và Vittorini; tôi chưa từng biết đến Pintòr khi ông ta tử nạn trong chiến tranh. Tôi là một homo novus [một gã mới ra đời]: tôi chỉ bắt đầu đi đây đó sau khi kết thúc chiến tranh mà thôi.

Hemingway đúng là một trong những mẫu người tôi học theo, có lẽ vì xét theo cách hành văn thì ông dễ hiểu hơn so với Faulkner vốn phức tạp hơn nhiều. Và nói về những tác phẩm đầu tay thì tôi chắc chắn là bị ảnh hưởng từ Hemingway; thực tế thì tôi còn tới gặp ông ta ở một khách sạn tại Stresa vào năm 1948, tôi nhớ thế, và chúng tôi đi câu cá trên một chiếc thuyền ở một cái hồ nọ.  Continue reading