Andrew J. Nathan – Kim Jong-un là ai?

Andrew J. Nathan

Kim Jong-un là ai?

Duy Đoàn chuyển ngữ

 

Bài điểm sách cho những cuốn sau:

Tyranny of the Weak: North Korea and the World, 1950–1992

của Charles K. Armstrong

Cornell University Press, 307 tr., 35$; 24,95$ (bản bìa mềm)

Marked for Life: Songbun, North Korea’s Social Classification System

của Robert Collins

Committee for Human Rights in North Korea, 119 tr., có văn bản tại www.hrnk.org

 The Real North Korea: Life and Politics in the Failed Stalinist Utopia

của Andrei Lankov

Oxford University Press, 315 tr., 18,95$ (bản bìa mềm)

Pyongyang Republic: North Korea’s Capital of Human Rights Denial

của Robert Collins

Committee for Human Rights in North Korea, 177 tr., có văn bản tại www.hrnk.org 

The Cleanest Race: How North Koreans See Themselves—And Why It Matters

của B.R. Myers

Melville House, 200 tr., 19,99$

Lãnh tụ Bắc Triều-tiên Kim Jong-un đi thị sát trại thiếu nhi Manyongdae ở Bình-nhưỡng; bức ảnh không rõ ngày tháng, được công bố ngày 4 tháng Sáu năm 2016 bởi Thông tấn xã Trung ương Triều-tiên (조선중앙통신사 - Korean Central News Agency) thuộc chính quyền Bắc Triều-tiên. (Ảnh: KCNA/Reuters)

Lãnh tụ Bắc Triều-tiên Kim Jong-un đi thị sát trại thiếu nhi Manyongdae ở Bình-nhưỡng; bức ảnh không rõ ngày tháng, được công bố ngày 4 tháng Sáu năm 2016 bởi Thông tấn xã Trung ương Triều-tiên (조선중앙통신사 – Korean Central News Agency) thuộc chính quyền Bắc Triều-tiên. (Ảnh: KCNA/Reuters)

Hai má phúng phính và kiểu tóc loe của nhà cai trị trẻ tuổi Kim Jong-un xứ Bắc Triều-tiên, mối giao tình với cựu ngôi sao bóng rổ xăm trổ đầy mình Dennis Rodman, cùng nụ cười toe toét như trẻ vui đùa khi đứng trước những đợt phóng tên lửa, hết thảy kết hợp một cách kì dị với việc chế độ này quyết tâm nhấn chìm kẻ thù trong “biển lửa”. Những điểm đó làm cho phương Tây vừa có mối ác cảm vừa có thái độ giễu cợt đối với đất nước này. Nhiều người tiên đoán rằng Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều-tiên không thể tồn lưu lâu hơn nữa, khi xét đến tình trạng đói nghèo ở khắp nước này, một hệ thống trại tù chuyên giết hại người vốn được khép vào tội ác chống nhân loại theo xác định của một uỷ hội điều tra của Liên hợp quốc,[1] khi xét đến tình trạng tự áp đặt thế cô lập kinh tế, tình trạng đương đầu với hết thảy các nước láng giềng, cùng sự non nớt thiếu kinh nghiệm của lãnh tụ nước này. Chính quyền Obama đã vận dụng lập trường “kiên nhẫn chiến lược”, chờ đợi những lệnh chế tài quốc tế ngày càng dữ dội sẽ buộc Bắc Triều-tiên hoặc phải từ bỏ các loại vũ khí hạt nhân hoặc phải lâm vào tình trạng nội phá (implode) và bị thâu tóm bởi chính phủ Nam Triều-tiên thân Tây phương.

Nhưng kẻ láng giềng thân cận khác của Bắc Triều-tiên, Trung-quốc, chưa bao giờ mong đợi CHDCND Triều-tiên đầu hàng hay sụp đổ, và cho đến nay họ vẫn đúng. Thay vì từ bỏ bom hạt nhân và các chương trình tên lửa, Bình-nhưỡng đến nay được cho là có tầm mười đến hai mươi thiết bị hạt nhân và hơn một nghìn tên lửa tầm ngắn, tầm trung và tầm xa, và đang phát triển một đầu nổ dạng nén vốn có thể công phá nội địa Hoa-kì.

Ở Triều-tiên, chế độ này gần đây đã qua được bài thử thách ngặt nghèo nhất mà các chế độ toàn trị phải đối diện, quá trình kế nghiệp vị trí lãnh tụ. Nước này chịu sự cai trị của Kim Il-sung từ năm 1948, khi kết thúc thời gian chiếm đóng của Xô-viết thời hậu chiến ở Bắc Triều-tiên, cho đến khi ông ta mất vào năm 1994; tiếp theo là sự cai trị của người con trai Kim Jong-il, từ năm 1994 cho đến khi ông này mất năm 2011; và kể từ 2011 là dưới sự cai trị của cháu trai người sáng lập, Kim Jong-un. Jong-un là con trai út trong nhà và là người kế vị bất ngờ; y trỗi lên như người thừa tự rõ ràng chỉ hai năm trước khi cha y mất, ngược lại với cha y, vốn là người thừa tự rành rành trong suốt 20 năm. Người ta tin rằng Kim Jong-il đã điều hành việc khủng bố, làm hàng giả, buôn lậu và các chiến dịch phổ biến vũ khí trong hầu hết thời gian tại vị. Continue reading

Philip Kennicott – Điểm sách ‘Architecture’s Odd Couple’

(Ảnh: The Washington Post)

(Ảnh: The Washington Post)

Philip Kennicott

Điểm sách ‘Architecture’s Odd Couple’

Duy Đoàn chuyển ngữ

 

“Khi các kiến trúc sư sinh lòng tị nạnh, tức là luôn có điều gì đó đặc biệt đang diễn ra”, theo lời Ulrich Franzen, một kiến trúc sư trường phái thô dã (brutalist), mất năm 2012. Ông ta là một trong số nhiều nhân vật khuấy động cuốn sách tiểu sử kép thú vị về Frank Lloyd Wright và Philip Johnson. “Architecture’s Odd Couple” lần theo sự nghiệp của hai kiến trúc sư trường mệnh một cách phi thường này từ thuở đầu thế kỉ 20 cho đến lúc sắp sửa khép lại thế kỉ đó. Cuốn sách phác nên hoàn cảnh tranh đua – và thi thoảng còn là mối quan hệ cá nhân kịch liệt – như là một vũ khúc thận trọng lúc thì toát vẻ khinh thị lúc thì biểu lộ sự nể vì,, và kì cùng là sự ảnh hưởng cùng sự cạnh tranh, giữa hai người đàn ông đã đưa kiến trúc Mĩ đi từ thời Victoria đến sự hiện xuất của chủ nghĩa hậu hiện đại vào thập niên 1970. Continue reading

John Gray – Một Karl Marx đời thực

John Gray

Một Karl Marx đời thực

Duy Đoàn chuyển ngữ

Bài điểm sách cho cuốn Karl Marx: A Nineteenth-Century Life, của , Liveright, 648 trang, $35.00

Bằng nhiều cách thức, Jonathan Sperber đề xuất, Marx là “một khuôn mặt thủ cựu” với cái nhìn về tương lai được định khuôn theo những hoàn cảnh khác hoàn toàn so với bất kì hoàn cảnh nào phổ biến ngày nay:

“Quan điểm về Marx như một người đương thời có những ý tưởng định hình nên thế giới hiện đại là một quan điểm đã xong xuôi cả rồi và đến lúc cần một hiểu biết mới về ông như một khuôn mặt của một thời kì lịch sử trong quá khứ, một thời kì càng lúc càng cách xa chúng ta: thời đại của Cách mạng Pháp, của triết học Hegel, của những năm tháng đầu tiên của quá trình công nghiệp hoá tại Anh và của nền kinh tế chính trị bắt nguồn từ đó.”

Mục tiêu của Sperber là trình bày Marx theo đúng con người thực sự của ông – một nhà tư tưởng thế kỉ 19 để hết tâm trí mình vào những ý tưởng và sự kiện của thời mình. Nếu bạn thấy Marx theo cách này, nhiều cuộc tranh cãi vốn đã tạo sóng gió quanh di sản của ông hồi thế kỉ trước dường như không lợi ích gì, thậm chí không liên quan gì. Nếu khẳng định Marx phần nào “chịu trách nhiệm về mặt trí thức” cho chủ nghĩa cộng sản thế kỉ 20, thì khẳng định đó có vẻ hết sức lầm lạc; nhưng chuyện tương tự cũng xảy ra đối với phe biện hộ Marx như một người theo dân chủ cấp tiến, bởi vì cả hai quan điểm đều “phóng chiếu ngược vào những tranh luận về thế kỉ 19 của những thời đại sau đó”. Continue reading

Jorge Luis Borges – Akutagawa Ryūnosuke, Hà Đồng

Thales đã đo bóng của một kim tự tháp để xác định chiều cao của nó; Pythagoras và Plato đã giảng về sự đầu thai của những linh hồn; bảy mươi người sao chép bản thảo, tách li trên hòn đảo của Pharos, trong bảy mươi ngày đã cho ra đời bảy mươi bản dịch Pentateuch tương đồng; Virgil, trong sách thứ hai của Georgics, đã suy ngẫm về những thứ tơ lụa tinh nhã được dệt bởi những người Trung-hoa; và ngày xưa, những người cưỡi ngựa ở ngoại thành Buenos Aires hẳn đã cùng tranh tài trong một trận polo, trò chơi của người Ba-tư. Dù giả hay thật, những truyện này (mà người ta nên thêm vào, giữa nhiều truyện khác, sự có mặt của Attila trong những khổ thơ của Elder Edda) đánh dấu những giai đoạn liên tục trong một tiến trình phức tạp và muôn thuở vẫn đang tiếp diễn: sự khám phá phương Đông của những xứ sở phương Tây. Tiến trình này, có thể nói, có chiều ngược lại của nó: phương Tây bị khám phá bởi phương Đông. Chiều khác này thuộc về những người truyền đạo trong những chiếc áo choàng màu vàng nghệ mà một vị hoàng đế theo đạo Phật đã phái tới Alexandria, cuộc chinh phục Tây-ban-nha Kitô-giáo của Islam-giáo, và những cuốn sách mê hoặc và đôi khi rất đáng sợ của Akutagawa.

Continue reading

John Lukacs – Những con quái vật hợp cùng nhau

John Lukacs

Những con quái vật hợp cùng nhau

Duy Đoàn chuyển ngữ

 

Đây là bài điểm sách cho cuốn The Devils’ Alliance: Hitler’s Pact with Stalin, 1939–1941 của Roger Moorhouse, Basic Books, 382 trang, $29.99

 

Trong kho văn liệu khổng lồ về Stalin và Hitler trong suốt thời Thế chiến II, rất ít điều được nói về mối quan hệ đồng minh của họ trong 22 tháng. Đó không chỉ là một chương lạ thường trong lịch sử cuộc chiến, và ý nghĩa của điều này xứng đáng có được nhiều sự chú ý hơn những gì được tiếp nhận lâu nay.

Có hai yếu tố liên quan đến sự thờ ơ này. Một là sau khi Hitler quyết định xâm chiếm Nga mà thực hiện không thành; Stalin trỗi lên như một trong những kẻ chiến thắng uy quyền của Thế chiến II. Yếu tố còn lại là việc các Thế lực Tây phương không mấy lưu tâm đến Đông Âu. Tuy vậy cuộc chiến nổ ra vào năm 1939 lại là do Đông Âu, là kết quả từ quyết định của người Anh (và Pháp) nhằm chống lại việc Đức chinh phục Ba-lan. Cơn địa chấn chính trị của Hiệp ước Nazi-Soviet vào ngày 23 tháng Tám năm 1939 chín ngày trước khi nổ ra cuộc chiến vào ngày 1 tháng Chín đã không ngăn được Anh quốc và Pháp tuyên bố chiến tranh với Đức trước cuộc xâm lăng của Đức vào Ba-lan. Đây là một trong số ít – rất ít – những quyết định có ích cho họ vào thời điểm đó. Việc họ miễn cưỡng trong nhiều tháng tiếp theo để tiến hành nghiêm túc cuộc chiến chống Đức lại là câu chuyện khác.

Giờ đây ba phần tư thế kỉ đã trôi qua kể từ năm 1939. Khá nhiều điều được viết về Hiệp ước Nazi-Soviet kể từ lúc ấy, phần lớn của các cây bút và sử gia Đông Âu. The Devil’s Alliance là bản tường trình tốt của sử gia Anh Roger Moorhouse về việc hiệp ước có ý nghĩa gì đối với Hitler và Stalin – và tệ hơn là đối với nạn nhân của hiệp ước đó. Có lẽ phần giá trị nhất của cuốn sách đã xử lí được những hậu quả tức thời của hiệp ước năm 1939. Trước đó, một cách hiển nhiên và dữ dội, chủ nghĩa Nazi và chủ nghĩa cộng sản là kẻ thù công khai của nhau. Từ những ngày đầu tiên thăng tiến chính trị của mình, Hitler đã mô tả Do-thái giáo và chủ nghĩa cộng sản là hai kẻ thủ chính yếu của mình. Vào thời điểm đó, Stalin không hẳn là một kẻ theo ý hệ. Cũng như Hitler, y là một người theo chủ nghĩa dân tộc; y gần như không lưu tâm đến chủ nghĩa cộng sản quốc tế. Continue reading

Anne Applebaum – Hiểu về Stalin

 

Anne Applebaum

Hiểu về Stalin

Duy Đoàn chuyển ngữ

 

Làm thế nào Stalin lại trở thành Stalin? Hay nói đúng hơn: Làm thế nào mà Iosif Vissarionovič Džugašvili – cháu trai của những người nông nô, con trai của một bà thợ giặt và một ông thợ giày ít học – lại trở thành Thống soái Stalin, một trong những kẻ sát nhân hàng loạt tàn bạo nhất mà thế giới từng biết? Làm thế nào mà một cậu bé sinh ra tại một thị trấn cao nguyên hẻo lánh xứ Georgia lại trở thành một kẻ độc tài kiểm soát một nửa châu Âu? Làm thế nào mà một chàng trai sùng đạo vốn chọn đường theo học thành linh mục lại trở thành một kẻ vô thần cuồng nhiệt cũng như một kẻ theo hệ tư tưởng Marx.

Chịu ảnh hưởng từ Freud, nhiều tiểu sử gia lòng đầy tham vọng – chưa nói đến các tâm lí gia, các triết gia và các sử gia – đều đi tìm câu trả lời ở thời thơ ấu của chủ thể mà họ đề cập. Y như sự cuồng tín của Hitler được “giải thích” bằng quá trình giáo dưỡng, bằng đời sống tình dục, hoặc bằng chuyện y được cho là chỉ có một tinh hoàn, thì sự hung ác kiểu nhân cách biến thái của Stalin được quy cho người cha, mà theo chính lời Stalin, là người “đánh đập y không thương tiếc”, hoặc quy cho người mẹ, một người có lẽ từng ngoại tình với một linh mục địa phương. Những lí giải khác đều đưa ra vụ tai nạn khiến Stalin có một cánh tay teo lại, vụ nhiễm trùng đậu mùa làm mặt y đầy sẹo, hoặc vụ khiếm khuyết bẩm sinh làm dính hai ngón chân lại mang đến cho y bàn chân trái có màng – một dấu hiệu của quỷ.

Chính trị cũng ảnh hưởng đến các tiểu sử gia về Stalin. Trong suốt thuở sinh thời, những cảm tình viên biến y thành một siêu anh hùng, nhưng những kẻ đối địch cũng áp đặt thiên kiến của mình. Vốn là kẻ thù ghê gớm nhất của Stalin, Lev Trotsky là người diễn giải Stalin có sức ảnh hưởng cực kì to lớn ở thế kỉ 20, định hình nên cách nhìn của một thế hệ sử gia, từ Issac Deutscher trở về sau. Stalin của Trotsky là một kẻ thiếu cơ trí và thiếu tính sảng khoái, một kẻ thất học và tỉnh lẻ đạt được quyền lực nhờ thao túng bộ máy quan liêu và nhờ bạo lực tàn khốc. Trên hết, Stalin của Trotsky là một kẻ tráo trở ban đầu phản bội Lenin và sau đó phản bội sự nghiệp theo chủ nghĩa Marx. Bức chân dung như thế nhằm phục vụ một mục đích, chính là truyền cảm hứng để những kẻ theo Trotsky duy trì sự trung thành đối với cuộc cách mạng Xô-viết “đáng lẽ đã xảy ra” – giá như trước đó người lên nắm quyền là Trotsky chứ không phải là một Stalin ưu uất, dè dặt và yếm thế.

Kể từ khi văn khố Xô-viết mở ra hồi thập niên 1990, người ta mới bắt đầu gỡ bỏ những lí giải vốn bị chính trị hoá và tâm lí hoá về cuộc đời Stalin. Chính trị vẫn còn ảnh hưởng đến cách công chúng nhớ đến y: trong những năm gần đây, giới lãnh đạo Nga đã giảm nhẹ tội ác của Stalin chống lại chính dân tộc của mình, đồng thời lại tổ chức lễ mừng sự kiện y đem quân thảo phạt châu Âu. Nhưng nhờ có được hàng ngàn tài liệu từng một thời tuyệt mật và nhờ biết được những nơi ẩn mật trước đây dùng để trữ tàng các bản hồi kí lẫn các bức thư, các sử gia nghiêm túc mới có thể viết ra một sự thật đáng lưu tâm hơn. Chẳng hạn như, dựa vào những mối quan hệ tại Tbilisi và Moskva cho cuốn Young Stalin, sử gia và nhà báo Simon Sebag Montefiore đã mang đến bức chân dung về nhà độc tài ở vai trò một thanh niên kích động đám đông, một tay Lothario, một thi sĩ và một cây bút xã luận – khó lòng là một tay quan liêu thô lỗ như Trotsky hình dung. Đào sâu thêm nữa trong những kho văn khố mờ mịt, học giả Nga Oleg Khlevniuk đã cho ra những lí giải hết sức chi tiết về diễn biến ngày một dồn dập của Đảng Cộng sản Xô-viết từ mớ hỗn loạn của cuộc cách mạng để tới cái mà sau rốt trở thành chủ nghĩa Stalin. Mấy cuốn sách của Khlevniuk – cùng với những tập thư, do ông biên tập, của Stalin gửi cho hai trong số các trợ thủ của mình, Vyacheslav Molotov và Lazar Kaganovich, cùng hàng tá những tài liệu được công bố về lịch sử của Gulag, về việc tập thể hoá, về nạn đói Ukrayina, về KGB – đã chứng tỏ rằng Stalin tạo ra chế độ độc tài Xô-viết không đơn thuần là nhờ mánh lới. Y cũng không làm việc đó một mình. Y nhận được trợ giúp từ một nhóm người thân cận cũng tận lực như vậy, cũng như từ hàng ngàn cảnh sát mật hết mực tin vào chế độ. Continue reading

Maria Popova – Bộ quần áo Chuyện-Nhỏ: Cuốn sách cũ đáng yêu dành cho trẻ em ít được biết đến của Sylvia Plath

Một câu truyện duyên dáng cảnh báo những tai hoạ của sự tự tri.

Sylvia Plath – nhà thơ trứ danh, nghệ sĩ ít được biết đến, người tình của vạn vật, người “say mê trải nghiệm” cảm xúc bị dồn nén, con người lãng mạn nồng nhiệt… và là một tác giả viết sách cho trẻ em? Với lòng âu yếm sách cũ dành cho trẻ em ít được biết đến của những tượng đài văn chương danh tiếng, tôi rất vui khi khám phá ra Bộ quần áo Chuyện-Nhỏ – một câu truyện duyên dáng dành cho trẻ em được Plath viết trước khi bà sinh con đầu lòng. Dù trong nhật kí của bà có ghi rằng câu truyện được viết vào ngày 26 tháng 09 năm 1959 hoặc ngay trước đó, nhưng đến tận tháng 03 năm 1996 nó mới được công bố trong lần xuất bản đầu tiên – và duy nhất đến nay, với những minh hoạ tuyệt vời của nhà thiết kế đồ hoạ và nghệ sĩ người Đức Rotraut Susanne Berner.

itdoesntmattersuit_plath_cover Continue reading

Những bộ óc lớn trả lời những câu hỏi khó của trẻ con ra sao?

big-questions-from-little-people

Tại sao chúng ta sa vào chuyện yêu nhau, tại sao chúng ta không thể tự chọc lét chính mình, giấc mơ hoạt động như thế nào, v.v.. Trong quá trình phát triển, trẻ con thường đặt ra những câu hỏi xoay quanh những hiện tượng trong cuộc sống này, thoạt nhìn tưởng chừng đơn giản nhưng thật khó để đưa ra câu trả lời thoả mãn bọn trẻ.

Gemma Elwin Harris đã yêu cầu hàng ngàn trẻ em trong độ tuổi từ bốn đến mười hai gửi đến những câu hỏi như thế. Sau đó, cô mời những nhà khoa học, những nhà tư tưởng, và những nhà văn danh tiếng nhất để trả lời các câu hỏi ấy, trong đó có những tên tuổi như Noam Chomsky, Alain de Botton, Richard Dawkins, Sir David Attenborough, v.v.. Kết quả là Harris cho ra đời cuốn sách Big Questions from Little People & Simple Answers from Great Minds (Những câu hỏi lớn từ những con người bé nhỏ & những trả lời giản dị từ những bộ óc lớn), xuất bản năm 2012, một tập hợp những lời giải thích thú vị về những băn khoăn thường gặp ở trẻ con.

Sau đây là một số giải thích thú vị nằm trong cuốn sách

Giấc mơ được tạo ra như thế nào?

Theo triết gia Alain de Botton:

Gần như lúc nào bạn cũng cảm thấy có trách nhiệm với bộ óc của chính mình. Bạn muốn chơi Lego à? Bộ não bạn sẽ có mặt để khiến chuyện đó xảy ra. Bạn thích đọc sách à? Bạn có thể ghép các mẫu tự lại với nhau và thấy được những con chữ hiện ra trong tâm trí mình.

Nhưng đêm tới thì chuyện lạ xảy ra. Khi bạn ngủ, trí óc bạn tạo ra những màn trình diễn quái lạ nhất, kinh ngạc nhất và đôi khi còn đáng sợ nữa. Continue reading

[Điểm sách] Tội ác và trừng phạt của Fyodor Dostoevsky

IMAG_1490

Tác giả : Fyodor Mikhailovich Dostoevsky

Người dịch : Cao Xuân Hạo – Cao Xuân Phổ

(Dịch từ bản tiếng Nga năm 1960)

Các tác phẩm của Dostoevsky (Dos) tôi đọc không nhiều cũng chẳng ít. Để nói về con người cho ra dáng con người, trước kia tui nghĩ chắc chẳng có ai thay thế Dos được. Và tới bây giờ vẫn nghĩ vậy. Chắc do tui đọc ít, Lev Tolstoi còn chưa đụng đến cuốn nào. Qua các tác phẩm, Dos cho tui hai cảm giác khá lạ, sợ và e ngại. Sợ vì làm sao có thể che dấu mình trước tay người Nga này, ông ta thấu suốt cả đường đi nước bước của hầu hết các kiểu người trong xã hội. Văn ông có tính hiện đại trong mọi thời đại, ai nói điều này chắc hẳn cũng đã cảm nhận được, Dos còn sẽ đúng trong rất lâu nữa. Vì dù nền văn minh có phát triển như tên bay chó chạy thì trạng thái tâm lý hay tinh thần của con người lại tản bộ nhàn rỗi, khó thay đổi dù qua rất nhiều thời gian. Với từng kiểu người cụ thể, ông miêu tả họ rành rọt và chi tiết đến độ ta phải tin rằng hắn có thật ở ngoài đời sống chứ chả phải tưởng tượng gì ráo. Từ những cảm xúc nhỏ nhặt, những hành động vô thức, các mục đích tự thân hay xa xôi miên viễn. Thiệt tình nếu được gặp ông chắc tui phải vừa mừng vừa sợ cùng lúc. Còn về cảm giác e ngại, e ngại vì ông là người đau khổ, điều này tui khá chắc. Mà thứ đau khổ của ông lại rất khó được thông cảm vì chẳng ai đủ hiểu để thông cảm cả. Nên thôi, cứ giữ lấy mình ông. Rỉ rả cho nhân thế vài bộ sách rứa là mừng rồi.

Lại nói về cuốn Tội ác và trừng phạt, mới đọc xong lúc chiều. Nếu nói đến cảm xúc thì đọc cuốn nào của Dos cũng cho ta những cảm giác xuyên suốt kiểu như bàng hoàng, kinh ngạc, hân hoan … nói chung rất mạnh. Mà giọng ông thì đều đều, ra chiều lí giải, phân tích nhưng thật ra là đối thoại. Độc thoại cũng có nhưng đối thoại lại nhiều hơn. Thủ pháp mà ông xài thì chắc nhiều người không đọc Dos mà đọc mấy bài luận thì cũng thấy các khái niệm như tính “đa thanh”, “phức điệu”… được xem là tiêu biểu. Thực ra nó là gì? và như thế nào ? Tui ko phải là nhà nghiên cứu hay phê bình gì cả để mà giải thích cho cặn kẽ. Đơn giản là ông ta đưa các nhân vật có tính cách thế này, tư tưởng thế nọ – nói qua thế thôi nhưng cũng rất đầy đủ, sâu sắc- ra giữa cuộc sống, rồi sau đó miêu tả lại những gì mà các nhân vật ấy gặp phải. Tức là những đối thoại liên tiếp của nhiều nhân vật hoặc đối thoại nội tâm. Những mâu thuẫn khiến cho các nhân vật phải tự nhìn nhận vấn đề, đối chiếu bản thân, từ tính cách mình lại phản hồi bằng hành động, suy nghĩ, tâm tư…Cái hay ở đây là mọi diễn biến về tâm lý, thái độ diễn ra tự nhiên, tức là con người phải như vậy, cảm xúc con người không như toán học, không có sự chính xác nào cả. Nó thực và rất tự nhiên. Nếu một tác giả nào mô tả càng chính xác cái hiện thực phải xảy ra thì càng thành công. Dos làm được điều đó rất xuất sắc. Lâu lâu lại có vài đoạn độc thoại hoặc mô tả, thường là nhằm làm nỗi bật một kiểu người trong xã hội, về bản chất của người hay nhóm người này, những đặc trưng tiêu biểu về tính cách hay hệ thống các giá trị cơ bản. Về phần thủ pháp thì với tui nói tới đó chắc cũng đủ. Còn lại thì các vị phải đọc để biết thực hư thế nào.  Continue reading

Michael Wood – Những bức thư của Italo Calvino

 

Michael Wood

Những bức thư của Italo Calvino

Duy Đoàn chuyển ngữ

 

Italo Calvino là người dè dặt khi nói về cuộc đời mình và cuộc đời người khác, và hoài nghi về cái dụng của tiểu sử. Ông hiểu rằng  phần nhiều cõi sống mà ta đang ngự trị được cấu thành từ những kí hiệu, và hiểu rằng các kí hiệu có thể cất tiếng nói hùng hồn hơn những sự kiện. Ông sinh ra tại San Remo ở Liguria chăng? Không đâu, ông sinh ra tại Santiago de las Vegas ở Cuba, nhưng bởi vì “chỉ mỗi một nơi sinh dị thường thì không cung cấp thông tin về bất kì điều gì cả”, nên ông cho phép cụm “sinh ra tại San Remo” xuất hiện liên tục ở những ghi chú tiểu sử về mình. Không giống sự thật, ông cho rằng sự sai lệch này nói được một điều gì đó về con người ông xét như một nhà văn, về “thế giới sáng tạo” của ông (lá thư ngày 21 tháng Mười một, 1967), “phong cảnh và môi trường … vốn định hình cuộc đời ông” (ngày 5 tháng Tư, 1967).

Tức là bản tiểu sử tốt nhất có thể là một tác phẩm văn chương thận trọng, và Calvino cũng có xu hướng nghĩ rằng tác phẩm của nhà văn là tất cả phần tiểu sử mà bất kì ai cũng thực sự cần đến. Trong những lá thư ông cứ trở đi trở lại về nhu cầu cần chú tâm đến đối tượng văn chương thực thụ thay vì chú tâm đến tác giả tưởng tượng. “Đối với nhà phê bình, tác giả không hiện hữu, chỉ có một lượng tác phẩm nhất định hiện hữu thôi” (ngày 24 tháng Mười một, 1967). “Một văn bản phải là thứ có thể được đọc và được đánh giá mà không cần tham chiếu đến sự hiện hữu hay bất kì thứ gì khác của một người có tên họ xuất hiện trên bìa sách” (ngày 9 tháng Bảy, 1971). “Hình tượng công chúng của nhà văn, nhân vật nhà văn, sự ‘sùng bái cá nhân” về tác giả, tất cả những thứ đó đối với tôi đang trở nên càng lúc càng không thể chịu được ở kẻ khác, và do đó ở chính bản thân tôi” (ngày 16 tháng Chín, 1968).

Những khẳng định như vậy bắt đầu gợi lên điều được gọi là cái chết của tác giả, mặc dù nó hãy còn được xem là một viễn cảnh hoặc một nguyên tắc thôi, và trong một bài nói chuyện có nhan đề “Điều khiển học và những bóng ma”, Calvino triển khai khái niệm này bằng lối hành văn táo bạo mang tính lí thuyết và đầy tính luận chiến. Bài nói chuyện ấy là vào năm 1967, một năm trước khi Roland Barthes làm cho chủ đề ấy trở nên khét tiếng tại Pháp và cộng đồng Anh ngữ. Ông cũng dùng cái ẩn dụ đặc biệt về cái chết tác giả trong một bức thư cùng năm đó (ngày 24 tháng Mười một, 1967), và trong vài bức thư khác. “Và thế là tác giả biến mất”, Calvino nói trong bài nói chuyện của mình, “- đứa con hư hỏng ấy của sự vô tri –  nhằm nhường chỗ cho một con người sâu sắc hơn, đó là một người biết được rằng tác giả là một cỗ máy, và biết được cách thức hoạt động của cỗ máy này”. Chúng ta chú ý rằng một cỗ máy thay thế cho một huyền thoại, nhưng một người thật (và sâu sắc) thì thay thế cho một ảo tưởng thiếu suy nghĩ, và Calvino thêm vào rằng chúng ta sẽ có được “kết quả thi vị… chỉ khi cỗ máy viết lách ấy được bao quanh bởi các bóng ma ẩn mình của cá nhân và của xã hội người đó”.  Continue reading