Jorge Luis Borges – Về tính chính xác trong khoa học

 

Jorge Luis Borges

Về tính chính xác trong khoa học

Duy Đoàn chuyển ngữ từ bản tiếng Anh của Andrew Hurley

 

…Ở Đế-chế đó, Nghệ thuật Hoạ-đồ-pháp (cartography) đã đạt được Hoàn-mĩ đến mức bản đồ của một  Tỉnh choán hết cả một Thành-phố, và bản đồ một Đế-chế thì choán hết cả một Tỉnh. Rốt cuộc rồi những Tấm-bản-đồ Quá-mức-chấp-nhận ấy không còn thoả mãn người ta được nữa, và Hội Hoạ-đồ-pháp tạo ra Tấm-bản-đồ của Đế-chế mà kích cỡ của nó bằng kích cỡ của Đế-chế đó, mỗi điểm trên bản đồ trùng khớp với từng điểm thuộc Đế chế. Những Thế-hệ sau vốn là những kẻ không còn thích Môn Hoạ-đồ-pháp như các bậc Tiền-bối, họ thấy rằng Tấm-bản-đồ rộng lớn ấy thật Vô-dụng, và bằng thái độ không phải không có sự nhẫn tâm, họ đem bỏ nó cho sự Khắc-nghiệt của Mặt-trời và các Mùa-đông. Ở những vùng Sa-mạc Tây-phương, ngày nay vẫn còn đó những Tàn-tích Tả-tơi của Tấm-bản-đồ đó, là nơi cư ngụ cho Loài-vật và những Kẻ-hành-khất; trên toàn bộ Vùng-đất này hiện không còn Di-chỉ nào khác thuộc những Môn-học Địa-lí.  Continue reading

Jorge Luis Borges – Những tấm gương bị che phủ

Đạo Islam cho chúng ta biết vào Ngày Phán xét không thể kháng cự, tất cả những ai đã xâm phạm hình tượng của các sinh thể sẽ một lần nữa bị đánh thức cùng những tác phẩm của mình, và được yêu cầu thổi sự sống vào chúng, và họ sẽ thất bại, rồi cùng với những công trình của mình, họ sẽ bị ném vào ngọn lửa của sự trừng phạt. Như một đứa trẻ, tôi cảm nhận được điều khủng khiếp trong sự nhân đôi hoặc tăng bội một cách ma quái của thực tại, nhưng nỗi sợ chỉ ập đến mỗi khi tôi đứng trước những tấm gương lớn. Khi trời bên ngoài vừa sập tối, chức năng bất biến không thể nhầm lẫn của gương, cách chúng đeo bám từng động thái của tôi, thứ kịch câm mang tính vũ trụ của chúng, đối với tôi dường như thật kì quái. Một trong những điều khẩn cầu Thượng đế và thiên thần hộ mệnh của tôi là mong sao mình không nằm mơ thấy những tấm gương; tôi còn nhớ rất rõ mình đã vật vờ ra sao chỉ để ngó chừng chúng trong nỗi bất an. Thỉnh thoảng tôi còn lo sợ chúng sẽ xoay xở tìm cách tách khỏi thực tại; những lúc khác, tôi lo sợ sẽ nhìn thấy khuôn mặt chính mình đang bị biến dạng bởi những tai ương kì dị trong đó. Tôi nhận ra nỗi kinh hoàng này đang lan tràn khắp thế giới một lần nữa. Câu chuyện khá đơn giản mà khó chịu vô cùng.

Năm 1927, tôi gặp một phụ nữ trẻ nghiêm nghị, ban đầu qua điện thoại (vì ban đầu Julia chỉ như một giọng nói không tên tuổi hay mặt mũi) và sau đó tại một góc phố vào ban đêm. Đôi mắt của cô to một cách đáng báo động, tóc thẳng đen huyền, dáng người mộc mạc. Cô là cháu chắt của những người Liên bang, còn tôi là hậu duệ của những người Thống nhất (1), nhưng mối bất hoà giữa hai dòng dõi, đối với chúng tôi, là một sự ràng buộc, một thuộc tính tròn đầy hơn của quê hương chúng tôi. Cô sống cùng gia đình trong một ngôi nhà có trần cao đang xuống cấp, trong sự phẫn uất và vô vị của cảnh bần hàn thanh cao. Những buổi ban trưa – rất hiếm khi vào ban đêm – chúng tôi ra ngoài đi dạo, ngang qua khu phố Balvanera (2) gần nhà cô. Chúng tôi tản bộ dọc theo bức tường cao màu trắng của sở đường sắt; có lần chúng tôi xuống tận Sarmiento, nơi sẽ dẫn đến những bãi đất trống của Parque Centenario (3). Giữa chúng tôi không phải tình yêu cũng không phải một viễn tưởng về tình yêu; tôi cảm nhận ở cô loại cảm xúc hoàn toàn không giống với những xúc cảm mang dục tính, và tôi sợ hãi điều đó. Để tạo dựng mối quan hệ thân mật với phụ nữ, người ta thường kể với họ những trải nghiệm thực tế hoặc các giai thoại đã xảy ra trong thời trai trẻ của mình; thỉnh thoảng tôi có kể cho cô ấy nghe nỗi kinh hoàng của mình về những tấm gương, và do vậy, vào năm 1928, tôi đã vun trồng những ảo tưởng sẽ kết thúc vào năm 1931. Hiện tại, tôi vừa được biết rằng cô đã điên loạn, và trong phòng cô, mọi tấm gương đều được che phủ, bởi cô nhìn thấy hình ảnh phản chiếu của tôi trong đó – chúng chiếm đoạt cô – cô run rẩy không nói nên lời, cho rằng tôi đang bám theo cô bằng ma thuật, dòm ngó cô, rình mò cô.

Sự trói buộc đáng ghê sợ, sự trói buộc của khuôn mặt – hoặc một trong những khuôn mặt xưa cũ của tôi. Số mệnh ghê tởm của nó khiến tôi ghê tởm theo, nhưng tôi đã không còn bận tâm nữa.

*

Ghi chú của Andrew Hurley:

(1) Những người Liên bang (Federalists) / Những người Thống nhất (Unitarians): Những người Liên bang là những người bảo thủ thuộc thế kỉ 19 ủng hộ một chính phủ liên bang (tức phi tập trung) ở Argentina, với những địa phận có quyền tự quyết cao và có tiếng nói bình đẳng trong chính phủ. Những người Liên bang cũng là “những người Argentina”, để đối lại những người theo chủ nghĩa quốc tế, những người Thống nhất giống như người Âu, và những nhà lãnh đạo của họ có khuynh hướng trở thành những lãnh tụ dân kiểm, chiến sĩ của họ trong các cuộc nội chiến có khuynh hướng trở thành những gã giang hồ (gaucho). Những người Thống nhất, mặt khác, là một tổ chức đóng tại Buenos Aires, ủng hộ sự tập trung, một nhà nước tự do; họ có khuynh hướng trở thành “những nhà tư tưởng tự do”, chứ không phải những tín đồ Công giáo áo xanh xám, những nhà trí thức, những người theo chủ nghĩa quốc tế, và những người sùng tín châu Âu trong dáng vẻ những người Thống nhất lên án sự lỗ mãng của tính cách giang hồ, và đặc biệt trở nên đa cảm bởi lối sống ấy; họ mang chất thành thị như một sự khiếm khuyết. “Mối bất hoà giữa hai dòng dõi” lâu đời này, như Borges đã đưa vào trong truyện, chính là mối bất hoà của Argentina, sự xung khắc chưa bao giờ được giải toả ở đất nước Argentina, nơi Jorge Luis Borges sinh sống.

(2) Balvanera: Có thể đoán vào thời điểm “Borges” trải nghiệm sự việc này, Balvanera là khu vực lân cận khu “bần hàn thanh cao” hơn là hình ảnh được mường tượng từ những mô tả của “Julia”, nhưng trong truyện Người chết in trong tập Aleph, Balvanera là khu vực lân cận, nơi xuất thân của “gã lưu manh buồn bã” Benjamín Otálora, và được mô tả như vùng ngoại thành Buenos Aires năm 1891 (rõ ràng không có nghĩa nó phải thuộc về khu ngoại thành Buenos Aires vào năm 1927, thời điểm bắt đầu của truyện Những tấm gương bị che phủ), khu vực của “những gã cưỡi xe thồ đeo đai da”. Vì vậy Balvanera không gắn bó nhiều với giới giang hồ và những kẻ cục súc (dù sự gắn bó của những người Liên bang ám chỉ một mối gắn kết như vậy), cũng như với những bãi hàng và công việc làm ăn của họ, vòng quay phụ (và kém lãng mạn hơn) của cuộc sống hoang liêu. Balvanera ở đây, như chính gia đình Julia, là bóng tối rệu rã của chính mình và của cuộc sống mà nó từng đại diện.

(3) Bức tường cao màu trắng của sở đường sắt… Parque Centenario: Tuyến đường sắt từng (và vẫn đang) chạy xuyên qua Balvanera từ ga Plaza del Once về phía tây, hướng về vùng ngoại thành Buenos Aires. Sarmiento cũng chạy về phía tây, nhưng hơi lệch về phía bắc tuyến đường sắt, chạy theo hướng chếch một chút về phía tây bắc. Cách nhà ga khoảng một dặm rưỡi, tuyến đường sắt sẽ gặp Parque Centenario.

K.H. dịch

Nguồn:
Borges, Jorge Luis. “Covered Mirrors” Jorge Luis Borges: Collected Fictions. Andrew Hurley dịch sang tiếng Anh. New York: Penguin, 1998.

jorge-luis-borges-collected-fictions

Jorge Luis Borges – Gương và mặt nạ

 

Khi những đạo quân đang xông trận trên chiến trường Clontarf, giữa lúc người Na-uy đã suy yếu, nhà vua triệu vời nhà thơ của mình đến và nói:

“Những chiến công sáng chói sẽ mất đi vẻ vinh quang nếu không được khắc tạc thành lời. Ta ra lệnh cho ngươi hãy thay ta cất lên bài ca tán dương chiến thắng. Ta sẽ là Aeneas; ngươi là Virgil của ta. Ngươi có tin mình sẽ nhận được phần thưởng xứng đáng với nhiệm vụ mà ta yêu cầu, điều sẽ giúp hai ta trở nên bất diệt này không?”

“Thần tuân lệnh, thưa đức vua,” nhà thơ trả lời. “Thần là Olan. Thần mài giũa tài khéo của mình theo niêm luật đã mười hai mùa đông. Thần khắc cốt ghi tâm ba trăm sáu mươi câu chuyện cổ là cội nguồn của mọi hình thức thơ ca chân chính. Vòng Ulster và vòng Munster ẩn trong những sợi dây đàn hạc của thần. Thần được lề luật cho phép sử dụng những ngôn từ cổ xưa nhất và những ẩn dụ phức tạp nhất về chúng. Thần tinh thông bản thảo bí mật đã che chở nền nghệ thuật của chúng ta khỏi cặp mắt tò mò của những kẻ phàm phu. Thần có thể hát về tình yêu, về vụ bắt trộm gia súc, về những con thuyền đang căng buồm ra khơi, về chiến trận. Thần biết rõ dòng dõi thần thoại của tất cả các hoàng tộc Ái-nhĩ-lan. Thần nắm giữ tri thức tuyệt mật về dược thảo, thuật chiêm tinh, toán pháp và pháp điển. Thần từng hạ gục nhiều đối thủ trong những cuộc tranh tài trước công chúng. Thần tự trui rèn trong sự giễu cợt, vốn là căn nguyên của các chứng bệnh ngoài da, gồm cả bệnh hủi. Và thần cũng biết vung kiếm, như đã chứng tỏ trong trận chiến của ngài. Nhưng có một điều thần không biết: là phải làm sao để bày tỏ lòng biết ơn của mình vì món quà mà ngài ban tặng.” Continue reading

Jorge Luis Borges – Ragnarök

Những hình ảnh trong mơ, Coleridge viết, tạo ra những ấn tượng mà trí năng chúng ta có thể gọi là những căn nguyên; chúng ta không cảm thấy ghê rợn vì chúng ta bị ám bởi một điều bí hiểm, chúng ta mơ về một điều bí hiểm để giải nghĩa nỗi khiếp sợ mà mình cảm thấy. Nếu đó là sự thật, thì làm cách nào chỉ một bản biên niên những dạng thức ấy thôi lại có thể lan truyền trạng thái sững sờ, nỗi hân hoan, những nỗi sợ hãi, nỗi khiếp sợ, và niềm vui cùng nhau đan dệt thành giấc mơ đêm kia? Dù sao thì tôi cũng sẽ cố vượt qua bản biên niên ấy; có lẽ thực ra giấc mơ gồm chỉ một cảnh tượng có thể xoá bỏ hay làm dịu bớt sự trở ngại tất yếu.

Địa điểm là Học viện Triết học và Văn chương; thời gian, đêm xuống. Mọi thứ (như trường hợp thường thấy trong mơ) hơi khác một chút; sự vật bị phóng đại một chút. Chúng tôi đã chọn được những người có thẩm quyền; tôi có thể nói với Pedro Henríquez Ureña*, người sống cuộc đời tỉnh thức đã yên nghỉ từ nhiều năm trước. Bất chợt, chúng tôi điếng người bởi tiếng huyên náo rất lớn của những người biểu tình hay những nhạc sĩ đường phố. Từ Cõi âm, chúng tôi nghe thấy tiếng kêu gào của con người và thú vật. Một giọng gào lên: Họ tới rồi! và rồi: Các vị thần! các vị thần! Bốn hoặc năm cá thể ngoi lên khỏi đám đông và chiếm lấy bục thính phòng. Mọi người hoan nghênh, khóc lóc; đó là các vị thần, đang trở về sau một chuyến lưu đày nhiều thế kỉ. Lù lù một cách huyênh hoang khi đứng trên bục, đầu hếch ra sau và ngực ưỡn về trước, họ ngạo nghễ tiếp nhận sự cung kính của chúng tôi. Một vị trong số đó đang cầm một cành cây (không còn nghi ngờ gì nữa, nó thuộc về tính thực vật mộc mạc của giấc mơ); một vị khác, với một động tác quét, giơ ra một bàn tay là một bộ vuốt; một trong hai khuôn mặt của Janus đang hồ nghi chú mục cái mỏ cong cong của Thoth. Có lẽ do bị kích động bởi sự tán dương của chúng tôi, một vị trong số họ, tôi không còn nhớ là ai, đã oà lên trong niềm hân hoan, tiếng cạc cạc cay đắng nửa sùng sục nửa réo rít đến khó tin. Từ lúc đó trở đi, mọi thứ thay đổi.

Tất cả bắt đầu bằng sự nghi ngờ (có lẽ đã bị cường điệu hoá) rằng các vị thần không thể nói được. Nhiều thế kỉ sống trong hoang dã tháo chạy đã làm hao mòn phần con người họ từng có; trăng Islam và thập tự giá La-mã đã không thể làm xiêu lòng những kẻ chạy nạn này. Lông mày tua tủa, răng vàng khè, bộ râu lưa thưa của một người da màu hay một người Trung-hoa, và nọng xệ như loài quái thú, là những bằng chứng cho sự suy đồi của dòng dõi Olympia. Quần áo họ mặc không phải là trang phục của một người nghèo khó chân chất và tốt bụng, mà là của sự xa hoa vô đạo của những động cờ bạc và quán trọ tai tiếng ở Cõi âm. Một cây cẩm chướng rỉ nhựa từ một lỗ khuy áo; dưới lớp y phục bó sát có thể thấy rõ đường nét một lưỡi dao. Bất chợt, chúng tôi cảm thấy họ đang tung con át chủ bài ra, rằng bọn họ rất xảo quyệt, ngu tối, và hung tợn, như những dã thú già nua, và rằng nếu chúng tôi để bị lung lay vì run sợ hay thương xót, thì họ sẽ kết liễu chúng tôi.

Chúng tôi rút những khẩu súng lục nặng nề của mình ra (thình lình trong giấc mơ có súng lục) và đắc chí kết liễu các vị thần.

Chú thích của Andrew Hurley:
* Pedro Henríquez Ureña (1884-1946), chào đời tại Cộng hoà Dominica, sống nhiều năm ở Buenos Aires và là cộng tác viên từ rất sớm của tờ Sur, một tạp chí do Victoria Ocampo sáng lập và là nơi Jorge Luis Borges làm việc rất cần mẫn. Qua Henríquez Ureña, người từng sống một thời gian ở Mexico City, Jorge Luis Borges gặp gỡ một người bạn khác, nhà nhân văn người Mexico Alfonso Reyes. Henríquez Ureña và Jorge Luis Borges cùng cộng tác viết cuốn Antología de la literatura argentina (1937), họ là hai người bạn thân thiết.

2013.01.11
K.H. dịch

Nguồn:
Borges, Jorge Luis. “Ragnarök.” Jorge Luis Borges: Collected Fictions. Trans. Andrew Hurley. New York: Penguin, 1998.

Jorge Luis Borges – Phúc-âm theo Mark

Jorge Luis Borges

Phúc-âm theo Mark

Duy Đoàn chuyển ngữ từ bản tiếng Anh của Andrew Hurley

Chuyện xảy ra tại khu nông trại Los Alamos, phía nam thị trấn Junín, hồi tháng Ba năm 1928. Nhân vật chính là chàng sinh viên y khoa tên Baltasar Espinosa [1]. Lúc này ta có thể xác định anh là một chàng thanh niên Buenos Aires giống như bao người khác, không có nét gì đáng chú ý ngoại trừ biệt tài nói trước đám đông đã giúp anh có được không chỉ một giải thưởng lúc học ở trường Anh ngữ tại Ramos Mejía [2] và vẻ thiện hảo vô bờ bến. Anh không thích tranh luận, anh thích để cho người đối thoại với mình giành phần đúng hơn là bản thân mình. Và mặc dù anh thấy hứng thú với sự may rủi lắt léo trong cờ bạc, nhưng anh lại là tay đánh bạc kém cỏi, bởi anh không thích thắng cuộc. Anh thông minh và đầu óc luôn cởi mở tiếp thu cái mới, nhưng lại lười nhác; ba mươi ba tuổi rồi mà anh vẫn chưa hoàn tất hết các yêu cầu cần thiết để tốt nghiệp. (Cũng nói thêm, cái công trình mà anh còn nợ chính là môn anh thích.) Cha anh, một người tư tưởng độc lập tựa như bao quí ông ngày đó, đã dạy Espinosa theo học thuyết của Herbert Spencer, nhưng có một lần trước khi anh khởi hành chuyến du lịch tới Montevideo, bà mẹ đã yêu cầu anh hằng đêm hãy cầu nguyện Chúa và làm dấu thánh giá, thế là suốt những năm sau đó anh không bao giờ nuốt lời. Anh không đủ dũng khí; buổi sáng nọ, bằng vẻ hững hờ hơn là phẫn nộ, anh đánh nhau với đám bạn cùng lớp khi đám người này cố buộc anh tham gia đình công tại trường. Con người anh đầy những thói quen và quan điểm đáng ngờ, xuất phát từ bản tính phục tùng: quê hương anh không quan trọng bằng nguy cơ có người ở xứ khác cho rằng người Argentina vẫn còn khoác lên người bộ lông vũ; anh tôn kính nước Pháp nhưng lại khinh bỉ người Pháp; anh hầu như không chút tôn trọng dân Mĩ nhưng lại hãnh diện khi ở Buenos Aires có những toà nhà chọc trời; anh nghĩ mấy gã cao-bồi ở đồng bằng thì khá hơn những gã ở vùng núi. Khi người anh họ Daniel mời anh đến nghỉ hè tại Los Alamos thì anh đồng ý ngay tức thì – không phải vì anh thích miền quê mà vì theo bản tính thì anh muốn nuông theo bản thân, và vì anh thấy không có lí do ổn thoả để từ chối.

Căn nhà chính ở nông trại có vẻ bề thế và hơi xiêu vẹo; nằm gần đó có khu nhà cho người quản lí, một gã tên là Gutre. Gia đình Gutre có ba người: người cha, người con trai (một tay cực kì cộc cằn và bất lịch sự), và một người con gái không rõ con ông nào. Họ có dáng người cao, khoẻ mạnh và gầy trơ xương, tóc hung và có nét của dân da đỏ. Họ hiếm khi nói chuyện. Vợ người quản lí đã chết nhiều năm trước đó.  Continue reading

Jorge Luis Borges – Chứng nhân

 

Jorge Luis Borges

Chứng nhân

Duy Đoàn chuyển ngữ từ bản tiếng Anh của Andrew Hurley

 

Trong một chuồng ngựa gần như nằm ngay chỗ bóng chiếu xuống của nhà thờ đá mới xây, có một người với đôi mắt xám xịt và bộ râu xám xịt, nằm đó với mùi hôi hám của thú vật vây quanh, rán sức trong lặng lẽ đưa mình vào cõi chết, tựa như người ta rán sức đưa mình vào giấc ngủ vậy. Buổi ban ngày, tuân theo các qui luật bí mật lớn lao, từ từ dịch chuyển và hoà lẫn vào nhau những chiếc bóng bên trong chuồng ngựa tồi tàn kia; ở ngoài là những cánh đồng đã được cày xới, một con mương bị mấy chiếc lá khô héo lấp kín lại, và những dấu vết mờ mờ do một con sói để lại trên nền đất sét đen kịt mà từ đó khởi phát nên những hàng rừng cây. Người đó đang ngủ và đang mơ, trong sự lãng quên của người đời. Tiếng chuông báo giờ cầu nguyện đánh thức anh ta. Giờ đây tiếng chuông là một trong những tập tục diễn ra vào buổi chiều ở các vương quốc của nước Anh, nhưng người đó, lúc này hãy còn là một cậu thiếu niên, đã nhìn thấy gương mặt vị thần Woden, nhìn thấy một nỗi khiếp sợ và nỗi hân hoan thần thánh, thấy một ngẫu tượng bằng gỗ được làm thô vụng chất đầy những đồng xu La-mã cùng những bộ áo lễ buồn tẻ, thấy cả màn hiến tế mấy con ngựa, mấy con chó và mấy tên tù nhân. Anh sẽ chết trước lúc bình minh, và đi cùng anh, những hình ảnh trực quan cuối cùng của các nghi lễ ngoại giáo cũng sẽ tiêu vong, không bao giờ xuất hiện trở lại. Cõi sống này sẽ rơi vào cảnh khốn cùng hơn một chút khi người đàn ông Saxon này chết đi.

Những sự vật, sự kiện chiếm lĩnh vùng không gian này nhưng lại đến hồi cáo chung khi một người chết đi, điều đó có thể khiến ta dừng lại thảng thốt – thế mà một vật, hoặc một chuỗi bất tận những sự vật, lại chết đi cùng với cái chết của mỗi người đàn ông hoặc đàn bà, trừ khi cõi vũ trụ tự nó có kí ức, giống như ý đề xuất của những nhà thần trí. Trong diễn trình thời gian, có một ngày những đôi mắt cuối cùng nhìn vào Chúa sẽ khép lại; Trận chiến Junín và tình yêu của Helen tan theo cái chết của một người. Điều gì sẽ tan biến cùng tôi vào cái ngày mình chết đi? Hình ảnh thống thiết hoặc mỏng manh nào sẽ chìm vào cõi vĩnh hằng? Giọng nói của Macedonio Fernández, hình ảnh một con ngựa nâu sậm ở khoảng đất trống ngay góc Sarrano và Charcas, hay là thanh lưu huỳnh nằm trong ngăn kéo của bàn giấy làm bằng gỗ đào hoa tâm?  Continue reading

Jorge Luis Borges – Argumentum Ornithologicum

 

Jorge Luis Borges

Argumentum Ornithologicum

Duy Đoàn chuyển ngữ từ bản tiếng Anh của Andrew Hurley

 

Tôi nhắm mắt lại và thấy một bầy chim. Khung cảnh đó chỉ hiện ra trong một giây, hoặc có thể còn ít hơn nữa. Tôi không chắc mình thấy được bao nhiêu con chim. Số lượng chim xác định hay bất định? Vấn đề này liên quan đến sự tồn tại của Chúa. Nếu Chúa tồn tại thì con số đó xác định, bởi vì Chúa biết tôi thấy bao nhiêu con chim. Nếu Chúa không tồn tại thì con số đó bất định, bởi có lẽ không ai đếm được. Trong trường hợp này, tôi thấy có ít hơn mười con chim (chẳng hạn thế) và nhiều hơn một con, nhưng lại không thấy chín, tám, bảy, sáu, năm, bốn, ba, hoặc hai con chim.Tôi thấy một lượng chim từ mười đến một, không phải chín, tám, bảy, sáu, năm, v.v.. Con số nguyên ấy – không phải số chín, không phải số tám, không phải số bảy, không phải số sáu, không phải số năm, v.v. – không ai hình dung ra được. Ergo, Chúa tồn tại.  Continue reading

Jorge Luis Borges – Tlön, Uqbar, Orbis Tertius

Jorge Luis Borges

Tlön, Uqbar, Orbis Tertius

Duy Đoàn chuyển ngữ từ bản tiếng Anh của Andrew Hurley

I

Tôi mắc nợ việc khám phá ra Uqbar từ sự kết hợp giữa tấm gương và một cuốn bách khoa thư. Tấm gương gây ra ưu phiền nơi tận sâu thẳm của lối hành lang tại một căn nhà miền quê ở Calle Gaona, thuộc Ramos Mejía [1] ; cuốn bách khoa thư với nhan đề sai lệch The Anglo-American Cyclopedia (New York, 1917), và nó là phiên bản in lại theo đúng từng chữ của cuốn Encyclopaedia Britannica bản năm 1902. Sự kiện đã diễn ra khoảng năm năm về trước.

Bioy Casares [2] đã đến dùng bữa tối tại nhà tôi buổi chiều đó, và chúng tôi đã lạc mất toàn bộ dấu vết của thời gian trong một cuộc tranh luận miên man về thể cách mà một người có thể thực hiện khi sáng tác một tác phẩm tiểu thuyết một nhân vật mà người dẫn chuyện trong đó sẽ bỏ đi hay làm méo mó đi các sự vật và dấn thân vào tất cả các dạng mâu thuẫn, để một vài độc giả – chỉ một số rất ít – có thể cảm nhận cái sự thật ghê sợ, hoặc tầm thường. Ở sâu thẳm của lối hành lang, cái gương treo lơ lửng, bí mật dõi theo chúng tôi. Chúng tôi phát hiện ra (vào thời điểm rất khuya thì một phát hiện như vậy là điều không thể né tránh) rằng có gì đó ghê sợ về những tấm gương. Đó là khi Bioy nhớ ra một câu nói của một trong những người thủ lĩnh phái dị giáo của Uqbar: Tấm gương và sự giao hợp đều đáng kinh tởm, vì cả hai đều làm nhân loại sinh sôi nảy nở thêm. Tôi hỏi anh ta rằng anh bắt gặp câu dí dỏm đáng nhớ đó ở đâu, và anh ta bảo tôi nó được ghi lại trong cuốn The Anglo-American Cyclopedia, trong bài viết nói về Uqbar. Continue reading

Jorge Luis Borges – Thư viện Babel

Jorge Luis Borges

Thư viện Babel

Duy Đoàn chuyển ngữ từ bản tiếng Anh của Andrew Hurley

Bằng hình thức nghệ thuật này, bạn có thể chiêm nghiệm về biến thể của 23 kí tự…
Anatomy of Melancholy, Pt. 2, Sec II, Mem. IV


Cõi vũ trụ (cái mà người khác gọi là Thư viện) bao gồm một lượng vô hạn định, và có lẽ là bất tận các gian phòng hình lục giác. Ở trung tâm của mỗi gian phòng là một ống thông hơi, bao quanh bởi thanh rào ở tầm thấp. Từ bất kì hình lục giác nào người ta có thể thấy tầng trên và tầng dưới – cái này tiếp theo sau cái nọ, đến vô tận. Sự sắp đặt các gian phòng luôn là như nhau: Hai mươi kệ sách, năm cái mỗi bên, phủ đầy bốn trong số sáu cạnh của hình lục giác; chiều cao các kệ sách, từ sàn nhà đến trần nhà, khó có thể nào hơn chiều cao của một người thủ thư bình thường. Một trong số hai cạnh tự do của hình lục giác mở ra một cái dạng như một hành lang hẹp, cái hành lang này đến phiên nó mở vào một gian phòng khác, tương tự như cái đầu tiên – thực tế là tất cả các gian phòng đều tương tự nhau. Về phía trái hay phải của hành lang là hai cái hốc nhỏ. Một dành cho việc ngủ, ở tư thế thẳng đứng; cái kia, dành cho việc thoả mãn những nhu cầu thể chất của người ta. Cũng thông qua vùng không gian, có một cái cầu thang xoắn ốc đi ngang qua, những cầu thang này xoắn xuýt lên phía trên và xuống phía dưới tiến vào một điểm xa xăm. Trong hành lang có một cái gương, nó sẽ nhân đôi một cách chân thật các hình trạng. Con người thường suy ra từ chiếc gương này rằng Thư viện không phải vô hạn – nếu nó vô hạn, thì cần gì phải có sự sao chép tạo ảo ảnh? Tôi thích mơ ước đến chuyện các bề mặt bóng loáng kia tượng trưng và hứa hẹn cho cái vô hạn… Ánh sáng được mang đến từ những quả cầu mang tên “bóng đèn”. Có hai trong số những bóng đèn ở mỗi gian phòng lục giác, được lắp chéo nhau. Ánh sáng phát ra từ các bóng đèn này không đủ, và không ngừng toả ra. Continue reading

Jorge Luis Borges – Vòng tròn những tàn tích

 

Jorge Luis Borges

Vòng tròn những tàn tích

Duy Đoàn chuyển ngữ từ bản tiếng Anh của Andrew Hurley

Và nếu ông ta chấm dứt việc mơ về bạn…
Through the Looking Glass, VI.



Không ai trông thấy ông ta rời bỏ chiếc thuyền vào một đêm mịt mù, không ai thấy chiếc xuồng bằng tre khi nó chìm xuống lớp bùn linh thiêng, và dù vậy trong vài ngày thì không ai lại không biết rằng có một người đàn ông lầm lì đã từ Phương nam tới nơi đó, và rằng quê nhà ông ta là một trong những ngôi làng bất tận nằm dọc ngược dòng sông, ở trên sườn núi hung tợn, nơi mà ngôn ngữ của người Zend không bị tiếng Hi-lạp phá hỏng đi và là nơi ít xảy ra căn bệnh phong. Nhưng thực tế thì người đàn ông khó hiểu kia đã lấm lem bùn đất, bò lên bờ sông hiểm trở (mà không gạt trở ra, có thể không cảm thấy được, đám cây cỏ nến đã làm xước da thịt ông ta), và tự kéo lê mình, bất tỉnh và đầy máu, vào mảnh đất hình tròn có rào bao quanh đầy những tượng đá các con hổ và ngựa, vốn từng có màu của lửa và giờ đây là màu của tro tàn. Khu đất này là một ngôi đền, đã bị một trận hoả thiêu vùi dập cách đây đã lâu, giờ đây thì khu rừng đầy bệnh sốt rét kia đã làm ô uế ngôi đền và những vị thần thì không còn được loài người tôn kính nữa. Người lạ mặt nằm dài ngay chân bệ. Continue reading