John Berger – Chiếc giường (Dành cho Christoph Hänsli)

 

John Berger
Chiếc giường (Dành cho Christoph Hänsli)
Duy Đoàn chuyển ngữ

Trên chiếc giường khách sạn ấy, không có một ai, trên chiếc giường kế cạnh cũng không. Trong Anh ngữ, tình huống này có thể được xét thành một từ: “no body (không có một ai)” trở thành “nobody (không-ai-cả)”. Ta không thể hỏi. Không-ai-cả là ai? Hoặc có lẽ ta có thể hỏi (như những ống nước chảy ồng ộc phòng bên) nhưng không câu đáp nào sẽ đến.

Không-ai-cả là không ai cả và cả hai giường đều trống trải. Thậm chí còn không có một nếp nhăn, một dấu vết. Có không-ai-cả.

Không-ai-cả là người yêu dấu của anh hay của tôi, và không-ai-cả là mọi cặp đôi từng chiếm lĩnh căn phòng này. Suốt nhiều năm họ lên tới hàng ngàn người. Họ nằm không ngủ. Họ làm tình. Họ vươn người khắp cả hai giường vốn được kéo lại cạnh nhau. Họ ép vào nhau trên một chiếc giường đôi. Họ về nhà vào hôm sau hoặc họ không bao giờ gặp nữa. Họ kiếm ra tiền hoặc đánh mất nó. Họ bội phản nhau. Họ cứu vớt nhau.

Không-ai ở đó và những chiếc giường ở trạng thái vô danh hoàn toàn đều trống trải. Hoặc tôi có thể nói: sự thiếu vắng tuyệt đối, nhưng điều này gợi nên một niềm cảm thương, một nỗi tiếc nuối, những điều mà các bức hoạ của anh không cho phép.

Tuy vậy chỉ đơn giản vì chúng tôi đã sống, chúng tôi không tài nào quên được khi chúng ta đứng trước những khung vải bố của anh—và chúng có cỡ bằng vật thật ngoài đời—chúng ta không tài nào quên được, và anh không muốn chúng tôi quên, những hứa hẹn nơi những chiếc giường. Những chiếc giường hứa hẹn nhiều hơn bất kì món đồ nhân tạo nào. Chúng hứa hẹn tựa như thiên nhiên hứa hẹn trong cảnh hiền hoà. Có lẽ đây là lí do tại sao những chiếc giường lại khó vẽ đến thế? Thậm chí trong khách sạn một sao này với những tấm trải giường bằng sợi tổng hợp rẻ tiền, những chiếc giường ấy vẫn cứ hứa hẹn tựa như thiên nhiên hứa hẹn vậy.

Hứa hẹn của chúng có phạm vi thật rộng lớn, từ cái kiệm nhường cho đến cái phong mãn, từ cái dè dặt đến cái cuồng hỉ, từ cơn đau thuyên giảm nhè nhẹ đến cơn đau tột độ trong niềm hạnh phúc, từ phút ngơi nghỉ tí chút đến cái chết.

Thảo nào trong tủ quần áo phòng khách sạn thường có một tấm thẻ để treo lên tay nắm cửa, có dòng chữ: ĐỪNG LÀM PHIỀN.

Và thảo nào, Christoph, khi anh vẽ, mà chẳng hề thay đổi thứ gì, mà vẫn theo gương của Velazquez, khi anh vẽ những bức tường phòng ngủ này, dù dán giấy tường hay được quét vôi, như thể chúng vô tận. Vô tận tựa như bầu trời hoặc như biển cả? Không. Không phải đâu. Vô tận như lời hứa hẹn vậy. Ngay cả hứa hẹn nhỏ bé nhất của một chiếc giường cũng chứa sự vô tận… Giấc ngủ.

Giấc ngủ. Anh thức và đương vẽ, nhưng chúng tôi, được dỗ yên và mơ màng ngủ, đã buông tiếng thì thầm khó hiểu và tắc trách đến với sự vắng lặng: Hãy tới đây, con tim của tôi ơi, tôi ở đây, và chúng tôi thì thầm điều này với không-ai-cả.

Một trong những khung vải bố của anh là về lời thì thầm như vậy. Nó là một chiếc giường bừa bộn và một tấm chăn lông vịt nhàu nhĩ. Bức tường vô tận kia nằm đằng sau. Trong nhiều thế kỉ, những tấm trải giường và những tấm vải màn được vẽ đã dự phần hệ trọng trong hội hoạ Âu châu. Danaë ngả người lên chúng. Thân xác của đấng Kitô vong mạng được xếp đặt trên chúng. Chúng đón nhận thân xác tuyệt diệu đó và thành hình nên dạng theo thân xác ấy. Nhưng ở đây chỉ có những dấu vết này thôi, chỉ có mỗi một sự thiếu vắng mà thôi.

Tôi từng ở đây. Và giờ tôi cũng đã rời đi. Tại đó có không-ai-cả.

Chuyển ngữ tại Sài-gòn
20171104

 

Nguồn:

Berger, John. “A Bed (for Christoph Hänsli).” The Shape of a Pocket. New York: Vintage, 2003.

Leave a comment