Về bộ phim Kaze tachinu (The Wind Rises, 2013) của Miyazaki Hayao

The Wind Rises (2013)

Lời nói đầu: Tác phẩm mới nhất và có lẽ cũng là cuối cùng của bậc thầy hoạt hình Nhật Miyazaki Hayao. Cả bộ phim nói về một người sống hết lòng vì ước mơ, và làm hết mình để thực hiện hoài bão của mình, dẫu cho kết quả của hoài bão ấy thật là kinh khủng và gây ra thật nhiều tai ương. Tình tiết câu chuyện trong phim nhiều chỗ lãng đãng như mây trời, nhiều chỗ lấp lửng, thi vị tựa như một bài thơ. Những cơn gió dịu dàng thì thật dễ chịu, nhưng khi chúng nhân bội lên thì cũng thật đáng sợ. Chúng mang cô gái đến với anh, mà cũng mang cô gái đi khỏi anh; chúng đem đến cho anh niềm vui thích ở chuyện bay lượn, mà cũng cuốn phăng đi sức lực và tinh thần nơi anh, và cả đất nước anh nữa.

Thế đấy, được đó, mất đó, gió cứ nổi, dòng đời cứ trôi, và ta vẫn phải sống.

Bộ phim này còn dấy lên nhiều chuyện tranh cãi, chủ yếu xoay quanh việc Miyazaki làm một phim về việc sản xuất máy bay dùng cho chiến tranh. Sau đây là một bài viết trên trang NPR về vấn đề này.

Continue reading

Dino Buzzati – Con gián nọ

 

Dino Buzzati

Con gián nọ

Duy Đoàn chuyển ngữ từ bản tiếng Anh của Rebecca Heath

 

Về nhà trễ, tôi giẫm phải một con gián ngoài hành lang khi nó đang chạy lỉnh đi giữa hai chân tôi (nó vẫn còn ở đó, đen xịt nổi lên trên gạch sàn nhà) và sau đó tôi vào nhà tắm. Cô nàng đang ngủ. Tôi nằm xuống kế nàng, tắt đèn và nhìn qua cửa sổ mở tôi thấy bầu trời và một khúc bờ tường. Trời thật nóng, tôi không ngủ được, những sự kiện từ quá khứ quay trở lại ám ảnh tôi, những mối nghi ngờ cũng thế, một sự ngờ vực chung chung nào đó cho ngày hôm sau. Cô nàng khẽ rên rỉ.

“Chuyện gì vậy?”, tôi hỏi.

Nàng mở to mắt với ánh nhìn hững hờ rồi làu bàu, “Em sợ.”

“Sợ gì vậy?”, tôi hỏi.

“Sợ chết? Và tại sao chứ?”

Nàng nói, “Em mơ thấy…” Nàng rúc người sát vào chút nữa.

“Mà em mơ thấy gì vậy?”

“Em mơ thấy em đang ở một vùng quê, em đang ngồi ở bờ sông và em nghe tiếng la hét từ đằng xa… và em sắp chết.”

“Ở bờ sông ư?”

“Đúng vậy,” nàng nói, “em nghe tiếng bọn ếch… chúng đang nhảy rột rột.”

“Lúc đó là thời điểm nào?”

“Vào buổi chiều và em nghe thấy tiếng la hét.”

“Thôi, ngủ đi em, gần hai giờ rồi.”

“Hai giờ ư?” Nhưng cô nàng đã quay trở lại giấc ngủ. Continue reading

Umberto Eco – Trang Web vẫn cứ ở đây

 

Umberto Eco

Trang Web vẫn cứ ở đây

Duy Đoàn chuyển ngữ từ bản tiếng Anh của Alastair McEwen

 

Cách đây không lâu tôi có công bố một bức thư ngỏ gửi đến cháu trai của tôi, khuyến khích nó phát triển trí nhớ của mình bằng cách (trong số nhiều cách khác) kháng cự lại niềm thôi thúc lấy mọi thông tin từ Internet. Đổi lại, cộng đồng mạng cáo buộc tôi vào tội chống Internet. Nhưng điều đó cũng giống giống việc bảo rằng nếu ai đó chỉ trích những người chạy quá nhanh trên quốc lộ hoặc lái xe trong lúc say xỉn thì đó là người chống lại xe hơi.

Trái lại, khi đáp lại bài báo gần đây của tôi về các thí sinh trẻ tham dự cuộc thi đố, những người đã để lộ ra sự ngu dốt của thế hệ mình bằng cách đoán Hitler và Mussolini vẫn còn sống vào thập niên 1960 và 1970, thì kí giả Ý Eugenio Scalfari đã chỉ trích tôi (một cách đằm thắm) trên tờ tạp chí L’Espresso về cái sự thừa mứa đối nghịch lại, bảo rằng tôi tin cậy quá nhiều vào Internet ở vai trò một nguồn thông tin.

Scalfari, sáng lập viên tờ báo La Repubblica, để ý thấy rằng Web, với những tác động đồng nhất đối với những kí ức tập thể nhân tạo của nó, gần như không cho người trẻ chút động lực nào để rèn luyện trí nhớ của bản thân. Sau rốt, tại sao lại bận tâm việc ghi nhớ một sự kiện khi mà lúc nào nó cũng có sẵn đó chỉ với một cú nhấp chuột? Scalfari còn nhận xét rằng mặc dù việc dùng Internet mang lại cho ta cảm giác nối kết mình với phần còn lại thế giới, nhưng kì cùng nó lại là một bản án cô độc mà ta tự áp đặt. Continue reading

Umberto Eco – Những người lãng quên lịch sử

 

Umberto Eco

Những người lãng quên lịch sử

Duy Đoàn chuyển ngữ từ bản tiếng Anh của Alastair McEwen

 

Đó là sự thật hiển nhiên khi cho rằng người trẻ thiếu mất kiến thức lịch sử tổng quát. Nhưng theo kinh nghiệm của tôi, đối với nhiều người trẻ thì quá khứ đã dần trải ra thành một quầng tinh vân to lớn. Đó là lí do tại sao, trong một bức thư công khai được công bố trên tờ tạp chí Ý L’Espresso, gần đây tôi khuyên đứa cháu trai đang độ tuổi thiếu niên hãy luyện tập trí nhớ của nó bằng cách học thuộc lòng những bài thơ dài.

Tôi sợ rằng những thế hệ trẻ ngày nay đang có nguy cơ đánh mất đi sức mạnh của kí ức cá nhân lẫn kí ức tập thể. Những cuộc khảo sát đã hé lộ cho biết những loại quan niệm sai lầm cứ tồn tại dai dẳng trong đầu những người trẻ được cho là có học thức: chẳng hạn, tôi đọc được rằng nhiều sinh viên đại học Ý tin rằng Aldo Moro là lãnh đạo của tổ chức quân sự Lữ đoàn Đỏ (Brigate Rosse), trong khi thực tế ông ấy là thủ tướng Ý và Lữ đoàn Đỏ chịu trách nhiệm cho cái chết ông ấy vào năm 1978. Continue reading

Anatole Broyard – Chuyện cho mượn sách

 

Anatole Broyard

Chuyện cho mượn sách

Duy Đoàn chuyển ngữ

 

Kì nghỉ hè là khoảng thời gian dành cho đọc sách, và bạn bè thường gặp tôi hỏi mượn sách bởi vì tôi có nhiều sách hơn đa số mọi người. Trong tâm trí ngây thơ của mình thì họ không biết được tôi sẽ trải qua những gì khi cho mượn một quyển sách. Họ không hiểu rằng tôi nghĩ mình như đang dâng cho họ tình yêu, chân lí, cái đẹp, minh triết, và niềm an ủi chống lại cái chết. Họ cũng không hồ nghi rằng cảm giác của tôi khi cho mượn sách cũng giống như cảm giác của những ông bố khi để con gái họ sống chung với một gã nào đó mà chẳng cưới xin gì cả.

Nói vậy không có nghĩa là ta không có niềm vui thích nào khi cho mượn sách. Mỗi người đều mang trong người một chút chất truyền giáo, khi cuốn sách làm tôi xúc động thì tôi muốn nhét nó vào túi áo từng người. Nếu cuốn sách như vậy được nhiều người tìm đọc thì thế giới này hẳn sẽ trở thành nơi tốt đẹp và đáng yêu hơn. Nhưng người ta lại không hỏi mượn mấy cuốn sách dạng này. Liệu có bao nhiêu người bạn từng hỏi mượn cuốn The Collected Poems of Elizabeth Bishop (Tuyển tập thơ của Elizabeth Bishop), hay cuốn The Waning of the Middle Ages (Sự suy yếu của thời trung đại) của Johan Huizinga?

Một động cơ ít cao quý hơn khi cho mượn sách chính là đơn giản tò mò muốn xem chuyện gì sẽ xảy ra, tựa như đứa trẻ tò mò muốn biết điều gì xảy ra khi cho mấy món đồ chơi đụng nhau. Ấn một quyển sách đầy uy lực vào tay ai đó cũng giống như cho một vị khách trong bữa tối thưởng thức một thứ rượu mạnh có thể làm cho họ cư xử hoặc ngu ngơ hoặc rất chi là hoan hỉ.  Một số độc giả thậm chí “ngất đi” sau khi hấp thụ một quyển sách như vậy: họ gạt bỏ cái trải nghiệm đó bởi vì họ không thể xử lí nổi nó. Continue reading

Hope Reese – Tại sao học triết? ‘Để thách thức quan điểm của bạn’

 

Hope Reese

Tại sao học triết? ‘Để thách thức quan điểm của bạn’

Phỏng vấn Rebecca Newberger Goldstein, tác giả cuốn Plato at the Googleplex: Why Philosophy Won’t Go Away

Duy Đoàn chuyển ngữ

Vào thời điểm mà những tiến bộ trong khoa học và công nghệ đã làm thay đổi nhận thức của chúng ta về bản thân con người mình xét về mặt tinh thần lẫn thế chất, thì thật dễ dàng gạt bỏ lĩnh vực triết học và cho nó là thứ quá xưa cũ. Stephen Hawking còn cả tiếng bảo rằng triết học đã chết.

Nhưng Rebecca Newberger Goldstein không cho là vậy. Goldstein, một triết gia và tiểu thuyết gia, học triết học tại trường Barnard và sau đó lấy bằng Ph.D về triết ở trường Princeton University. Bà đã viết nhiều cuốn sách, đoạt được giải MacArthur “Genius Award” vào năm 1996, và đi dạy ở nhiều trường đại học, trong đó có Barnard, Columbia, Rutgers, và Brandeis.

Cuốn sách mới vừa ra mắt của bà, Plato at the Googleplex: Why Philosophy Won’t Go Away, cung cấp cho người đọc cái nhìn sâu vào bên trong tiến trình đầy ý nghĩa – và thường vô hình – mà triết học đã tạo nên. Tôi nói chuyện với Goldstein về ý kiến của bà trong cuộc tranh luận khoa học với triết học, làm thế nào chúng ta có thể đo lường được những tiến bộ của triết học, và tại sao sự hiểu biết về triết học vẫn là điều quan trọng đối với cuộc sống chúng ta ngày nay.

Hồi còn nhỏ, bà đã bắt gặp cuốn The Story of Philosophy của Will Durant. Thế những suy nghĩ ban đầu khi đó của bà là gì?

Tôi lớn lên ở một hộ gia đình Do-thái giáo Chính thống (Orthodox Jewish) rất sùng đạo và dường như mọi người đều có quan điểm vững chắc về hết thảy những loại vấn đề lớn lao. Tôi hứng thú với chuyện làm thế nào họ biết những điều mà dường như họ có biết, hoặc họ khẳng định có biết. Đó là cái mà giờ tôi gọi là vấn đề nhận thức luận (epistemology). Tôi được phép đọc rất nhiều loại sách, và tôi chọn lấy cuốn The Story of Philosophy. Khi ấy hẳn là tôi được 11 hay 12 tuổi. Và chương về Platon… đó là trải nghiệm đầu tiên của tôi về một dạng cảm giác đê mê mang tính trí tuệ. Tôi bị lôi hẳn ra bên ngoài bản thân mình. Có nhiều thứ khi đó tôi không hiểu, nhưng có điều gì đó trừu tượng và vĩnh hằng nằm bên dưới tất thảy những hiện tượng luôn biến đổi của cõi sống này. Ông ta dùng từ “ảo ảnh” (phantasmagoria), vốn là một trong những từ tôi phải tra từ điển, và có thể đó là một trong rất ít lần tôi tiếp cận từ đó. Tôi có thể chẳng hiểu gì về những điều mình đang đọc, nhưng tôi lại bị hút vào cuốn đó. Continue reading

10 bộ phim tuyệt vời dựa trên những cuốn sách kinh điển dành cho trẻ em

Tác giả: Samuel Wigley

Một quyển sách hay đọc lúc giờ đi ngủ sẽ là thứ khơi gợi nên trí tưởng tượng ở trẻ nhỏ, nhưng tái dựng sự huyền ảo đó lên màn ảnh quả là bài toán không dễ chút nào. Sau đây là 10 bộ phim tuyệt vời có thể làm được chuyện đó.

The Wizard of Oz (1939)

Đạo diễn: Victor Fleming

The Wizard of Oz

Dorothy sống ở giữa những vùng thảo nguyên rộng lớn của Kansas với chú Henry, một người nông dân, và thím Em, vợ của người nông dân đó. Căn nhà thì nhỏ, bởi vì người ta phải dùng xe ngựa chở gỗ từ nhiều dặm đường đến để xây căn nhà đó.

The Wonderful Wizard of Oz của L. Frank Baum (1900)

The Wonderful Wizard of Oz

Cuốn tiểu thuyết The Wonderful Wizard of Oz mở đầu khiêm nhường như thế. Đây là câu chuyện về một cô bé buồn chán ở một vùng nông trại, và trong một cơn gió xoáy cô bé này được đưa tới vùng đất Oz huyền ảo. Những phiên bản sân khấu và phiên bản điện ảnh thuở ban đầu của tác phẩm này bắt đầu xuất hiện ngay sau khi cuốn sách được xuất bản, và Sam Raimi là đạo diễn gần nhất chuyển thể câu chuyện này, với bộ phim Oz the Great and Powerful (2013).

Nhưng phiên bản âm nhạc năm 1939 của MGM mới là phiên bản đáng nói nhất, gần như che phủ tác phẩm văn học gốc bằng cách dùng những kĩ thuật quay phim màu Technicolor tuyệt vời khi thể hiện những chi tiết như Con đường Gạch Vàng, Thành phố Ngọc lục bảo, mụ Phù thuỷ Xấu xa Tây phương, và những người bạn đồng hành thân thiện của Dorothy như tay Bù nhìn, Người Thiếc và Sư tử Nhút nhát. Diễn viên Judy Garland đã hớp hồn cả thế giới khi vào vai cô bé Dorothy mặc áo bông kẻ ô và mơ tới một nơi huyền ảo xa xăm nào đó. Continue reading

Etgar Keret – Chất keo điên rồ

 

Etgar Keret

Chất keo điên rồ

Duy Đoàn chuyển ngữ

 

Cô ta bảo, “Đừng có đụng vào đó,” và tôi hỏi, “Cái gì thế?”

“Keo dán đấy,” cô nàng nói. “Thứ keo đặc biệt. Loại siêu hạng.”

“Em mua nó làm gì vậy?”

“Bởi vì em cần nó,” cô nói. “Nhiều thứ xung quanh đây đang cần dán lại.”

“Chẳng có thứ gì ở đây cần dán lại hết,” tôi nói. “Anh ước gì mình hiểu được nguyên do tại sao em mua mấy thứ này.”

“Cùng một nguyên do tại sao em cưới anh thôi,” cô ta đáp trả lại. “Để giết thời gian.”

Tôi không muốn cãi nhau, thế là tôi giữ im lặng, và cô ta cũng vậy.

“Nó có tốt không, cái keo dán đó?” tôi hỏi. Cô ta đưa tôi thấy tấm hình trên hộp keo, trong đó có anh chàng kia đang treo chúc đầu xuống từ cái trần nhà sau khi ai đó phết keo lên hai đế giày của anh ta..

“Chẳng có keo nào có thể thật sự làm con người ta dính chặt như vậy,” tôi nói. “Họ chỉ chụp tấm hình lộn ngược lại thôi. Anh ta đứng trên sàn nhà. Họ chỉ đặt cái bộ đèn trên sàn nhà để làm nó giống trần nhà thôi. Em có thể biết ngay nếu nhìn cái cửa sổ. Họ đặt cái móc rèm hướng ra sau. Nhìn xem.” Tôi chỉ tay vào cái cửa sổ trong bức hình. Cô ấy không nhìn. “Tám giờ rồi,” tôi nói. “Anh phải chạy đi thôi.” Tôi cầm cái cặp lên và hôn lên má cô ấy. “Anh sẽ về trễ. Anh phải làm việc…”

“Em biết,” cô nói. “Anh tùm lum việc mà.”

Continue reading

Biểu tượng của chim cu gáy

Một biểu tượng của lòng trung thành và của  tình thân ái giữa người với người (8). Nó được tìm thấy trong nhiều phúng dụ và thi thoảng bị lầm với chim bồ câu.

Trịnh Ngọc Thìn dịch

18/3/2014

Chú thích của tác giả:

(8): B. G. P. Diccionario universal de la mitología. Barcelona, 1835

Nguồn:
Cirlot, J. E. “Turtle Dove ” A Dictionary of Symbols. Trans. Jack Sage. 2nd edition. London: Routledge, 1971

Peter Gray – Thiếu thốn việc chơi đùa

 

Peter Gray

Thiếu thốn việc chơi đùa

Duy Đoàn chuyển ngữ

 

Lời người dịch: Đây là bài viết của nhà tâm lí học Peter Gray, bàn về chuyện chơi đùa của trẻ con và tầm quan trọng của nó.

The play deficit

 

Hồi thập niên 1950, lúc tôi còn bé, mấy đứa trẻ tụi tôi có hai môi trường giáo dục. Chúng tôi có trường học (vốn chẳng phải là thứ to tát giống như ngày nay), và chúng tôi còn có cái mà tôi gọi là “nền giáo dục săn bắt – hái lượm”. Gần như ngày nào sau giờ học, chúng tôi cũng chơi cùng với những đám trẻ đủ mọi lứa tuổi, thường là chơi đến lúc tối mịt. Chúng tôi chơi suốt những ngày cuối tuần và suốt cả mùa hè dài đằng đẵng. Chúng tôi có thời giờ khám phá đủ kiểu, và cũng có thời giờ để cảm thấy chán chường và tìm cách hết chán, có thời giờ để gặp đủ mọi rắc rối và tìm cách thoát khỏi chúng, có thời giờ để mộng mơ, có thời giờ để lao vào chìm đắm trong đủ mọi thú vui, và có cả thời giờ đọc truyện tranh hay đọc bất kì thứ nào tuỳ ý thay vì chỉ đọc sách ở trường. Những gì tôi học được ở nền giáo dục săn bắt – hái lượm rất quý giá đối với cuộc sống trưởng thành của mình, hơn hẳn những gì tôi học được ở trường lớp, và tôi nghĩ những người cùng lứa tuổi với tôi hẳn cũng nghĩ giống thế nếu họ có thời giờ suy nghĩ về điều này.

Hơn 50 năm trôi qua, nước Mĩ hiện nay đang dần dần giảm đi các cơ hội chơi đùa của bọn trẻ, và chuyện tương tự cũng xảy ra ở nhiều nước khác. Trong cuốn sách Children at Play: An American History (2007), Howard Chudacoff cho rằng nửa đầu thế kỉ 20 là ‘thời kì hoàng kim’ đối với việc tự do chơi đùa của bọn trẻ. Vào khoảng năm 1900, nhu cầu lao động trẻ em đã giảm xuống, do vậy trẻ em lúc này có nhiều thời giờ rảnh. Nhưng sau đó, từ khoảng năm 1960 hoặc trước đó một chút, người lớn bắt đầu xén bớt sự tự do ấy bằng cách tăng giờ học hành của bọn trẻ, và thậm chí còn làm giảm việc tự do chơi đùa một mình của trẻ, thậm chí khi chúng hết giờ học và không phải làm bài tập.  Những môn thể thao do người lớn điều khiển bắt đầu thay thế những trò trẻ con; những lớp học ngoại khoá do người lớn chủ trì bắt đầu thay thế những thú vui con trẻ; và những nỗi sợ hãi của các bậc cha mẹ khiến họ thậm chí còn cấm con mình ra ngoài chơi với những đứa trẻ khác, cấm tụi nhỏ đi xa khỏi nhà mà không ai giám sát. Có nhiều lí do cho những đổi thay này nhưng cái tác động đó, qua nhiều thập niên, đã liên tục làm suy giảm một cách đáng kể những cơ hội chơi đùa của bọn trẻ và những cơ hội khám phá theo cách riêng của chúng. Continue reading