John Berger – Chiếc giường (Dành cho Christoph Hänsli)

 

John Berger
Chiếc giường (Dành cho Christoph Hänsli)
Duy Đoàn chuyển ngữ

Trên chiếc giường khách sạn ấy, không có một ai, trên chiếc giường kế cạnh cũng không. Trong Anh ngữ, tình huống này có thể được xét thành một từ: “no body (không có một ai)” trở thành “nobody (không-ai-cả)”. Ta không thể hỏi. Không-ai-cả là ai? Hoặc có lẽ ta có thể hỏi (như những ống nước chảy ồng ộc phòng bên) nhưng không câu đáp nào sẽ đến.

Không-ai-cả là không ai cả và cả hai giường đều trống trải. Thậm chí còn không có một nếp nhăn, một dấu vết. Có không-ai-cả.

Không-ai-cả là người yêu dấu của anh hay của tôi, và không-ai-cả là mọi cặp đôi từng chiếm lĩnh căn phòng này. Suốt nhiều năm họ lên tới hàng ngàn người. Họ nằm không ngủ. Họ làm tình. Họ vươn người khắp cả hai giường vốn được kéo lại cạnh nhau. Họ ép vào nhau trên một chiếc giường đôi. Họ về nhà vào hôm sau hoặc họ không bao giờ gặp nữa. Họ kiếm ra tiền hoặc đánh mất nó. Họ bội phản nhau. Họ cứu vớt nhau. Continue reading

Viet Thanh Nguyen – Ngợi ca lòng hoài nghi và cái vô dụng

Viet Thanh Nguyen

Ngợi ca lòng hoài nghi và cái vô dụng

Duy Đoàn chuyển ngữ

 

Gần đúng 20 năm trước, tôi đến Los Angeles vào tháng Sáu. Trước đó tôi đã nhận bằng tiến sĩ ở trường University of California, Berkeley vào tháng Năm và đã bước sang tuổi 26 vào tháng Hai. Mùa hè năm ấy, tôi tìm được một căn hộ nhỏ ở Silver Lake và bắt đầu chuẩn bị sự nghiệp mới ở cương vị giáo sư trường University of Southern California. Tôi nhìn lại bản thân mà trong lòng cảm thấy mịt mờ và cảm thông, vì có nhiều thứ tôi không biết lúc tôi 26 tuổi. Tính ngây thơ của tôi đã bảo vệ tôi khi tôi ngồi xuống viết ở cái bàn nhỏ trong nhà bếp và trong mùa hè nóng ngột ngạt đầu tiên ở Los Angeles tôi khởi sự một tập truyện ngắn.  Nếu tôi biết tập truyện này sẽ làm tôi tiêu tốn mất 17 năm mới hoàn thành, và thêm ba năm nữa mới xuất bản được, thì có lẽ tôi thậm chí không bao giờ khởi sự việc làm ấy.

Nhưng sự vô tri đôi khi – không phải luôn luôn, mà là đôi khi – có thể hữu ích tựa như tri thức vậy. Vô tri hữu ích khi ta nhận thức được nó. Trong trường hợp của tôi, nói như vị cựu bộ trưởng Quốc phòng, tôi biết điều tôi không biết, và tôi biết rằng tôi muốn biết nó, nhưng tôi không biết làm sao để biết nó. Tôi biết rằng tôi muốn viết văn, và tôi biết rằng tôi muốn tạo ra công cuộc nghiên cứu mang tính cách tân, nhưng tôi không biết cách nào làm cả hai điều ấy. Tôi cũng biết rằng các trường đại học không tưởng thưởng cho sự vô tri, hoặc cho lời thú nhận về sự vô trí, và thế là tôi giữ cái vô trí ấy cho bản thân rồi vờ như tôi biết mình sẽ làm gì. Continue reading

Umberto Eco – Những người lãng quên lịch sử

 

Umberto Eco

Những người lãng quên lịch sử

Duy Đoàn chuyển ngữ từ bản tiếng Anh của Alastair McEwen

 

Đó là sự thật hiển nhiên khi cho rằng người trẻ thiếu mất kiến thức lịch sử tổng quát. Nhưng theo kinh nghiệm của tôi, đối với nhiều người trẻ thì quá khứ đã dần trải ra thành một quầng tinh vân to lớn. Đó là lí do tại sao, trong một bức thư công khai được công bố trên tờ tạp chí Ý L’Espresso, gần đây tôi khuyên đứa cháu trai đang độ tuổi thiếu niên hãy luyện tập trí nhớ của nó bằng cách học thuộc lòng những bài thơ dài.

Tôi sợ rằng những thế hệ trẻ ngày nay đang có nguy cơ đánh mất đi sức mạnh của kí ức cá nhân lẫn kí ức tập thể. Những cuộc khảo sát đã hé lộ cho biết những loại quan niệm sai lầm cứ tồn tại dai dẳng trong đầu những người trẻ được cho là có học thức: chẳng hạn, tôi đọc được rằng nhiều sinh viên đại học Ý tin rằng Aldo Moro là lãnh đạo của tổ chức quân sự Lữ đoàn Đỏ (Brigate Rosse), trong khi thực tế ông ấy là thủ tướng Ý và Lữ đoàn Đỏ chịu trách nhiệm cho cái chết ông ấy vào năm 1978. Continue reading

Peter Gray – Thiếu thốn việc chơi đùa

 

Peter Gray

Thiếu thốn việc chơi đùa

Duy Đoàn chuyển ngữ

 

Lời người dịch: Đây là bài viết của nhà tâm lí học Peter Gray, bàn về chuyện chơi đùa của trẻ con và tầm quan trọng của nó.

The play deficit

 

Hồi thập niên 1950, lúc tôi còn bé, mấy đứa trẻ tụi tôi có hai môi trường giáo dục. Chúng tôi có trường học (vốn chẳng phải là thứ to tát giống như ngày nay), và chúng tôi còn có cái mà tôi gọi là “nền giáo dục săn bắt – hái lượm”. Gần như ngày nào sau giờ học, chúng tôi cũng chơi cùng với những đám trẻ đủ mọi lứa tuổi, thường là chơi đến lúc tối mịt. Chúng tôi chơi suốt những ngày cuối tuần và suốt cả mùa hè dài đằng đẵng. Chúng tôi có thời giờ khám phá đủ kiểu, và cũng có thời giờ để cảm thấy chán chường và tìm cách hết chán, có thời giờ để gặp đủ mọi rắc rối và tìm cách thoát khỏi chúng, có thời giờ để mộng mơ, có thời giờ để lao vào chìm đắm trong đủ mọi thú vui, và có cả thời giờ đọc truyện tranh hay đọc bất kì thứ nào tuỳ ý thay vì chỉ đọc sách ở trường. Những gì tôi học được ở nền giáo dục săn bắt – hái lượm rất quý giá đối với cuộc sống trưởng thành của mình, hơn hẳn những gì tôi học được ở trường lớp, và tôi nghĩ những người cùng lứa tuổi với tôi hẳn cũng nghĩ giống thế nếu họ có thời giờ suy nghĩ về điều này.

Hơn 50 năm trôi qua, nước Mĩ hiện nay đang dần dần giảm đi các cơ hội chơi đùa của bọn trẻ, và chuyện tương tự cũng xảy ra ở nhiều nước khác. Trong cuốn sách Children at Play: An American History (2007), Howard Chudacoff cho rằng nửa đầu thế kỉ 20 là ‘thời kì hoàng kim’ đối với việc tự do chơi đùa của bọn trẻ. Vào khoảng năm 1900, nhu cầu lao động trẻ em đã giảm xuống, do vậy trẻ em lúc này có nhiều thời giờ rảnh. Nhưng sau đó, từ khoảng năm 1960 hoặc trước đó một chút, người lớn bắt đầu xén bớt sự tự do ấy bằng cách tăng giờ học hành của bọn trẻ, và thậm chí còn làm giảm việc tự do chơi đùa một mình của trẻ, thậm chí khi chúng hết giờ học và không phải làm bài tập.  Những môn thể thao do người lớn điều khiển bắt đầu thay thế những trò trẻ con; những lớp học ngoại khoá do người lớn chủ trì bắt đầu thay thế những thú vui con trẻ; và những nỗi sợ hãi của các bậc cha mẹ khiến họ thậm chí còn cấm con mình ra ngoài chơi với những đứa trẻ khác, cấm tụi nhỏ đi xa khỏi nhà mà không ai giám sát. Có nhiều lí do cho những đổi thay này nhưng cái tác động đó, qua nhiều thập niên, đã liên tục làm suy giảm một cách đáng kể những cơ hội chơi đùa của bọn trẻ và những cơ hội khám phá theo cách riêng của chúng. Continue reading

Roberto Bolaño – Ai dám làm thế?

Roberto Bolaño

Ai dám làm thế?

Duy Đoàn chuyển ngữ từ bản tiếng Anh của Natasha Wimmer

Những quyển sách tôi nhớ nhất là những quyển tôi ăn cắp được ở Mexico City, lúc mười sáu đến mười chín tuổi, và những quyển tôi mua được ở Chile khi hai mươi tuổi, trong suốt những tháng ngày đầu tiên của cuộc đảo chính. Ở Mexico lúc đó có một tiệm sách dữ dội lắm. Nó được gọi là Tiệm sách Kính và nó nằm ở Alameda. Những bức tường, thậm chí trần nhà, trong tiệm sách đó đều được làm bằng kính. Kính và những cái rầm sắt. Từ bên ngoài, đây dường như là một nơi không thể ăn cắp món gì được. Vậy mà tính thận trọng lại bị lấn lướt bởi cám dỗ muốn thử và sau một thời gian tôi đã thử.

Cuốn đầu tiên rơi vào tay tôi là một quyển sách nhỏ của [nhà thơ huê tình thế kỉ mười chín] Pierre Louÿs, với những trang giấy mỏng như giấy Kinh Thánh, lúc này tôi không thể nhớ cuốn đó là Aphrodite hay Songs of Bilitis. Tôi biết lúc ấy tôi mười sáu và sau một thời gian thì Louÿs trở thành người đưa đường dẫn lối cho tôi. Sau đó tôi ăn cắp mấy cuốn sách của Max Beerbohm (The Happy Hypocrite), Champfleury, Samuel Pepys, anh em nhà Goncourt, Alphonse Daudet, và Rulfo và Arreola, những nhà văn Mexico mà thời đó gần như vẫn còn hoạt động tích cực, và là những người mà tôi do vậy có thể gặp vào buổi sáng nào đó ở Avenida Niño Perdido, một con đường đông đúc mà ngày nay những tấm bản đồ Mexico City đã giấu béng nó đi khỏi tôi , cứ như Niño Perdido chỉ có thể hiện hữu trong trí tưởng tượng của tôi, hoặc cứ như con đường đó, với những cửa hàng dưới lòng đất và những người biểu diễn đường phố đã thật sự lạc đâu mất rồi, giống như tôi đã từng lạc hồi mười sáu tuổi. Continue reading

Tanizaki Jun’ichirō – Chuyện nhà vệ sinh Nhật-bản

Tanizaki Jun’ichirō

Chuyện nhà vệ sinh Nhật-bản

Duy Đoàn chuyển ngữ từ bản tiếng Anh của Thomas J. Harper và Edward G. Seidensticker

Cứ mỗi lần tôi được người ta cho xem một nhà vệ sinh cũ kĩ, được chiếu sáng lờ mờ, và phải nói thêm,  sạch đến mức hoàn hảo, ở một ngôi đền tại Nara hoặc Kyoto, tôi lại ấn tượng với những phẩm tính nổi bật của kiến trúc Nhật-bản. Phòng khách có thể có những nét duyên dáng của mình, nhưng nhà vệ sinh Nhật thực sự là nơi an tịnh tinh thần. Nó luôn nằm ở vị trí tách biệt với khu nhà chính, ở cuối hành lang, trong một bụi cây thơm ngát mùi lá và rêu. Không có từ nào có thể diễn tả được cảm giác đó khi ta ngồi trong vùng sáng lờ mờ, đắm mình trong ánh sáng yếu ớt được phản chiếu từ shoji [cánh cửa], chìm trong trầm tư mặc tưởng hay nhìn chăm chăm ra khu vườn. Tiểu thuyết gia Natsume Soseki xem những chuyến đi vào buổi sáng đến nhà vệ sinh là một lạc thú tuyệt vời, “một khoái cảm sinh lí” như cách ông gọi. Và hẳn nhiên không thể có nơi nào tận hưởng lạc thú này tốt hơn một nhà vệ sinh Nhật-bản mà tại đó, bao quanh là những bức tường trầm lặng và tấm gỗ có những lớp vân thanh mảnh, ta nhìn ra bầu trời xanh lam và những chiếc lá xanh lục.

Như tôi đã nói, có những điều kiện tiên quyết nhất định: mức độ lờ mờ, sự sạch sẽ tuyệt đối, và yên tĩnh hoàn toàn đến mức ta có thể nghe tiếng muỗi vo ve. Từ một nhà vệ sinh như thế tôi thích việc lắng nghe tiếng mưa rơi dịu dàng, đặc biệt nếu nó là nhà vệ sinh của thời Kanto, với những cửa sổ dài, hẹp nằm ngang mặt sàn; ở đó với cảm giác thân mật như thế ta có thể lắng nghe những giọt mưa rơi từ mấy chiếc lá và những ngọn cây, thấm vào đất khi chúng chảy qua bệ của cái lồng đèn bằng đá và làm sạch đám rêu xung quanh những phiến đá lót đường. Và nhà vệ sinh là nơi hoàn hảo để lắng nghe tiếng rúc rích của bọn côn trùng hay tiếng chim hót, để nhìn lên mặt trăng, hay để hưởng lấy bất kì khoảnh khắc xúc động nào trong số những khoảnh khắc đánh dấu thời điểm giao mùa. Tôi hồ nghi đây là nơi các thi sĩ haiku suốt bao thế hệ đã bắt gặp được vô vàn ý tưởng cho mình. Quả thực, theo lẽ nào đó ta có thể khẳng định rằng trong tất thảy các yếu tố kiến trúc Nhật-bản, nhà vệ sinh là nơi mang tính thẩm mĩ nhất. Tổ tiên của chúng tôi, vốn làm thơ về mọi thứ trong đời, đã chuyển hoá cái mà đúng ra hẳn là căn phòng bẩn thỉu nhất trong nhà để trở thành nơi tao nhã hơn bất kì chỗ nào khác, ngập tràn những mối liên hệ trìu mến với vẻ đẹp tự nhiên. So với những người Tây phương, vốn xem nhà vệ sinh là nơi hoàn toàn dơ bẩn và tránh cả việc đề cập nó trong những cuộc đàm luận trang trọng, chúng tôi hiểu biết hơn nhiều và chắc chắn có được phẩm vị tinh tế hơn. Tôi phải thừa nhận nhà vệ sinh Nhật có chút bất tiện khi muốn đi vào đó lúc nửa đêm, nó được thiết lập tách khỏi khu nhà chính như nào giờ, và vào mùa đông thì ta luôn có nguy cơ bị nhiễm lạnh. Song, như thi sĩ Saito Ryoku đã nói “phong nhã là thứ giá lạnh”. Tốt hơn là nơi đó nên lạnh lẽo như ở ngoài trời; hệ thống sưởi hơi nước của nhà vệ sinh kiểu Tây phương trong khách sạn là thứ khó chịu nhất. Continue reading

David Lodge – Hình dung nên tương lai

 

David Lodge

Hình dung nên tương lai

Duy Đoàn chuyển ngữ

Đó là một ngày lạnh giá, sáng sủa vào tháng Tư, và đồng hồ điểm mười ba tiếng. Winston Smith, cằm cúi xuống sát ngực để tránh cơn gió thốc thấu xương, lướt nhanh qua cánh cửa kiếng ở khu nhà Victory, nhưng không đủ nhanh để ngăn đám bụi cát cuồn cuộn thổi theo.

Hành lang có mùi cải bắp luộc và mùi tấm thảm cũ rách nát. Ở đầu hành lang, được ghim chặt vào tường là một tấm bích chương màu, quá lớn để trưng trong nhà thế này. Nó có hình một gương mặt thật to, bề rộng hơn một mét: gương mặt của một gã đàn ông tầm bốn mươi lăm với bộ ria rậm đen và có vẻ đẹp đầy góc cạnh. Winston hướng tới cầu thang. Cố dùng thang máy không có ích lợi gì. Thậm chí ngay cả những thời điểm ổn thoả nhất thì nó cũng hiếm khi hoạt động, và hiện giờ thì người ta cúp điện suốt buổi ban ngày. Đây là một phần trong chiến dịch tiết kiệm nhằm chuẩn bị cho Tuần lễ Căm hờn. Để tới căn hộ thì anh phải đi qua bảy cầu thang, và Winston nay đã ba mươi chín, có chỗ loét do giãn tĩnh mạch nơi mắt cá chân phải, anh đi chầm chậm, dừng lại nghỉ vài lần trên đường đi. Ở mỗi đầu cầu thang, đối diện với đường thông thang máy, có tấm bích chương với gương mặt thật to từ bức tường nhìn chằm chằm ra. Đó là một trong những bức hình được tính toán khéo đến mức đôi mắt cứ dõi theo khi bạn di chuyển. ANH CẢ ĐANG QUAN SÁT BẠN là dòng chữ chạy bên dưới nó.

Trong căn hộ một giọng nói ngọt lịm đang đọc to danh sách các số liệu liên quan đến việc sản xuất gang. Giọng nói phát xuất từ tấm kim loại thuôn dài tựa như tấm gương mờ đục, tạo thành một phần bề mặt bức tường bên phải. Winston vặn nút và giọng nói nhỏ đi phần nào mặc dù vẫn còn nghe được. Cái máy đó (được người ta gọi là màn ảnh truyền hình) có thể chỉnh nhỏ đi, nhưng không cách nào tắt hẳn nó luôn được.

GEORGE ORWELL. Nineteen Eighty-Four (1949)

Đó vốn chỉ là chuyện nghịch lí ở bề mặt khi mà hầu hết tiểu thuyết về tương lai đều được tự thuật ở thì quá khứ. Tác phẩm A Very Private Life (1968) của Michael Frayn bắt đầu ở thì tương lai (“Once upon a time there will be a little girl called Uncumber”) nhưng ông không thể tiếp tục như thế lâu được, và nhanh chóng chuyển sang thì hiện tại. Để dấn bước vào cõi tưởng tượng trong tiểu thuyết, ta phải định hướng bản thân trong không gian và thời gian cùng với các nhân vật, và thì tương lai khiến chuyện đó trở nên bất khả. Thì quá khứ là cách tự thuật “tự nhiên”; thậm chí dùng thì hiện tại cũng có nghịch lí một phần nào đó, bởi vì bất kì điều gì khi đã được viết ra thì theo suy luận nó đã diễn ra rồi.  Continue reading

Orhan Pamuk – Khói lửa và điêu tàn

 

Orhan Pamuk

Khói lửa và điêu tàn

Duy Đoàn chuyển ngữ từ bản tiếng Anh của Maureen Freely

 

Trước khi tôi chào đời, ông bà tôi sống trong một căn hộ uy nghi to lớn bằng đá, ở chung với các chú, với cha mẹ tôi và những người khác trong đại gia đình chúng tôi; sau đó một trường tiểu học tư thục thuê căn hộ đó, rồi nó bị phá huỷ. Trường tiểu học của tôi ở trong một căn hộ uy nghi khác, cho đến khi nó cháy rụi. Khi bước vào trung học, chúng tôi chơi đá banh trong sân vườn một căn hộ uy nghi thứ ba; căn này cũng qui hàng ngọn lửa và sau đó bị tiêu huỷ luôn, giống như nhiều cửa hàng và toà nhà thời thơ ấu của tôi.

Lịch sử Istanbul là lịch sử của khói lửa và điêu tàn. Từ giữa thế kỉ mười sáu, khi mấy căn nhà gỗ lần đầu tiên trở nên phổ biến, cho đến một phần tư đầu thế kỉ hai mươi – hơn 350 năm cho đến lúc ấy – thì chính những trận hoả hoạn là thứ đã định hình thành phố này và mở ra những đại lộ cùng mấy con phố (bỏ qua phần xây dựng các thánh đường Hồi giáo). Địa điểm xảy ra hoả hoạn nhà cửa là chủ đề của nhiều cuộc bàn luận suốt thời thơ ấu của tôi và nó đượm mùi vận rủi. Bởi vì những tầng đầu tiên làm bằng đá và gạch, nên vẫn còn vài bức tường bị cháy nhưng chưa sụp đổ, vẫn còn cầu thang ở tầng đầu tiên (với những bậc thang đá hoa cương ắt là đã bị thiêu rụi hoặc đã bị ăn trộm mất), những tấm ngói, tấm gương vỡ và mấy bình hoa; giữa đống đổ nát này, những cây sung nho nhỏ ắt sẽ đâm chồi nảy lộc và trẻ con sẽ được chơi ở chỗ đó.

Tôi không đủ lớn để chứng kiến được cảnh cả khu xóm bốc cháy và bị huỷ hoại; những gì tôi chứng kiến là những trận hoả hoạn tiêu huỷ những căn hộ uy nghi bằng gỗ cuối cùng. Hầu hết đều xảy ra trong hoàn cảnh bí ẩn, lúc nửa đêm. Cho đến khi đội cứu hoả đến, tất cả bọn trẻ con và thanh niên ở khu xóm đã tụ tập trong sân vườn căn nhà trống hoác ấy, nơi chúng từng chơi đùa, rồi thủ thỉ cho nhau nghe khi quan sát những ngọn lửa cuồn cuộn.  Continue reading

Orhan Pamuk – Ý nghĩa

 

Orhan Pamuk

Ý nghĩa

Duy Đoàn chuyển ngữ từ bản tiếng Anh của Maureen Freely

Này, cảm ơn quý vị đã đọc tôi. Tôi có lẽ nên vui mừng khi hiện diện nơi đây, dẫu cho không tránh khỏi cảm giác lúng túng. Tôi thích cách quý vị đưa mắt lướt qua tôi. Bởi tôi ở đây để phục vụ quý vị kia mà. Cho dù tôi không chắc như thế nghĩa là sao. Tôi thậm chí còn không biết vào những ngày này thì mình là thứ gì – như thế không phải là điều đáng tiếc lắm ru? Tôi là hỗn hợp các loại kí hiệu; tôi mong mỏi người ta nhìn thấy mình, nhưng rồi tôi lại mất tinh thần. Phải chăng tốt hơn thì tôi nên giấu mình đi trong bóng tối, thật xa, khuất tầm mắt mọi người? Đó là điều tôi không thể quyết định. Tôi đang nỗ lực hết mình để tồn tại nơi đây, ngay khi tất cả những mối lo âu này vẫn còn đó, thật lạ lùng. Đây là điều tôi muốn quý vị hiểu cho: Kiểu phô bày này đối với tôi là thứ mới mẻ. Tôi thật là chưa bao giờ hiện hữu theo cách thế này. Hồi xa xưa, chúng ta thường ở cùng một phía hơn. Tôi thích thu hút sự chú ý của các vị, nhưng không cần phải suy tư nhiều về chuyện ấy, bởi đó là lúc tôi cảm thấy thư giãn nhất. Do đó cứ giữ tôi ở một góc tâm hồn quý vị và hãy quên đi việc tôi thậm chí vẫn còn đó. Tôi muốn nhắc quý vị – một cách âm thầm, theo cách mà tôi từng làm hồi xa xưa – rằng thật tuyệt khi hiện hữu trước quý vị mà quý vị thậm chí còn không biết đến. Dù thế, tôi không dám chắc điều này thật sự có thể xảy ra lần nữa. Bởi vì vấn đề thật sự là vầy: tôi cứ hay nghĩ mình là hình ảnh, lúc mà thật sự tất cả những gì tôi hiện hữu ra chỉ là từ ngữ. Bởi vì khi tôi là các mẫu tự, tôi nghĩ mình là hình ảnh, và khi tôi là hình ảnh thì tôi lại nghĩ mình là mẫu tự. Nhưng điều này không phát xuất từ mâu thuẫn – đây là cuộc sống của tôi. Để coi quý vị mất bao lâu để làm quen với nó. Nếu quý vị hỏi tôi, thì lí do mà chúng ta không thể thông hiểu lẫn nhau chính là phần bên trong đầu óc quý vị nó khác. Quý vị thấy đó, lí do duy nhất tôi ở đây là để tạo một ý nghĩa nào đó. Nhưng quý vị nhìn tôi như thể tôi chỉ là một vật thể. Vâng, tôi biết – tôi đúng là có một cơ thể. Nhưng cơ thể tôi chỉ ở đây nhằm giúp cho phần ý nghĩa của tôi vỗ cánh bay xa thôi. Từ cách quý vị nhìn tôi thì tôi biết mình có cơ thể này, biết phần bên trái và bên phải của tôi được trang hoàng bằng màu sắc và các dạng hình. Điều này làm tôi hài lòng và nó làm tôi lúng túng. Ngày xưa, khi tôi chỉ là một ý nghĩa, tôi chưa từng nghĩ đến chuyện mình cũng là một vật thể, và tôi còn không có tâm hồn nữa; tôi không khác chi một kí hiệu khiêm nhường băng qua giữa hai tâm hồn đẹp đẽ. Tôi không chú ý đến sự hiện hữu của bản thân, và điều này thật hay. Quý vị có thể nhìn tôi và tôi sẽ không nghĩ gì đến nó. Nhưng giờ đây, khi đôi mắt quý vị chạy lướt qua bọn mẫu tự chúng tôi, tôi cảm thấy như thể mình có một cơ thể – như thể tất cả những gì tôi có chỉ là một cơ thể – và những cơn rùng mình chạy khắp người tôi. Được thôi, tôi sẽ thừa nhận điều đó: tôi thích vậy, chỉ một tẹo thôi, và tôi sẽ đồng hành cùng nó, nhưng tôi cũng cảm thấy có chút ngượng ngùng. Nhưng vào thời điểm nó bắt đầu làm tôi hài lòng, tôi muốn hài lòng hơn nữa và điều đó làm tôi sợ hãi. Kết cuộc tôi đành hỏi bản thân, Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo đây? Tôi bắt đầu lo lắng cơ thể mình sẽ che khuất đi phần linh hồn và lo lắng rằng cái ý nghĩa – ý nghĩa của tôi – sẽ bị đẩy vào tận nơi sâu thẳm trong tôi. Đó là lúc tôi bắt đầu muốn ẩn mình trong bóng tối. Đó là khi quý vị không còn hiểu tôi nữa, quý vị bắt đầu thấy lúng túng, và thậm chí quý vị không thể nhận ra là quý vị đang đọc tôi, hay chỉ đơn thuần nhìn chằm chằm vào tôi. Đó là khi tôi thấy sợ hãi cơ thể mình và ước gì tôi chỉ là một ý nghĩa mà thôi, nhưng tôi cũng biết mình đã để điều này xảy ra quá muộn màng. Giờ đây không còn lối nào quay về những ngày xưa tốt đẹp nữa, quay về những tháng ngày trước khi quý vị xuất hiện; không còn lối quay về thời điểm tôi chỉ là một ý nghĩa mà thôi. Vào quãng thời gian như lúc này tôi không hoàn toàn ở nơi đây cũng chẳng hoàn toàn ở nơi khác; thay vào đó tôi lãng đãng giữa đất trời mông mênh, không biết đi đâu về đâu. Điều này thật đau lòng, và tôi gắng xoa dịu bản thân bằng những lạc thú nơi cơ thể. Tôi thích thu hút sự chú ý của quý vị, nhưng quý vị đừng gửi gắm nó quá nhiều suy tư, bởi đó là lúc tôi cảm thấy thư giãn nhất. Liệu tôi có nên là một ý nghĩa hay nên là một vật thể? Mẫu tự hay hình ảnh? Điều đó nhắc tôi nhớ, tôi – gượm đã, đừng đi vội thế… tôi vẫn chưa thể chịu được ý nghĩ là quý vị lật sang trang… quý vị vẫn không hiểu tôi thế mà lại ruồng bỏ tôi…  Continue reading

Orhan Pamuk – Anh viết cho ai?

 

Orhan Pamuk

Anh viết cho ai?

Duy Đoàn chuyển ngữ từ bản tiếng Anh của Maureen Freely

 

Anh viết cho ai? Hơn ba mươi năm có lẻ vừa qua – kể từ lúc tôi thành nhà văn – đây là câu hỏi tôi được nghe nhiều nhất từ phía độc giả lẫn cánh báo chí. Động cơ tuỳ thuộc vào thời gian và nơi chốn, cũng như còn tuỳ vào mức độ tò mò của mấy người đó, nhưng khi hỏi thế thì tất cả mọi người đều có cùng giọng điệu ngờ vực và khinh khỉnh.

Vào giữa thập niên bảy mươi, lúc tôi quyết định trở thành tiểu thuyết gia, câu hỏi ấy phản ánh quan điểm thường thấy ở mấy kẻ thô thiển cho rằng nghệ thuật và văn chương là những thứ xa xỉ khó lòng đáp ứng được ở một nước nghèo không thuộc phương Tây đang vật lộn để gia nhập được vào thời hiện đại. Cũng có ý cho rằng nếu người nào đó “được giáo dục và có học thức cao giống anh” thì hắn có thể phụng sự quốc gia theo hướng có ích hơn bằng cách trở thành bác sĩ chống dịch bệnh hay kĩ sư cầu đường. (Jean-Paul Sartre tin vào quan điểm này hồi đầu thập niên 1970 khi ông nói ông sẽ không sa vào chuyện viết tiểu thuyết nếu là một trí thức ở Biafra.)

Những năm sau, mấy tay chất vấn đó càng thích thú chuyện tìm hiểu xem ở trong xã hội mà tôi đặt niềm hi vọng vào thì bộ phận nào có thể đọc và ngưỡng mộ tác phẩm của tôi. Tôi biết đây là câu hỏi đầy mưu mẹo, bởi nếu tôi không trả lời, “tôi viết cho những người nghèo nhất và những ai bị áp bức nhất trong xã hội!” thì hẳn là người ta sẽ gán cho tôi cái tội bảo vệ lợi ích mấy tay chủ đất và tư sản ở Thổ-nhĩ-kì – ngay cả khi người ta nhắc tôi rằng bất kì nhà văn hoà nhã và trong sáng nào mà khẳng định rằng mình viết cho nông dân, công nhân và những kẻ bần cùng thì ắt là sẽ viết cho những người ít học thức. Hồi thập niên 1970, khi mẹ hỏi tôi viết văn dành cho ai, giọng điệu buồn rầu và đầy lo lắng của bà cho tôi biết bà thực sự muốn hỏi thế này, Con tính lo cho thân mình ra sao đây? Và khi mấy người bạn hỏi tôi viết dành cho ai, chỉ cần nghe giọng có chút chế giễu là đủ biết ý họ rằng, không ai muốn đọc sách do một người như tôi viết ra. Continue reading