J. E. Cirlot – Quạ

Vì màu đen của nó, quạ được kết nối với ý tưởng về sự khởi đầu (như đã được biểu thị trong những biểu tượng như đêm mẹ, bóng tối nguyên thuỷ, đất đai màu mỡ). Vì cũng kết nối với khí quyển, nó là một biểu tượng cho quyền năng phi thường, sáng tạo, và cho sức mạnh tâm linh. Vì khả năng bay lượn, nó được coi là một sứ giả. Và, tóm lại, quạ đã được phong cho một tạo nghĩa vũ trụ sâu rộng bởi nhiều người nguyên thuỷ. Thực vậy, đối với những người Anh-điêng Da đỏ ở Bắc Mĩ nó là đấng khai hoá vĩ đại và là đấng sáng tạo của thế giới khả kiến. Nó có một ý nghĩa tương tự đối với những người Celt và những bộ lạc German, cũng như ở Siberia (35). Continue reading

Alice Munro – Những mặt trăng của sao Mộc

Tôi tìm thấy cha tại khoa tim mạch, trên tầng tám Bệnh viện Đa khoa Toronto. Ông nằm trong một phòng đôi. Giường kia để trống. Ông nói bảo hiểm y tế của ông chỉ chi trả cho một giường trong phòng thường thôi, và ông lo sẽ bị tính thêm chi phí.

“Ba không hề yêu cầu phòng đôi,” ông nói.

Tôi nói rằng các phòng thường có lẽ hết chỗ rồi.

“Không. Ba thấy có vài giường trống lúc họ đẩy xe lăn của ba đi ngang qua mà.”

“Vậy là do ba phải mắc vào cái kia,” tôi nói. “Ba đừng lo. Nếu tính thêm chi phí, họ sẽ thông báo cho ba biết mà.”

“Chắc vậy,” ông nói. “Họ không muốn lắp đặt mớ thiết bị đó trong phòng thường. Ba nghĩ chúng dành cho ba.”

Tôi nói chắc chắn là vậy rồi.

Continue reading

Jorge Luis Borges – Akutagawa Ryūnosuke, Hà Đồng

Thales đã đo bóng của một kim tự tháp để xác định chiều cao của nó; Pythagoras và Plato đã giảng về sự đầu thai của những linh hồn; bảy mươi người sao chép bản thảo, tách li trên hòn đảo của Pharos, trong bảy mươi ngày đã cho ra đời bảy mươi bản dịch Pentateuch tương đồng; Virgil, trong sách thứ hai của Georgics, đã suy ngẫm về những thứ tơ lụa tinh nhã được dệt bởi những người Trung-hoa; và ngày xưa, những người cưỡi ngựa ở ngoại thành Buenos Aires hẳn đã cùng tranh tài trong một trận polo, trò chơi của người Ba-tư. Dù giả hay thật, những truyện này (mà người ta nên thêm vào, giữa nhiều truyện khác, sự có mặt của Attila trong những khổ thơ của Elder Edda) đánh dấu những giai đoạn liên tục trong một tiến trình phức tạp và muôn thuở vẫn đang tiếp diễn: sự khám phá phương Đông của những xứ sở phương Tây. Tiến trình này, có thể nói, có chiều ngược lại của nó: phương Tây bị khám phá bởi phương Đông. Chiều khác này thuộc về những người truyền đạo trong những chiếc áo choàng màu vàng nghệ mà một vị hoàng đế theo đạo Phật đã phái tới Alexandria, cuộc chinh phục Tây-ban-nha Kitô-giáo của Islam-giáo, và những cuốn sách mê hoặc và đôi khi rất đáng sợ của Akutagawa.

Continue reading

Koenraad Elst – Tại sao 12?

 

Koenraad Elst

Tại sao 12?

Duy Đoàn chuyển ngữ
Nguyễn Tiến Văn hiệu đính

Bài này xử lí một vấn đề của biểu tượng học: có gì đặc biệt về số 12? Theo lịch sử, sự ưu ái dành cho số 12 phải quay về lại Hoàng đạo. Do vậy, lá cờ mười hai ngôi sao của Liên minh châu Âu được thiết kế, trong một cuộc thi công khai, bởi một người sùng mến Miriam Đồng trinh, người đã nghĩ đến đoạn Khải huyền trong đó vị trinh nữ thiên giới xuất hiện trong một hình tròn mười hai ngôi sao; và “mười hai ngôi sao” này, tiếng Hebrew là mazzalot (từ đó ra từ mazzel!, “điềm lành”, gốc là “ngôi sao may mắn”, “cấu hình sao có lợi – beneficial stellar configuration”), là một biểu đạt chuẩn mực chỉ đến Hoàng đạo, phép chia mặt phẳng Hoàng đạo (Ecliptic) [1] thành mười hai phần bằng nhau, mỗi phần đại diện là một biểu tượng: Bạch-dương, Kim-ngưu, Song-tử, Cự-giải, Sư-tử, Xử-nữ, Thiên-bình, Hổ-cáp, Nhân-mã, Ma-kết, Bảo-bình, Song-ngư.

Mặc dù chúng ta công nhận mối nối kết mật thiết giữa chiêm tinh học và cấu trúc biểu tượng của Hoàng đạo, nhưng điều đó nằm ngoài phạm vi của bài viết để bàn về những thành tích mà chiêm tinh học tự nhận. Thực vậy, chúng ta cho rằng cả kho truyện về các ngôi sao bao gồm Hoàng đạo đã có trước cách người ta dùng nó làm công cụ dành cho bói toán, và điều đó đáng phân tích thuần tuý như một lối tạo dựng biểu tượng, bất kể giới bói toán dùng nó ra sao. Ngược lại với những gì một số chiêm tinh gia khẳng định, thiên văn học xa xưa hơn chiêm tinh học rất nhiều. Nhưng khác với chiêm tinh học, xu hướng tự nhiên trong việc đọc ra “những khuôn mặt trên trời”, hay trong trường hợp này là những hình ảnh trong các nhóm sao, cũng xưa cũ tương đương với chính hành vi ngắm sao trời vậy.

Continue reading

Jerome Delamater – Về Hara Setsuko

Hara Setsuko

Jerome Delamater

Về Hara Setsuko

Duy Đoàn chuyển ngữ

Mặc dù sự nghiệp của cô rất dồi dào và vai của cô đa dạng, nhưng Hara Setsuko được phương Tây biết đến chính yếu ở vai trò một nhân vật khiêm nhường trong sáu phim của Ozu Yasujirô. Phạm vi của cô rộng hơn nhiều so với hàm ý trong những bộ phim được làm với Ozu; những thay đổi của cô ở hành vi và bề ngoài chỉ trong phim No Regrets for Our Youth của Kurosawa, ví dụ vậy, là điều gây sửng sốt. Tuy thế, Ozu đã nắm bắt được cái tinh tuý trong vai diễn của cô; nữ tính mà mạnh mẽ, thường theo truyền thống ở cách ăn vận nhưng lại chịu sự thu hút từ những cung cách hiện đại; là một phần của một đơn vị gia đình nhưng lại độc lập về tinh thần. Đối với Ozu, Hara đã biểu hiện một cách hiệu quả cái vị thế phức tạp của Nhật-bản hiện đại nằm giữa di sản văn hóa với vai trò trung tâm của mình trong nền kinh tế toàn cầu hậu thế chiến II.

Trong Currents in Japanese Cinema (Những dòng chảy trong nền điện ảnh Nhật), Sato Tadao viết rằng, “Hara Setsuko có được hình ảnh của một người đàn bà hiện đại và thông minh, những phẩm chất làm cho khán giả Nhật yêu mến cô ta.” (So sánh với những ngôi sao Mĩ như Katharine Hepburn và Joan Crawford là những so sánh thường gặp.) Có lẽ vai tiêu biểu nhất của cô ngoại trừ trong những phim cộng tác với Ozu là vai một quả phụ bị ngược đãi trong No Regrets for Our Youth, mà trong đó, thông qua sự kiên trì của mình, cô chứng tỏ bản thân là người kiên định và bất khuất. Trong nhiều phim cô thủ vai những nhân vật có sự nghiệp hoặc những người có thể giữ lại được căn cước của chính mình – và thường là để khẳng định bản thân – bên trong xã hội do nam giới thống trị. Continue reading

Nicole Aschoff – Xã hội điện thoại thông minh

(Ảnh: Jacobin magazine)

(Ảnh: Jacobin magazine)

Nicole Aschoff

Xã hội điện thoại thông minh

Duy Đoàn chuyển ngữ

 

Giống như xe hơi đã định ra thế kỉ hai mươi, điện thoại thông minh đang tái định hình cách chúng ta sống và làm việc ngày nay.

Trong nhiều phương diện thì xe hơi là một món hàng quyết định của thế kỉ hai mươi. Tầm quan trọng của nó không bắt nguồn từ tính thục luyện kĩ nghệ hoặc độ phức tạp của dây chuyền sản xuất, mà thay vào đó bắt nguồn từ khả năng phản ánh và định hình xã hội. Những phương thức mà chúng ta sản xuất, tiêu dùng, sử dụng và điều tiết xe hơi chính là cửa sổ nhìn vào chính chủ nghĩa tư bản của thế kỉ hai mươi – một cái thoáng nhìn vào cách mà phần xã hội, chính trị và kinh tế giao cắt nhau và đụng độ nhau.

Ngày nay, trong một giai đoạn mà đặc trưng là sự tài chính hóa và toàn cầu hóa, trong đó “thông tin” nằm ở ngôi vua, thì cái ý tưởng về bất kì món hàng nào định nên thời đại này trông có vẻ lạ kì. Nhưng hàng hóa ngày nay không kém phần quan trọng, và mối quan hệ của con người với chúng vẫn còn là điều trọng tâm để thông hiểu xã hội. Nếu xe hơi là nền tảng để nắm bắt thế kỉ trước, thì điện thoại thông minh chính là món hàng quyết định nên thời đại chúng ta.

Ngày nay người ta đang dành nhiều thời giờ cho điện thoại của họ. Họ kiểm tra điện thoại liên tục suốt cả ngày và giữ điện thoại luôn ở gần bên mình. Họ ngủ kế bên điện thoại, mang chúng vào phòng tắm, và chăm chú vào chúng khi đang đi bộ, đang ăn, học, làm việc, chờ đợi và đang lái xe. 20% số thanh niên thậm chí còn thừa nhận có kiểm tra điện thoại trong lúc quan hệ tình dục.

Khi người ta dường như luôn mang chúng trên tay hoặc bỏ chúng trong túi ở bất cứ chỗ nào họ đến, suốt cả ngày dài, thì điều đó nghĩa là gì? Để cắt nghĩa cho cái mà chúng tôi cho là chứng nghiện điện thoại tập thể, chúng ta nên làm theo lời khuyên của Harry Braverman, và khảo xét “một mặt là chiếc máy và mặt kia là những mối liên hệ xã hội, và thể cách mà hai điều đó hợp cùng nhau trong xã hội.” Continue reading

J. E. Cirlot – Thú một sừng

Tượng trưng cho sự trong trắng và cũng là một biểu hiệu của thanh kiếm hay lời Chúa (20, 4). Truyền thống thông thường biểu thị nó như một con ngựa trắng với một chiếc sừng mọc từ trán, nhưng theo niềm tin bí truyền nó có một thân hình trắng, một cái đầu đỏ và mắt xanh dương. Truyền thuyết kể rằng nó không biết mệt mỏi lúc bị đuổi bắt song lại trở nên hiền lành khi một trinh nữ đến gần (59). Điều này dường như gợi ý rằng nó là biểu tượng của tính dục thăng hoa. Ở Trung-hoa, loài thú này gọi là Kì lân vốn được một số tác giả đồng nhất với thú một sừng, trong khi một số khác lại bất đồng với điều này vì Kì lân có hai sừng. Nó là một tượng vật của những sĩ quan quân đội cấp cao và là một biểu hiệu của sự chính trực và dòng dõi cao quý. Da nó gồm năm màu – đỏ, vàng, xanh dương, trắng và đen; tiếng kêu của nó giống tiếng chuông ngân. Truyền thuyết cho rằng nó sống được một ngàn năm và là loài cao quý nhất trong các loài vật (5). Continue reading

Jorge Luis Borges – Thú một sừng của Trung-hoa

Thú một sừng Trung-hoa, kì lân, là một trong bốn sinh vật của điềm lành; những loài kia là rồng, phượng hoàng, và rùa cạn. Thú một sừng đứng đầu tất cả 360 loài sinh vật sống trên cạn. Nó có phần thân của một con nai, đuôi của một con bò, các móng guốc của một con ngựa. Chiếc sừng ngắn của nó, mọc từ trán, bằng da thịt; lớp giáp của nó, trên lưng, gồm năm màu pha trộn, còn bụng thì màu nâu hay vàng. Nó hiền hoà đến nỗi khi bước đi nó cẩn thận không giẫm lên những sinh vật nhỏ bé nhất và thậm chí không ăn cỏ sống mà chỉ ăn cỏ khô. Sự xuất hiện của nó báo trước sự ra đời của một vị thủ lĩnh chính trực. Làm tổn thương Thú một sừng Trung-hoa hay tình cờ nhìn thấy xác của nó là điều không may. Tuổi thọ tự nhiên của loài vật này là một ngàn năm.

Continue reading

Jorge Luis Borges – Thú một sừng

Lời kể đầu tiên về Thú một sừng cũng gần tương đồng với lời kể mới đây nhất. Bốn trăm năm trước Công nguyên, nhà sử học và thầy thuốc người Hi-lạp Ctesias kể rằng giữa các vương quốc ở Ấn-độ có những con lừa hoang rất nhanh nhẹn với lớp giáp trắng, đầu tím, mắt xanh dương, và giữa trán chúng là một chiếc sừng nhọn có gốc màu trắng, chóp màu đỏ, và phần giữa màu đen. Pliny đã viết tỉ mỉ hơn (VIII, 31):

loài thú dữ tợn nhất là thú một sừng, toàn thân giống như một con ngựa, nhưng đầu thì giống một con nai đực, chân giống một con voi, và đuôi giống một con lợn lòi, và có tiếng rống trầm, và một chiếc sừng đen dài 3 feet (0,9144 mét) nhô ra giữa trán. Người ta nói không thể bắt sống được loài thú này.

Continue reading

John Lukacs – Những con quái vật hợp cùng nhau

John Lukacs

Những con quái vật hợp cùng nhau

Duy Đoàn chuyển ngữ

 

Đây là bài điểm sách cho cuốn The Devils’ Alliance: Hitler’s Pact with Stalin, 1939–1941 của Roger Moorhouse, Basic Books, 382 trang, $29.99

 

Trong kho văn liệu khổng lồ về Stalin và Hitler trong suốt thời Thế chiến II, rất ít điều được nói về mối quan hệ đồng minh của họ trong 22 tháng. Đó không chỉ là một chương lạ thường trong lịch sử cuộc chiến, và ý nghĩa của điều này xứng đáng có được nhiều sự chú ý hơn những gì được tiếp nhận lâu nay.

Có hai yếu tố liên quan đến sự thờ ơ này. Một là sau khi Hitler quyết định xâm chiếm Nga mà thực hiện không thành; Stalin trỗi lên như một trong những kẻ chiến thắng uy quyền của Thế chiến II. Yếu tố còn lại là việc các Thế lực Tây phương không mấy lưu tâm đến Đông Âu. Tuy vậy cuộc chiến nổ ra vào năm 1939 lại là do Đông Âu, là kết quả từ quyết định của người Anh (và Pháp) nhằm chống lại việc Đức chinh phục Ba-lan. Cơn địa chấn chính trị của Hiệp ước Nazi-Soviet vào ngày 23 tháng Tám năm 1939 chín ngày trước khi nổ ra cuộc chiến vào ngày 1 tháng Chín đã không ngăn được Anh quốc và Pháp tuyên bố chiến tranh với Đức trước cuộc xâm lăng của Đức vào Ba-lan. Đây là một trong số ít – rất ít – những quyết định có ích cho họ vào thời điểm đó. Việc họ miễn cưỡng trong nhiều tháng tiếp theo để tiến hành nghiêm túc cuộc chiến chống Đức lại là câu chuyện khác.

Giờ đây ba phần tư thế kỉ đã trôi qua kể từ năm 1939. Khá nhiều điều được viết về Hiệp ước Nazi-Soviet kể từ lúc ấy, phần lớn của các cây bút và sử gia Đông Âu. The Devil’s Alliance là bản tường trình tốt của sử gia Anh Roger Moorhouse về việc hiệp ước có ý nghĩa gì đối với Hitler và Stalin – và tệ hơn là đối với nạn nhân của hiệp ước đó. Có lẽ phần giá trị nhất của cuốn sách đã xử lí được những hậu quả tức thời của hiệp ước năm 1939. Trước đó, một cách hiển nhiên và dữ dội, chủ nghĩa Nazi và chủ nghĩa cộng sản là kẻ thù công khai của nhau. Từ những ngày đầu tiên thăng tiến chính trị của mình, Hitler đã mô tả Do-thái giáo và chủ nghĩa cộng sản là hai kẻ thủ chính yếu của mình. Vào thời điểm đó, Stalin không hẳn là một kẻ theo ý hệ. Cũng như Hitler, y là một người theo chủ nghĩa dân tộc; y gần như không lưu tâm đến chủ nghĩa cộng sản quốc tế. Continue reading