Dave Kehr – Về đạo diễn Jacques Tati

Jacques Tati

Dave Kehr

Về đạo diễn Jacques Tati

Duy Đoàn chuyển ngữ

 

Cha của Tati đã thất vọng khi con trai mình không tham gia vào công việc kinh doanh của gia đình, phục chế và đóng khung những bức hoạ xưa cũ. Tuy thế trong những phim của Jacques Tati, nghệ thuật đóng khung – chọn lựa các đường biên, và khai thác những giới hạn của hình ảnh – đã đạt được tầm cao biểu hiện mới. Thay vì phục chế lại các bức hoạ xưa cũ, Tati phục dựng lại nghệ thuật hài kịch hình ảnh, mang đến một mật độ và nét sắc sảo mới ở các chi tiết, một nét sáng sủa mới về mặt bố cục. Ông là một trong số ít những nghệ sĩ điện ảnh – những người khác gồm có Griffith, Eisenstein, Murnau, Bresson – được cho là có thể chuyển hoá phương tiện truyền đạt ở cấp độ căn bản nhất, để phát hiện ra một lối nhìn mới.

Sau sự nghiệp ngắn ngủi làm cầu thủ rugby, Tati bước vào khu vực sân khấu tạp kĩ của Pháp vào đầu thập niên 1930; lối diễn của ông là dùng kịch câm giễu nhại những ngôi sao thể thao thời đó. Một số buổi trình diễn của ông được quay lại thành những đoạn phim ngắn vào thập niên 1930 (và ông xuất hiện với vai diễn phụ trong hai phim của Claude Autant-Lara), nhưng ông không quay lại việc đạo diễn mãi đến khi kết thúc chiến tranh, với bộ phim ngắn năm 1947 L’Ecole des facteurs. Hai năm sau, phim ngắn đó được mở rộng thành phim truyện, Jour de fête. Ở đây Tati vào vai một anh bưu tá làng, người bị choáng trước những phương pháp “hiện đại, hiệu quả” mà anh ta thấy được trong một phim ngắn nói về hệ thống bưu điện tại Mĩ, và anh bưu tá này quyết định cải tiến quá trình hoạt động của mình để nó mượt mà hơn. Chủ đề châm biếm xuyên suốt toàn bộ tác phẩm của Tati – sự lạnh lùng của công nghệ hiện đại – đã vững chắc, mà quan trọng hơn là phong cách hình ảnh của ông cũng vậy. Nhiều cảnh hoạt kê trong Jour de fête phụ thuộc vào cách dùng những đường khung và những đối tượng tiền cảnh để làm mờ đi sự kiện hài hước – không đẩy cảnh hoạt kê đó tới bến, mà giấu nó đi và tinh lọc nó, để buộc người xem phải trực cảm, và đôi lúc phải sáng tạo, câu chuyện cười cho bản thân mình. Continue reading

Dave Kehr – Về bộ phim Les vacances de Monsieur Hulot (1953) của Jacques Tati

Dave Kehr

Về bộ phim Les vacances de Monsieur Hulot (1953) của Jacques Tati

Duy Đoàn chuyển ngữ

Les vacances de Monsieur Hulot là một trong những phim cấp tiến nhất từng được thực hiện – một Sacre du printemps của điện ảnh. Nếu như tư tưởng cấp tiến không được người đời nhận thức đầy đủ – dù nó mang lại tính giải trí cho khán giả khắp thế giới thay vì gây chướng tai gai mắt – thì bởi do Les vacances là một bộ phim hài, và ai cũng biết rằng với phim hài thì không nên làm vấn đề nghiêm trọng lên làm gì. Nhưng không có Les vacances thì cũng sẽ không có Jean-Luc Godard, không có Jean-Marie Straub, không có Marguerite Duras – không có cả nền điện ảnh hiện đại. Với bộ phim sản xuất năm 1953 này, Jacques Tati đã gây chia rẽ nền điện ảnh với lối kể chuyện cổ điển. Để làm thế, Tati đã phải quay trở về thời tiền sử của điện ảnh – thời của những Lumière, Méliès, Porter và những bậc tiền bối vô danh tính khác, trước khi mức ưu tiên của hình thức kể chuyện được người ta lồng vào chắc chắn trong quá trình quay và biên tập phim ảnh – để từ đó Tati có thể tìm ra một lối nhìn không dùng hình thức kể chuyện. Tia nhìn máy quay của Tati, cũng giống như trong những bộ phim thuở ban đầu, gần như hoàn toàn ngây ngô: nó không tạo ra những phán xét về giá trị, hay tạo ra việc lựa chọn yếu tố này so với yếu tố khác, điều này buộc câu chuyện vượt ra ngoài thế giới đồng nhất. Tati quay những khung hình mà không mang trong mình một định kiến nào, cũng như không một ưu tiên nào; ông thấy được (hay là nỗ lực để thấy, trong giới hạn khung hình) mọi thứ.  Continue reading

Dave Kehr – Về bộ phim Playtime (1967) của Jacques Tati

Dave Kehr

Về bộ phim Playtime (1967) của Jacques Tati

Duy Đoàn chuyển ngữ

Playtime của Jacques Tati có lẽ là thành quả hùng tráng duy nhất của điện ảnh hiện đại, phim đã đạt được những mục tiêu hiện đại chuẩn mực khi phá vỡ lối kể chuyện khép kín dạng cổ điển và khám phá ra một hình thức kể chuyện mới, cởi mở, không những vậy mà còn dùng hình thức kể chuyện mới đó để sản sinh khung cảnh của toàn thể xã hội. Sau khi gầy dựng được một lượng độc giả vững chắc ở tầm quốc tế với ba bộ phim hài Jour de fête, Mr. Hulot’s Holiday, và Mon oncle, Tati bỏ ra mười năm lập kế hoạch tạo ra một bộ phim sẽ trở thành kiệt tác sau này, ông bán hết quyền sở hữu những bộ phim cũ của mình để có thêm số tiền cần thiết nhằm xây dựng những khung cửa kiếng và bộ khung sắt thép khổng lồ – với tên gọi thân mật là “Tativille” – đó là cách mà Tati nhìn về một Paris hiện đại. Bộ phim – dài 2 giờ 35 phút, dùng phim nhựa 70 mm và âm thanh nổi (stereophonic) – mở màn tại Pháp năm 1967, và ngay lập tức gặp thất bại. Khi bộ phim được phát hành tại Mĩ năm 1972, người ta nhanh chóng rút ngắn phim còn 108 phút, dưới sự giám sát của Tati, rồi sau đó lại giảm xuống còn 93 phút và dùng phim nhựa 35 mm với âm thanh đơn (monaural). Thậm chí với hình thức thu gọn như thế, nó vẫn là một bộ phim tầm cỡ, với mật độ dày đặc và đầy sáng tạo.

Continue reading