Perry Link – Khúc thọ nạn của Lưu Hiểu Ba

Ảnh: Liu Xa/New York Review of Books

Perry Link

Khúc thọ nạn của Lưu Hiểu Ba

Duy Đoàn chuyển ngữ

Lời người dịch: Đây coi như là bài điếu văn, do Perry Link chấp bút, dành cho Lưu Hiểu Ba, ngay sau cái chết của ông vào ngày hôm qua (13/7/2017). Một bài viết tóm tắt sự thọ nạn của ông từ bấy đến nay, rất súc tích và rất trúng đích.

Vào cuối thập niên 1960, Mao Trạch Đông 毛泽东, Đại Đà thủ (大舵手/Great Helmsman) của Trung-quốc, khuyến khích trẻ em và thiếu niên nên đối đầu với giáo viên và bố mẹ chúng, tiệt trừ “ngưu quỷ xà thần”, và nói cách khác là “làm cách mạng”. Thực tế điều này nghĩa là đóng cửa các trường học ở Trung-quốc. Trong những thập niên sau đó, nhiều người đã chỉ trích sự thiếu giáo dục của một thế hệ.

Lưu Hiểu Ba 刘晓波, khôi nguyên Nobel Hoà bình, người bị kết án 11 năm vì tội “khích động lật đổ” chính quyền Trung-quốc, và người đã chết vì ung thư gan hồi thứ Năm (13/7/2017), chính là người minh hoạ cho một hình mẫu khác. Lúc trường học đóng cửa, Lưu, sinh năm 1955, được 11 tuổi, nhưng dẫu sao ông cũng đọc sách, ở bất cứ chỗ nào ông có thể tìm thấy sách. Với việc không giáo viên nào bảo ông biết chính phủ muốn ông nghĩ gì ở những cuốn sách ông đọc, ông bắt đầu tự mình suy tư lấy—và ông yêu thích việc này. Mao tình cờ đã dạy ông một bài học vốn đối nghịch trực tiếp với mục tiêu của chính Mao trong việc cải đổi trẻ em thành những “hồng tiểu binh”.

Nhưng trải nghiệm này chỉ giải thích được một phần cho tính độc lập ngoan cường của Lưu. Tính này có vẻ còn là một đặc điểm bẩm sinh. Nếu có một loại gien dành cho sự thẳng thừng, Lưu có thể có nó. Vào thập niên 1980, trong khi hãy còn là sinh viên cao học ngành văn chương Trung-quốc, ông đã nổi danh như là một “hắc mã” vì ông lên án gần như mọi nhà văn Trung-quốc đương thời: ngôi sao văn chương Vương Mông 王蒙 là tay giảo hoạt chính trị; những cây bút “tầm căn 寻根 (tìm về nguồn cội)” như Hàn Thiểu Công 韓少功 lại quá sức lãng mạn khi nói về giá trị của những truyền thống Trung-quốc; thậm chí những vị anh hùng lên tiếng vì người dân như Lưu Tân Nhạn 刘宾雁 lại quá sẵn sàng phó thác hi vọng vào những lãnh đạo Cộng sản theo “tự do chủ nghĩa” như Hồ Diệu Bang 胡耀邦. Không ai có đủ tinh thần độc lập. Ông viết vào năm 1986, “Tôi có thể tóm gọn trong một câu cho thấy chuyện gì bất ổn đối với các nhà văn Trung-quốc. Họ không tự mình viết sáng tạo được—họ chỉ đơn giản là không có năng lực đó—vì chính cuộc đời của họ không thuộc về họ.” Continue reading

Ian Johnson – Những kẻ thao túng kí ức ở Trung-quốc

Ian Johnson

Những kẻ thao túng kí ức ở Trung-quốc

Duy Đoàn chuyển ngữ

 

Giới cai trị của đất nước này không chỉ bưng bít lịch sử, họ còn tái tạo lịch sử nhằm phục vụ thời hiện tại. Họ biết rằng, trong một nhà nước cộng sản, sự thay đổi thường bắt đầu xảy ra khi quá khứ bị thách thức

 

Khi tôi lần đầu đến Trung-quốc năm 1984, bạn đồng học ngoại quốc và tôi tại trường Đại học Bắc-kinh thường chơi một trò cùng với cuốn sách hướng dẫn cũ. Có nhan đề Nagel’s Encyclopaedia Guide: China (Hướng dẫn toàn thư của Nagel: Trung-quốc), được xuất bản lần đầu năm 1968 tại Thuỵ-sĩ và có nhiều mô tả về các địa điểm văn hoá quan trọng được giới ngoại giao và học giả Pháp ghé thăm. Điều mấu chốt đối với chúng tôi là họ đã tập hợp thông tin hồi thập niên 1950 và đầu thập niên 1960. Nói cách khác, những thông tin này ở thời điểm ngay trước khi Mao phát động cuộc Cách mạng Văn hoá huỷ hoại hàng vạn nơi thờ phụng và địa điểm lịch sử ở khắp Trung-quốc. Chúng tôi tra một nơi ở Bắc-kinh và cưỡi xe đi để xem còn lại những gì.

Tôi nhớ một chuyến đi tìm Ngũ Tháp Tự (五塔寺 – Five Pagoda Temple), được xây dựng cuối thế kỉ 15 và có 5 cái tháp nhỏ nằm trên một bệ đá lớn. Sách của Nagel ghi rằng hầu hết đã bị tiêu huỷ vào thời tao loạn cuối thế kỉ 19 và đầu thế kỉ 20, nhưng vẫn còn đó 5 cái tháp. Mấy tấm bản đồ năm 1980 của chúng tôi cho thấy không có gì, nhưng sách của Nagel làm chúng tôi thấy hiếu kì. Liệu nó còn tồn tại? Continue reading

The Routledge Dictionary of Politics – Dân chủ (democracy)

Dân chủ là khái niệm chính trị được xem trọng nhất và có lẽ cũng mơ hồ nhất trong thế giới hiện đại. Các hệ thống chính trị đa dạng như Mĩ, nhiều nhà nước độc đảng tại châu Phi và các nhà nước cộng sản đều tự miêu tả bản thân như là nền dân chủ. Thực vậy, đây là đặc tính cho sự mơ hồ mà khi hội nghị UNESCO bàn về dân chủ được tổ chức năm 1950, trong hơn 50 quốc gia, đại diện cho một loạt đa dạng các hệ thống chính trị khác nhau, thì mỗi quốc gia đều khẳng định rằng họ (và đôi khi khẳng định chỉ mỗi họ) là nền dân chủ.

Từ ‘democracy’ (dân chủ) thoát thai từ hai từ Hi-lạp cổ: demos (‘người dân’) và kratos (‘sức mạnh’). Tự thân nó thì dân chủ không khác gì so với cái ý rằng, theo ý nghĩa chưa xác định nào đó, quyền lực chính trị kì cùng nằm trong tay của toàn bộ cư dân trưởng thành, và không nhóm nhỏ nào có quyền cai trị. Dân chủ chỉ mang nghĩa hữu dụng hơn khi được bổ nghĩa bằng từ khác mà nó có liên hệ, ví dụ dân chủ tự do (liberal democracy), dân chủ đại diện (representative democracy), dân chủ tham gia (participatory democracy) hoặc dân chủ trực tiếp (direct democracy).

Những ai khi tìm cách biện giải cho danh xưng ‘dân chủ’ dành cho một xã hội mà ở đó quyền lực rõ ràng nằm trong tay một bộ phận cư dân (ví dụ, ở nhiều nước thuộc Thế giới thứ ba hoặc các nước cộng sản), thì họ đều có ý tương đối khác. Khẳng quyết đó không thực sự bảo rằng người dân cai trị, mà bảo rằng dân được cai trị theo những lợi ích của riêng mình. Trước khi xảy ra các biến động do Mikhail Gorbachev khởi xướng tại Liên-xô, những người bảo vệ hệ thống vận hành tại nước này đã khẳng quyết rằng cho đến khi thực hiện được tiến bộ về kinh tế và xã hội, và ‘con người xã hội chủ nghĩa’ đích thực được tạo ra từ giáo dục, tức là cho đến khi đám đông không còn nhận thức sai lầm (false consciousness) của mình, thì các thủ tục dân chủ vẫn là thứ còn hơn cả vô dụng. Lập luận của họ là người dân không thể được cho chọn giới lãnh đạo của chính mình, hoặc có được những lựa chọn chính trị của bản thân, cho đến khi tầm nhìn của họ thực sự thoát khỏi sự xuyên tạc và họ có thể xác định những nhu cầu thực sự mà họ cần đến. Phiên bản dân chủ này có mối nối kết gần gũi với lí thuyết về tự do tích cực (positive liberty). Continue reading

Nicole Aschoff – Xã hội điện thoại thông minh

(Ảnh: Jacobin magazine)

(Ảnh: Jacobin magazine)

Nicole Aschoff

Xã hội điện thoại thông minh

Duy Đoàn chuyển ngữ

 

Giống như xe hơi đã định ra thế kỉ hai mươi, điện thoại thông minh đang tái định hình cách chúng ta sống và làm việc ngày nay.

Trong nhiều phương diện thì xe hơi là một món hàng quyết định của thế kỉ hai mươi. Tầm quan trọng của nó không bắt nguồn từ tính thục luyện kĩ nghệ hoặc độ phức tạp của dây chuyền sản xuất, mà thay vào đó bắt nguồn từ khả năng phản ánh và định hình xã hội. Những phương thức mà chúng ta sản xuất, tiêu dùng, sử dụng và điều tiết xe hơi chính là cửa sổ nhìn vào chính chủ nghĩa tư bản của thế kỉ hai mươi – một cái thoáng nhìn vào cách mà phần xã hội, chính trị và kinh tế giao cắt nhau và đụng độ nhau.

Ngày nay, trong một giai đoạn mà đặc trưng là sự tài chính hóa và toàn cầu hóa, trong đó “thông tin” nằm ở ngôi vua, thì cái ý tưởng về bất kì món hàng nào định nên thời đại này trông có vẻ lạ kì. Nhưng hàng hóa ngày nay không kém phần quan trọng, và mối quan hệ của con người với chúng vẫn còn là điều trọng tâm để thông hiểu xã hội. Nếu xe hơi là nền tảng để nắm bắt thế kỉ trước, thì điện thoại thông minh chính là món hàng quyết định nên thời đại chúng ta.

Ngày nay người ta đang dành nhiều thời giờ cho điện thoại của họ. Họ kiểm tra điện thoại liên tục suốt cả ngày và giữ điện thoại luôn ở gần bên mình. Họ ngủ kế bên điện thoại, mang chúng vào phòng tắm, và chăm chú vào chúng khi đang đi bộ, đang ăn, học, làm việc, chờ đợi và đang lái xe. 20% số thanh niên thậm chí còn thừa nhận có kiểm tra điện thoại trong lúc quan hệ tình dục.

Khi người ta dường như luôn mang chúng trên tay hoặc bỏ chúng trong túi ở bất cứ chỗ nào họ đến, suốt cả ngày dài, thì điều đó nghĩa là gì? Để cắt nghĩa cho cái mà chúng tôi cho là chứng nghiện điện thoại tập thể, chúng ta nên làm theo lời khuyên của Harry Braverman, và khảo xét “một mặt là chiếc máy và mặt kia là những mối liên hệ xã hội, và thể cách mà hai điều đó hợp cùng nhau trong xã hội.” Continue reading

Peter Gray – Thiếu thốn việc chơi đùa

 

Peter Gray

Thiếu thốn việc chơi đùa

Duy Đoàn chuyển ngữ

 

Lời người dịch: Đây là bài viết của nhà tâm lí học Peter Gray, bàn về chuyện chơi đùa của trẻ con và tầm quan trọng của nó.

The play deficit

 

Hồi thập niên 1950, lúc tôi còn bé, mấy đứa trẻ tụi tôi có hai môi trường giáo dục. Chúng tôi có trường học (vốn chẳng phải là thứ to tát giống như ngày nay), và chúng tôi còn có cái mà tôi gọi là “nền giáo dục săn bắt – hái lượm”. Gần như ngày nào sau giờ học, chúng tôi cũng chơi cùng với những đám trẻ đủ mọi lứa tuổi, thường là chơi đến lúc tối mịt. Chúng tôi chơi suốt những ngày cuối tuần và suốt cả mùa hè dài đằng đẵng. Chúng tôi có thời giờ khám phá đủ kiểu, và cũng có thời giờ để cảm thấy chán chường và tìm cách hết chán, có thời giờ để gặp đủ mọi rắc rối và tìm cách thoát khỏi chúng, có thời giờ để mộng mơ, có thời giờ để lao vào chìm đắm trong đủ mọi thú vui, và có cả thời giờ đọc truyện tranh hay đọc bất kì thứ nào tuỳ ý thay vì chỉ đọc sách ở trường. Những gì tôi học được ở nền giáo dục săn bắt – hái lượm rất quý giá đối với cuộc sống trưởng thành của mình, hơn hẳn những gì tôi học được ở trường lớp, và tôi nghĩ những người cùng lứa tuổi với tôi hẳn cũng nghĩ giống thế nếu họ có thời giờ suy nghĩ về điều này.

Hơn 50 năm trôi qua, nước Mĩ hiện nay đang dần dần giảm đi các cơ hội chơi đùa của bọn trẻ, và chuyện tương tự cũng xảy ra ở nhiều nước khác. Trong cuốn sách Children at Play: An American History (2007), Howard Chudacoff cho rằng nửa đầu thế kỉ 20 là ‘thời kì hoàng kim’ đối với việc tự do chơi đùa của bọn trẻ. Vào khoảng năm 1900, nhu cầu lao động trẻ em đã giảm xuống, do vậy trẻ em lúc này có nhiều thời giờ rảnh. Nhưng sau đó, từ khoảng năm 1960 hoặc trước đó một chút, người lớn bắt đầu xén bớt sự tự do ấy bằng cách tăng giờ học hành của bọn trẻ, và thậm chí còn làm giảm việc tự do chơi đùa một mình của trẻ, thậm chí khi chúng hết giờ học và không phải làm bài tập.  Những môn thể thao do người lớn điều khiển bắt đầu thay thế những trò trẻ con; những lớp học ngoại khoá do người lớn chủ trì bắt đầu thay thế những thú vui con trẻ; và những nỗi sợ hãi của các bậc cha mẹ khiến họ thậm chí còn cấm con mình ra ngoài chơi với những đứa trẻ khác, cấm tụi nhỏ đi xa khỏi nhà mà không ai giám sát. Có nhiều lí do cho những đổi thay này nhưng cái tác động đó, qua nhiều thập niên, đã liên tục làm suy giảm một cách đáng kể những cơ hội chơi đùa của bọn trẻ và những cơ hội khám phá theo cách riêng của chúng. Continue reading

David Foster Wallace – Đây là nước

 

David Foster Wallace

Đây là nước

Duy Đoàn trích chọn và chuyển ngữ

 

Có hai con cá con đang bơi cùng nhau, và chúng nó tình cờ gặp một con cá già hơn đang bơi theo hướng khác, con cá này gật đầu chào tụi nó và nói, “Chào buổi sáng các chàng trai, nước thế nào rồi?” Và hai chàng cá bơi tiếp một đoạn, sau đó rốt cuộc một con nhìn con kia rồi nói, “Nước là cái quái gì nhỉ?”

Nếu các bạn lo là tôi dự định tự trình hiện mình ra đây như một con cá già thông thái sắp giải thích nước là gì cho những con cá trẻ như các bạn, thì xin đừng lo. Tôi chẳng phải con cá già gì đâu. Cái ý của câu chuyện cá này đơn thuần là vầy, những thực tại hiển nhiên nhất, thường gặp nhất, quan trọng nhất lại thường là những cái khó thấy nhất và khó nói đến nhất. Khi phát biểu thành một câu tiếng Anh, tất nhiên đây chỉ là một lời vô vị tầm thường, nhưng sự thật là khi lối sống của người trưởng thành suốt ngày cứ lặn ngụp trong công việc thì những lời vô vị tầm thường có thể có tầm quan trọng sống-chết.

Phần lớn những thứ mà tôi thường tự động đoan chắc về nó, hoá ra hoàn toàn sai và ảo tưởng. Đây là một ví dụ về cái sai thậm tệ về một điều mà tôi thường tự động quả quyết chắc chắn: Mọi thứ theo kinh nghiệm trực tiếp của bản thân đều hậu thuẫn cho điều tôi tin tưởng trong lòng rằng tôi là cái rốn tuyệt đối của vũ trụ, là kẻ thực nhất, sống động và quan trọng nhất đang tồn tại. Chúng ta hiếm khi nói về kiểu tự đặt mình vào trung tâm một cách tự nhiên và căn bản thế này, bởi vì cả xã hội ghê tởm nó. Nhưng tất cả chúng ta hầu hết đều vậy. Nó là thiết lập mặc định (default-setting) của chúng ta, được gắn cứng vào bảng thần kinh của ta ngay từ mới sinh ra. Hãy nghĩ về điều đó: Không có trải nghiệm nào các bạn có mà các bạn không ở vào vị trí trung tâm tuyệt đối. Cõi sống như các bạn trải nghiệm nó nằm ngay đó trước mặt bạn, hoặc đằng sau bạn, bên trái hoặc bên phải bạn, trên TV của bạn, hoặc trên màn hình của bạn, hoặc bất kì thứ gì đi nữa. Những ý nghĩ và cảm giác của người khác bằng cách chi đó phải được truyền đạt tới bạn, nhưng cái của bạn thì ngay tức thì, rất khẩn cấp, rất thực. 

Xin đừng lo, tôi chẳng có giảng đạo cho các bạn nghe về lòng từ bi hoặc phải hướng đến kẻ khác hoặc về những cái gọi là đức tính đâu. Đây đâu phải vấn đề về đức tính. Nó là vấn đề về chuyện tôi chọn làm cái việc mà phần nào sẽ biến đổi hoặc sẽ giúp tôi thoát khỏi thiết lập mặc định tự nhiên dính cứng trong tôi, vốn sẽ đặt nặng cái tôi ở trung tâm đúng nghĩa của nó, và sẽ thấy và diễn giải mọi thứ thông qua thấu kính của cái tôi. Những ai có thể điều chỉnh cái thiết lập mặc định của mình theo cách này thường được xem là người “thích nghi tốt”, điều mà tôi đề nghị với các bạn đây không phải là một từ ngẫu nhiên đâu. Continue reading

Nina Hien – Cái tốt, cái xấu và cái không đẹp: Ngoài đường phố và trên mặt đất Việt-nam

 

Nina Hien

Cái tốt, cái xấu và cái không đẹp: Ngoài đường phố và trên mặt đất Việt-nam

 

Anh lật nhanh qua chồng ảnh tại văn phòng Hội Bảo trợ Trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh hồi năm 1999, lấy ra bức chân dung của một cô bé học trò. Anh là người dạy trẻ em đường phố cách chụp ảnh. Bức ảnh được chụp cận cảnh rất sát, anh nhận định. “Cô bé bị gián đoạn chuyện học và chẳng có tương lai gì cả. Đời cô bé kết thúc ở đây. Ai cũng phải nhìn ra ngoài tìm kiếm tương lai… với vai trò một nhiếp ảnh gia bạn phải chừa khoảng trống cho cô bé trưởng thành.” Tính bóng bẩy này đúng theo nghĩa đen.

Giở nhanh sang chồng khác, anh hướng mắt tới bức ảnh chụp một cậu bé đánh giày. Mặc dù cậu bé ngồi đó theo “kiểu cách đẹp đẽ”, nhưng một trong mấy thanh căm xe đạp ở đằng sau dường như muốn cắt đôi đầu cậu bé ra. “Tại sao bạn lại muốn cơ thể bạn bị chia cắt ra?”

Những bức ảnh này rõ ràng “bất hạnh” trong bối cảnh mà ở đó người ta nghĩ những bức hình chụp thường có sức mạnh tiên đoán, quyết định, hoặc vén mở tương lai. Những bức hình chụp không chỉ phản ánh hay chứa đựng quá khứ; chúng còn có thể chủ động tạo ra những sự vật sắp sửa hiện ra.

Những bức ảnh này sẽ không bao giờ được trưng bày.

Một tấm ảnh khác được kéo ra khỏi chồng ảnh, nó phơi bày hình ảnh một bà già với đôi mắt nhắm đang ngủ trên chiếc giường ở một cái chòi xập xệ. Miếng băng bột dơ bẩn bao bọc lấy chân bà ta. Có lẽ bà ấy đã chết. Trong mắt vị giáo viên này, hình ảnh đó mang vẻ “bi quan”. Nó cho thấy cái nghèo và chắc chắn không bao giờ vượt qua được mấy tay kiểm duyệt của nhà nước, những kẻ làm nhiệm vụ kiểm tra hình ảnh được dùng cho mấy buổi trưng bày công cộng.

Ở bức ảnh cuối cùng được chọn, nó mô tả mô phụ nữ trung niên đang lạy trước bàn thờ tổ tiên ở nhà. Ánh nến trong phòng chiếu lên bức tường một cái bóng lớn mang hình dạng một người nào đó. Hình ảnh đó trông “ma quái” và đối với những người “mê tín” thì đây có thể là hình ảnh “rất nguy hiểm”, anh ta cho biết.

Những bức ảnh này nằm trong số hàng ngàn bức hình do trẻ em vô gia cư chụp, trong một chương trình mang tên “Vì trẻ em đường phố” (Street Vision). Nhiệm vụ của bọn trẻ là “ghi lại” những cuộc đời và khung cảnh xung quanh, nhưng thực tế thì mấy bức ảnh thể hiện những phần ảm đạm trong “thực tại” của bọn trẻ sẽ không bao giờ xuất hiện. Một cậu bé dành nguyên cuộn phim chụp về gà móng đỏ (mấy cô gái điếm trẻ vùng ngoại ô làm việc cho các quán ăn ở ngoài rìa khu vực nội thành) khi được giao nhiệm vụ chụp về công việc của mấy đứa trẻ hàng xóm. Bọn trẻ thường bắt lấy những khung cảnh mà người ta dặn chúng không được chụp, chẳng hạn như những mô tả về cái nghèo, và những sinh hoạt phơi bày xã hội Việt-nam theo cách nhìn nghiêm trọng. Những âm bản này quá ư tiêu cực, nên chúng bị tiêu huỷ ngay lập tức, không bao giờ được rửa ra thành ảnh. Anh chàng giáo viên lo lắng bọn trẻ sẽ thấy những cái này không thích hợp dù cho sự thật là chúng mô tả những khung cảnh xung quanh mình.

Toàn bộ những hình ảnh này rơi vào hạng mục “cấm kị”. Chúng bị hạn chế hoặc bị cấm luôn do ý kiến số đông hoặc ý thức hệ của đất nước, vốn thường gây tác động cùng nhau. Tất cả mấy bức ảnh đó đều được xem là xấu xí, mặc dù không ai có thể nói trực tiếp ra như vậy. Bản thân “xấu xí” là một từ nên tránh. Nó được xem là từ khiếm nhã có thể huỷ hoại bộ mặt của người khác ở ngoài xã hội (tức là địa vị và danh tiếng) và làm hỏng các mối quan hệ xã hội mà không cách chi cứu chữa. Bởi vì bề ngoài gương mặt gắn liền với các phẩm chất và tính cách bên trong thông qua lối thực hành xem tướng mặt thông thường (đọc nét mặt), nên chuyện huỷ hoại này có thể ăn sâu vào lòng người. “Xấu” (“ugly” trong tiếng Anh) là chữ kết án con người ta.

Từ “xấu” trong tiếng Việt còn có nghĩa là “xấu xa” (bad). Ở một ngôn ngữ có nhiều cách biểu thị tế vi và từ vựng phong phú, thì việc kết hợp này có vẻ lạ lùng. Nó thể hiện đặc tính bên trong và đặc tính bề mặt. Vai trò của nó trong những từ ghép đã thêm vào một số đặc tính tiêu cực và u ám, những đặc tính đi cùng với những hệ quả gây khó chịu và mang tính xã hội cực đoan, những hệ quả phàm tục, và mang tính hiện sinh, chẳng hạn như “xấu mặt”; “xấu bụng”; “xấu chơi” hay “xấu nết”; “xấu máu” trong tinh thần, tính cách, và thể xác; “xấu lo”; “xấu tay”; và thậm chí còn trở nên “xấu số”.

Với vai trò một từ riêng lẻ, ngoài nghĩa xấu xí và xấu xa, từ “xấu” còn có nghĩa “thô thiển”, “hổ thẹn”, và “chất lượng kém”. Trong từ điển, câu này khi đặt từ “xấu” vào văn cảnh sẽ hé lộ nhiều điều về tính mĩ học ở đây: “Bức tranh xấu và không kiếm được người mua”. Nói cách khác, một vật thể trực quan mà “xấu” tức là không được ưa thích. Nó không có giá trị trưng bày hoặc thương mại bởi vì nó không đẹp. Tính chất xấu xí tạo nên cái hữu hình tồi. Thế nên cho dù, và có lẽ đặc biệt vì nó quá nặng về tính trực quan, nên nó là một thứ cần phải được giữ khuất tầm mắt.  Continue reading

Mark Fischetti – Thành phố hiệu năng cao

 

Mark Fischetti

Thành phố hiệu năng cao

Duy Đoàn chuyển ngữ 

 

Những khu đô thị trên khắp thế giới đang tận dụng nhiều giải pháp sáng tạo nhằm giảm việc tiêu thụ năng lượng, sử dụng nước, giảm lượng chất thải và khí thải, đồng thời cũng làm cho người dân có thể đi lại dễ dàng hơn.

Continue reading

Hạn chế trẻ tiếp xúc màn hình các thiết bị điện tử

Màn hình của các thiết bị điện tử liệu có tốt cho trẻ con?

Trong một công bố hồi tháng 11/2011, Viện Nhi khoa Hoa Kì (American Academy of Pediatrics) đã khuyên rằng cần phải hạn chế những đứa bé dưới 2 tuổi tiếp xúc màn hình TV, máy tính. Đây là lần thứ nhì Viện Nhi khoa Hoa Kì đưa ra lời khuyên này kể từ năm 1999. Bác sĩ Ari Brown cho biết: “Chúng tôi thấy là đến lúc cần xem lại chuyện này, bởi vì hiện giờ nơi đâu cũng có màn hình TV hay phim ảnh, do vậy thông điệp chúng tôi đưa ra trong thời đại ngày nay càng mang tính thời sự hơn.”

Nghiên cứu cho biết có một số chương trình phim ảnh có lợi về mặt giáo dục đối với những đứa bé trên 2 tuổi, chẳng hạn như giúp chúng cải thiện các kĩ năng xã hội, các kĩ năng ngôn ngữ. Tuy nhiên, đối với những đứa bé dưới 2 tuổi thì lại khác, lợi ích giáo dục đến từ các chương trình đó đối với những bé dưới 2 tuổi vẫn còn là một tuyên bố thiếu minh chứng khoa học. Lời khuyên của Viện Nhi khoa Hoa Kì không phải về vấn đề nội dung các chương trình truyền hình hay phim ảnh, mà về vấn đề các chương trình đó không đem lại được ích lợi gì cho bọn trẻ, nếu không muốn nói là còn chứa những nguy cơ tiềm ẩn gây hại cho trẻ.

Tác động của TV và phim ảnh đối với trẻ dưới 2 tuổi

Có những nghiên cứu cho biết nếu trẻ con dưới 2 tuổi xem quá nhiều chương trình truyền hình, thì chúng sẽ dễ có triệu chứng trì trệ trong việc dùng ngôn ngữ để biểu lộ cảm xúc,  (1) (2) (3)  thậm chí ở những trẻ dưới 1 tuổi thì còn có nguy cơ dẫn đến trì trệ phát triển ngôn ngữ. Bởi lẽ màn hình TV (và các loại màn hình khác) tuy có thể phát tiếng nói, nhưng cái môi trường ngôn ngữ ở màn hình thì không thể nào phong phú bằng ngoài đời thực. Một lẽ quan trọng khác nữa là trẻ con rất cần sự giao tiếp trao đổi qua lại, chẳng hạn như bé cười, thì mẹ bé cười lại, bé thè lưỡi ra, thì mẹ bé cũng thè lưỡi ra lại; đây là những trao đổi quan trọng giúp định hình mô hình giao tiếp luân phiên theo lượt, từ đó làm nền tảng vững chắc cho mối quan hệ gắn kết, thân mật giữa trẻ và cha mẹ. Màn hình TV (và các loại màn hình khác) hoàn toàn thiếu khả năng trao đổi qua lại này.  Continue reading