Dave Kehr – Về bộ phim Playtime (1967) của Jacques Tati

Dave Kehr

Về bộ phim Playtime (1967) của Jacques Tati

Duy Đoàn chuyển ngữ

Playtime của Jacques Tati có lẽ là thành quả hùng tráng duy nhất của điện ảnh hiện đại, phim đã đạt được những mục tiêu hiện đại chuẩn mực khi phá vỡ lối kể chuyện khép kín dạng cổ điển và khám phá ra một hình thức kể chuyện mới, cởi mở, không những vậy mà còn dùng hình thức kể chuyện mới đó để sản sinh khung cảnh của toàn thể xã hội. Sau khi gầy dựng được một lượng độc giả vững chắc ở tầm quốc tế với ba bộ phim hài Jour de fête, Mr. Hulot’s Holiday, và Mon oncle, Tati bỏ ra mười năm lập kế hoạch tạo ra một bộ phim sẽ trở thành kiệt tác sau này, ông bán hết quyền sở hữu những bộ phim cũ của mình để có thêm số tiền cần thiết nhằm xây dựng những khung cửa kiếng và bộ khung sắt thép khổng lồ – với tên gọi thân mật là “Tativille” – đó là cách mà Tati nhìn về một Paris hiện đại. Bộ phim – dài 2 giờ 35 phút, dùng phim nhựa 70 mm và âm thanh nổi (stereophonic) – mở màn tại Pháp năm 1967, và ngay lập tức gặp thất bại. Khi bộ phim được phát hành tại Mĩ năm 1972, người ta nhanh chóng rút ngắn phim còn 108 phút, dưới sự giám sát của Tati, rồi sau đó lại giảm xuống còn 93 phút và dùng phim nhựa 35 mm với âm thanh đơn (monaural). Thậm chí với hình thức thu gọn như thế, nó vẫn là một bộ phim tầm cỡ, với mật độ dày đặc và đầy sáng tạo.

Playtime là bộ phim có nội dung như chính cái tựa đã gợi nên –  một khung cảnh điền dã dành cho khán giả, trong đó Tati bảo rằng chúng ta hãy thư giãn và tự tận hưởng lấy vùng không gian rộng mở mà bộ phim tạo ra, một vùng không gian không bị vướng bận bởi tính độc tài của cốt chuyện về vấn đề “cái gì sẽ xảy ra tiếp theo”, và khán giả cũng không phải bận tâm đến việc đồng cảm với các diễn viên, và tách rời ra khỏi những thủ thuật lôi kéo người xem nhờ vào khung cảnh và cách dựng phim nhằm giữ người xem luôn ở trong những trạng thái cảm xúc vốn đã được định đoạt trước. Tati để chúng ta thoải mái tạo ra bộ phim cho chính mình từ vô số vật liệu mà ông cung ứng.

Một trong những cách Tati tạo ra vùng không gian tự do trong phim Playtime là cách bỏ mặc hoàn toàn những quan niệm thông thường về cách bố trí các phân đoạn hài hước (comic timing), và về việc cắt cảnh. Trong các đoạn phim không có phần nào nhấn mạnh để ta biết lúc nào sẽ cười, không có khoảng ngừng trong khung cảnh hoạt kê đến từ thế giới xung quanh nó. Thay vì dùng máy quay để chia nhỏ tình huống hài hước – để xem xét nó theo từng cảnh quay đơn lẻ và theo từng diễn trình độc lập – thì ông dùng những khung hình có tiêu điểm sâu (deep-focus) nhằm giữ cho toàn bộ biến cố và những cảnh quay dài được toàn vẹn nhằm bảo toàn tính nguyên vẹn của thế giới thực. Những cảnh hoạt kê và các tiểu tiết trong phim được đặt ở tiền cảnh và hậu cảnh; những khuôn mẫu nhỏ bé, của những cử chỉ lặp đi lặp lại và những hình dạng giống nhau, lan ra khắp bề mặt khung hình. Chúng ta không thể nhìn vào bộ phim Playtime như cách ta nhìn vào một bộ phim bình thường, tức là xem phim một cách thụ động thông qua đôi mắt của đạo diễn. Chúng ta phải dò khắp khung hình – tìm kiếm nó, xử lí nó và đùa nghịch với nó.

Với cõi nhân gian do những khối hộp của Mies van der Rohe tạo nên, người ta thường mô tả Playtime là một phim châm biếm những nỗi kinh hãi do kiến trúc hiện đại gây ra. Nhưng các khung kính và sắt thép trong Playtime cũng là một ẩn dụ cho toàn bộ các cấu trúc nhà cửa khô cứng, xuất phát từ những môi trường sống vô cảm đã phân chia người thành thị ra thành những mẫu người cứng nhắc về mặt tư duy từ đó phân chia và khoanh vùng những trải nghiệm, tách bạch phần hài hước ra khỏi chính kịch, công việc ra khỏi chơi đùa. Kiến trúc trong phim Playtime cũng là hình ảnh về các cấu trúc hoa mĩ của lối làm phim kinh điển: những đường thẳng cứng cáp, thẳng băng chính là những lời thoại của cốt chuyện, và những cánh cửa sổ lắp kính dày cộm chính là những khung hình chia thế giới này thành những mảnh rời trơ ra bất động. Ở một thời điểm trong phim Playtime, nhân vật Hulot đứng trên một cái lan can nhìn xuống hệ thống các phòng làm việc nhỏ xếp thành từng ô, nhìn thấy và nghe ngóng được hoạt động của con người trong một cái tổ như tổ ong. Khi thang máy chậm rãi đưa ông ta xuống tầng trệt, thì máy quay vẫn ở góc nhìn của ông ấy, và sự thay đổi hướng nhìn dần dần làm lu mờ đi con người và làm âm thanh rơi vào khoảng lặng. Đó là một trong những hình ảnh sâu sắc nhất về cái chết từng được diễn tả bằng phim ảnh, tuy vậy chính sự thay đổi vị trí đặt máy quay đã tạo nên cái chết đó chứ không phải điều gì khác. Tati hàm ý rằng chỉ cần đặt máy quay vào đúng vị trí là có thể khôi phục cuộc sống trở về tình trạng hoang vu ở chốn đô thành trống rỗng, hoặc có thể làm điều đó bằng cách tìm ra một triết lí mô tả khái quát có thể tích hợp toàn bộ các cảm xúc mâu thuẫn nhau, các biến cố và những diễn trình xung đột nhau trong cuộc sống thành một khối liền mạch. Phim của Tati là bằng chứng cho thấy một quan điểm như thế hoàn toàn là khả dĩ.

Chuyển ngữ tại Sài-gòn
20120423

Nguồn:

Kehr, Dave. “Playtime.” International Dictionary of Films and Film Makers. 4th edition. Vol. 1. Ed. Tom Pendergast & Sara Pendergast. Detroit: St. James Press, 2000.

One comment on “Dave Kehr – Về bộ phim Playtime (1967) của Jacques Tati

  1. Đạo diễn người Pháp Jacques Tati có lẽ được coi là một trong những nhà làm phim thuộc dạng avant-garde của nền điện ảnh hiện đại, và kiệt tác Playtime là một ví dụ tiêu biểu cho phong cách avant-garde của ông.

    Like

Leave a comment