Jorge Luis Borges – Khi một tác phẩm hư cấu trú ngụ trong một tác phẩm hư cấu khác

Jorge Luis Borges

Khi một tác phẩm hư cấu trú ngụ trong một tác phẩm hư cấu khác

Duy Đoàn chuyển ngữ từ bản tiếng Anh của Esther Allen

Tôi có được sự nghi hoặc về vấn đề của sự bất tận là nhờ vào cái hộp thiếc lớn dùng chứa bánh qui, nó cũng là nguồn khởi điểm cho cái bí ẩn gây choáng váng trong suốt thời thơ ấu của tôi. Ở một mặt của cái vật thể lạ thường này là một khung cảnh Nhật-bản; tôi không nhớ là trẻ con hay các chiến binh tạo nên hình ảnh trong đó, nhưng tôi có nhớ ở ngay góc khung hình đó có một cái hộp bánh qui giống y như vậy cùng với một bức hình cũng y như thế trên cái hộp, rồi trong cái hộp đó lại chứa một bức hình như thế, và cứ thế (ít nhất thì nó cũng hàm ý như vậy) kéo đến bất tận… Mười bốn, mười lăm năm sau, khoảng năm 1921, tôi khám phá ra trong một tác phẩm của Russell có một ý tương tự vậy của Josiah Royce, người đặt ra giả định về một tấm bản đồ nước Anh được vẽ trên một phần lãnh thổ nước Anh; tấm bản đồ này – bởi vì nó rất chuẩn xác – ắt phải chứa đựng một tấm bản đồ về một tấm bản đồ khác, tấm bản đồ khác này tới phiên nó ắt phải chứa đựng một tấm bản đồ của một tấm bản đồ của một tấm bản đồ, và cứ thế đến bất tận… Trước đó, trong Viện bảo tàng Prado, tôi xem được bức tranh Las meninas nổi tiếng của Velázquez. Phần hậu cảnh bức tranh là chính Velázquez, đang thực hiện một bức chân dung kép vẽ vua Philip IV và phu nhân, hai người này không nằm trong khung tranh mà là hình ảnh phản chiếu trong gương. Trên ngực người hoạ sĩ có đeo cây thánh giá Santiago; người ta đồn rằng nhà vua đã vẽ cây thánh giá ở đó, do đó phong người hoạ sĩ làm phẩm cấp hiệp sĩ… Tôi nhớ là những người điều hành Viện bảo tàng Prado đã đặt một chiếc gương ở trước bức tranh nhằm kéo dài cảm giác khoái cảm này.  Continue reading