Orhan Pamuk – Bàn về chuyện đọc sách: Từ ngữ hay hình ảnh

Orhan Pamuk

Bàn về chuyện đọc sách: Từ ngữ hay hình ảnh

Duy Đoàn chuyển ngữ từ bản tiếng Anh của Maureen Freely

Mang một cuốn sách trong túi hay trong giỏ xách của bạn, đặc biệt trong những lúc buồn rầu, chính là sở hữu cả một cõi sống khác, một cõi sống mang lại niềm vui cho bạn. Trong quãng thời gian trai trẻ bất hạnh của mình, thì cái suy nghĩ về một cuốn sách như vậy – một cuốn sách tôi trông chờ được đọc – chính là sự xoa dịu giúp tôi vượt qua những tháng ngày đi học trên trường, khi đó tôi ngáp nhiều đến mức đôi mắt tôi ràn rụa nước mắt; sau này thì nó giúp tôi chịu đựng được những cuộc gặp gỡ chán chường mà tôi tham dự do bị ép buộc hoặc do tôi không muốn tỏ ra thô lỗ. Hãy để tôi liệt kê ra những thứ khiến cho việc đọc sách, là cái việc mà tôi làm không phải vì mục tiêu công việc hay vì muốn khai trí, mà chỉ vì niềm vui thích:

1. Sức hút từ một cõi sống khác mà tôi đã nói lúc ban đầu. Có thể coi như đây là một hình thức trốn chạy. Mặc dù chỉ là trong trí tưởng tượng của bạn, thì đó vẫn là một điều tốt khi thoát được nỗi u sầu của đời sống hàng ngày mà dành một chút thời gian cho một cõi sống khác. 

2. Khi ở độ tuổi từ mười sáu đến hai mươi hai, thì việc đọc là điềm trọng tâm để tôi có thể nỗ lực làm một điều gì đó cho chính mình, để nâng tầm nhận thức, và từ đó có thể định hình tâm hồn mình. Tôi nên trở thành một con người kiểu gì đây? Ý nghĩa của cõi sống này là gì? Tư duy của tôi có thể vươn xa tới đâu, rồi những sở thích, giấc mơ của tôi, những vùng đất mà tôi có thể thấy được bằng óc tưởng tượng của mình, hết thảy sẽ vươn xa tới đâu? Trong khi dõi theo cuộc sống, giấc mơ và những nỗi trầm tư của người khác trong những câu chuyện và những bài tiểu luận của họ, tôi biết là tôi sẽ giữ chúng ở nơi sâu kín nhất trong kí ức của mình và không bao giờ lãng quên, giống như cái cách mà một đứa bé không bao giờ quên được cái nhìn đầu tiên của mình về một cái cây, một chiếc lá, hay một con mèo. Bằng kiến thức thu thập được từ việc đọc sách, tôi sẽ vẽ nên biểu đồ cho con đường vươn tới sự trưởng thành của mình. Khởi điểm bằng tính lạc quan rất trẻ con nhằm tự mình làm được điều gì đó và tự định hình bản thân, trong suốt những năm đó việc đọc sách của tôi là một việc làm vừa sôi trào mãnh liệt vừa mang vẻ vui đùa, vốn bắt nguồn sâu xa từ trí tưởng tượng của tôi. Nhưng vào những ngày này, tôi hầu như không bao giờ đọc sách theo kiểu đó, và có lẽ đó là lí do tại sao tôi đọc ít hơn hẳn.

3. Một thứ khác khiến cho việc đọc sách trở thành niềm vui thích đối với tôi chính là khả năng tự ý thức . Khi chúng ta đọc sách, thì có một phần trong tâm thức của mình kháng cự lại việc chìm đắm trong chữ nghĩa và chúc mừng ta về việc đảm nhận một phận sự thâm trầm và trí tuệ: nói cách khác, đó chính là việc đọc. Proust đã thông hiểu điều này. Ông ta bảo, có một phần trong ta vẫn cứ ở bên ngoài văn bản để mà suy xét cái bàn ta đang ngồi, cái đèn đang soi rọi vào tấm biển, và khu vườn xung quanh ta, hoặc suy xét một cảnh quan ở đằng xa kia. Khi chúng ta để tâm đến những việc như thế, thì cùng lúc đó chúng ta đang tận hưởng nỗi cô độc của mình và cách thức hoạt động của trí tưởng tượng trong ta, rồi tự chúc mừng bản thân đã nắm giữ được một thứ thâm trầm sâu sắc hơn so với những người không đọc. Tôi hiểu làm thế nào mà một độc giả có thể ước muốn rằng mình có thể tự chúc mừng bản thân, mà không đi quá xa, mặc dù tôi có rất ít kiên nhẫn với những ai tự hào về thói khoe khoang của mình.

Đó là lí do tại sao, khi tôi nói đến cuộc đời đọc sách của bản thân, tôi phải nói điều này ngay: nếu niềm vui thích mà tôi mô tả như phần 1 và 2 chính là niềm vui thích tôi có thể tìm thấy trong phim ảnh, truyền hình hay các phương tiện truyền thông khác, thì có lẽ tôi sẽ đọc ít sách hơn. Có lẽ một ngày kia thì có thể là vậy. Nhưng tôi nghĩ rất khó xảy ra. Bởi lẽ từ ngữ (và các tác phẩm văn chương do chúng tạo nên) thì cũng tựa như nước hay loài kiến vậy. Không có gì thâm nhập vào những kẽ nứt, qua những lỗ thủng hay những kẽ hở vô hình nhanh và thấm qua triệt để như từ ngữ có thể làm. Chính trong những kẽ nứt này mà bản chất của sự việc – cái sự việc khiến ta tò mò về cuộc sống, về cõi sống này – có thể được xác định chắc chắn, và chính văn chương tuyệt hảo là thứ đầu tiên vén mở chúng ra cho ta thấy. Văn chương tuyệt hảo là một lời khuyên bảo khôn ngoan mà chưa có ai từng đưa ra, và cũng theo đó nó mang vẻ thiết yếu tựa như một bản tin nóng hổi vậy; đó là lí do chính tại sao tôi vẫn còn phụ thuộc vào nó.

Nhưng tôi nghĩ thật sai sót khi nói về niềm vui thích này khi đi nghịch lại – hay đối đầu với – niềm vui thích xem hay nhìn. Điều này có thể là vì, trong độ tuổi từ bảy đến hai mươi hai, tôi muốn trở thành một hoạ sĩ và tôi đã vẽ điên cuồng trong những năm đó. Đối với tôi, đọc tức là sáng tạo ngay trong tâm tưởng của bản thân một dạng phim ảnh của đoạn văn bản mình đang đọc. Chúng ta có thể ngước đầu lên khỏi trang sách để đặt mắt mình lên bức tranh treo trên tường, hay đặt mắt vào khung cảnh ngoài cửa sổ, hay một cảnh quan ở xa đằng kia, nhưng tâm thức của ta không tiếp nhận những thứ này: Đoạn phim về một thế giới tưởng tượng trong sách vẫn còn chiếm lấy ta. Để thấy cái cõi sống do người tác giả tưởng tượng nên, để tìm kiếm hạnh phúc trong cõi sống khác, người ta phải mang trí tưởng tượng của bản thân mình vào cuộc chơi. Sách trao cho ta cảm thức rằng ta không chỉ là người quan sát cái thế giới tưởng tượng kia mà ta còn góp phần sáng tạo nên nó, bằng cách đó nó dâng cho ta niềm hoan hỉ thầm kín của đấng sáng tạo. Và chính cái niềm-hoan-hỉ-thầm-kín ấy khiến cho việc đọc sách, đọc những tuyệt tác văn chương, trở thành một thứ vô cùng quyến rũ đối với hết thảy chúng ta và là điều vô cùng thiết yếu đối với nhà văn.

Chuyển ngữ tại Sài-gòn
20120606

Nguồn:

Pamuk, Orhan. “On Reading: Words or Images.” Other Colors: Essays and a Story. Trans. Maureen Freely. New York: Alfred A. Knopf: 2007.

3 comments on “Orhan Pamuk – Bàn về chuyện đọc sách: Từ ngữ hay hình ảnh

  1. Pingback: (Đọc sách) (Từ ngữ hay hình ảnh) |

Leave a comment