Italo Calvino – Tại sao đọc tác phẩm kinh điển?

 

Italo Calvino

Tại sao đọc tác phẩm kinh điển?

Duy Đoàn chuyển ngữ từ bản tiếng Anh của Patrick Creagh (có tham khảo thêm bản dịch Anh ngữ khác của Martin McLaughlin)

 

Ta hãy bắt đầu bằng một vài định nghĩa được đề xuất.

1) Tác phẩm kinh điển là những cuốn sách mà ta thường nghe người khác nói: “Tôi đang đọc lại…” và chưa bao giờ nói “Tôi đang đọc…”

Chí ít điều này xảy ra ở những người tự xem mình là “đọc nhiều”. Nó không đúng cho những người trẻ ở độ tuổi mà lần đầu tiên chạm trán cõi sống này, và những tác phẩm kinh điển vốn là một phần của cõi sống đó.

Cái chữ “lại” nằm kế động từ “đọc” có thể là một thói đạo đức giả nho nhỏ của những người thấy xấu hổ khi thừa nhận họ chưa đọc một cuốn sách nổi tiếng nào đó. Để trấn an họ, chúng ta chỉ cần nhận định rằng, dẫu cho mức đọc căn bản của bất kì ai có rộng lớn đến đâu, thì vẫn còn đó một lượng khổng lồ các tác phẩm nền tảng mà họ chưa đọc.

Giơ tay lên nào, ai đã đọc toàn tập Herodotus và toàn tập Thucydides! Và Saint-Simon? Và Hồng y de Retz? Nhưng ngay cả những bộ tiểu thuyết vĩ đại của thế kỉ mười chín cũng thường được nói đến nhiều hơn là được đọc. Ở Pháp họ bắt đầu đọc Balzac ở nhà trường, và khi đánh giá theo số lượng bản in lưu hành, ta có thể cho rằng họ tiếp tục đọc ông ấy thậm chí sau khi ra trường, nhưng nếu một cuộc bỏ phiếu Gallup được thực hiện tại Ý, tôi e rằng Balzac sẽ xuất hiện gần cuối danh sách. Người hâm mộ Dickens tại Ý hình thành một tầng lớp ưu tú bé nhỏ; ngay khi các thành viên gặp nhau, họ bắt đầu tán gẫu về các nhân vật và các tập sách như thể họ đang bàn luận về những người hay những thứ mà họ có quen biết. Nhiều năm trước, khi dạy ở Mĩ, Michel Butor chán ngán việc bị người ta hỏi về Emile Zola, người mà ông chưa bao giờ đọc trước đó, thế là ông quyết định đọc tất cả bộ Rougon-Macquart. Ông thấy nó hoàn toàn khác với những gì mình đã nghĩ: một gia phả tuyệt diệu mang chất thần thoại và nguồn gốc vũ trụ, mà sau đó ông miêu tả nó trong một bài luận tuyệt vời. Continue reading