Italo Calvino – Tại sao đọc tác phẩm kinh điển?

 

Italo Calvino

Tại sao đọc tác phẩm kinh điển?

Duy Đoàn chuyển ngữ từ bản tiếng Anh của Patrick Creagh (có tham khảo thêm bản dịch Anh ngữ khác của Martin McLaughlin)

 

Ta hãy bắt đầu bằng một vài định nghĩa được đề xuất.

1) Tác phẩm kinh điển là những cuốn sách mà ta thường nghe người khác nói: “Tôi đang đọc lại…” và chưa bao giờ nói “Tôi đang đọc…”

Chí ít điều này xảy ra ở những người tự xem mình là “đọc nhiều”. Nó không đúng cho những người trẻ ở độ tuổi mà lần đầu tiên chạm trán cõi sống này, và những tác phẩm kinh điển vốn là một phần của cõi sống đó.

Cái chữ “lại” nằm kế động từ “đọc” có thể là một thói đạo đức giả nho nhỏ của những người thấy xấu hổ khi thừa nhận họ chưa đọc một cuốn sách nổi tiếng nào đó. Để trấn an họ, chúng ta chỉ cần nhận định rằng, dẫu cho mức đọc căn bản của bất kì ai có rộng lớn đến đâu, thì vẫn còn đó một lượng khổng lồ các tác phẩm nền tảng mà họ chưa đọc.

Giơ tay lên nào, ai đã đọc toàn tập Herodotus và toàn tập Thucydides! Và Saint-Simon? Và Hồng y de Retz? Nhưng ngay cả những bộ tiểu thuyết vĩ đại của thế kỉ mười chín cũng thường được nói đến nhiều hơn là được đọc. Ở Pháp họ bắt đầu đọc Balzac ở nhà trường, và khi đánh giá theo số lượng bản in lưu hành, ta có thể cho rằng họ tiếp tục đọc ông ấy thậm chí sau khi ra trường, nhưng nếu một cuộc bỏ phiếu Gallup được thực hiện tại Ý, tôi e rằng Balzac sẽ xuất hiện gần cuối danh sách. Người hâm mộ Dickens tại Ý hình thành một tầng lớp ưu tú bé nhỏ; ngay khi các thành viên gặp nhau, họ bắt đầu tán gẫu về các nhân vật và các tập sách như thể họ đang bàn luận về những người hay những thứ mà họ có quen biết. Nhiều năm trước, khi dạy ở Mĩ, Michel Butor chán ngán việc bị người ta hỏi về Emile Zola, người mà ông chưa bao giờ đọc trước đó, thế là ông quyết định đọc tất cả bộ Rougon-Macquart. Ông thấy nó hoàn toàn khác với những gì mình đã nghĩ: một gia phả tuyệt diệu mang chất thần thoại và nguồn gốc vũ trụ, mà sau đó ông miêu tả nó trong một bài luận tuyệt vời.

Nói cách khác, đọc một cuốn sách lớn lần đâu tiên ở độ tuổi trưởng thành của một người là một khoái lạc khác thường, khác với (mặc dù ta không thể nói tuyệt hơn hay kém hơn) khoái lạc khi đọc nó lúc thiếu thời. Thuở thiếu thời làm cho việc đọc, như cho bất kì trải nghiệm nào khác, có một phong vị đặc biệt và một giá trị đặc biệt, còn khi trưởng thành ta sẽ thưởng thức được (hoặc phải thưởng thức) nhiều hơn đối với các chi tiết, tầng mức và ý nghĩa. Do đó chúng ta có thể thử xem định nghĩa kế tiếp:

2) Ta dùng từ “tác phẩm kinh điển” để nói đến những cuốn sách được quý trọng bởi những người đã đọc và yêu quý chúng; nhưng chúng còn nhận được sự quý trọng không kém từ những người may mắn đọc được chúng lần đầu tiên trong những hoàn cảnh thưởng thức tốt nhất.

Thực tế, việc đọc sách lúc thiếu thời có thể không ích lợi gì, do thiếu kiên nhẫn, xao lãng, thiếu hiểu biết về “hướng dẫn sử dụng” của sản phẩm, và trải đời chưa đủ. Những cuốn sách đọc được khi ấy có thể (có lẽ ngay cùng lúc đó) giúp định hình bản thân, theo nghĩa rằng chúng mang đến một hình thức cho những trải nghiệm tương lai, cung cấp những mô hình, những điều kiện cho việc đối chiếu, những phương hoạch phân loại, những thang giá trị, những điển phạm của cái đẹp – hết thảy đều tiếp tục vận hành cho dù ta đã hoàn toàn lãng quên cuốn sách đọc được lúc thiếu thời ấy. Nếu đọc lại cuốn sách ấy khi đến tuổi trưởng thành, ta có thể tái khám phá được những hằng số này, mà tới lúc này đã là một phần thuộc cơ chế nội tại của ta, mà nguồn cội của nó ta đã quên lãng từ lâu. Một tác phẩm có thể đủ sức khiến ta quên lãng nó như thế, nhưng nó để lại hạt giống của mình trong ta. Định nghĩa mà ta có thể đưa ra do đó sẽ thế này:

3) Tác phẩm kinh điển là cuốn sách gây ra một ảnh hưởng đặc biệt, cả khi chúng từ chối bị loại bỏ khỏi tâm trí lẫn khi chúng tự giấu mình trong những nếp gấp của kí ức, tự nguỵ trang thành vô thức tập thể hoặc vô thức cá nhân.

Do vậy trong cuộc đời trưởng thành, ta nên có một lúc nào đó dành cho việc ghé thăm lại hầu hết những cuốn sách quan trọng lúc thiếu thời. Cho dù những cuốn sách ấy vẫn y như thế (mặc dù chúng có đổi thay, dưới ánh sáng của một góc nhìn lịch sử khác), nhưng ta gần như chắc chắn đã thay đổi, và cuộc gặp gỡ thế này sẽ là một điều mới mẻ hoàn toàn.

Vì lẽ đó, việc ta dùng động từ “đọc” hay “đọc lại” thì có quan trọng chi đâu. Thực vậy, ta có thể nói:

4) Mọi việc đọc lại một tác phẩm kinh điển đều là một chuyến hành trình khám phá giống như lần đọc đầu tiên.

5) Mọi việc đọc một tác phẩm kinh điển thực ra là đọc lại.

Định nghĩa 4 có thể được xem là một hệ luận của định nghĩa tiếp theo này:

6) Một tác phẩm kinh điển là một cuốn sách không bao giờ nói xong hết những điều nó phải nói.

Trong khi định nghĩa 5 phụ thuộc vào một công thức đặc biệt hơn, chẳng hạn như thế này:

7) Tác phẩm kinh điển là cuốn sách đến với chúng ta, mang theo dấu vết của những sự đọc trước sự đọc của ta, và theo sau là các dấu vết mà tự chúng để lại ở nền văn hoá hoặc những nền văn hoá mà chúng đi qua (hoặc, đơn giản hơn, ở ngôn ngữ và những tập quán).

Hết thảy chuyện này đều đúng đối với những tác phẩm kinh điển cổ đại lẫn hiện đại. Nếu đọc Odyssey, tôi đọc văn bản của Homer, nhưng tôi không thể quên toàn bộ những điều ý nghĩa mà những cuộc phiêu lưu của Ulysses đã đạt tới được theo dòng thời gian qua bao thế kỉ, và tôi không thể không tự nhủ liệu những ý nghĩa này là mặc nhiên trong văn bản, hay chúng là những lớp phủ lên hoặc những biến dạng hoặc những mở rộng. Khi đọc Kafka, tôi không thể tránh được việc tán thành hoặc chối từ tính chính đáng của việc dùng bừa bãi tính từ “Kafkaesque” (kiểu Kafka), mà cứ sau 15 phút ta có thể lại nghe thấy. Nếu tôi đọc “Cha và con” (Fathers and Sons) của Turgenev hoặc “Lũ người quỷ ám” (The Possessed) của Dostoevsky, tôi không thể không nghĩ đến việc làm sao mà các nhân vật này tiếp tục được tái sinh ngay vào thời của chính chúng ta.

Việc đọc tác phẩm kinh điển phải làm cho ta đôi chỗ ngạc nhiên, khi liên hệ với sự hình dung mà ta đã có về tác phẩm đó. Vì lẽ này, tôi không bao giờ cảm thấy đủ cho việc cực lực khuyến nghị rằng nên đọc trực tiếp chính bản văn đó, gạt hết sang bên các bản tiểu sử có tính phê bình, các bình luận, và các lí giải. Trường phổ thông và đại học phải giúp ta hiểu rằng không cuốn sách nào mà nói về một cuốn sách lại có thể nói nhiều hơn chính cuốn sách được đề cập kia; vậy mà họ lại làm mọi chuyện để khiến ta nghĩ ngược lại. mà nhờ đó phần nhập môn, công cụ phê bình, và mục lục sách được dùng như một màn khói để ẩn giấu những điều văn bản phải nói, và thực sự có thể nói chỉ khi được tự mình cất tiếng mà không cần kẻ trung gian nào vốn khẳng định mình biết nhiều hơn văn bản kia. Chúng ta có thể kết luận rằng:

8) Một tác phẩm kinh điển là tác phẩm thường xuyên sinh ra đám bụi mù các diễn ngôn phê bình vây quanh nó, nhưng luôn giũ sạch chúng.
Một tác phẩm kinh điển không nhất định phải dạy ta bất kì điều gì mà ta không biết trước đây; trong một tác phẩm kinh điển, đôi khi ta khám phá ra điều mà mình lúc nào cũng biết (hoặc tưởng là đã biết), nhưng không biết rằng tác giả này đã nói điều đó đầu tiên, hoặc ít nhất cũng liên hệ với nó theo một cách đặc biệt chi đó. Và điều này cũng là một bất ngờ mang lại nhiều khoái cảm, chẳng hạn ta luôn thấy khoái cảm từ việc khám phá một nguồn gốc, một mối quan hệ, một sự thân thuộc. Từ toàn bộ chuyện này ta có thể rút ra một định nghĩa cho loại này:

9) Tác phẩm kinh điển là những sách mà khi ta càng nghĩ mình biết nhiều từ việc nghe người khác nói, thì khi đọc ta càng thấy chúng mới mẻ, bất ngờ và độc đáo.

Theo lẽ tự nhiên, điều này chỉ xảy đến khi một tác phẩm kinh điển thực sự hoạt động như vậy – tức là, khi nó thiết lập một mối hoà hảo cá nhân với độc giả. Nếu cái sinh khí đó không xuất hiện, thì thật tiếc; nhưng ta không đọc tác phẩm kinh điển vì nghĩa vụ hay vì tôn trọng, mà chỉ vì lòng mến yêu. Ngoại trừ ở trường: nhà trường nên cho bạn biết, dù muốn hay không, một số tác phẩm kinh điển nhất định mà trong đó – hoặc khi tham chiếu vào – bạn khi ấy có thể chọn tác phẩm kinh điển “của chính mình”. Nhà trường có bổn phận trao cho bạn các công cụ cần thiết để lựa chọn, nhưng những lựa chọn được tính ở đây là những cái xảy ra bên ngoài trường học và sau giờ học.

Chỉ bằng cách đọc mà không có thiên kiến thì bạn mới có thể bắt gặp được cuốn sách vốn sẽ trở thành cuốn sách ‘của chính mình’. Tôi biết một sử gia nghệ thuật tài ba, một người đọc rất nhiều, người mà trong số tất cả sách có được lại đặt lòng mến yêu đặc biệt của mình vào Pickwick Papers; và cứ có dịp là ông ta lại nảy ra được một lời châm biếm nào đó lấy từ cuốn này của Dickens, và kết nối từng sự kiện một trong đời với một tình tiết nào đó đậm chất Pickwick. Dần dần chính ông ta, và triết lí đích thực cũng cõi vũ trụ, đã có được hình hài và hình thức của Pickwick Papers bằng một quá trình đồng cảm hoàn toàn. Bằng cách này, chúng ta đến được một khái niệm hết sức cao xa và khắt khe về việc tác phẩm kinh điển là gì:

10) Chúng ta sử dụng từ “kinh điển” cho một cuốn sách có được hình thức tương đương với vũ trụ, ở tầng mức của những bùa chú cổ xưa. Với định nghĩa này chúng ta đang tiếp cận ý tưởng về “cuốn sách toàn thể”, như Mallarmé đã hình dung.

Nhưng một tác phẩm kinh điển có thể thiết lập một mối hoà hảo vững chãi tương tự xét theo sự đối lập và phản đề. Trong thâm tâm, tôi thấy mọi thứ mà Jean-Jacques Rousseau nghĩ và làm đều rất thân thương, tuy vậy lòng tôi luôn đầy ắp một mong muốn không thể kiềm nén để đối nghịch với ông, phê bình ông, và tranh cãi với ông. Mối ác cảm cá nhân này thuộc về vấn đề tính khí, mà vì lẽ đó tôi không thể có lựa chọn nào khác ngoài việc không đọc ông; và tuy vậy tôi không thể tránh việc liệt ông vào trong số những tác giả “của mình”. Do vậy tôi sẽ nói:

11) Tác giả kinh điển “của bạn” là người mà bạn không thể cảm thấy hờ hững được, người giúp bạn định nghĩa bản thân theo mối tương quan với họ, thậm chí trong mối bất đồng với họ.

Tôi nghĩ tôi không cần phải biện minh bản thân cho việc dùng từ “kinh điển” mà không vạch ra những khác biệt về thời đại, văn phong hoặc thẩm quyền. (Về lịch sử tất cả các nghĩa của từ này, có một mục từ tát cạn mọi nghĩa nằm ở chữ ‘Classico’ do Franco Fortini chấp bút trong cuốn Enciclopedia Einaudi, tập III.) Cái phân biệt tác phẩm kinh điển, theo lập luận tôi đang đưa ra, có lẽ chỉ là hiệu ứng vang vọng mà đúng cho cả tác phẩm cổ đại lẫn cho tác phẩm hiện đại vốn đã đạt được vị trí của nó trong một thể liên tục về văn hoá. Chúng ta có thể nói:

12) Tác phẩm kinh điển là cuốn sách xuất hiện trước những cuốn kinh điển khác; nhưng bất kì ai đã đọc những cuốn kia trước, và sau đó đọc cuốn này, đều nhận ra ngay vị trí của nó trong gia phả.

Ở điểm này tôi không còn trì hoãn được nữa cái vấn đề trọng yếu của cách liên hệ việc đọc tác phẩm kinh điển với việc đọc tất thảy những cuốn sách khác thuộc bất kì thể loại gì ngoại trừ kinh điển. Đây là vấn đề vốn đã được kết nối với những câu hỏi như: “Tại sao đọc tác phẩm kinh điển thay vì tập trung vào những cuốn sách cho phép ta thấu hiểu được thời đại của mình hơn?” và “Ta sẽ tìm thấy thời gian và sự an tâm ở nơi đâu để đọc tác phẩm kinh điển, khi bị choáng ngộp trước nhiều sự kiện hiện tại dồn dập xảy đến?”

Tất nhiên, chúng ta có thể hình dung một người hạnh phúc có thể dành “thời gian đọc” chỉ để đọc Lucretius, Lucian, Montaigne, Erasmus, Quevedo, Marlowe, Discourse on Method [Diễn ngôn về phương pháp, của René Descartes], Wilhelm Meister [của Goethe], Coleridge, Ruskin, Proust và Valéry, và chuyển hướng sang Murasaki hay những trường thiên xứ Iceland. Và tất cả việc này mà không cần phải viết bài bình phẩm về những ấn bản mới nhất, hoặc những bài nghiên cứu để tranh một chiếc ghế ở trường đại học, cũng như không cần gửi tác phẩm cho nhà xuất bản với hạn chót khít khao. Để tiếp tục kiêng cữ như thế mà không bị ngộ độc, người hạnh phúc này hẳn phải tránh đọc báo, và không bao giờ chịu sự cám dỗ từ cuốn tiểu thuyết hay bản nghiên cứu xã hội học mới nhất. Nhưng chúng ta phải xem tính nghiêm ngặt như vậy sẽ hợp lí hoặc có lợi nhiều đến dường nào. Tin tức cập nhật có thể rất tầm thường hoặc gây khó chịu, nhưng dù vậy nó vẫn là một điểm để đứng tại đó và nhìn cả hai hướng trước sau. Để có thể đọc tác phẩm kinh điển, bạn phải biết mình đang đọc chúng “từ đâu”; không thì cả cuốn sách lẫn người đọc đều sẽ bị lạc lối trong đám mây vô tận. Nên người có được cái lợi lớn nhất có từ việc đọc tác phẩm kinh điển sẽ là người biết cách xen kẽ việc đọc kinh điển với liều lượng đọc văn bản đương thời. Và điều này không nhất định hàm ý cần có một trạng thái điềm tĩnh không xao động trong lòng: đây cũng có thể là kết quả của sự thiếu kiên nhẫn dễ bồn chồn, của sự bất mãn phừng phừng nơi tâm trí.

Có lẽ điều lí tưởng nhất là lắng nghe các sự kiện hiện tại giống như nghe tiếng ầm ĩ bên ngoài cửa sổ vốn cho ta biết đang có kẹt xe hoặc thời tiết bất chợt thay đổi, đồng thời ta vẫn lắng nghe tiếng nói của những tác phẩm kinh điểm phát ra những âm trong trẻo và rõ ràng bên trong căn phòng. Nhưng đã có nhiều người cảm thấy tác phẩm kinh điển tuồng như tiếng rầm rĩ xa xăm bên ngoài một căn phòng tràn ngập bao chuyện đời thường vặt vãnh của hiện tại, như thể có tiếng TV vặn loa hết cỡ vậy. Do vậy ta nên bổ sung:

13) Tác phẩm kinh điển là một thứ có khuynh hướng làm cho những mối quan tâm hiện tại bị giáng xuống vị thế tiếng động hậu cảnh, nhưng đồng thời tiếng động hậu cảnh này là thứ mà nếu thiếu đi thì ta không thể có kinh điển.

14) Tác phẩm kinh điển là một thứ cứ luôn giữ vai trò tiếng động hậu cảnh ngay cả khi những mối quan tâm hiện tại bất tương hợp nhất đang làm chủ hoàn cảnh.

Vẫn còn đó thực tế việc đọc tác phẩm kinh điển dường như có mối tương tranh với nhịp sống của mình, trong một cuộc sống vốn không cho phép ta có nhiều thời giờ cũng như chẳng có quãng thời gian thư thái gác lại mọi việc để hướng đến những thứ nhân văn; nó cũng mâu thuẫn với tính chiết trung trong nền văn hoá chúng ta, vốn không bao giờ biên soạn được một danh mục các thứ cổ điển phù hợp với nhu cầu của chúng ta.

Những hoàn cảnh sau như thế này được nhận ra đầy đủ trong trường hợp của [Giacomo] Leopardi, xét theo đời sống cô độc của ông trong căn nhà của người cha (“paterno ostello” của ông), cùng sự sùng bái của ông đối với thời Hi-lạp và La-mã cổ xưa, và cái thư viện dễ sợ mà người cha Monaldo đưa cho ông tuỳ nghi sử dụng, mà ở đó ông thêm vào đó toàn bộ phần văn chương Ý và văn chương Pháp, ngoại trừ tiểu thuyết và “những thứ mới ra lò” nói chung, tất thảy chí ít đều bị gạt ra rìa, nằm đó làm nguồn tiêu khiển cho mấy lúc nhàn hạ của cô em gái Paolina (“Stendhal của em”, ông từng viết cô em mình như thế). Dù cho có mối lưu tâm mãnh liệt nơi khoa học và lịch sử, Giacomo thường mãn ý đối với những văn bản vốn không được cập nhật hoàn chỉnh: tập quán của loài chim trong sách của Buffon, những xác ướp của Frederik Ruysch trong sách của Fontenelle, chuyến hải trình của Columbus trong sách của Robertson.

Thời nay, việc giáo thụ về kinh điển như của chàng trai Leopardi là điều không tưởng; trên hết, thư viện của bá tước Monaldo đã bùng nổ. Hàng sách của những nhan đề cổ xưa đã suy vi, trong khi những nhan đề mới lại nảy nở ở mọi nền văn chương và văn hoá hiện đại. Tất cả chúng ta không còn lựa chọn nào khác ngoài việc sáng chế cho riêng mình các thư viện lí tưởng về sách kinh điển. Tôi cho rằng một thư viện như thế cần phải có phân nửa số sách mà chúng ta đã đọc và thực sự quan trọng đối với chúng ta, và phân nửa còn lại là số sách ta tính đọc và nghĩ sẽ trở nên quan trọng. Để một phần kệ sách trống dành cho những cuốn gây kinh ngạc và những khám phá lúc này lúc kia.

Tôi nhận ra rằng Leopardi là cái tên duy nhất tôi dẫn ra từ văn chương Ý – một kết quả của sự bùng nổ thư viện. Giờ tôi phải viết lại toàn bộ bài này để làm nó tuyệt đối rõ ràng rằng tác phẩm kinh điển giúp chúng ta hiểu mình là ai và đang đứng ở đâu, một mục đích cho thấy tác phẩm kinh điển thật thiết yếu để so sánh người Ý với người ngoại quốc cũng như người ngoại quốc với người Ý.

Khi đó tôi phải viết lại nó lần nữa đề phòng ai đó tin rằng cần phải đọc tác phẩm kinh điển bởi vì chúng “phụng sự” mục đích nào đó. Lí do duy nhất ta có thể viện ra là đọc tác phẩm kinh điển tốt hơn là không đọc tác phẩm kinh điển.

Và nếu ai đó phản đối rằng thật không đáng rước vào nhiều rắc rối đến vậy, thì tôi sẽ trích Cioran (người vẫn chưa trở thành kinh điển, nhưng sẽ trở thành trong nay mai):

“Trong lúc họ đang sửa soạn thuốc độc, thì Sokrates học một điệu sáo. ‘Nó có ích gì cho ông’, họ hỏi, ‘khi học được giai điệu này trước khi chết’.”

Chuyển ngữ tại Sài-gòn
20160623

Nguồn:

Creagh, Patrick. “Why read the calssics.” The New York Review of Books, 9/10/1986: http://www.nybooks.com/articles/1986/10/09/why-read-the-classics/

Leave a comment