Perry Link – Khúc thọ nạn của Lưu Hiểu Ba

Ảnh: Liu Xa/New York Review of Books

Perry Link

Khúc thọ nạn của Lưu Hiểu Ba

Duy Đoàn chuyển ngữ

Lời người dịch: Đây coi như là bài điếu văn, do Perry Link chấp bút, dành cho Lưu Hiểu Ba, ngay sau cái chết của ông vào ngày hôm qua (13/7/2017). Một bài viết tóm tắt sự thọ nạn của ông từ bấy đến nay, rất súc tích và rất trúng đích.

Vào cuối thập niên 1960, Mao Trạch Đông 毛泽东, Đại Đà thủ (大舵手/Great Helmsman) của Trung-quốc, khuyến khích trẻ em và thiếu niên nên đối đầu với giáo viên và bố mẹ chúng, tiệt trừ “ngưu quỷ xà thần”, và nói cách khác là “làm cách mạng”. Thực tế điều này nghĩa là đóng cửa các trường học ở Trung-quốc. Trong những thập niên sau đó, nhiều người đã chỉ trích sự thiếu giáo dục của một thế hệ.

Lưu Hiểu Ba 刘晓波, khôi nguyên Nobel Hoà bình, người bị kết án 11 năm vì tội “khích động lật đổ” chính quyền Trung-quốc, và người đã chết vì ung thư gan hồi thứ Năm (13/7/2017), chính là người minh hoạ cho một hình mẫu khác. Lúc trường học đóng cửa, Lưu, sinh năm 1955, được 11 tuổi, nhưng dẫu sao ông cũng đọc sách, ở bất cứ chỗ nào ông có thể tìm thấy sách. Với việc không giáo viên nào bảo ông biết chính phủ muốn ông nghĩ gì ở những cuốn sách ông đọc, ông bắt đầu tự mình suy tư lấy—và ông yêu thích việc này. Mao tình cờ đã dạy ông một bài học vốn đối nghịch trực tiếp với mục tiêu của chính Mao trong việc cải đổi trẻ em thành những “hồng tiểu binh”.

Nhưng trải nghiệm này chỉ giải thích được một phần cho tính độc lập ngoan cường của Lưu. Tính này có vẻ còn là một đặc điểm bẩm sinh. Nếu có một loại gien dành cho sự thẳng thừng, Lưu có thể có nó. Vào thập niên 1980, trong khi hãy còn là sinh viên cao học ngành văn chương Trung-quốc, ông đã nổi danh như là một “hắc mã” vì ông lên án gần như mọi nhà văn Trung-quốc đương thời: ngôi sao văn chương Vương Mông 王蒙 là tay giảo hoạt chính trị; những cây bút “tầm căn 寻根 (tìm về nguồn cội)” như Hàn Thiểu Công 韓少功 lại quá sức lãng mạn khi nói về giá trị của những truyền thống Trung-quốc; thậm chí những vị anh hùng lên tiếng vì người dân như Lưu Tân Nhạn 刘宾雁 lại quá sẵn sàng phó thác hi vọng vào những lãnh đạo Cộng sản theo “tự do chủ nghĩa” như Hồ Diệu Bang 胡耀邦. Không ai có đủ tinh thần độc lập. Ông viết vào năm 1986, “Tôi có thể tóm gọn trong một câu cho thấy chuyện gì bất ổn đối với các nhà văn Trung-quốc. Họ không tự mình viết sáng tạo được—họ chỉ đơn giản là không có năng lực đó—vì chính cuộc đời của họ không thuộc về họ.”

Khi ra nước ngoài, ông mang cái tính ngay thẳng của mình theo cùng. Ở một hội nghị về điện ảnh Trung-quốc tại trường Đại học Oslo vào năm 1988, ông ngạc nhiên khi biết được rằng giới Hán học Âu châu không nói được tiếng Trung-quốc (họ chỉ đọc được) và quá ư ngây ngô trong việc chấp nhận phần bề mặt ở những phát biểu của chính quyền Trung-quốc. “98% là vô dụng”, ông nhận định (và bản thân hội nghị đó “chán đến phát ngán”). Từ Oslo ông tới New York, tới trường Columbia University, tại đó ông thấy thật khó chịu khi giới lí thuyết gia hậu thuộc địa bảo ông biết cảm giác ra sao khi làm một kẻ Khác nhược tiểu (subaltern Other). Liệu ông có nên nói cho họ biết điều đó?

Mùa xuân năm 1989, hai trải nghiệm, đầu tiên ở New York và thứ nhì ở Bắc-kinh, đã làm thay đổi sâu sắc dòng tư duy và dòng đời của ông. Ông khi ấy vừa hoàn thành cuốn sách Chinese Politics and China’s Modern Intellectuals (Chính trị Trung-quốc và Giới trí thức Hiện đại của Trung-quốc), một cuốn sách thông dò nhiều cách thức trong đó nền văn minh Tây phương có thể là “một công cụ để phê bình Trung-quốc”. Dù vậy, lúc này khi ghé phương Tây, ông thấy rằng mô hình này không rõ ràng đến vậy. Những vấn đề như khủng hoảng năng lượng, bảo vệ môi trường, vũ khí hạt nhân và cái mà ông gọi là “chứng nghiện khoái lạc và nghiện thương mại hoá” đều là những vấn đề của nhân gian, không riêng gì phương Đông hay phương Tây. Hơn nữa, chuyến đi tới Viện bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan của New York đã mang lại cho ông sự đốn ngộ: chưa ai từng giải quyết được vấn đề thuộc tinh thần của “sự bất toàn của con người cá nhân”. Ngay cả nhà văn lớn của Trung-quốc hiện đại là Lỗ Tấn 魯迅, với tác phẩm lột tả quá tốt sự xơ cứng trong luân lí, thói hư nguỵ, thói mê tín và sự bạo tàn, theo quan điểm của Lưu Hiểu Ba, cũng không dấn được bước tiếp nữa và “tranh đấu với bóng tối”. Lỗ Tấn từng thử việc này, trong những bài thơ xuôi của ông, nhưng rốt cuộc lại lui ra; ông ấy “không thể ứng phó với nỗi cô độc đáng kinh hãi nơi mộ huyệt” và “không tìm thấy được bất kì giá trị siêu vượt nào để giúp ông tiếp tục.”

Cuốn Chinese Politics trước đó đã được gửi tới nhà xuất bản, nhưng dù vậy Lưu lại quyết định viết thêm phần “Vĩ thanh”, và bằng tính thành thật đặc trưng, ông đã dùng phần này để làm suy yếu đi chủ đề chính của cuốn sách. Để là “một người chân chính”, ông viết, giờ ông ắt phải “tiến hành cùng lúc hai bản phê bình”: một về Trung-quốc, vẫn dùng phương Tây làm mực thước, và còn lại là về chính phương Tây, và để làm vậy ông sẽ phải bắt đầu lại, từ con số không, và nghĩ lại mọi thứ. Ông viết xong bài tiểu luận đó vào tháng Ba năm 1989, kết thúc bằng những chữ “phần vĩ thanh này đã làm tôi kiệt quệ.”

Tháng tiếp theo, ông lên máy bay ở New York tới Bắc-kinh, không phải vì chuyện kiệt quệ mà vì ông đọc được tin tức về những cuộc biểu tình của sinh viên đòi dân chủ ở Quảng trường Thiên-an-môn 天安門 và cảm thấy phải có bổn phận phụ trợ họ. Ông viết, “Tôi hi vọng rằng tôi không phải hạng người, mà khi đứng ở ô cửa dẫn đến địa ngục, sẽ tạo một điệu bộ anh hùng và rồi bắt đầu nhăn mày nhíu mặt tỏ vẻ do dự.”

Ở Bắc-kinh, niềm tin lí tưởng của các sinh viên làm ông xúc động. Ông giúp họ hoạch định vụ tuyệt thực và bản thân ông cũng tham gia vụ đó. Đường hướng tiếp cận của ông là bất xung đột, gần như theo kiểu Gandhi. Trong bản “Tuyên ngôn tuyệt thực ngày 2 tháng Sáu”, ông viết rằng “một xã hội dân chủ không được kiến lập bằng cừu hận và thù địch; nó được kiến lập dựa trên trưng cầu ý kiến, tranh biện và bỏ phiếu… [và dựa trên] tôn trọng lẫn nhau, sự khoan dung và tinh thần sẵn lòng thoả hiệp.” Chưa đầy hai ngày sau, Lưu có cơ hội biến lời nói thành hành động. Khi những chiếc xe tăng bắt đầu tiến tới Quảng trường Thiên-an-môn và lúc đó mọi sự đã rõ rằng những ai ngáng đường chúng đều sẽ bị giết, thì Lưu và hai người bạn Chu Đà 周舵 và Hầu Đức Kiện 侯德健 thương lượng với quân lính đang tiến công để cho các sinh viên ở Quảng trường được phép thoát ra an toàn. Thật không thể nào nói được họ đã cứu bao nhiêu sinh mạng nhờ thoả hiệp này, nhưng chắc chắn là vài chục người và có lẽ hàng trăm người.

Dù vậy, sau đó Lưu đã phạm phải một thứ về sau ông xem như là một “sai lầm” mà ông hối hận suốt phần đời còn lại. Ông đã tìm kiếm chỗ an toàn tạm thời ở nhà của một viên chức ngoại giao nước ngoài. Sau đó ông nghe nói những người khác—đa phần là thường dân—đã nán lại các con đường để giúp những người bị thương hoặc vẫn đang bị bắn. Họ liều mạng mình để cứu giúp người khác, và khi chính phủ đề ra các hình phạt dành cho những người tham gia vụ “bạo loạn phản cách mạng”, những thường dân này bị đối xử hà khắc còn hơn những sinh viên biểu tình. Nhiều người bị kết án tù 18 đến 20 năm, còn số khác bị xử tử. Bản thân Lưu bị đưa đến Giam ngục Tần-thành 秦城监狱, một cơ sở thượng hạng nơi giam giữ những đối thủ chính trị của giới lãnh đạo cấp cao, và ông ở đó chỉ 19 tháng—“chán chết, nhưng chỉ có thế.”

Lưu cảm thấy ám ảnh trước những “vong linh” của Thiên-an-môn, oan hồn của các sinh viên cũng như của các công nhân với tuổi đời sẽ mãi y như vào cái đêm họ chết. Ông viết rằng ông có thể nghe nhiều tiếng kêu ai oán—“yếu ớt, vô vọng, xé lòng”—trỗi lên từ bên dưới lòng đất. Mỗi năm vào ngày tưởng niệm vụ thảm sát này, ông viết một bài thơ vinh danh họ. Ở phiên toà xét xử ông vào tháng Mười hai năm 2009, lời “trần thuật tối hậu” của ông mở đầu như sau: “Tháng Sáu năm 1989 là thời khắc chuyển hướng trọng đại trong đời tôi.” Vào tháng Mười năm 2010, khi người vợ Lưu Hà 刘霞 cho ông biết tin về giải Nobel Hoà bình của ông, bà thuật lại ông đã bình luận rằng, “Cái này dành cho những oan hồn kia.”

Sau khi được thả khỏi Giam ngục Tần-thành vào năm 1991, Lưu bị cấm xuất bản ở Trung-quốc và bị sa thải khỏi vị trí giảng dạy ở trường Đại học Sư phạm Bắc-kinh 北京师范大学—dẫu cho các sinh viên ở đó luôn yêu thích các bài giảng của ông. Ông bắt đầu tự nuôi mình bằng cách viết bài cho các tạp chí ở Hong Kong, Đài-loan, và ở hải ngoại. Việc Internet vươn dậy ở Trung-quốc vào đầu thập niên 2000 đã làm cho các bài luận của ông được lưu hành nhiều hơn nữa, không chỉ bên ngoài Trung-quốc mà cả trong nội địa khi những người bạn hải ngoại tìm ra cách vòng qua được Trường thành Phòng hoả (防火长城/Great Firewall) của chính phủ và gửi những bài luận đó về lại Trung-quốc. Trước năm 1989, những bài luận của ông đa phần bàn về văn chương Trung-quốc đương đại, nhưng lúc này ông đề cập nhiều chủ đề về lịch sử, chính trị, và xã hội, cho thấy một học vấn uyên bác. Ông còn bắt đầu viết thơ. Độ phong phú của những chủ đề trong thơ và luận của ông có thể làm người ta giật mình:  Khổng tử, Kant, Thánh Augustinus, những người nông dân ở Giang-tô 江苏, tính hài hước ở Trung-quốc và Tiệp-khắc, văn hoá phẩm khiêu dâm và chính trị, cách mạng Internet, bầu cử Obama, con cún bị giết, bang giao quốc tế, Đạt-lai Lạt-ma, “kì tích kinh tế” của Trung-quốc, và nhiều chủ đề khác.

Kiên định với triết lí “không kẻ địch” được ông tiếp dụng sau năm 1989, giọng điệu gay gắt của những bài viết trước đó của ông nay nguội lại. Nhưng tính ngay thẳng tột cùng của ông—có vẻ là sự bất lực của ông trong việc không tỏ ra bộc trực được—vẫn không thay đổi. Đến giữa thập niên 2000, Lưu Hiểu Ba thường được nhìn nhận là  người bất đồng chính kiến dẫn đầu Trung-quốc. Mùa xuân năm 2008, một số người bạn của ông nghĩ ra ý tưởng viết một bản tuyên ngôn của công dân, kêu gọi bầu cử tự do và chính phủ lập hiến ở Trung-quốc. Họ gọi bản đó là “Linh bát Hiến chương (Charter 08)”, theo sự ngưỡng mộ có ý thức đối với Václav Havel và bản “Hiến chương 77” của Tiệp-khắc. Lưu Hiểu Ba ban đầu không gia nhập, nhưng vào mùa thu năm ấy, khi việc soạn thảo diễn ra tốt đẹp và đà tiến đang tăng dần, ông lại dốc sức vào dự án này. Ông biên tập các bản thảo và tìm cách loại bỏ những câu chữ kích nộ không cần thiết vốn có thể ngăn một số người không kí tên vào. Sau đó ông hỗ lực hết sức để có được chữ kí—không chỉ từ những người bất đồng chính kiến nổi danh mà còn từ giới công nhân, nông dân, viên chức nhà nước và những người khác vốn sẵn lòng tụ lại bên dưới một túp lều lớn nhằm yêu cầu có được một xã hội cởi mở và tự do hơn. Ngôn ngữ dùng trong Hiến chương này là một ngôn ngữ tiết độ. Phần lớn bản Hiến chương đã xuất hiện trong các văn kiện của Trung-quốc và Liên hợp quốc. Nhưng một vài dòng, như “chúng ta phải thủ tiêu cái đặc quyền lũng đoạn công việc chấp chính của một đảng”, rõ ràng đã đi vượt quá điều mà giới cai trị Trung-quốc có thể nuốt trôi.

Rõ ràng là công lao của Lưu cho bản Hiến chương 08 đã dẫn ông tới chỗ một năm sau đó bị kết án 11 năm tù, và tới giải Nobel Hoà bình ở năm tiếp theo. Ở bữa yến tiệc Nobel vào tháng Mười hai năm 2010, một thành viên của uỷ ban tuyển chọn đã nói với tôi rằng trong nhiều năm qua nhóm của bà đã muốn trao giải cho một người Trung-quốc và những sự kiện của năm vừa qua “đã khiến chuyện này rốt cuộc có vẻ như xảy ra đúng thời điểm”. Chủ tịch Trung-quốc Hồ Cẩm Đào 胡锦涛 và Cục Chính trị của y có thể lấy làm khó chịu khi nhận ra (nếu có nhận ra được) rằng việc họ cầm tù Lưu đã giúp dọn đường đến giải thưởng này cho Lưu.

Sự tình xem chừng làm người ta rối trí khi một người cổ xuý “không kẻ địch”, người thực sự cố công làm mềm đi ngôn ngữ dùng trong bản Hiến chương, lại được chọn ra trừng phạt trong suốt thời gian đàn áp của chính phủ Trung-quốc. Nhiều đồng nghiệp của Lưu bị câu lưu và tra khảo, và bị tịch thu máy tính, nhưng chỉ mỗi Lưu bị đưa vào tù. Mặc dù “sát kê cấp hầu khán (giết gà để khỉ thấy mà sợ)” là kĩ thuật chính trị thường tình của Trung-quốc Cộng-sản, nhưng vẫn còn đó câu hỏi tại sao một con gà yêu hoà bình lại là lựa chọn của họ.

Câu trả lời dường như ở chỗ, phong trào Hiến chương đó được xem như là một “tổ chức” trái phép mà người lãnh đạo là Lưu. Giới cai trị Trung-quốc trong thời gian gần đây đã chứng tỏ rằng họ có thể khoan dung những hành vi dùng lời chỉ trích từ phía quần chúng miễn là việc đó phát xuất từ những cá nhân đơn độc. Một tổ chức trái phép, cho dù tiết độ, cần phải được nghiền nát. Năm 2005, Hồ Cẩm Đào công bố một báo cáo mật mang tên “Đánh một trận không khói: Giữ ‘Cách mạng Màu’ ở ngoài Trung-quốc”. Báo cáo này nói những người như Nelson Mandela, Lech Wałęsa, và Aung San Suu Kyi là những người nguy hiểm. Nếu những phong trào tương tự xuất hiện ở Trung-quốc, Hồ ra chỉ thị, “những tay to” phải bị bắt giữ và “những tay nhỏ” được để yên. Tháng Mười một năm 2008, khi cảnh sát Trung-quốc biết được người ta đang kí bản Hiến chương 08, họ đã chính thức gắn nhãn vụ này là một toan tính dấy khởi một cuộc “cách mạng màu”. Việc đó khiến Lưu Hiểu Ba thành “tay to” vốn phải bị hạ bệ. Có nhiều dấu hiệu cho thấy bản thân Lưu hiểu cái cơ chế này. Khi ông chung tay làm bản Hiến chương, ông đã bảo với những người bạn của ông rằng, ngoài việc biên tập và thu thập chữ kí, ông sẽ “lãnh trách nhiệm” đối với bản Hiến chương này—mà thực tế là liều lĩnh trở thành một “tay to”.

Tại sao Hồ Cẩm Đào và người của ông ta lại quyết định bản án 11 năm—không phải 10, 12 hay một con số nào khác—khi ấy là một bí ẩn và đến nay vẫn vậy. Trong số nhiều phỏng đoán được đưa ra, một phỏng đoán cho rằng 11 năm là 4018 ngày và có 4024 kí tự Trung-quốc trong bản Hiến chương 08. Do vậy: một ngày cho mỗi kí tự ông viết ra, ông Lưu à, và chúng tôi sẽ miễn cho ông sáu kí tự cuối cùng. (Đây là một phỏng đoán, nhưng không phải câu chuyện đùa. Loại suy nghĩ nhỏ mọn và đậm tính cá nhân đó là thứ thường thấy trong giới chính trị nhiều quyền lực ở Trung-quốc.)

Sự kết hợp giữa Hiến chương 08 và giải Nobel sau đó có vẻ, trong một khoảng thời gian, mở ra một chọn lựa mới cho Trung-quốc. Công dân Trung-quốc trước đó từ lâu đã quen với sự luân phiên theo định kì giữa khuynh hướng “tự do hơn” và khuynh hướng “bảo thủ hơn” trong lối cai trị Cộng sản, và họ thường phó thác hi vọng cho viên chức cấp cao này kia, nhưng Hiến chương 08 có vẻ như nói rằng có thể có một phương cách khác để trở thành người Trung-quốc hiện đại.

Thật khó tìm được ai bất đồng với bản Hiến chương một khi họ đã đọc nó, và chính cái tiềm năng lây lan này là thứ khiến giới lãnh đạo chế độ âu lo nhất. Đó là lí do của họ (không phải lí do được tuyên bố mà là lí do thực sự) cho việc áp chế bản Hiến chương, cho việc cầm tù Lưu Hiểu Ba, và cho việc lên án giải Nobel Hoà bình. Những nỗ lực của giới cầm quyền đã tỏ ra hiệu quả: hầu hết thanh niên Trung-quốc ngày nay không biết Lưu Hiểu Ba là ai, và những người lớn hơn thì biết rõ cái giá của việc nói ra bất kì điều gì về Lưu ở chỗ công cộng.

Những hành động kiểm soát đối với xã hội Trung-quốc đang được thắt chặt trong vài năm qua, dưới thời cai trị của Tập Cận Bình 習近平—hướng đi đối nghịch với những điều Hiến chương kêu gọi. Điều này làm dấy lên câu hỏi, “Bản Hiến chương đã chết rồi sao? Những nỗ lực đều vô dụng sao?” Câu hỏi khó, nhưng câu trả lời của tôi là không. Tổ chức đó đã bị nghiền nát nhưng các ý tưởng của nó thì không. Chính phủ Trung-quốc đã có nhiều nỗ lực liên tiếp—cần mẫn, không dứt, diễn ra khắp nước và rất tốn kém—nhằm trấn áp mọi thứ giống với những ý tưởng của Hiến chương 08, và điều đó là bằng chứng đủ để cho thấy những kẻ cai trị rất ý thức được cái sức mạnh đang tiếp tục tồn tại của bản Hiến chương.

Hẳn sẽ rất tuyệt khi nghe đích thân Lưu Hiểu Ba trả lời câu hỏi đó. Thế giới không được phép nghe một câu nói nào từ ông kể từ lời “Trần thuật tối hậu” của ông ở phiên toà hồi năm 2009. Tháng Sáu năm 2017 này, ông được chuyển sang buồng giam giữ ở một bệnh viện của tỉnh Thẩm-dương 沈阳 khi ông bị mắc ung thư gan giai đoạn cuối. Ông từng yêu cầu để cho chính ông, vợ ông và em vợ ông được an toàn đến Đức hoặc Mĩ để ông có thể được điều trị. Chính phủ Trung-quốc  từ chối, bảo rằng Lưu đã nhận được chăm sóc y tế tốt nhất có thể và quá yếu để đi nước ngoài. Ông mất ngày 13 tháng Bảy năm 2017.

Thật khó hiểu tại sao, trong những tuần cuối của đời mình, Lưu lại đồng ý từ bỏ mong muốn ở lại Trung-quốc mặc cho trước đó ông luôn từ khước việc bị gạt ra bên lề, một việc không tránh khỏi nếu ông sống lưu vong; có lẽ ông muốn dùng chút sức lực cuối cùng của mình để giúp người vợ Lưu Hà vốn chịu đau khổ đã lâu và người em vợ Lưu Huy 刘晖 có thể ra khỏi Trung-quốc. Nhưng lối suy nghĩ của những kẻ giam giữ ông có lẽ không thể nào rõ ràng hơn: mọi sự không liên quan đến việc chăm sóc y tế mà liên quan đến việc ngăn cản không cho Lưu Hiểu Ba nói ra ý nghĩ của mình một lần sau cuối. Ông nghĩ gì trong suốt tám năm trong tù? Ông đã nhìn thấy trước những gì cho một thế giới trong đó chế độ độc tài Cộng sản chủ nghĩa của Trung-quốc đang tiếp tục phát triển thêm?

Lưu Hiểu Ba đã được sánh với Nelson Mandela, Václav Havel, và Aung San Suu Kyi, ai cũng từng chấp nhận đi tù như cái giá cho việc theo đuổi một nền cai trị nhân văn hơn ở quê nhà của mình. Nhưng Mandela, Havel, và Suu Kyi đều sống đến lúc chứng kiến mình thoát khỏi những chế độ cầm thú từng trấn áp họ, còn Lưu Hiểu Ba thì không. Liệu điều này có nghĩa vị trí của ông trong lịch sử sẽ tụt lại sau họ? Liệu thành công của một phong trào có là điều cần thiết để lãnh đạo của phong trào đó được xem là anh hùng?

Có lẽ thế. Dù vậy, có thể hữu ích khi so sánh Lưu Hiểu Ba với Tập Cận Bình. Hai người cách nhau chỉ hai tuổi. Trong suốt thời gian Cách mạng Văn hoá của Mao, cả hai đều bỏ học và đều bị đày đi biệt xứ. Tập dùng khoảng thời gian đó để bắt đầu tạo dựng một lí lịch vốn sẽ cho phép y, bám vào váy áo người bố Cộng sản ưu tú, để một ngày kia ra tranh đoạt quyền lực tối thượng; Lưu dùng khoảng thời gian đó để tự mình đọc sách và học cách tự tư duy lấy. Một kẻ quán triệt các chiêu trò mưu mẹo và siểm nịnh mà một người cần đến hòng thăng tiến được trong một cơ chế quan liêu khép kín; người kia tìm hiểu cách chất vấn đủ loại học thức mình nhận được, chỉ giữ cho bản thân những ý tưởng nào có thể qua được thử thách tra xét độc lập và nghiêm cẩn. Đối với một người, giá trị được đo lường bằng quyền lực và vị thế; đối với người còn lại, là bằng giá trị đạo đức. Trong cuộc giằng co cuối cùng của họ, một người “thắng”, người kia “thua”. Nhưng hai trăm năm sau kể từ giờ, ai sẽ nhớ đến tên của những kẻ bạo chúa cầm tù Mandela, Havel, và Suu Kyi? Người ta sẽ nhớ đến vẻ sáng ngời phát ra từ trí tuệ sắc bén của Lưu Hiểu Ba, hay là nhớ đến tính tầm thường thô thiển của Tập?

 

Chuyển ngữ tại Sài-gòn,
20170714

Nguồn:

Link, Perry. “The Passion of Liu Xiaobo.” The New York Review of Books, 7/2017: http://www.nybooks.com/daily/2017/07/13/the-passion-of-liu-xiaobo/.

Leave a comment