Perry Link – Khúc thọ nạn của Lưu Hiểu Ba

Ảnh: Liu Xa/New York Review of Books

Perry Link

Khúc thọ nạn của Lưu Hiểu Ba

Duy Đoàn chuyển ngữ

Lời người dịch: Đây coi như là bài điếu văn, do Perry Link chấp bút, dành cho Lưu Hiểu Ba, ngay sau cái chết của ông vào ngày hôm qua (13/7/2017). Một bài viết tóm tắt sự thọ nạn của ông từ bấy đến nay, rất súc tích và rất trúng đích.

Vào cuối thập niên 1960, Mao Trạch Đông 毛泽东, Đại Đà thủ (大舵手/Great Helmsman) của Trung-quốc, khuyến khích trẻ em và thiếu niên nên đối đầu với giáo viên và bố mẹ chúng, tiệt trừ “ngưu quỷ xà thần”, và nói cách khác là “làm cách mạng”. Thực tế điều này nghĩa là đóng cửa các trường học ở Trung-quốc. Trong những thập niên sau đó, nhiều người đã chỉ trích sự thiếu giáo dục của một thế hệ.

Lưu Hiểu Ba 刘晓波, khôi nguyên Nobel Hoà bình, người bị kết án 11 năm vì tội “khích động lật đổ” chính quyền Trung-quốc, và người đã chết vì ung thư gan hồi thứ Năm (13/7/2017), chính là người minh hoạ cho một hình mẫu khác. Lúc trường học đóng cửa, Lưu, sinh năm 1955, được 11 tuổi, nhưng dẫu sao ông cũng đọc sách, ở bất cứ chỗ nào ông có thể tìm thấy sách. Với việc không giáo viên nào bảo ông biết chính phủ muốn ông nghĩ gì ở những cuốn sách ông đọc, ông bắt đầu tự mình suy tư lấy—và ông yêu thích việc này. Mao tình cờ đã dạy ông một bài học vốn đối nghịch trực tiếp với mục tiêu của chính Mao trong việc cải đổi trẻ em thành những “hồng tiểu binh”.

Nhưng trải nghiệm này chỉ giải thích được một phần cho tính độc lập ngoan cường của Lưu. Tính này có vẻ còn là một đặc điểm bẩm sinh. Nếu có một loại gien dành cho sự thẳng thừng, Lưu có thể có nó. Vào thập niên 1980, trong khi hãy còn là sinh viên cao học ngành văn chương Trung-quốc, ông đã nổi danh như là một “hắc mã” vì ông lên án gần như mọi nhà văn Trung-quốc đương thời: ngôi sao văn chương Vương Mông 王蒙 là tay giảo hoạt chính trị; những cây bút “tầm căn 寻根 (tìm về nguồn cội)” như Hàn Thiểu Công 韓少功 lại quá sức lãng mạn khi nói về giá trị của những truyền thống Trung-quốc; thậm chí những vị anh hùng lên tiếng vì người dân như Lưu Tân Nhạn 刘宾雁 lại quá sẵn sàng phó thác hi vọng vào những lãnh đạo Cộng sản theo “tự do chủ nghĩa” như Hồ Diệu Bang 胡耀邦. Không ai có đủ tinh thần độc lập. Ông viết vào năm 1986, “Tôi có thể tóm gọn trong một câu cho thấy chuyện gì bất ổn đối với các nhà văn Trung-quốc. Họ không tự mình viết sáng tạo được—họ chỉ đơn giản là không có năng lực đó—vì chính cuộc đời của họ không thuộc về họ.” Continue reading

Ian Johnson – Những kẻ thao túng kí ức ở Trung-quốc

Ian Johnson

Những kẻ thao túng kí ức ở Trung-quốc

Duy Đoàn chuyển ngữ

 

Giới cai trị của đất nước này không chỉ bưng bít lịch sử, họ còn tái tạo lịch sử nhằm phục vụ thời hiện tại. Họ biết rằng, trong một nhà nước cộng sản, sự thay đổi thường bắt đầu xảy ra khi quá khứ bị thách thức

 

Khi tôi lần đầu đến Trung-quốc năm 1984, bạn đồng học ngoại quốc và tôi tại trường Đại học Bắc-kinh thường chơi một trò cùng với cuốn sách hướng dẫn cũ. Có nhan đề Nagel’s Encyclopaedia Guide: China (Hướng dẫn toàn thư của Nagel: Trung-quốc), được xuất bản lần đầu năm 1968 tại Thuỵ-sĩ và có nhiều mô tả về các địa điểm văn hoá quan trọng được giới ngoại giao và học giả Pháp ghé thăm. Điều mấu chốt đối với chúng tôi là họ đã tập hợp thông tin hồi thập niên 1950 và đầu thập niên 1960. Nói cách khác, những thông tin này ở thời điểm ngay trước khi Mao phát động cuộc Cách mạng Văn hoá huỷ hoại hàng vạn nơi thờ phụng và địa điểm lịch sử ở khắp Trung-quốc. Chúng tôi tra một nơi ở Bắc-kinh và cưỡi xe đi để xem còn lại những gì.

Tôi nhớ một chuyến đi tìm Ngũ Tháp Tự (五塔寺 – Five Pagoda Temple), được xây dựng cuối thế kỉ 15 và có 5 cái tháp nhỏ nằm trên một bệ đá lớn. Sách của Nagel ghi rằng hầu hết đã bị tiêu huỷ vào thời tao loạn cuối thế kỉ 19 và đầu thế kỉ 20, nhưng vẫn còn đó 5 cái tháp. Mấy tấm bản đồ năm 1980 của chúng tôi cho thấy không có gì, nhưng sách của Nagel làm chúng tôi thấy hiếu kì. Liệu nó còn tồn tại? Continue reading